Ý nghĩa của Luật viên chức 2010 và những điểm mới cần biết
06:50:31 27-07-2021
Luật viên chức là văn bản pháp luật được ban hành với kết cấu gồm 6 chương, 62 điều. Các chương có nội dung gồm quy định chung, quyền và nghĩa vụ của viên chức, tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức, khen thưởng và kỷ luật, các điều khoản thi hành. Bộ luật có hiệu lực chính thức từ ngày 01/07/2011. Vậy ý nghĩa của luật viên chức là gì?
Luật viên chức làm rõ khái niệm và hoạt động nghề nghiệp của viên chức
Để thực hiện hiệu quả trách nhiệm cung ứng đầy đủ và đảm bảo các nhu cầu thiết yếu, cơ bản nhưng chất lượng cho cộng đồng, nhân dân, với mục tiêu phi lợi nhuận thì cần phải thiết lập cũng như lên kế hoạch nâng cao chất lượng hàng ngũ viên chức. Trên cơ sở đó, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với công bằng, ổn định xã hội, tạo cơ sở và động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Luật viên chức ra đời đã làm rõ hơn khái niệm viên chức cũng như hoạt động nghề nghiệp của viên chức. Khái niệm này chưa được làm rõ trong Pháp lệnh cán bộ, công chức trước đây. Để khắc phục điều này, Luật viên chức đã thiết lập một khái niệm đầy đủ và chính xác về viên chức: “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.
Bên cạnh đó, với việc phân định giữa hai khái niệm “công chức” – “cán bộ” trong Luật cán bộ, công chức thì Luật viên chức cũng đã xác định rõ khái niệm viên chức, phân biệt khái niệm này với hai khái niệm trên. Về cơ bản, khác biệt giữa viên chức với công chức, cán bộ là chế độ tuyển dụng luôn gắn liền với vị trí việc làm, thông qua chế độ hợp đồng có thời hạn và lương viên chức được hưởng từ quỹ riêng của đơn vị sự nghiệp công lập mà viên chức đang làm việc.
Lao động của viên chức chỉ thuần túy là hoạt động nghề nghiệp mang tính chuyên môn nghiệp vụ chứ không mang tính quyền lực công.
Do đó, luật cũng đã làm rõ “Hoạt động nghề nghiệp của viên chức là việc thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật về viên chức và các pháp luật có liên quan”.
Luật viên chức đã xác định rõ những điểm chung nhất trong hoạt động nghề nghiệp và quản lý viên chức. Luật quy định những nguyên tắc trong quản lý viên chức phù hợp với đặc điểm, tính chất lao động của viên chức cũng như thể chế chính trị của Việt Nam; quy định những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức.
Làm mới cơ chế quản lý viên chức, luật cũng làm rõ khái niệm về vị trí việc làm, công tác tuyển dụng, đạo đức nghề nghiệp, hợp đồng lao động, quy tắc ứng xử. Nhấn mạnh về “chức danh nghề nghiệp” thay vì quy định về “ngạch” nhằm hạn chế những khuyết điểm trong quản lý đội ngũ viên chức hiện nay.
Luật viên chức đã thống nhất khái niệm đơn vị sự nghiệp công lập và phân chúng thành hai loại. Một là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ và hai là đơn vị chưa được giao quyền tự chủ. Song song với đó, quy định về Hội đồng quản lý trong các đơn vị này nhằm giảm từng bước chế độ chủ quản cũng như hoàn thiện cơ chế kiểm soát đối với cá nhân đứng đầu trong quá trình thực hiện các quyền hạn được phân công.
Luật viên chức bổ sung một số quy định có tính định hướng về chính sách phát triển, xây dựng đội ngũ viên chức và các đơn vị sự nghiệp công lập.
Luật viên chức bổ sung và hoàn thiện các quyền, nghĩa vụ của viên chức
Hệ thống quyền và nghĩa vụ của viên chức cũng được hoàn thiện và bổ sung trong bộ luật. Theo đó, viên chức là cá nhân công tác trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Chính bởi vậy, quyền và nghĩa vụ của họ cũng có nội dung tương tự như cán bộ và công chức.
Ngoài ra, do đặc điểm, tính chất lao động của viên chức là hoạt động mang tính chuyên môn nghiệp vụ, do vậy Luật viên chức đã quy định quyền của viên chức có phần rộng hơn so với cán bộ, công chức. Điều này là cơ sở để tạo điều kiện cho viên chức phát huy được sức sáng tạo, tài năng và sự cống hiến. Đó là các quyền về làm việc ngoài thời gian quy định và về hoạt động kinh doanh.
Mặt khác, luật cũng đã hoàn thiện hệ thống bao gồm các nghĩa vụ của viên chức. Trong đó, nêu rõ những việc viên chức không được làm trên cơ sở tương xứng với đặc điểm, tính chất hoạt động nghề nghiệp của viên chức.
Luật viên chức làm mới cơ chế và nội dung của hoạt động tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức
Ý nghĩa của Luật viên chức tiếp nữa là làm mới cơ chế cũng như nội dung của các hoạt động sử dụng, tuyển dụng và quản lý viên chức. Nguyên tắc được nhấn mạnh nhất là tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý viên chức, cụ thể “Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá viên chức được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và căn cứ vào hợp đồng làm việc”.
Đó là một trong những nguyên tắc nền tảng để nhằm đổi mới tiếp tục cơ chế quản lý viên chức theo chế độ việc làm, coi trọng tài năng, năng lực bên cạnh trình độ và phẩm chất.
Ngoài ra, Luật viên chức quy định nguyên tắc đảm bảo tính chủ động và nêu cao trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu nhằm phát huy tính tự chịu trách nhiệm, tính tự chủ để góp phần đẩy mạnh cải cách khu vực dịch vụ công. Đồng bộ quản lý nhà nước về đội ngũ viên chức, đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp hoặc giao phó cho cá nhân đứng đầu sự nghiệp công lập hoặc hoạt động quản lý.
Dựa trên quy định của pháp luật về hợp đồng lao động, Luật viên chức đã hoàn thiện những quy định của chế định hợp đồng làm việc.
Đổi mới và hoàn thiện nhiều nội dung quản lý viên chức. Đặc biệt nhất là về việc thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được tiến hành thông qua hai hình thức thi tuyển và xét tuyển. Hình thức nào được chọn lựa còn phụ thuộc vào từng ngành nghề, lĩnh vực nhất định. Đánh giá viên chức cũng được dựa trên các cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký để thực hiện.
Nội dung đánh giá gắn liền với kết quả thực thi nhiệm vụ, công việc, trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân… Đơn vị sự nghiệp công lập được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc nếu như viên chức không hoàn thành nhiệm vụ hai năm liên tiếp. Bên cạnh việc được khen thưởng theo quy định, viên chức còn được xét nâng lương vượt bậc nếu có thành tích hay công trạng đặc biệt.
Viên chức còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp trên cơ sở quy định của pháp luật có liên quan, bên cạnh 4 hình thức kỷ luật bao gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức và buộc nghỉ việc.
Luật viên chức quy định chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức
Luật đã quy định chuyển đổi giữa viên chức với cán bộ và công chức. Do Việt Nam có những đặc thù riêng, nên giữa ba chức danh này luôn có sự chuyển đổi, liên thông giữa các tổ chức, cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước cũng như các tổ chức CT-XH.
Do đó, Luật quy định các đối tượng cụ thể về việc chuyển đổi này. Bao gồm:
-
Viên chức công tác từ đủ 5 năm trở lên tại đơn vị sự nghiệp công lập thì được xét chuyển đổi thành công chức mà không cần qua thi tuyển.
-
Viên chức được bổ nhiệm, tiếp nhận vào vị trí được pháp luật quy định là công chức thì quyết định bổ nhiệm, tiếp nhận cũng là quyết định tuyển dụng chính thức.
-
Cán bộ hoặc công chức nếu đáp ứng đủ những điều kiện theo quy định của Luật viên chức thì được chuyển sang làm viên chức.
-
Công chức công tác trong bộ máy quản lý, lãnh đạo của đơn vị sự nghiệp công lập nếu hết thời hạn bổ nhiệm mà không được tái bổ nhiệm, tuy nhiên vẫn tiếp tục công tác tại đơn vị đó thì được chuyển sang viên chức. Đồng thời được bổ trí vị trí việc làm phù hợp.
-
Viên chức được chuyển sang làm công chức, cán bộ hay ngược lại đều được đảm bảo chính sách, chế độ.
Việc chuyển tiếp được quy định như sau: Với những viên chức được tuyển dụng trước thời điểm Luật viên chức có hiệu lực thi hành thì đã có quy định nhằm đảo chế độ, quyền lợi, chính sách nhằm không làm ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý và làm xáo trộn đội ngũ viên chức. Cụ thể:
-
Viên chức được tuyển dụng trước thời điểm 01/07/2003 có nghĩa vụ, quyền lợi và được quản lý như viên chức làm việc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn.
-
Các thủ tục liên quan cần được đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm hoàn tất nhằm đảm bảo chế độ, quyền lợi, chính sách về tiền lương, ổn định việc làm, hay các quyền lợi khác mà viên chức đang được hưởng.
-
Viên chức được tuyển dụng từ thời điểm ngày 01/07/2003 đến ngày Luật viên chức có hiệu lực sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời viên chức có các nghĩa vụ, quyền lợi và được quản lý theo quy định của Luật viên chức.
Như vậy, Luật viên chức là một văn bản pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng, sự ra đời của luật này đã góp phần chuẩn hóa khái niệm viên chức, hoạt động nghề nghiệp của viên chức… và rất nhiều khía cạnh liên quan khác. Luật viên chức trở thành căn cứ chính thống để hướng dẫn các đơn vị, cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng, tuyển dụng viên chức thực thi các hoạt động theo đúng quy định.
Trên đây là bài viết phân tích những ý nghĩa của Luật viên chức. Hy vọng thông tin sẽ hữu ích đối với độc giả!