An ninh phi truyền thống:Từ nhận thức đến giải pháp

An ninh phi truyền thống:Từ nhận thức đến giải pháp

 

1. Nhận thức về An ninh phi truyền thống

An ninh phi truyền thống (ANPTT) là một khái niệm tương đối mới trong ngành khoa học nghiên cứu an ninh và nghiên cứu quan hệ quốc tế trên thế giới, phản ánh nhận thức mới về an ninh quốc gia và thay đổi căn bản theo hướng phi quân sự của các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia sau Chiến tranh Lạnh.[1] ANPTT gần đây xuất hiện thường xuyên trong chương trình nghị sự và thảo luận tại các hội nghị, diễn đàn khu vực, quốc tế, trong các cuộc gặp song phương, đa phương giữa các quốc gia khi thảo luận các vấn đề như biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, bệnh truyền nhiễm, thiên thai, dịch bệnh…

Đáng tiếc là sau hơn ba thập kỷ, cộng đồng quốc tế vẫn chưa đạt được đồng thuận về khái niệm an ninh nói chung và ANPTT nói riêng. Hiện có khá nhiều cách hiểu, quan niệm về ANPTT cũng như có khá nhiều cách nhận thức, xác định các vấn đề ANPTT. Khái niệm ANPTT là bước phát triển từ an ninh truyền thống nhưng có nhiều đặc điểm mới so với an ninh truyền thống. Khái niệm ANTT “thống trị” lĩnh vực nghiên cứu an ninh và quan hệ quốc tế trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, lấy chủ thể Nhà nước làm trung tâm (state-centric) và hướng vào khía cạnh quân sự (military-oriented).

Thực tế trên là dễ hiểu do nghiên cứu về an ninh phi truyền thống chỉ mới phát triển, trong khi lại liên quan nhiều lĩnh vực, bao hàm nhiều thách thức an mới như tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, khủng bố, an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao, biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên, an ninh môi trường, an ninh năng lượng, an ninh tài chính tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh thông tin… Các thách thức ANPTT gây thêm khó khăn cho công tác quản trị của tất cả quốc gia trên thế giới; đang hàng ngày đe dọa trực tiếp, nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển bền vững, đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.  

Các nhà nghiên cứu tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung cho đến nay vẫn chưa đưa ra được định nghĩa chính thức về an ninh phi truyền thống. Sự khác biệt trong các quan niệm khác nhau về an ninh phi truyền thống tùy thuộc vào các nhìn nhận, góc độ tiếp cận, bối cảnh chính trị, văn hóa… của nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, về cơ bản, khái niệm này được hiểu là bao hàm những vẫn đề nằm ngoài an ninh truyền thống (an ninh chính trị và an ninh quân sự) như an ninh kinh tế, văn hóa, xã hội, thông tin, môi trường… ANPTT là những vấn đề an ninh phức tạp mang tính toàn cầu, xuyên quốc gia, không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự mình có thể giải quyết được mà cần hợp tác quốc tế thì mới có thể ứng phó. Hai khái niệm này tác động lẫn nhau, chuyển hóa cho nhau.[2]

Richard H. Ullman, Giáo sư ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Princeton, Hoa Kỳ có lẽ là người đầu tiên đặt ra yêu cầu cần có nhận thức mới về khái niệm an ninh và an ninh quốc gia. Trong bài viết đăng trên Tạp chí International Security năm 1983, Giáo sư Richard cho rằng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các chính quyền Hoa Kỳ đều định nghĩa an ninh quốc gia trong các thuật ngữ quá hẹp và quá mang tính quân sự. Điều này xuất phát từ thực tế là sẽ dễ dàng hơn cho các chính trị gia khi thu hút sự chú ý của công chúng vào các mối đe dọa nguy hiểm về quân sự, có thật hoặc là trong tưởng tượng, hơn là các mối đe dọa phi quân sự. Việc định nghĩa an ninh quốc gia như vậy có thể đưa ra hình ảnh nhận thức sai lầm về thực tế và rất nguy hiểm vì hai lý do sau: một là, nó khiến các quốc gia tập trung vào các mối đe dọa quân sự và không chú ý đến các mối nguy hiểm khác có thể gây hại lớn hơn; hai là, nó góp phần mở rộng việc quân sự hóa các mối quan hệ quốc tế mà về lâu dài chỉ có thể làm gia tăng tình trạng mất an ninh toàn cầu.[3]

Do đó, Giáo sư Đại học Princeton này đề xuất nên định nghĩa khái niệm an ninh một cách toàn diện hơn, chú ý đến những vấn đề phi quân sự có thể phá hoại sự ổn định của các quốc gia trong tương lai. Mối đe dọa đến an ninh quốc gia nên được định nghĩa là (1) mối đe dọa nghiêm trọng và trong một khoảng thời gian ngắn làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân hoặc (2) mối đe dọa đáng kể làm thu hẹp phạm vi lựa chọn chính sách của chính quyền một quốc gia hoặc các tổ chức tư nhân, phi chính phủ (cá nhân, nhóm, tập đoàn) trong một quốc gia. Như vậy, các mối đe dọa có thể đến từ bên trong và bên ngoài, bao trùm các thách thức từ chiến tranh, nổi loạn, các cuộc phong tỏa, thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh tàn khốc…[4]

Giáo sư Richard H. Ullman đề nghị các chính trị gia không chỉ phân bổ ngân sách cho các vấn đề quân sự mà còn phải quan tâm đến các vấn đề phi quân sự như: tăng trưởng dân số nhanh, bùng nổ đô thị hóa, tình trạng phá rừng, nạn đói trên toàn cầu… Ông cho rằng các tác động tiêu cực từ các thách thức an ninh phi quân sự sẽ gia tăng theo thời gian, càng ngày càng khó giải quyết theo thời gian nếu không sớm được nhận thức và giải quyết ngay.[5]

Giới học giả Trung Quốc thì chia các vấn đề ANPTT thành 05 nhóm, gồm: (i) vấn đề an ninh liên quan đến phát triển bền vững, bao gồm bảo vệ môi trường, phát triển tài nguyên, môi trường sinh thái toàn cầu và kiểm soát phòng chống dịch bệnh; (ii) các mối đe dọa an ninh đến sự ổn định khu vực và quốc tế, bao gồm an ninh kinh tế, an ninh xã hội, quyền con người và người tị nạn; (iii) tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có tội phạm mua bán người và buôn bán ma túy trái phép; (iv) các tổ chức phi nhà nước, phi quốc gia thách thức trật tự quốc tế, lớn nhất là các tổ chức khủng bố quốc tế; (v) vấn đề an ninh gây ra bởi phát triển công nghệ và toàn cầu hóa, trong đó có an ninh mạng, an ninh thông tin và an ninh kỹ thuật di truyền.[6]

Trong giới học giả Đông Nam Á, GS. Mely Caballero Anthony, Tổng Thư ký Liên minh các cơ sở nghiên cứu về ANPTT ở châu Á (NTS-Asia)[7] cho rằng theo nghĩa rộng, ANPTT “đề cập đến sự chuyển hướng khỏi trọng tâm quân sự, nhà nước của các mô hình an ninh truyền thống.” NTS-Asia định nghĩa: “Các vấn đề an ninh phi truyền thống là các thách thức đối với sự tồn vong và thịnh vượng của con người và các nhà nước, xuất hiện chủ yếu trong các nguồn phi quân sự, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, nguồn tài nguyên cạn kiệt, bệnh truyền nhiễm, thiên tai, di cư trái phép, tình trạng thiếu lương thực, đưa người di cư trái phép, buôn bán ma túy trái pháp luật và tội phạm xuyên quốc gia. Những mối nguy hiểm này thường xuyên quốc gia về phạm vi, bất chấp các biện pháp khắc phục đơn phương và đòi hỏi sự ứng phó toàn diện – chính trị, kinh tế, xã hội, cũng như sử dụng lực lượng quân sự nhân đạo”.

Cũng theo Liên minh này, các đặc điểm của các vấn đề ANPTT là: (i) có tính chất xuyên quốc gia liên quan đến nguồn gốc, quan niệm và tác động của chúng; (ii) không xuất phát từ sự cạnh tranh giữa các quốc gia hoặc sự thay đổi trong cán cân quyền lực, mà thường được định nghĩa theo các thuật ngữ chính trị và kinh tế xã hội; (iii) các vấn đề ANPTT như khan hiếm tài nguyên và di cư trái phép gây ra bất ổn xã hội và chính trị và do đó trở thành mối đe dọa đối với an ninh; (iv) các mối đe dọa khác như biến đổi khí hậu thường do con người gây ra những xáo trộn đối với sự cân bằng mong manh của tự nhiên với những hậu quả nghiêm trọng đối với cả các quốc gia và xã hội mà thường rất khó để đảo ngược hoặc sửa chữa; (v) các giải pháp quốc gia thường không đầy đủ và do đó về cơ bản sẽ đòi hỏi sự hợp tác khu vực và đa phương; (vi) Tham chiếu đến an ninh không chỉ là nhà nước (chủ quyền quốc gia hoặc toàn vẹn lãnh thổ), mà còn là con người (sự sống còn, hạnh phúc, phẩm giá) cả ở cấp độ cá nhân và xã hội.[8]

Trong Tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ sáu giữa ASEAN và Trung Quốc, tổ chức tại Phnôm Pênh, Campuchia ngày 04/11/2002, ASEAN và Trung Quốc thống nhất trong nhận thức rằng: “các vấn đề an ninh phi truyền thống như buôn bán ma túy bất hợp pháp, mua bán người bao gồm mua bán phụ nữ và trẻ em, cướp biển, khủng bố, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế và tội phạm mạng, đã trở thành những yếu tố bất ổn quan trọng ảnh hưởng đến an ninh khu vực, quốc tế và đang đặt ra những thách thức mới đối với hòa bình, ổn định của khu vực và quốc tế”; các vấn đề ANPTT có tính phức tạp, có nguồn gốc từ lâu và có tính chất ngày càng nghiêm trọng; cần phải giải quyết các thách thức ANPTT “bằng cách tiếp cận tổng hợp, kết hợp chính trị, kinh tế, ngoại giao, luật pháp, khoa học, công nghệ và các phương thức khác”; cần phải tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực để giải quyết các thách thức ANPTT. Theo thời gian, có một vài điều chỉnh trong danh sách và thứ tự các vấn đề ANPTT trong các văn bản hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN. Trong Bản ghi nhớ giữa ASEAN và Chính phủ Trung Quốc về Hợp tác trong các vấn đề an ninh phi truyền thống năm 2017, các lĩnh vực hợp tác bao gồm: “khủng bố, mua bán ma túy trái phép, mua bán người, rửa tiền, cướp biển, buôn lậu vũ khí, tội phạm kinh tế quốc tế, tội phạm mạng và các vấn đề an ninh khác các Bên cùng nhau thống nhất”.[9]

Tại Việt Nam, theo Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành, tuy còn sự khác biệt giữa các quan niệm về ANPTT nhưng các học giả cơ bản thống nhất nhận định: “An ninh phi truyền thống không phải là an ninh quân sự, mà là an ninh tổng hợp, bao gồm: các mối đe dọa đến an ninh con người và xã hội một cách toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh và môi trường sinh thái…  Tổng hợp từ nhiều nghiên cứu khác nhau, nội dung an ninh phi truyền thống bao gồm: Thiếu hụt tài nguyên, bùng phát dân số, môi trường sinh thái suy giảm, xung đột tôn giáo, sắc tộc, bạo loạn và ly khai trong nước, khủng hoảng kinh tế và tài chính tiền tệ, chủ nghĩa khủng bố, tin tặc, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, nghèo đói, tội phạm ma túy, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mới nổi, tội phạm mạng, di dân, tị nạn kinh tế, dịch bệnh, kinh tế ngầm, tội phạm rửa tiền.”[10]

Chuyên gia Nguyễn Vũ Tùng chia sẻ quan điểm với PGS. TS. Nguyễn Văn Thành trong nhận định rằng nhận thức về ANPTT phải đặt trong mối tương quan với an ninh truyền thống, chúng tuy có một số đặc điểm khác nhau nhưng không loại trừ nhau mà đều là thành tố cấu thành của an ninh quốc gia. ANPTT và an ninh truyền thống tác động, đan xen lẫn nhau, ảnh hưởng đến việc xây dựng chiến lược, chính sách an ninh của mỗi quốc gia nhằm ứng phó với những uy hiếp, thách thức mà các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống cấu thành. Thực tế cho thấy, an ninh quốc gia được bảo đảm thì người dân sinh sống trong quốc gia đó mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an ninh, an toàn… Ngược lại, khi quyền sống, quyền phát triển mọi mặt của người dân được bảo đảm thì sức mạnh tổng hợp quốc gia mới được tăng cường, nhờ đó đủ tiềm lực để bảo vệ an ninh quốc gia và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.[11]

 

2. Vấn đề An ninh phi truyền thống tại khu vực Đông Nam Á và Việt Nam

ANPTT nhận được sự quan tâm lớn tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và cộng đồng các quốc gia đang phát triển nói chung. Một số ý kiến cho rằng, cách tiếp cận vấn đề an ninh truyền thống thường có xu hướng phản ánh thế giới quan và lợi ích của các nước phương Tây. Thực tiễn ở các quốc gia đang phát triển cho thấy, nội chiến, các phong trào ly khai, các căng thẳng về sắc tộc và cộng đồng, bất ổn chính trị, tình trạng chênh lệch về điều kiện kinh tế mới được xác định là những mối quan ngại an ninh chủ yếu.

Giới hoạch định chính sách tại khu vực Đông Nam Á dành sự quan tâm ngày càng lớn đối với việc xác định và ứng phó với các thách thức ANPTT, đặc biệt là sau khủng hoảng tài chính 1997 – 1998. Bên cạnh các thách thức an ninh truyền thống, các thành viên ASEAN phải đối phó với ngày càng nhiều các vấn đề phi quân sự như: khủng hoảng kinh tế, các vấn đề môi trường xuyên biên giới (như vấn đề khói bụi (haze) do cháy rừng ở Indonesia gây ảnh hưởng đến Malaysia và Singapore), dịch cúm gia cầm, khủng bố… Các vấn đề an ninh mới thường xuyên nằm trong chương trình nghị sự của các thể chế khu vực như ASEAN, ASEAN+3, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) cũng như các mạng lưới không chính thức, kênh II như Hội đồng Hợp tác An ninh tại châu Á – Thái Bình Dương (CSCAP) và Hệ thống các viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế của ASEAN (ASEAN-ISIS). Mặc dù có quyết tâm chính trị cao nhưng đến nay mức độ xử lý các thách thức ANPTT của ASEAN còn hạn chế.[12] Trong cuốn sách Non-traditional Security Issues in ASEAN: Agendas for Action xuất bản năm 2020, các tác giả tiếp cận một số vấn đề ANPTT cụ thể đang hàng ngày thách thức các thành viên ASEAN như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhân đạo và ứng phó với thảm họa, an ninh y tế, an ninh hạt nhân, mua bán người và cưỡng bức di dời.[13]

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh, trên phạm vi rộng của các nguy cơ, thách thức ANPTT. Các thách thức ANPTT hiện hữu ngày càng rõ nét hơn và tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, văn hóa đến quốc phòng an ninh. Các nguy cơ, thách thức ANPTT ở Việt Nam đang có những biến đổi theo chiều hướng bất lợi đối với cuộc sống con người, thách thức sự phát triển bền vững của đất nước. Các thách thức ANPTT phổ biến ở Việt Nam hiện nay gồm: biến đổi khí hậu và thiên tai, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, an ninh thông tin…[14]

Vấn đề ANPTT đã được Đảng ta nhận thức từ rất sớm và dành sự quan tâm ngày càng tăng. Ngay từ Nghị quyết số 08/NQ-TW, ngày 17/12/1998 của Bộ Chính trị khóa VIII đã cảnh báo và chỉ ra một số thách thách thức ANPTT đối với an ninh quốc gia. Văn kiện Đại hội XI, XII của Đảng tiếp tục đề cập đến ANPTT. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh “Những vấn đề toàn cầu như: bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường… tiếp tục diễn biến phức tạp…”[15]; đồng thời đặt ra yêu cầu “sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống…”[16]. Điều này thể hiện tư duy, nhận thức vừa mới, vừa sâu sắc và toàn diện của Đảng ta về vai trò, vị trí của ANPTT đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phù hợp với chủ trương “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy”.

 

3. Liên hợp quốc với các vấn đề an ninh phi truyền thống

Liên hợp quốc (LHQ) từ lâu đã đóng vai trò dẫn dắt các nỗ lực toàn cầu để ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Điều này là dễ hiểu do LHQ là tổ chức duy nhất trên thế giới có đủ cơ chế cần thiết để ứng phó với những vấn đề toàn cầu (như biến đổi khí hậu, nạn đói, bệnh dịch, cứu trợ thiên tai, nâng cao vai trò của phụ nữ…), có đủ vị thế làm trung gian hòa giải, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột… Ví dụ như trong năm 2021, LHQ đã cung cấp khoảng 24 tỷ suất ăn cho 134 triệu người ở hơn 80 quốc gia; hỗ trợ 82,5 triệu người mất chỗ ở, chạy loạn do chiến tranh, nạn đói, thiên tai; duy trì hơn 90.000 binh sĩ và chuyên viên làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở các điểm nóng, xung đột trên thế giới; đóng vai trò nòng cốt trong việc đạt được thỏa thuận khí hậu mới “Hiệp ước khí hậu Glasgow”, hứa hẹn nhiều thay đổi đáng kể trong thời gian tới trong đó có cam kết quốc tế về giảm sử dụng than đá và lộ trình hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C… Hay trong hơn hai năm đại dịch Covid-19 vừa qua, LHQ thông qua Chương trình cung cấp vaccine toàn cầu COVAX đã cung cấp vaccine cho toàn thế giới, góp phần quan trọng kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Có ý kiến cho rằng hiệu quả của các nỗ lực toàn cầu trên còn rất hạn chế do nhiều nguyên nhân khác nhau như: (i) khác biệt trong nhận thức và lợi ích của các quốc gia đối với các vấn đề ANPTT, (ii) nguồn lực của LHQ rất hạn chế trong khi các thách thức ANPTT còn rất nhiều, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng an ninh diễn ra khắp nơi khiến thảm họa nhân đạo ngày càng nhiều thêm. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres xác định 10 ưu tiên chính sách cho năm 2021, gồm: ứng phó với COVID-19; bắt đầu phục hồi kinh tế toàn diện và bền vững; chung sống hòa bình với thiên nhiên; giải quyết tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng; đảo ngược các hành vi xâm phạm các quyền con người; bình đẳng giới: thách thức lớn nhất về quyền con người; hàn gắn những rạn nứt về địa chính trị; đảo ngược sự xói mòn của chế độ giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân; nắm bắt cơ hội của công nghệ kỹ thuật số trong khi bảo vệ khỏi những nguy cơ ngày càng tăng của chúng; khởi động thiết lập lại cho thế kỷ 21. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều vấn đề chưa thể kết thúc và còn tiếp tục là tâm điểm trên bàn nghị sự của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh trong nhiều năm tới nữa.

Đại dịch Covid-19 là tiếng gọi cảnh tỉnh đối với cộng đồng quốc tế về sự tồn tại và tác động khủng khiếp của các thách thức ANPTT. Dịch bệnh do virus corona lan tràn trên toàn thế giới không được dự báo trước và gây ra những tác động nghiêm trọng chưa từng có đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội… toàn cầu. Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhận định đại dịch COVID-19 là “cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng nhất”, và nhiều thách thức nhất mà thế giới phải đối mặt kể từ cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II.[17] Một báo cáo của LHQ nhận định virus gây chết người SARS-CoV-2 đang “tấn công vào cốt lõi của xã hội”.[18] Một lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) thậm chí khẳng định trong tháng 3/2020 rằng theo Tổ chức này thế giới đã bước vào một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu với mức độ nghiêm trọng bằng hoặc hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.[19]

Phát biểu tại nghị trường LHQ đầu năm 2021, người đứng đầu Liên hợp quốc đau xót nhận định, “năm 2020 là năm khủng khiếp toàn cầu: một năm chết chóc, thảm họa và tuyệt vọng”. Tính đến đầu tháng 7/2022, đã có tới gần 557 triệu ca nhiễm, tước đi mạng sống của gần 6,4 triệu người trên thế giới. Việt Nam cũng có 10,75 triệu ca nhiễm và 43.089 ca tử vong. Mặc dù dịch đã tạm thời ổn định nhưng Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo dịch Covid-19 chưa kết thúc, virus gây bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục biến đổi, có khả năng lây lan nhanh hơn.[20] Thực tiễn thời gian qua cho thấy dịch Covid-19 đã đưa đến những thay đổi quan trọng trong nhận thức của thế giới và từng quốc gia đối với vấn đề an ninh phi truyền thống nói riêng và đặt ra những khía cạnh, góc độ mới đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia nói chung.

Điều đáng lưu ý là thế giới còn phải ứng phó với hàng loạt thách thức bên cạnh dịch Covid, đặc biệt là mặt trái của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (tình trạng mất việc làm, gia tăng khoảng cách bất bình đẳng kinh tế xã hội, nguy cơ xâm phạm dữ liệu cá nhân, nguy cơ lợi dụng công nghệ mới cho các hoạt động bất hợp pháp, biến đổi khí hậu…).[21] Trong bài phát biểu hồi tháng 5/2022, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đưa ra những số liệu thống kê đáng buồn. Trong hai năm vừa qua, tình trạng thiếu ăn trên thế giới đã ở mức cao mới, số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng hơn 200%, từ 135 triệu người trước đại dịch Covid-19 lên mức 276 triệu người. Trong thập kỷ vừa qua, thời tiết khắc nghiệt và các thảm họa liên quan đến khí hậu đã ảnh hưởng đến 1,7 tỷ người trên trái đất… Tổng Thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh rằng các thách thức ANPTT có mối liên hệ với nhau khi nhắc nhở các đại biểu “Nếu chúng ta không nuôi sống mọi người, chúng ta nuôi xung đột”[22].

 

4. Đề xuất giải pháp ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống

Các thách thức ANPTT sẽ ngày càng gia tăng nghiêm trọng, vượt tầm kiểm soát của nhân loại trong thời gian tới. Để giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực có thể xảy ra, Việt Nam cùng các quốc gia khác trên thế giới cần thực hiện một số nhóm giải pháp sau:

Một là, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là của các nước lớn với tiềm lực kinh tế, khoa học, kỹ thuật mạnh nhằm phòng ngừa, ứng phó với các thách thức ANPTT như các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, bệnh dịch…

Hai là, mỗi quốc gia, khu vực và quốc tế cần xây dựng chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật có tính tương thích quốc tế cao và tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, để thích ứng và xử lý, giải quyết kịp thời các thách thức ANPTT.

Ba là, tích cực tham gia vào các công ước quốc tế, các hiệp ước đa phương hoặc song phương liên quan đến các vấn đề an ninh phi truyền thống để có tiếng nói chung và khung khổ pháp lý chung nhằm triển khai các nỗ lực toàn cầu ứng phó với các thách thức ANPTT.

Bốn là, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế thông qua cơ chế, phương thức đa tầng, đa dạng, linh hoạt nhằm chia sẻ thông tin, phối hợp phát triển các công nghệ, ứng dụng công nghệ phục vụ công tác dự báo khoa học, nhận diện các thách thức ANPTT, các yếu tố tác động… Từ đó phối hợp quốc tế xây dựng các phương án xử lý tận gốc những nguyên nhân làm nảy sinh, khắc phục những vấn đề ANPTT phức tạp “từm sớm, từ xa”.

Năm là, trong bối cảnh nguồn lực các quốc gia còn hạn chế như đã chứng kiến trong bối đại dịch Covid-19 vừa qua, cần tạo cơ chế thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội… vào quản lý, ứng phó các vấn đề ANPTT./.

 

Thiếu tá, TS. Lục Anh Tuấn,

Thư ký khoa học, Hội đồng Lý luận Trung ương

 

 

Tài liệu tham khảo

ASEAN, Memorandum of Understanding between the Association of Southeast Asian Nations (ASEAN) and the Government of the People’s Republic of China on Cooperation in the Field of Non-Traditional Security Issues, ngày 21/9/2017, https://asean.org/wp-content/uploads/2012/05/MoU-ASEAN-China-on-NTS-2017-2023.pdf (truy cập ngày 02/6/2022).

Antonio Guterres, “Remarks to Member States on Priorities for 2021 by UN General Secretary Antonio Guterres on 28 January 2021”, https://www.un.org/sg/en/content/sg/speeches/2021-01-28/remarks-member-states-priorities-for-2021 (truy cập ngày 03/6/2022).

Antonio Guterres, “Secretary General Antonio Guterres’ Remarks to the Global Food Security Call to Action Ministerial”, ngày 18/5/2022, https://www.un.org/sg/en/content/sg/speeches/2022-05-18/secretary-generals-remarks-the-global-food-security-call-action-ministerial%C2%A0 (truy cập ngày 03/6/2022).

Antonio Guterres, “Transcript of UN Secretary-General’s virtual press encounter to launch the Report on the Socio-economic impacts of Covid-19”, 31/3/2020, https://www.un.org/sg/en/content/sg/press-encounter/2020-03-31/transcript-of-un-secretary-general%E2%80%99s-virtual-press-encounter-launch-the-report-the-socio-economic-impacts-of-covid-19 (truy cập ngày 10/5/2022).

Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, t.1

Đoàn Minh Huấn, “An ninh phi truyền thống: Quan niệm và đặc điểm chủ yếu”, Tạp chí Mặt trận, tháng 11/2017.

Evanthia K. Zervoudi, “Forth Industrial Revolution: Opportunities, Challenges, and Proposed Policies”, in Industrial Robotics: New Paradigms, edited by Antoni Grau, Zhuping Wang. London: IntechOpen, 2020.

IMF, “Opening remarks at a press briefing by Kristalina Georgieva following a conference call of the International Monetary and Financial Committee (IMFC)”, 27/3/2020, https://www.imf.org/en/News/Articles/2020/03/27/sp032720-opening-remarks-at-press-briefing-following-imfc-conference-call (truy cập ngày 10/5/2022).

Jorn Dosch, “The Concept and Management of Non-traditional Security in Southeast Asia­­”, Sicherheit und Frieden (S+ F)/Security and Peace (2006).

Mely Caballero-Anthony (Ed.), An Introduction to Non-Traditional Security Studies: A Transnational Approach, 1st edn. SAGE Publications, 2015.

Mely Caballero-Anthony and Lina Gong (Ed.), Non-Traditional Security Issues in ASEAN: Agendas for Action, ISEAS – Yusof Ishak Institute, 2000.

Nguyễn Văn Hưởng, Hội nhập quốc tế và những vấn đề đặt ra cho công tác bảo vệ an ninh quốc gia, Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2010.

Nguyễn Văn Thành, Tham luận “An ninh phi truyền thống, những tác động và phương thức bảo đảm các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn thích ứng với cuộc CMCN lần thứ tư (4.0)” tại Tọa đàm chuyên đề “An ninh phi truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế: Những thách thức, một số vấn đề rút ra từ Việt Nam”, ngày 26/4/2021 tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nguyễn Văn Thành, Tham luận “Chủ động phòng ngừa, ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.

Nguyễn Vũ Tùng, “Tiếp cận thách thức an ninh phi truyền thống”, Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 4 (144), 2008,

NTS-Asia, “About Non-traditional Security”, https://rsis-ntsasia.org/about-nts-asia/#:~:text=Non%2Dtraditional%20security%20issues%20are,people%20smuggling%2C%20drug%20trafficking%20and (truy cập ngày 01/6/2022).

Phạm Thị Hoa, “Nhận diện và ứng phó kịp thời, hiệu quả với thách thức an ninh phi truyền thống”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, tháng 3/2022.

Richard H. Ullman, “Redefining Security”, International Security, Vol. 8, No. 1 (summer, 1983).

Tô Lâm và Nguyễn Xuân Yêm (Đồng chủ biên), An ninh phi truyền thống trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Nxb. Công an nhân dân, H. 2017.

United Nations, Shared responsibilities, global solidarity: Responding to the socio-economic impacts of Covid-19, tháng 3/2020.

 

 


[1] Mely Caballero-Anthony (Ed.), An Introduction to Non-Traditional Security Studies: A Transnational Approach, 1st edn. SAGE Publications, 2015.

[2] Nguyễn Văn Hưởng, Hội nhập quốc tế và những vấn đề đặt ra cho công tác bảo vệ an ninh quốc gia, Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2010, trang 69.

[3] Richard H. Ullman, “Redefining Security”, International Security, Vol. 8, No. 1 (summer, 1983), tr. 129.

[4] Richard H. Ullman, Sđd, tr. 133.

[5] Richard H. Ullman, sđd, tr. 153.

[6] Đoàn Minh Huấn, “An ninh phi truyền thống: Quan niệm và đặc điểm chủ yếu”, Tạp chí Mặt trận, tháng 11/2017.

[7] Liên minh nghiên cứu về an ninh phi truyền thống ở châu Á (NTS-Asia) gồm 14 viện nghiên cứu trên toàn châu Á. Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề an ninh phi truyền thống tại Khoa Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Tổng hợp Singapore đang đóng vai trò dẫn dắt Liên minh. Mục tiêu hoạt động chính của NTS-Asia là thúc đẩy nghiên cứu an ninh phi truyền thống, củng cố các nghiên cứu hiện có về các vấn đề liên quan, lồng ghép và đẩy mạnh lĩnh vực an ninh phi truyền thống trong ngành nghiên cứu quan hệ quốc tế và nghiên cứu an ninh.

[8] Xem NTS-Asia, “About Non-traditional Security”, truy cập theo đường dẫn: https://rsis-ntsasia.org/about-nts-asia/#:~:text=Non%2Dtraditional%20security%20issues%20are,people%20smuggling%2C%20drug%20trafficking%20and (truy cập ngày 01/6/2022).

[9] ASEAN, Memorandum of Understanding between the Association of Southeast Asian Nations (ASEAN) and the Government of the People’s Republic of China on Cooperation in the Field of Non-Traditional Security Issues, ngày 21/9/2017, https://asean.org/wp-content/uploads/2012/05/MoU-ASEAN-China-on-NTS-2017-2023.pdf (truy cập ngày 02/6/2022).

[10] Tham luận của Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành “An ninh phi truyền thống, những tác động và phương thức bảo đảm các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn thích ứng với cuộc CMCN lần thứ tư (4.0)” tại Tọa đàm chuyên đề “An ninh phi truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế: Những thách thức, một số vấn đề rút ra từ Việt Nam”, ngày 26/4/2021 tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

[11] Xem Nguyễn Vũ Tùng, “Tiếp cận thách thức an ninh phi truyền thống”, Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 4 (144), 2008, tr. 8 – 10; Nguyễn Văn Thành, Tham luận “Chủ động phòng ngừa, ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.

[12] Jorn Dosch, “The Concept and Management of Non-traditional Security in Southeast Asia­­”, Sicherheit und Frieden (S+ F)/Security and Peace (2006).

[13] Xem Mely Caballero-Anthony and Lina Gong (Ed.), Non-Traditional Security Issues in ASEAN: Agendas for Action, ISEAS – Yusof Ishak Institute, 2000.

[14] Tô Lâm và Nguyễn Xuân Yêm (Đồng chủ biên), An ninh phi truyền thống trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Nxb. Công an nhân dân, H. 2017; Phạm Thị Hoa, “Nhận diện và ứng phó kịp thời, hiệu quả với thách thức an ninh phi truyền thống”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, tháng 3/2022.

[15] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, t.1, tr. 106-107.

[16] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, tr. 279.

[17] Antonio Guterres, “Transcript of UN Secretary-General’s virtual press encounter to launch the Report on the Socio-economic impacts of Covid-19”, 31/3/2020, truy cập theo đường dẫn https://www.un.org/sg/en/content/sg/press-encounter/2020-03-31/transcript-of-un-secretary-general%E2%80%99s-virtual-press-encounter-launch-the-report-the-socio-economic-impacts-of-covid-19 (truy cập ngày 10/5/2022).

[18] United Nations, Shared responsibilities, global solidarity: Responding to the socio-economic impacts of Covid-19, tháng 3/2020.

[19] IMF, “Opening remarks at a press briefing by Kristalina Georgieva following a conference call of the International Monetary and Financial Committee (IMFC)”, 27/3/2020, có thể truy cập theo đường dẫn: https://www.imf.org/en/News/Articles/2020/03/27/sp032720-opening-remarks-at-press-briefing-following-imfc-conference-call (truy cập ngày 10/5/2022).

[20] “Remarks to Member States on Priorities for 2021 by UN General Secretary Antonio Guterres on 28 January 2021”, đường dẫn https://www.un.org/sg/en/content/sg/speeches/2021-01-28/remarks-member-states-priorities-for-2021 (truy cập ngày 03/6/2022).

[21] Ví dụ, xem Evanthia K. Zervoudi, “Forth Industrial Revolution: Opportunities, Challenges, and Proposed Policies”, in Industrial Robotics: New Paradigms, edited by Antoni Grau, Zhuping Wang. London: IntechOpen, 2020.

[22] “Secretary General Antonio Guterres’ Remarks to the Global Food Security Call to Action Ministerial”, ngày 18/5/2022, đường dẫn: https://www.un.org/sg/en/content/sg/speeches/2022-05-18/secretary-generals-remarks-the-global-food-security-call-action-ministerial%C2%A0 (truy cập ngày 03/6/2022).