Ai mới là người đầu tiên nuôi cua biển trong hộp nhựa?

Thứ Sáu 04/11/2022 , 14:36 (GMT+7)

QUẢNG NINH Mô hình nuôi cua biển bằng hộp nhựa trong nhà của chàng trai đất mỏ Quảng Ninh được triển khai rất sớm tại Việt Nam.

Gần đây, Báo Nông nghiệp Việt Nam có một số bài viết về mô hình độc đáo nuôi thành công cua biển trong hộp nhựa tại Hà Nội. Cụ thể gồm cơ sở nuôi của chị Nguyễn Thị Kim Oanh tại thôn 3 Xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) và cơ sở của anh Nguyên Vũ ở thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức). Hình thức nuôi này đã nhận được nhiều quan tâm của bạn đọc.

Tại Quảng Ninh, một mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa cũng được chúng tôi ghi nhận, đó là cơ sở nuôi của anh Mai Văn Hoàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thuật Vịnh Xanh (TP Hạ Long).

Anh Hoàn cho biết cách đây chừng 3 năm, anh đã sớm bén duyên và đưa kỹ thuật nuôi cua này áp dụng lần đầu tiên tại đất mỏ Quảng Ninh. Rất có thể, anh chính là người nuôi thành công cua trong hộp nhựa đầu tiên ở Việt Nam?

20221026_105530

Mô hình nuôi cua biển trong nhà của anh Hoàn tại TP Hạ Long. Mỗi con cua được nuôi riêng trong một hộp nhựa. Ảnh: Tiến Thành.

Thấy mô hình hay, quyết làm bằng được

Nói về cơ duyên đến với nghề nuôi cua biển trong nhà, anh Hoàn cho biết, năm 2019, trong một lần đi tham quan mô hình nuôi cua trong hộp nhựa tại Malaysia, thấy “hay hay” nên anh hứng thú và quyết tâm phải làm mô hình này tại Việt Nam cho bằng được.

Sau hơn 1 tuần học kinh nghiệm nuôi cua biển trong nhà tại Malaysia, về Việt Nam, anh bắt tay ngay vào việc. “Mô hình nuôi cua biển trong nhà của mình bắt đầu chỉ với 100 hộp nhựa nuôi thử nghiệm, cua nhập ở khu vực Quảng Yên. Thời gian đầu gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm kiểm soát chất lượng nước, dẫn đến cua bị hao hụt trong quá trình nuôi. Sau nhiều lần thất bại, vừa học hỏi kinh nghiệm và tự mày mò, dần dần cũng đã khắc phục được nhược điểm trên, cua sinh trưởng rất tốt”, anh Hoàn hào hứng chia sẻ.

Theo đặc tính sinh học, cấu trúc thịt cua không phải là cấu trúc cơ, do đó dù vận động nhiều hay ít thì độ săn chắc của thịt không bị ảnh hưởng. Chất lượng của thịt cua dựa vào thành phần dinh dưỡng trong thức ăn, chất lượng môi trường sống. Do đó, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng thịt cua khi nuôi trong hộp, thậm chí cua đảm bảo được độ tươi và độ sạch.

Cũng theo anh Hoàn, mỗi con cua sẽ được nuôi trong một hộp nhựa riêng để tránh ăn thịt lẫn nhau và thu hẹp mô hình để dễ quản lý, tránh nhiễm bệnh chéo. Hộp nuôi cua được xếp thành nhiều gian tầng, đánh số thứ tự ở vỏ hộp. Sau khoảng từ 30 – 45 ngày, cua bắt đầu cho thu hoạch, khi đó đạt khoảng 4 con/kg.

20221026_105235

Sau khoảng 40 ngày, cua bắt đầu cho thu hoạch. Ảnh: Tiến Thành.

“Cua nuôi trong hộp không bị ảnh hưởng bởi yếu tố tự nhiên. Để cua sống trong môi trường nhiệt lý tưởng là 27 – 28 độ C, mình có máy nâng nhiệt để đảm bảo nhiệt độ chuẩn trong thời tiết bất kể đông, hè. Ngoài ra, ưu điểm lớn của hệ thống nuôi cua biển trong nhà là việc tận dụng diện tích nuôi tối đa. Cua được nuôi và thu hoạch liên tục, chất lượng sản phẩm có thể kiểm soát dễ dàng trước khi đưa ra thị trường. Mô hình tốn ít diện tích nhưng cho năng suất cao, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, không chứa kháng sinh”, anh Hoàn cho biết thêm.

Quan trọng nhất là công nghệ xử lý nước

Quá trình nuôi cua trong nhà, anh Hoàn đánh giá khâu quan trọng nhất là công nghệ xử lý nước. Bởi thể tích nước để nuôi tại các thành phố thường bị hạn chế và lượng phát thải trong chăn nuôi rất cao nên hệ thống máy móc phải đáp ứng được nhu cầu xử lý nước, tiết kiệm nước. Hệ thống công nghệ cao nuôi cua biển trong nhà có ưu điểm nổi bật là không cần nhiều lượng nước đầu vào nhờ nguyên lý tuần hoàn, sục khí tạo oxy. Khi đưa nước vào hộp nuôi cua, thức ăn thừa và chất cặn bẩn thải ra và đi qua hệ thống lọc thô, sau đó ra bể vi sinh và hệ thống khử khuẩn bằng tia UV.

Những vi sinh sống nhờ hạt nhựa kaldnes có vai trò như san hô để lọc thức ăn thừa và chất thải giúp môi trường sống của cua được sạch hơn. Nhờ vậy, nguồn nước trong mô hình được tái sử dụng tới 99,5%, giúp hải sản nuôi tỷ lệ sống cao, năng suất tăng, không gây ô nhiễm môi trường.

“Hệ thống nuôi tuần hoàn này có tiềm năng rất lớn để phát triển trên các đối tượng vật nuôi khác chứ không riêng con cua, hầu hết các loài thủy sản nước ngọt, nước mặn đều có thể áp dụng được. Khi đó, bài toán về ô nhiễm môi trường, về chất lượng nước được giải quyết. Ngoài ra, hệ thống không sử dụng kháng sinh, tăng trọng, có thể nuôi trong diện tích nhỏ và không cần phải ở gần các nguồn nước”, anh Hoàn phân tích.

20221026_103835

Bể chứa hạt lọc kaldnes, có vai trò lọc thức ăn thừa và chất thải giúp môi trường sống của cua được sạch hơn. Ảnh: Tiến Thành.

Cơ sở của anh Hoàn hiện đang nằm trên tuyến phố du lịch, có rất nhiều nhà hàng, quán ăn và bất kỳ khi nào khách cần, anh đều có thể cung cấp cua ngay tại địa điểm nuôi. Đây cũng là một trong những ưu điểm của hệ thống nuôi tuần hoàn này.

Tuy nhiên, theo anh Hoàn, mô hình nuôi cua trong hộp cũng có nhược điểm là chi phí đầu tư cao hơn rất nhiều so với nuôi truyền thống (nuôi quảng canh), yêu cầu về nhân lực quản lý, kỹ thuật vận hành cũng phức tạp. “Cần có thêm thời gian để khắc phục những nhược điểm đó. Mình hi vọng hệ thống nuôi tuần hoàn sẽ được áp dụng ở nhiều nơi để đáp ứng nhu cầu về sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững trong tương lai”, anh Hoàn bày tỏ.

Với mô hình nuôi 1.000 hộp cua vỗ béo, cua cốm, cua lột, anh Hoàn nhẩm tính mỗi tháng có thể mang lại lợi nhuận khoảng 15% trên tổng mức chi phí đầu tư. “Chúng tôi hiện có các đơn đặt hàng cua cốm, cua lột xuất khẩu sang các nước như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Do mô hình này vẫn đang mới nên các trại nuôi chưa đáp ứng sản lượng mong muốn, trong khi thị trường tiêu thụ nhiều tiềm năng, không có rào cản về đầu ra. Sắp tới, Công ty sẽ khắc phục vấn đề con giống có chất lượng ổn định, không phụ thuộc con giống tự nhiên và sản xuất thức ăn đồng bộ”, anh Hoàn cho hay.

Khi mô hình đã ổn định, anh Hoàn tiến đến sản xuất các thiết bị quan trọng phục vụ việc nuôi trồng tuần hoàn trong nhà. Anh đang nâng cấp, hoàn thiện hộp nuôi cua trong nhà chuyên dụng, đáp ứng được nhu cầu tối ưu trong nuôi trồng, cho hiệu quả sản xuất cao, giảm tỷ lệ hao hụt, tăng lợi nhuận khi nuôi cua thương phẩm.