Xúc tiến thương mại là gì? Đặc điểm, hình thức xúc tiến thương mại?

Xúc tiến thương mại là gì? Đặc điểm và các hình thức của xúc tiến thương mại? Xử phạt vi phạm quy định về xúc tiến thương mại? Nguyên tắc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại theo hình thức khuyến mại?

    Hiện nay, xúc tiến thương mại là một hoạt động rất quan trọng và cần thiết trong quá trình kinh doanh của các công ty. Trong nhiều tình thế hiệu lực của hoạt động này có tác dụng quyết định đến kết quả của hành vi mua bán hàng hoá và thông báo cho công chúng biết về những thông tin quan trọng về sản phẩm như chất lượng và tác dụng của sản phẩm. Có rất nhiều cách tiếp cận đối với khái niệm xúc tiến thương mại trong kinh doanh.

    Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568

    1. Xúc tiến thương mại là gì?

    Theo khoản 10 Điều 3 Luật Thương Mại 2005 quy định về xúc tiến thương mại như sau:

    “ Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ, bao gồm hoạt động khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại.”

    Xúc tiến thương mại là hoạt động thương mại do thương nhân thực hiện trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận, do đó, xúc tiến thương mại có những đặc điểm chung của hoạt động thương mại. Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại vẫn có những đặc điểm riêng như sau:

    Xem thêm: Mua một tặng một có vi phạm pháp luật không?

    2. Đặc điểm và các hình thức của xúc tiến thương mại:

    + Về chủ thể: chủ yếu là thương nhân, có thể là thương nhân Việt nam hoặc thương nhân nước ngoài.

    + Mục đích của hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ. Hoạt động này hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của thương nhân hiệu quả hơn.

    + Cách thức thực hiện: có thể thương nhân tự mình thực hiện xúc tiến thương mại hoặc thuê thương nhân khác thức hiện xúc tiến thương mại cho mình.

    + Các hình thức xúc tiến thương mại: Khuyến mại; quảng cáo thương mại; trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vu; hội chợ, triển lãm thương mại.

    Xem thêm: Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự chương trình khuyến mại

    3. Đặc điểm của khuyến mại:

    Thứ nhất, về mặt chủ thể: Chủ thể thực hiện hành vi khuyến mại là thương nhân. Để tăng cường cơ hội thương mại, thương nhân được phép tự mình tổ chức thực hiện việc khuyến mại. Tức là để thúc đẩy kinh doanh, chủ thể của các doanh nghiệp được tổ chức các hoạt động mang đến cho khách hàng  những lợi ích nhất định, tuân theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định. Ngoài ra, thương nhân còn có thể thực hiện chương trình khuyến mại hàng hóa, dịch vụ cho thương nhân khác để hưởng lợi nhuận.Quan hệ dịch vụ này được hình thành trên cơ sở hợp đồng dịch vụ khuyến mại giữa thương nhân có nhu cầu khuyến mại và thương nhân kinh doanh dịch vụ.

    Thứ hai, về cách thức và mục đích xúc tiến thương mại: Thông qua khuyến mại là dành cho khách hàng những lợi ích nhất định để khuyến khích khách hàng sử dụng hàng hóa và dịch vụ của thương nhân. Tùy vào mục tiêu của đợt khuyến mại, trạng thái cạnh tranh, phản ứng của đối thủ cạnh tranh trên thương trường, chi phí dành cho khuyến mại mà lợi ích thương nhân dành cho khách hàng có thể là quà tặng, hàng mẫu hoặc lợi ích phi vật chất khác…

    Thứ ba, đối tượng được khuyến mại: có thể là khách hàng hoặc trung gian phân phối như đại lí bán hàng…Trên thực tế, hiện tượng này chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp, những người đưa hàng cho các đại lí bán hàng lớn ngoài số lượng mặt hàng cần giao, thì ngoài ra còn có khuyến mại thêm một sản phẩm cùng loại hoặc sản phẩm mới do công ty sản xuất.

    Thứ tư, hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại phải là hàng hóa, dịch vụ kinh doanh hợp pháp, và đây là dùng để tặng, thưởng, cho… không thu tiền khách hàng. Hàng hóa, dịch vụ được thương nhân dùng để khuyến mại là hàng hóa, dịch vụ thương nhân đó đang kinh doanh hoặc là của thương nhân khác. Chính phủ quy định hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, mức giảm giá tối đa cho hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại mà thương nhân được thực hiện trong hoạt động khuyến mại.

    Xem thêm: Bị khiêu khích, trêu ghẹo thì xử lý như thế nào?

    4. Xử phạt vi phạm quy định về xúc tiến thương mại:

    Điều 23: Xử phạt vi phạm quy định về khuyến mại

    1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    a) Sử dụng hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại đối với một đơn vị hàng hoá vượt 30% giá của hàng hoá, dịch vụ khuyến mại trước thời gian khuyến mại;

    b) Bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ trong thời gian khuyến mại với giá thấp hơn 70% giá hàng hoá, dịch vụ trước thời gian khuyến mại.

    2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    a) Sử dụng kết quả xổ số kiến thiết nhà nước làm kết quả khuyến mại;

    b) Không thông báo trên ít nhất một phương tiện thông tin đại chúng hoặc cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi tổ chức khuyến mại về kết quả trúng thưởng theo thể lệ đã công bố trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc việc khuyến mại;

    c) Không niêm yết công khai về thời gian khuyến mại, giá bán hàng, giá dịch vụ trong thời gian khuyến mại so với giá bán hàng, giá dịch vụ cung ứng trước thời gian khuyến mại;

    d) Không công bố rõ ràng, trung thực, cụ thể trên ít nhất một phương tiện thông tin đại chúng, trên phiếu mua hàng, phiếu dự thi, tại nơi bán hàng, nơi cung ứng dịch vụ về phiếu mua hàng, các giải thưởng, cách mở thưởng, cách xác định trúng thưởng.

    3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    a) Tổ chức khuyến mại mà không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định;

    b) Bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ kèm theo vé số dự thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố mà kết quả trúng thưởng không được lập thành biên bản và không thông báo công khai theo quy định;

    c) Sử dụng vé số dự thưởng có hình thức giống với vé xổ số kiến thiết do nhà nước độc quyền phát hành;

    d) Sử dụng vé số không có đủ các thông tin cần thiết về chương trình khuyến mại, số lượng vé dự thưởng phát hành, số lượng giải thưởng, giá trị từng loại giải thưởng, địa điểm phát thưởng và thời gian, địa điểm mở thưởng trong thời gian tổ chức khuyến mại;

    e) Mở thưởng trước khi hủy bỏ các vé số dự thưởng chưa phát hành hoặc mở thưởng không có sự chứng kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đại diện khách hàng.

    4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    a) Không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc trì hoãn việc thực hiện các cam kết khuyến mại đã công bố với khách hàng hoặc đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng;

    b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các chương trình khuyến mại đã được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

    c) Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo vé xổ số dự thưởng hoặc các hình thức khuyến mại khác không có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

    d) Sử dụng phiếu dự thi để chọn người trao giải thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố có nội dung, hình thức trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

    5. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    a) Khuyến mại cho hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ cấm thực hiện, hàng giả, hàng hoá không đảm bảo an toàn, vệ sinh, hàng hoá hết hạn sử dụng, hàng hoá không hoặc chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam;

    b) Sử dụng hàng hoá, dịch vụ để khuyến mại là hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ cấm kinh doanh, hàng giả, hàng hoá không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đã công bố, hàng hoá không đảm bảo an toàn, vệ sinh, hàng hoá hết hạn sử dụng, hàng hoá không hoặc chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam;

    c) Sử dụng thuốc lá để làm hàng khuyến mại;

    d) Sử dụng rượu, bia để làm hàng khuyến mại đối với trẻ em dưới 16 tuổi;

    e) Tổ chức khuyến mại tại trụ sở cơ quan nhà nước, đoàn thể, trường học, bệnh viện và các đơn vị lực lượng vũ trang.

    6. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều này nếu hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

    7. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

    a) Buộc tiêu hủy hoặc tịch thu tang vật vi phạm đối với vi phạm tại điểm c khoản 3 và điểm b, c, d và e khoản 5 Điều này;

    b) Buộc trao trả giải thưởng cho khách hàng như cam kết, công bố đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;

    c) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục vi phạm đối với vi phạm quy định tại Điều này.

    Xem thêm: Gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam

    5. Nguyên tắc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại theo hình thức khuyến mại:

    Tóm tắt câu hỏi:

    Xin chào luật sư! Tôi là một người kinh doanh nên luôn có hoạt động khuyến mại, tuy nhiên tôi có thắc mắc là khi thực hiện hoạt động này tôi cần tuân thủ những nguyên tắc nào không theo đúng quy định của pháp luật? Tôi xin chân thành cảm ơn!

    Luật sư tư vấn:

    Hoạt động khuyến mại hay những hoạt động xúc tiến thương mại khác khi thực hiện cần tuần thủ những nguyên tắc, quy định cụ thể của pháp luật nói chung và pháp luật về thương mại nói riêng về điều kiện, thủ tục, cách thức tiến hành… Theo đó, về nguyên tắc trong hoạt động khuyến mại cần tuân thủ những quy định chung theo Luật Thương mại 2005 và hướng dẫn cụ thể tại Điều 4  Nghị định 37/2006/NĐ-CP như sau:

    Điều 4. Nguyên tắc thực hiện khuyến mại

    1. Chương trình khuyến mại phải được thực hiện hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch và không được xâm hại đến lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của các thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác.

    2. Không được phân biệt đối xử giữa các khách hàng tham gia chương trình khuyến mại trong cùng một chương trình khuyến mại.

    3. Thương nhân thực hiện chương trình khuyến mại phải bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho khách hàng trúng thưởng nhận giải thưởng và có nghĩa vụ giải quyết rõ ràng, nhanh chóng các khiếu nại liên quan đến chương trình khuyến mại (nếu có).

    4. Thương nhân thực hiện khuyến mại có trách nhiệm bảo đảm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại và hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại.

    5. Không được lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm của khách hàng để thực hiện khuyến mại nhằm phục vụ cho mục đích riêng của bất kỳ thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân nào.

    6. Việc thực hiện khuyến mại không được tạo ra sự so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh.

    7. Không được dùng thuốc chữa bệnh cho người (kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông) để khuyến mại.

    Như vậy, ngoài những nguyên tắc chung theo quy định của pháp luật, khi tiền hành xúc tiến thương mại theo hình thức khuyến mại cần tuân thủ nguyên tắc riêng, phù hợp với hoạt động khuyến mại

    Xem thêm: Cục Xúc tiến thương mại là gì? Nhiệm vụ, chức năng và cơ cấu tổ chức

    6. Điểm khác biệt của hình thức khuyến mại bằng các chương trình may rủi với các hình thức khuyến mại khác:

    Có nhiều hình thức khuyến mại khác nhau (Điều  92 Luật Thương mại 2005) mà thương nhân có thể sử dụng để dành cho khách hàng những lợi ích nhất định. Một trong các hình thức khuyến mại đó là khuyến mại bằng các chương trình may rủi (Khoản 6 Điều 92 Luật thương mại năm 2005), đó là “việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua bán hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố”. Như vậy, khuyến mại bằng chương trình có tính chất may rủi là việc tổ chức các sự kiện gắn liền với việc mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ của khách hàng. Tuy nhiên, các sự kiện đó cũng có thể được tổ chức tách rời với việc mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ của khách hàng. Và việc khách hàng trúng thưởng hoàn toàn là do sự may mắn. Đây là điểm khác biệt của hình thức khuyến mại này với các hình thức khuyến mại khác.

    • Về việc thông báo chương trình khuyến mại.

    Theo quy định tại Điều 12 Mục 2 Nghị định 37/2006/NĐ-CP quy định bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự chương trình khuyến mại mang tính may rủi và tại Khoản 1 Điều 15 NĐ 37/2006/NĐ-CP về thông báo về việc tổ chức thực hiện khuyến mại thì “thương nhân thực hiện các hình thức khuyến mại quy định tại Mục 2 chương này phải gửi thông báo bằng văn bản về chương trình khuyến mại đến Sở Thương mại nơi tổ chức khuyến mại chậm nhất 7 (bảy) ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mại”. Đồng thời tại Khoản 2 Mục II  Thông tư 07/2007/TTLT-BTM-BTC cũng quy định về việc thông báo chương trình khuyến mại theo mẫu KM-1 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư. Như vậy, với chương trình khuyến mại mang tính may rủi thì thương nhân bắt buộc phải có thông báo bằng văn bản gửi tới Sở Thương mại nơi tổ chức khuyến mại, trong thông báo phải nêu rõ tên chương trình khuyến mại, hình thức khuyến mại, địa điểm thực hiện, thời gian khuyến mại…. (Khoản 2 Điều 15 Nghị định 37/2006/NĐ-CP) .

    • Về việc đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại.

    Việc đăng ký được quy định tại Điều 16 Nghị định 37/2006/NĐ-CP và tại Mục II Thông tư 07/2007/TTLT-BTM-BTC như sau: Nếu phạm vi khuyến mại thuộc địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc TW thì đăng ký tại Sở Thương mại và tại Bộ Thương mại nếu phạm vị trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên. Và hồ sơ đăng ký thực hiện khuyến mại gồm: a) Văn bản đăng ký thực hienj khuyến mại theo mẫu quy định, có các nội dung về tên chương trình khuyến mại, địa bàn khuyến mại, hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, hàng hóa, dịch vụ để khuyến mại…; b) Thể lệ chương trình khuyến mại theo mẫu; c) Mẫu vé số dự thưởng đối với chương trình khuyến mại có phát hành vé số dự thưởng; d) Hình ảnh hàng hóa khuyến mại và hàng hóa dùng để khuyến mại; đ) Mẫu bằng chứng xác định trúng thưởng (nếu có); e) Bản sao Giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa, dịch vụ khuyến mại và hàng hóa dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật (nếu có) (Khoản 4 Mục II Thông tư 07/2007/TTLT-BTM-BTC). Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, đối với hồ sơ chưa đấy đủ, hợp lệ, cơ quan đăng ký thông báo bằng văn bản cho thương nhân để bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ. Thời hạn xử lý hồ sơ được tính từ thời điểm cơ quan đăng ký nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ. Và trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký thực hiện khuyến mại đầy đủ hợp lệ, cơ quan đăng ký có trách nhiệm xem xét, xác nhận hoặc không xác nhận bằng văn bản, trường hợp không xác nhận phải nêu rõ lý do.

    Sau khi chương trình đã được xác nhận từ Sở Thương mại hoặc Bộ Thương mại, thì chương trình khuyến mại được bắt đầu. Cuối cùng là việc công bố kết quả và trao giải thưởng (Điều 18 Nghị định 37/2006/NĐ-CP). Tuy nhiên cũng có các chương trình khuyến mại phải chấm dứt hoặc bị đình chỉ việc thực hiện do nguyên nhân từ phía thương nhân hoặc do các lỗi vi phạm tại Điều 100 Luật Thương mại và Điều 4 Nghị định 37/2006/NĐ-CP.