Yểu điệu thục nữ (P.1): Vẻ đẹp của sự đoan trang
Trong Kinh Thi có hai câu thơ rằng: “Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu”, ý tứ là, người con gái phải đoan trang, thuỳ mị, dịu dàng, nết na, thì mới là ý trung nhân sánh đôi cùng quân tử. Quả thật, yểu điệu thục nữ đã trở thành một chuẩn mực về cái đẹp của người phụ nữ phương Đông…
Trong nhịp sống hối hả ngày nay, chúng ta đang bị cuốn vào vòng xoáy của xã hội hiện đại mà dần dần rời xa những tiêu chuẩn truyền thống. Chỉ nói riêng về chuyện ăn uống, nếu như người xưa dùng bữa cũng phải có lễ nghi, nết ăn nết mặc cũng phải có phong thái, thì ngày hôm nay, chúng ta lại xem nhẹ và cho rằng ăn uống chỉ là để “tống cho đầy bụng”.
Còn nhớ trước kia, mỗi lần vào dịp lễ tết, tôi thường cùng bạn trai tới nhà hàng dùng bữa. Khi nhìn trên bàn bày những trái cây và nhiều món ngon long lanh trước mắt, tôi đã quên mất hình tượng thục nữ của mình mà ăn uống hồn nhiên, miệng nhai nhồm nhoàm; tôi không còn để tâm xem tướng “ăn” của mình có đoan trang, nhã nhặn hay không.
Một lần vào dịp lễ Giáng sinh, tôi và bạn trai cùng ăn trưa tại một nhà hàng phương Tây. Tôi vốn không quen dùng dao dĩa, trong khi lúc đó bụng lại đang đói cồn cào, thế là tôi “vô tư” dùng tay lấy những trái cây tươi ngon đó. Nhìn thấy tôi “nhai nuốt như hùm beo”, anh đã nhỏ nhẹ nhắc nhở một cách thành ý. Còn tôi thì tai vẫn nghe, đầu vẫn gật như bổ củi, nhưng bụng lại không để tâm mà vẫn say sưa thưởng thức những món ăn ngon.
Lúc không để ý, tôi vô tình làm nước trong quả cà chua bi bắn ra tung tóe, vấy bẩn lên tóc và chiếc áo lông mà anh đang mặc. Lúc ấy tôi vừa buồn cười lại vừa xấu hổ, còn anh chỉ nhẹ nhàng nói với tôi: “Nếu đây là trường hợp khác thì em sẽ bị coi là thất lễ đó”. Vào giây phút ấy tôi đột nhiên cảm nhận được hàm nghĩa của hai chữ “hàm dưỡng” mà cổ nhân vẫn dạy. Tôi nhận ra rằng, là phận nữ nhi, thì cho dù đang ở nhà hay ở bên ngoài, việc giữ gìn phong thái “thục nữ” vẫn là điều vô cùng quan trọng.
Là phận nữ nhi, thì cho dù đang ở nhà hay ở bên ngoài, việc giữ gìn phong thái “thục nữ” vẫn là điều vô cùng quan trọng. (Ảnh: Credit to Ngô Thị Mỹ Linh)
Trong những tiểu tiết vụn vặt của cuộc sống, nếu ở hoàn cảnh nào cũng có thể giữ được phong thái đoan trang, trầm tĩnh thì chúng ta không chỉ để lại ấn tượng tốt đẹp đối với những người xung quanh, thể hiện được sự ngay chính, thanh tao, nhã nhặn của bản thân, mà còn có thể tránh được những sai lầm và thiếu sót ngoài ý muốn. Còn nếu chúng ta quá vô tâm, vô ý, hoặc có những cử chỉ không đúng mực, thì chính những hành vi và cử chỉ tùy tiện ấy có thể khiến người khác bị tổn thương hoặc hiểu lầm ở một mức độ nào đó.
Khi tĩnh tâm lại, tôi đã hiểu rằng vì sao trong giao tiếp bên ngoài tôi có thể để lại ấn tượng tốt đẹp cho người khác, nhưng khi đứng trước những người thân thiết và gần gũi nhất, tôi lại mang một hình tượng “xấu xí”? Đó là bởi tôi đã coi nhẹ từng lời nói cử chỉ, cho rằng đó đều là những tiểu tiết nhỏ không đáng bận tâm, khi được bạn trai hay người nhà nhắc nhở, tôi lại cảm thấy mình thật oan uổng. Nhưng khi tĩnh tâm và tự hỏi bản thân mình, tôi mới hiểu rằng nguyên nhân là do tôi đã không để tâm mà xem nhẹ chúng.
Trong cuộc sống, để có được một phong thái đẹp thì bất cứ lúc nào cũng phải để tâm từng phút từng giây, đây cũng chính là thứ gọi là “thân chính tâm chính”. Khi thân không ngay ngắn thì tâm cũng không ngay chính. Thời xưa, người ta khi đọc sách cũng chú trọng tới tư thế ngồi, khi viết chữ cũng phải tịnh tâm điều hòa hơi thở. Trong Đệ tử quy viết rằng: “Bộ tòng dung, lập đoan chính, ấp thâm viên, bái cung kính, vật tiễn quắc, vật bả ỷ, vật ki cứ, vật dao bễ”, nghĩa là: Đi thong thả, đứng ngay thẳng, chào cúi sâu, lạy cung kính. Chớ đạp thềm, không đứng nghiêng, chớ ngồi dang, không rung đùi.
Quả thực, một tư thế nghiêm túc, đoan trang sẽ phản ánh ra tâm thái nghiêm túc và bình hòa, sự chân thành trong thâm tâm tự sẽ được biểu lộ ra ngoài, khiến mọi người xung quanh có cảm giác bạn có thể giúp họ xử lý chu toàn, ổn thỏa và tinh tế tỉ mỉ những tiểu tiết trong cuộc sống, đồng thời mang lại dư vị ấm áp và trầm tĩnh cho họ.
Người xưa có câu: “Cổ chi quân tử ắt phục ngọc, quân tử vô cớ, ngọc bất ly thân” (Quân tử ngày xưa nhất định phải đeo ngọc theo người, nếu người quân tử không có lý do gì thì ngọc bất ly thân). Cổ nhân phục sức bằng đá ngọc, không phải vì ngọc là món đồ trang sức đẹp mắt, lại càng không phải để khoe khoang sự giàu có, mà ngược lại, người quân tử đeo ngọc là để ví von đức hạnh của mình cũng sáng đẹp như ngọc vậy. Còn ngọc bất ly thân, ngẫm ra thì là để người quân tử “tu nội mà an ngoại”, tu dưỡng từ nội tâm tới hình thức bên ngoài, để bản thân mình càng thêm cung kính đúng mực, trầm ổn nho nhã như miếng ngọc kia vậy.
Nhìn lại vật đính ước mà bạn trai đã tặng cho tôi, đó là một con ve bằng ngọc, hàng ngày mỗi khi ra khỏi cửa tôi lại đeo sợi dây chuyền ấy. Tôi phát hiện rằng khi đeo miếng ngọc ấy trên người, tôi phải ước chế mỗi hành động cử chỉ của mình, nếu không mặt dây chuyền hình con ve ngọc trên cổ sẽ đưa đi đưa lại hoặc cọ vào da tôi. Nhưng đây cũng là một cách giúp tôi kiềm chế tính nóng vội của mình, giúp cho cử chỉ của bản thân tôi trở nên dịu dàng hơn, tiết chế hơn. Hơn nữa, chiếc dây chuyền mang ngụ ý cao quý và đoan trang ấy đã nhắc nhở tôi phải luôn là cô gái có phong thái đoan trang, có tâm hồn trong sáng, và luôn biết giữ mình khi đối diện với những cám dỗ về sắc dục trong cõi hồng trần này.
Để có được một phong thái đẹp thì bất cứ lúc nào cũng phải để tâm từng phút từng giây, đây cũng chính là thứ gọi là “thân chính tâm chính”. (Ảnh: Pinterest)
Trong “Tống thượng cung – Nữ luận ngữ” viết rằng: “Hành mạc hồi đầu, ngữ mạc hiên thần. Tọa mạc động tất, lập mạc dao quần. Hỷ mạc đại tiếu, nộ mạc cao thanh” (Khi đi không ngoái đầu lại, khi nói không bĩu môi. Khi ngồi không rung chân, khi đứng không rung quần. Vui cũng đừng cười lớn, giận cũng đừng cao giọng).
Như vậy, là phận nữ nhi thì việc đi đứng nằm ngồi và lời nói cử chỉ phải có khí chất trầm tĩnh, phải làm được “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (Không hợp lễ thì không nhìn, không hợp lễ thì không nghe, không hợp lễ thì không nói, không hợp lễ thì không làm). Khi trong tâm quá vui hay quá giận, không đủ trầm tĩnh thì hành vi và hành động bên ngoài cũng sẽ không có được cảm giác tĩnh tại. Chỉ khi chúng ta luôn luôn tu dưỡng bản thân, kiềm chế những xung động cảm xúc, dần dần khiến lời nói, cử chỉ hàng ngày đạt được cảnh giới “hoãn, mạn, viên” thì mới có thể khiến nội tâm trở nên bình yên, tĩnh tại.
Do đó, có thể thấy rằng vẻ đẹp đoan trang của người phụ nữ là vẻ đẹp trong từng động tác giơ tay cúi đầu, trong từng cái nhíu mày, từng nụ cười; đó là vẻ đẹp điềm đạm và thanh tao, điềm nhiên ung dung tự tại; là vẻ đẹp trong cuộc sống, trong công việc và trong quan hệ giao tiếp giữa con người; đó là sự trưởng thành từ chuyên tâm chăm chú tới những việc nhỏ hàng ngày, mang đến cho mọi người cảm giác bình ổn và an hoà.
Mong sao các bạn nữ giữa thế sự phức tạp ngày nay đều có thể làm chủ được nhịp sống của mình, dưỡng thành khí chất dịu dàng, trang nhã; vừa có thể phù hợp với tiết tấu của thời đại, lại vừa khiến cuộc sống của bạn có ý vị thanh cao, lưu lại tiếng thơm về sự đoan trang, duyên dáng trong dòng chảy cuồn cuộn của lịch sử…
Tác giả: Hiểu Lăng
Hiểu Liên biên dịch