Amway bị tố gây hại sức khỏe: “Con dao hai lưỡi” thực phẩm chức năng
(GDVN) – Theo GS.TSKH Hoàng Tích Huyền,hiện nay nhiều người lạm dụng coi thực phẩm chức năng là thần dược, điều này rất nguy hiểm sức khỏe con người.
Không phải “thần dược”
Chỉ xuất hiện tại thị trường Việt Nam trong khoảng 10 năm nhưng “cơn sốt” thực phẩm chức năng đang khiến nhiều người coi đó là thần dược, chữa bách bệnh. Cùng với đời sống người dân ngày một nâng cao, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày một lớn, nắm bắt tâm lý này các hãng sản xuất đưa ra thị trường đủ loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng kèm theo đó là lời quảng cáo hoa mỹ.
Mới đây nhất, trong đơn kêu cứu gửi đến cơ quan báo chí, một khách hàng sử dụng thực phẩm chức năng của Công ty TNHH Amway Việt Nam cho biết: Sau khi sử dụng thực phẩm chức năng là viên uống Canxi, khách hàng bắt đầu mệt mỏi, ngủ li bì, trí nhớ giảm, mắt mờ, thở dốc… Phản ánh đến Công ty Amway hiện tượng này, khách lại được tư vấn uống một loạt thực phẩm chức năng khác cũng của Amway.
“Tiền mất tật mang”, uống đủ loại thực phẩm chức năng được giới thiệu nhưng tình hình sức khỏe khách hàng này vẫn ngày một nghiêm trọng, cân nặng tăng đột biến. Đến khi đi khám, xét nghiệm tại bệnh viện khách hoảng hốt khi nhận kết quả suy nhược thần kinh và huyết áp cao.
Qua câu chuyện trên có thể thấy một hiện tượng đáng lo ngại hiện nay đó là lạm dụng thực phẩm chức năng, coi đó là thần dược của không ít người. Niềm tin “mù quáng” đó một phần đến từ sự thiếu hiểu biết, một phần do các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này cố tình “đánh lận con đen”, quảng cáo những chức năng siêu việt chữa được trăm bệnh.
Trước hiện tượng trên, GS.TSKH Hoàng Tích Huyền, nguyên chủ nhiệm Bộ môn Dược lý – Trường Đại học Y Hà Nội phân tích: Thực phẩm chức năng (còn có tên gọi khác Chất bổ sung dinh dưỡng), được sản xuất dựa trên thực tế ngày nay là việc ăn uống của con người hầu hết đều thiếu các chất dinh dưỡng cần phải bổ sung. Trong thực phẩm chức năng có các chất khoáng, vi lượng giúp bổ sung dưỡng chất cho người sử dụng. Tuy nhiên cần phải hiểu rõ tác dụng của thực phẩm chức năng tránh hiều nhầm.
“Dù yêu cầu của Bộ Y tế với nhà sản xuất phải ghi rõ: “Đây là thực phẩm chức năng giúp phòng ngừa hỗ trợ điều trị, không phải là thuốc và không thay thế được thuốc” nhưng khi trao đổi giới thiệu với khách hàng, người bán lại đưa ra thông điệp không rõ ràng với mục đích khác nhau. Từ đó người dùng nghĩ rằng thực phẩm chức năng có tác dụng chữa trị các bệnh, như vậy là không đúng. Hơn nữa mỗi thực phẩm chức năng chỉ có một vai trò nhất định nào đó trong việc hỗ trợ điều trị giúp phòng ngừa thiếu chất, thực phẩm chức năng không phải thần dược”, GS.TSKH Hoàng Tích Huyền nhấn mạnh.
Nói thẳng vấn đề, GS Huyền cho rằng, nhiều khi người bán thực phẩm chức năng nói quá sự thật vì mục đích thương mại, ví dụ thực phẩm chức năng A chữa ung thư, thực phẩm chức năng B chữa tiểu đường, C chữa mỡ máu trong khi thực tế thực phẩm đó chỉ hỗ trợ cùng với phương pháp khác để giúp phòng ngừa và điều trị bệnh.
“Con dao hai lưỡi” mang tên Thực phẩm chức năng
Một bất cập khác liên quan thực phẩm chức năng là công thức, thành phần và hàm lượng mỗi chất. GS.TSKH Hoàng Tích Huyền cho biết, nhiều loại thực phẩm chức năng được giới thiệu nhiều thành phần phong phú với hàng chục các chất có trong công thức nhưng hàm lượng lại không đủ.
“Có hộp thực phẩm chức năng đặt hàm lượng chất A với lượng 100ml nhưng thực tế chỉ 10ml như vậy không đủ, người sử dụng nhìn vào thành phần thì rất phong phú nhưng không biết tầm quan trọng của hàm lượng. Vì thế thực phẩm chức năng nếu không có công thức với đủ hàm lượng sẽ không mang lại tác dụng. Nhiều khi nhà sản xuất giảm hàm lượng nhằm mục đích thương mại vì thế nên sử dụng thực phẩm chức năng đó không có mang lại tác dụng gì”, GS Hoàng Tích Huyền nói.
Như vậy đặt ra vấn đề thực phẩm chức năng có ích hay không? GS Huyền khẳng định sản phẩm chức năng hết sức có ích, ví dụ cơ thể con người từng giờ từng phút bị oxi hóa vì vậy sử dụng các thực phẩm chức năng chống oxi hóa, giúp chống hội chứng chuyển hóa như tiểu đường, mỡ máu, gout… Thực tế nhiều thực phẩm chức năng có khả năng hỗ trợ rất tốt cho điều trị giảm tác dụng xấu khi dùng thuốc, nhưng không thay thế được thuốc mà chỉ hỗ trợ cùng điều trị.
Tuy nhiên sử dụng các loại thực phẩm chức năng như thế nào để phát huy hiệu quả, tránh tác dụng phụ không đáng có mới là vấn đề cần quan tâm. GS Hoàng Tích Huyền cho rằng, bất kỳ loại thực phẩm nào khi sử dụng đều phải rất thận trọng, cái gì dùng nhiều đều không tốt phải có liều lượng.
Với thực phẩm bình thường sử dụng nhiều gây tác động xấu đến sức khỏe, trong khi thực phẩm chức năng đã là dạng thực phẩm tinh chất nếu dùng không đúng rõ ràng gây tác hại xấu đến sức khỏe. “Có những thực phẩm chức năng nếu dùng liều lượng này là thực phẩm chức năng nhưng dùng quá lên trở thành thuốc. Ví dụ nguyên tố selen rất tốt cho chuyển hóa trong cơ thể nhưng nếu dùng quá ranh giới điều trị dẫn đến ngộ độc, kể cả vitamin dùng nhiều cũng độc”, GS Huyền nhận định.
Có thể thực phẩm chức năng chỉ hỗ trợ điều trị một bệnh lý nhưng do muốn bán được sản phẩm người bán hàng nâng cao quan điểm, đưa ra tác dụng thần kỳ của thực phẩm chức năng, đánh vào tâm lý người tiều dùng. Trong khi đó thực tế thực phẩm chức năng hiện nay được đưa đến tay người tiêu dùng chủ yếu qua kinh doanh đa cấp, bán hàng theo hệ thống cá nhân phân phối hàng.
Nhận định về trình độ của không ít nhà phân phối các sản phẩm thực phẩm chức năng, GS.TSKH Hoàng Tích Huyền thẳng thắn cho rằng nhà phân phối các loại thực phẩm chức năng chủ yếu nhằm mục đích bán hàng thương mại nhằm tăng thu nhập cho cá nhân mình, trong khi trình độ chưa được đào tạo cẩn thận, ít hiểu biết về dược lý và tác dụng của chính thực phẩm chức năng mình đang bán. Để khắc phục tình trạng này, những doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng phải có đội ngũ dược sĩ am hiểu về thành phần, công thức, tác dụng của từng thực phẩm.
“Thuốc, thực phẩm chức năng có hàm lượng tri thức ở trong đó do vậy phải có những người am hiểu có tri thức vì nếu dùng bừa nguy hiểm sức khỏe con người”, GS.TSKH Hoàng Tích Huyền kết luận.
Hoàng Lực