An toàn giao thông và vấn đề người đi bộ tham gia giao thông hiện nay

Thông tin chỉ đạo – điều hành

An toàn giao thông và vấn đề người đi bộ tham gia giao thông hiện nay

Cập nhật ngày: 23-08-2017 | 08:53:12 GMT +7, lượt xem: 461

Tạp chí CSND – Trong những năm gần đây cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ thì vấn đề trật tự an toàn giao thông càng trở nên quan trọng. Trong đó, tình trạng người đi bộ vi phạm Luật giao thông đường bộ xảy ra khá phổ biến.

Ngày 13/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó, quy định rõ những quy tắc bắt buộc dành cho người đi bộ, chế tài xử phạt, thẩm quyền xử phạt. Tuy nhiên trên thực tế đã xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có liên quan đến người đi bộ; tình trạng người đi bộ vi phạm Luật giao thông đường bộ vẫn diễn ra hết sức phổ biến, nhưng việc xử phạt hành chính đối với người đi bộ vi phạm lại ít được các lực lượng chức năng quan tâm, số trường hợp bị xử lý theo quy định pháp luật không đáng kể. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Tình hình vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông ở Việt Nam, đặc biệt ở các đô thị lớn của Việt Nam mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn nghiêm trọng và trở thành một vấn đề lớn của hội. Vấn đề bảo đảm ATGT được coi là một trong những chính sách trọng tâm, cấp thiết của Chính phủ, Bộ GTVT, Uỷ ban ATGTQG và chính quyền các địa phương.Hiện nay, tình trạng người đi bộ vi phạm luật giao thông diễn ra khá phổ biến trên nhiều tuyến đường như người đi bộ vượt qua dải phân cách, qua đường không đúng nơi quy định, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông… Những hành vi vi phạm này luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông, nhưng số biên bản xử lý các trường hợp vi phạm của người đi bộ lại rất ít, không đáng kể. Mặc dù các quy định trong lĩnh vực giao thông đường bộ nêu rõ việc xử phạt người đi bộ khi vi phạm các quy tắc giao thông đường bộ. Thế nhưng, dường như phớt lờ quy định, các vi phạm liên quan đến người đi bộ (đi không đúng làn đường quy định, vượt đèn đỏ…) tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông vẫn diễn ra phổ biến. Như ở khu vực cầu vượt Hàng Xanh, TP. Hồ Chí Minh, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ở đây là rất lớn, thế nhưng tình trạng người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định ngay dưới chân cầu vượt để thuận tiện cho việc đón xe buýt diễn ra thường xuyên, khiến cho các phương tiện đi lên hoặc xuống cầu phải giảm tốc độ đột ngột, gây nguy hiểm cho những phương tiện này và người đi bộ qua đây. Những hành vi vi phạm này không chỉ bị xử lý hành chính mà còn có thể bị xử lý hình sự nếu là nguyên nhân gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Điển hình là vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Hưng Yên năm 2009, Nguyễn Thị Dương (sinh năm 1990, sinh viên trường Cao đẳng Bách khoa Hưng Yên) đã trèo qua hàng rào phân cách để qua đường, khiến cho người điều khiển xe mô tô bất ngờ, không kịp xử lý, đã đâm vào lề đường. Hậu quả là người điều khiển xe mô tô đã tử vong, Nguyễn Thị Dương bị TAND huyện Mỹ Hào, Hưng Yên tuyên phạt 9 tháng tù giam, 18 tháng thử thách về hành vi cản trở giao thông đường bộ. Đây là trường hợp đầu tiên người đi bộ vi phạm luật giao thông bị xử lý hình sự. 
Mặt khác, hành vi vi phạm luật giao thông của người đi bộ còn có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân họ. Như vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ngày 14/4/2014, trên đường Hồng Bàng, quận 6, TP. Hồ Chí Minh, một người phụ nữ đi bộ qua đường không đúng nơi quy định đã xảy ra va chạm với một nam thanh niên đang điều khiển xe mô tô biển số 52X5-2696 lưu thông theo hướng từ vòng xoay Phú Lâm đi vòng xoay cây Gõ. Vụ va chạm làm người phụ nữ bị ngã xuống đường. Xe ô tô mang biển số 51B-033.37 lưu thông cùng chiều với xe mô tô bất ngờ, không tránh kịp nên đã cán qua người phụ nữ. Hậu quả đã khiến cho nạn nhân tử vong tại chỗ. Vụ tai nạn xảy ra khiến cho giao thông trên tuyến đường Hồng Bàng và các tuyến đường lân cân cận bị ùn tắc nghiêm trọng. Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có liên quan đến người đi bộ không chỉ gây mất trật tự an toàn giao thông mà còn gây nguy hiểm cho bản thân họ và các phương tiện tham gia giao thông khác. Hậu quả không những gây thiệt hại về tài sản mà còn gây thiệt hại về người khá lớn.
Đến thời điểm hiện tại các quy định đảm bảo quyền lợi, sự an toàn của người đi bộ cũng như các phương tiện tham gia giao thông đã có từ lâu, song có một thực tế không thể phủ nhận, việc người đi bộ phớt lờ các quy định, ngang nhiên vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn diễn ra khá nhức nhối.
Luật Giao thông đường bộ đã qui định rõ người đi bộ khi tham gia giao thông phải thực hiện theo các quy định: 
– Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. 
– Nơi không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ thì khi qua đường người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới để qua đường an toàn, nhường đường cho các phương tiện giao thông đang đi trên đường và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.
– Nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ qua đường thì người đi bộ phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn và qua đường đúng các vị trí.
– Trên đường có dải phân cách, người đi bộ không được vượt qua dải phân cách. 
– Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt.
Để đảm bảo điều kiện thuận lợi và an toàn cho người đi bộ, hiện nay ngành Giao thông vận tải đã lắp đặt các biển báo chỉ dẫn, đèn tín hiệu, sơn kẻ vạch hướng dẫn giao thông khá đầy đủ trên hầu hết các tuyến đường, các nút giao thông cho người đi bộ. Tại các thành phố, thị xã, quốc lộ có lưu lượng giao thông lớn đã xây dựng cầu vượt, hầm chui dành cho người đi bộ sang đường. Vỉa hè được sửa sang, lát gạch chống trơn, thuận tiện cho người đi bộ. Tuy nhiên trên thực tế lại gặp phải những vấn đề sau đây:
– Tại giao lộ có đèn tín hiệu giao thông, người đi bộ chỉ được qua đường khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ chặn các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đèn tín hiệu dành cho người đi bộ qua đường chuyển màu xanh; và người đi bộ phải qua đường tại các vạch sơn dành cho người đi bộ. Tuy nhiên một bộ phận người đi bộ không chấp hành đúng theo quy định, Mặt khác một số người điều khiển phương tiện không dừng xe theo đúng quy định, chèn lên vạch sơn dành cho người đi bộ khiến cho người đi bộ không thể qua đường tại vạch sơn quy định. Bên cạnh đó, việc cho phép xe mô tô được phép rẽ phải khi có đèn đỏ, khiến cho phát sinh xung đột giao thông giữa phương tiện rẽ phải với người đi bộ, có khả năng gây tai nạn cho người đi bộ, nhất là vào giờ cao điểm nguy cơ xảy ra tai nạn càng cao. 
– Tại những nơi có vạch sơn hoặc không có vạch sơn dành cho người đi bộ và không có đèn tín hiệu, người đi bộ qua đường cũng gặp không ít khó khăn khi những người điều khiển các phương tiện cơ giới thường không có ý thức giảm tốc độ, hoặc không nhường đường cho người đi bộ;
Một số cầu vượt được quy hoạch chưa hẳn phù hợp. Một số hầm chui qua đường đã được xây dựng xong, nhưng cũng không được đưa vào khai thác sử dụng liền gây lãng phí. 
Có tuyến đường có dải phần cách cứng, hoặc rào phân cách làn đường, người đi bộ muốn qua đường phải đi hàng cây số mới đến điểm mở để sang được đường… Do đó, để di chuyển nhanh chóng, người đi bộ không đi đến điểm cầu vượt, hầm chui mà vẫn băng qua đường, trèo qua dải phân cách, rào chắn phân cách để sang đường.
Một số nơi, vỉa hè dành cho người đi bộ bị chiếm dụng để kinh doanh dịch vụ, trông giữ xe đạp, xe máy, khiến người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường. Ở các trường học, vào giờ tan trường học sinh tràn xuống vỉa hè, lòng đường gây xung đột giao thông với phương tiện.
Để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn TTATGT,Chính phủ đã ban hành Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủquy định xử phạtvi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộquy định xử phạt đối với người đi bộ vi phạm qui tắc, việc xử phạt người đi bộ vi phạm một số hành vi sẽ được áp dụng như sau: tại Điều 9 quy định.
1.Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không đi đúng phần đường quy định, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;
b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường;
c) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.
2. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông;
b) Vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn;
c) Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
3. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp quyết liệt, xử lý nghiêm các vi phạm trật tự an toàn giao thông, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, triển khai Nghị định 171/2013/NĐ-CP, việc xử lý người đi bộ vi phạm gặp không ít khó khăn.Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính đối với người đi bộ vi phạm giao thông ít được các lực lượng, cơ quan chức năng quan tâm. Theo thống kê tại các đơn vị chức năng, số biên bảnxử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến người đi bộ chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng số các vi phạm bị xử lý.
Một trong các nguyên nhân đó là khi lực lượng cảnh sát phát hiện người đi bộ vi phạm, tiến hành lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính đối với người đi bộ thì người đi bộ thường không mang theo hoặc không xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ tùy thân, không mang theo tiền…. Trong khi đó, tại Điều 9 Nghị định 171/2013/NĐ-CP hình thức xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Điều này đã gây khó khăn, vướng mắc cho lực lượng cảnh sát khi thi hành nhiệm vụ, dẫn đến tình trạng quy định thì rõ ràng nhưng khó trong việc thực hiện. 
Hành vi vi phạm của người đi bộ diễn ra mọi lúc, mọi nơi nên lực lượng chức năng cũng không thể kiểm soát hết được. Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm của người đi bộ còn thấp, mức thấp nhất là 50.000 đồng, mức phạt cao nhất là 120.000 đồng, chưa đủ để khiến người đi bộ quan tâm, nếu có bị lập biên bản thì cũng không sao. 
Tại Điều 9 Nghị định 171/2013/NĐ-CPkhông có quy định tạm giữ người đi bộ để bảo đảm việc xử lý vi phạm, do đó người có thẩm quyền xử phạt cũng không có quyền tạm giữ người đi bộ vi phạm để bảo đảm việc phạt tiền.Theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 của Thông tư số 42/2010/TT-BCA ngày 4/11/2010 của Bộ Công an, một trong những trường hợp được tạm giữ theo thủ tục hành chính là trường hợp tạm giữ người để “bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính”. Tuy nhiên, chỉ có Trưởng công an phường, Trưởng công an cấp huyện, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông mới đủ thẩm quyền ra quyết định tạm giữ hành chính (theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính (ban hành kèm theo Nghị định 162/2004/NĐ-CP ngày 7/9/2004 của Chính phủ). Do đó việc tạm giữ hành chính người đi bộ để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính cũng rất khó thực hiện và chồng chéo thẩm quyền.    
Như vậy ta có thể thấy nguyên nhân vi phạm luật giao thông của người đi bộ một phần do yếu tố là cơ sở hạ tầng chưa phù hợp; việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT chưa đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng; công tác quản lý về trật tự, an toàn giao thông còn bộc lộ một số điểm hạn chế, nhiều người vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông rất ngang nhiên mà không bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm; một phần do yếu tố chủ quan là ý thức của người tham gia giao thông mà ý thức của người đi bộ là chủ yếu. 
Để nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của người đi bộ, nâng cao hiệu quả trong công tác xử lý người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông hiện nay, hạn chế các nguyên nhân gây mất trật tự an toàn giao thông do người đi bộ, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt một số công tác sau:
Một là, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và nếu cần thiết, hãy xử lý thật nghiêm những hành vi này để răn đe, phòng ngừa chung. Người dân khi tham gia lưu thông phải chấp hành nghiêm Luật giao thông đường bộ, để bảo vệ mình và người khác. Bên cạnh việc tăng cường tuần tra, chính quyền địa phương cần chung tay hơn nữa trong công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Tránh xảy ra hậu quả mới lo khắc phục
Hai là,tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ trên các phương tiện truyền thông, ở trường học, cơ quan, xí nghiệp, cộng đồng dân cư để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng tham gia giao thông để bảo vệ mình, thì biện pháp xử phạt nghiêm vi phạm hành chính là một trong các hình thức quan trọng để nâng cao ý thức của người đi bộ. Việc xử phạt hành vi người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ không khó. Cảnh sát giao thông cần cương quyết trong việc xử lý vi phạm, dù mức phạt có thể còn thấp, dù có thể mất nhiều thời gian. 
Ba là, Các lực lượng chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, với các ban ngành, đoàn thể, cơ quan trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Bốn là, xử lý vi phạm hành chính đối với người đi bộ vi phạm, khi bị lập biên bản vi phạm hành chính mà không mang theo giấy chứng minh nhân dân, không mang theo tiền nộp phạt, thì người lập biên bản vi phạm ngoài việc lập biên bản theo thủ tục chung, cần chụp ảnh, lấy dấu vân tay người vi phạm và hẹn ngày đến cơ quan công an xuất trình phiếu thu đã nộp phạt tại Kho bạc Nhà nước.  
-Nếu người vi phạm khai tên tuổi, địa chỉ không đúng, không thực hiện việc nộp phạt, thì qua hình ảnh và dấu vân tay, cơ quan công an có thể xác minh được nhân thân và địa chỉ người vi phạm để áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính.
-Ghi hình xử phạt “nguội” sẽ được nhân dân đồng thuận cao và tác động tích cực nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của nhân dân, giảm đáng kể các vụ TNGT do ngừơi đi bộ gây ra.
Năm là, tăng cường công tác tổ chức giao thông, nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông,đầu tư xây dựng quản lý cơ sở hạ tầng giao thông đảm bảo cho người đi bộ tham gia giao thông một cách an toàn.
Để hạn chế tai nạn giao thông, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình và của toàn xã hội, hơn ai hết mỗi người dân khi tham gia giao thông hãy ý thức và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông đường bộ! Mỗi gia đình, các bậc phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội hãy giáo dục tuyên truyền, nhắc nhở người thân trong gia đình chấp hành tốt luật giao thông đường bộ!Có như vậy, mục tiêu giảm vi phạm giao thông đường bộ của người đi bộ trong thời gian tới mới chuyển biến tích cực hơn.
Hoàng Trần Nghĩa Hiệp – T39

Theo Tạp chí Cảnh sát nhân dân – Csnd.vn