Ấn Độ: Chen chúc trong lễ hội tắm sông Hằng bất chấp dịch COVID-19 | Đời sống | Vietnam+ (VietnamPlus)
Tín đồ theo đạo Hindu tập trung tại sông Hằng để tham dự lễ hội Kumbh Mela(Nguồn: dnaindia.com)
Ngày 11/3, hàng trăm nghìn tín đồ theo đạo Hindu đã cùng tập trung tại sông Hằng của Ấn Độ để tham dự dịp lễ hội Kumbh Mela, bất chấp nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Lễ hội Kumbh Mela là một trong những sự kiện tôn giáo lớn nhất và đa màu sắc nhất quốc gia Nam Á này. Người hành hương tới sông Hằng để trầm mình tắm gội, với niềm tin bất diệt rằng dòng nước thiêng sẽ rửa sạch tội lỗi của họ.
Lễ hội năm nay diễn ra tại sông Hằng ở thành phố cổ Haridwar (miền Bắc Ấn Độ). Từ trước bình minh, mọi người dân từ người già đến trẻ em, cả nam giới và nữ giới, đã chen nhau để có được vị trí tốt dọc theo bờ sông Hằng, trước khi trầm mình trong dòng nước chảy xiết, họ lầm rầm những lời cầu nguyện và thả hoa trôi trên con sông thiêng này.
Do đại dịch COVID-19, Chính phủ Ấn Độ đã cắt giảm đáng kể quy mô tổ chức Kumbh Mela và những người tham dự bắt buộc phải có giấy chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
[Ấn Độ dỡ bỏ hạn chế thời gian để đẩy nhanh tiêm phòng COVID-19]
Bên cạnh đó, hệ thống truyền thanh công cộng ở Haridwar cũng thường xuyên nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn tối thiểu, trong khi các tình nguyện viên có mặt ở mọi nơi để xịt thuốc sát khuẩn tay cho những người hành hương.
Ấn Độ vẫn đang là nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai thế giới (sau Mỹ), với hơn 11.285.000 trường hợp. Số ca tử vong do dịch bệnh này tại Ấn Độ hiện hơn 158.200 người – đứng thứ 4 thế giới.
Tuy nhiên, số các ca nhiễm mới đã giảm mạnh trong những tháng gần đây và đất nước 1,3 tỷ dân này đã trở lại cuộc sống bình thường ở nhiều khía cạnh.
Theo thần thoại Hindu, các vị thần và ác quỷ đã chiến đấu để giành chiếc bình thiêng chứa mật hoa của sự bất tử.
Giọt mật rơi xuống 4 địa điểm dọc các con sông ở Ấn Độ, hiện nay là các thành phố Allahabad (nơi hợp lưu của sông Hằng và sông Yamuna Sarasvati), thành phố Haridwar (sông Hằng), thành phố Nashik (sông Godavari) và thành phố Ujjain (sông Shipra).
Năm 2017, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa thuộc Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận lễ hội Kumbh Mela là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
#WATCH: On the occasion of #MahaShivaratri, thousands of devotees throng to Haridwar’s Har Ki Pauri ghat in Uttarakhand to take a holy dip in the early hours of the day pic.twitter.com/YFwWgFH3KY
— ANI (@ANI) March 11, 2021