Ý nghĩa giáo dục kỹ năng ứng xử và giao tiếp xã hội cho trẻ lớp 5 tuổi

Trong quá trình phát triển toàn diện nhân cách con người nói chung và trẻ mầm non nói riêng thì kĩ năng ứng xử và giao tiếp có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ trong cuộc sống ở gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội, cũng như đối với sự thành công trong cuộc sống sau này

.

Nhiều nghiên cứu đã cho rằng sự thành công của người trưởng thành phụ thuộc rất lớn vào khả năng nhận thức xã hội, khả năng hòa nhập và thích ứng xã hội của họ ngay từ thời thơ ấu. Kinixti cho rằng “Sự thành công của mỗi người chỉ có 15% là dựa vào kỹ thuật chuyên ngành, còn 85% là dựa vào những quan hệ giao tiếp và tài năng xử thế của người đó”. Nếu đến 6 tuổi mà đứa trẻ không đạt được mức độ phát triển các kĩ năng xã hội cần thiết, tối thiểu chúng có thể gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống sau này, mà trước hết là khó khăn trong việc học tập và hòa nhập với cuộc sống ở lớp 1 Trường tiểu học.

Có thể nói việc chuẩn bị tốt các kĩ năng ứng xử và giao tiếp xã hội cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi là tiền đề để trẻ tự tin và thành công khi bước vào lớp 1. Vì vậy để chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi bước vào trường tiểu học một cách mạnh dạn, tự tin thì việc giáo dục kĩ năng ứng xử và giao tiếp xã hội cho trẻ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên việc trẻ có vốn kĩ năng ứng xử và giao tiếp xã hội như thế nào còn tùy thuộc vào hoàn cảnh sống, điều kiện gia đình, đặc biệt là quá trình giáo dục của người lớn và trong đó giáo dục kĩ năng ứng xử và giao tiếp xã hội cho trẻ ở trường mầm non là nền tảng bước đầu. Việc giáo dục kĩ năng ứng xử và giao tiếp xã hội cho trẻ thông qua các hình thức mới linh hoạt hấp dẫn lôi cuốn trẻ ham thích được học các kĩ năng đó để làm hành trang cho trẻ vững vàng khi bước vào trường tiểu học.

Trẻ mẫu giáo đã biết ứng xử phù hợp với đối tượng, biết lắng nghe tích cực và bày tỏ ý kiến, thái độ của bản thân bằng lời nói và cử chỉ phù hợp, tuy nhiên cách biểu lộ còn đơn giản, đơn điệu, ít biểu cảm biết thực hiện các hành vi văn hóa với mọi người xung quanh như chào hỏi, lễ phép, vâng lời… Khả năng giao tiếp của trẻ đối với các đối tượng khác nhau đã trở nên khá linh hoạt, ở mức độ nhất định, trẻ đã biết cách tiếp cận đối tượng giao tiếp, suy nghĩ và hành động tương ứng với các đối tượng, ứng xử phù hợp với các điều kiện hoàn cảnh và tuân theo các chuẩn mực xã hội.

Tuy nhiên, các kĩ năng ứng xử và giao tiếp xã hội ở trẻ khác nhau thì có sự biểu hiện khác nhau, tùy thuộc vào nhận thức, kinh nghiệm và sức khỏe của trẻ. Do vậy để giáo dục kĩ năng ứng xử và giao tiếp cho trẻ hiệu quả, giáo viên cần chú ý đến đặc điểm phát triển cá nhân của từng trẻ để từ đó biết cách tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp.

Giáo dục kỹ năng ứng xử và giao tiếp xã hội cho trẻ trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ phải thực hiện đồng bộ 3 môi trường giáo dục: Gia đình – nhà trường và xã hội. Việc giáo dục kỹ năng ứng xử và giao tiếp xã hội cho trẻ mầm non là rèn cho trẻ mạnh dạn, tự tin, hợp tác, trình bày rõ ràng, ngắn gọn, nói đúng nội dung cần trao đổi, ngôn ngữ phù hợp với hoàn cảnh và đối tượng, lắng nghe người khác, biết tranh thủ sự đồng thuận để đáp ứng nhu cầu của mình trong cuộc sống hàng ngày nhằm xây dựng vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chấp, nhân cách con người và năng lực hội nhập cho con trẻ ngày hôm nay tự tin vững bước trong tương lai.