Xuất nhập khẩu là gì? Thông tin tổng hợp từ A – Z cho người mới

Xuất nhập khẩu là gì? Thông tin tổng hợp từ A – Z cho người mới

Với nhiều người, xuất nhập khẩu không còn là cụm từ quá xa lạ khi nhắc đến. Tuy nhiên để hiểu rõ về thuật ngữ này thì phần lớn mọi người đều không biết. Vậy cụ thể xuất nhập khẩu là gì? Đặc điểm, vai trò cũng như các thông tin liên quan đến cụm từ này như thế nào? Tất cả sẽ được Thông Tiến Logistics tổng hợp chi tiết qua bài viết dưới đây.

Xuất nhập khẩu (XNK) là gì?

Xuất nhập khẩu (XNK) là cụm từ chung được sử dụng nhằm chỉ hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa. Đây là hoạt động kinh doanh, buôn bán mang tính quốc tế giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ với nhau.

Theo nghĩa đơn giản thì xuất nhập khẩu sẽ được hiểu là hoạt động mà một quốc gia sẽ mua hàng hóa mà mình không sản xuất được từ nước khác bằng tiền tệ. Trong đó, hoạt động mua hàng của quốc gia đó được gọi là nhập khẩu, còn hoạt động bán hàng của quốc gia bán cho quốc gia mua được gọi là xuất khẩu.

Để giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm xuất nhập khẩu, bạn có thể tìm hiểu nội dung này trong Luật Thương mại như sau:

“Xuất nhập khẩu là hoạt động mua bán hàng hoá của Thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài theo các hợp đồng mua bán hàng hoá, bao gồm cả hoạt động tạm nhập tái xuất và tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu hàng hoá.”

Như vậy có thể thấy, XNK là hoạt động kinh doanh buôn bán trên phạm vi quốc tế. Nó không phải hành vi buôn bán riêng lẻ mà là hoạt động của cả một hệ thống. Do đó, XNK vừa đóng vai trò thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đồng thời giúp tạo ra những đột biến nhằm nâng cao đời sống của người dân tại một quốc gia.

xuất nhập khẩu

Đặc điểm của hoạt động xuất nhập khẩu

Xuất khẩu và nhập khẩu được biết đến là hai hoạt động cơ bản cấu thành nên hoạt động ngoại thương. Đây cũng là hoạt động buôn bán diễn ra ở phạm vi quốc tế nên khá phức tạp và nhiều thủ tục hơn so với kinh doanh trong nước.

Về cơ bản, hoạt động XNK có những đặc điểm chính như:

  • Thị trường buôn bán rộng lớn, khó kiểm soát.
  • Chịu sự ảnh hưởng và chi phối của nhiều yếu tố khác nhau như chính sách, kinh tế, chính trị, pháp luật,… của các quốc gia.
  • Thanh toán bằng đồng tiền ngoại tệ, hàng hóa sẽ được chuyển qua biên giới quốc gia và phải tuân thủ những tập quán buôn bán quốc tế.
  • Nhà nước sẽ trực tiếp quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thông qua các công cụ chính sách như: Chính sách về thuế, hạn ngạch, quy định về hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu, căn văn bản pháp luật khác,…
  • Phương thức giao dịch trên thị trường đa dạng, phong phú với nhiều hình thức như trực tiếp, gián tiếp,…
  • Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, để hạn chế rủi ro thì chủ hàng nên mua bảo hiểm cho hàng hóa.

Vai trò của xuất khẩu, nhập khẩu

Trong hoạt động kinh tế – xã hội, XNK là hoạt động có vai trò vô cùng quan trọng. Nó không những giúp thúc đẩy nền kinh tế phát triển mà hơn nữa còn giải quyết được bài toán về nguồn hàng và đầu ra cho sản xuất của người dân.

Cụ thể, XNK mang đến một số vai trò chính như:

Vai trò của hoạt động xuất khẩu

Xuất khẩu là hoạt động có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bởi xuất khẩu mở ra những cơ hội như:

  • Giúp mở rộng thị trường kinh doanh, đem lại nguồn thu cho doanh nghiệp: Việc xuất khẩu hàng hóa sang nước khác là điểm mấu chốt giúp doanh nghiệp mở rộng được thị trường kinh doanh. Thay vì chỉ buôn bán trong nước, giờ đây họ có thể kinh doanh tại thị trường của nhiều quốc gia khác. Và đây chính là con đường giúp nguồn thu ngoại tệ của doanh nghiệp tăng lên.
  • Giúp quảng bá và “định vị” thương hiệu trên thị trường quốc tế: Xuất hàng sang thị trường khác là cách giúp doanh nghiệp “chiếm lĩnh” được thị trường quốc tế. Thương hiệu của họ được biết đến nhiều hơn và vị thế của sản phẩm cũng được tăng lên nhanh chóng.
  • Mang về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước: Việc đưa hàng hóa ra nước ngoài chính là cơ sở để giúp gia tăng tích lũy nguồn ngoại tệ. Nó cũng giúp cân bằng cán cân thanh toán và tạo đà thúc đẩy cho nền kinh tế đất nước đi lên.
  • Thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu phát triển: Hàng hóa được lưu thông suôn sẻ chính là yếu tố giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất của mỗi quốc gia phát triển. Đó cũng là điều kiện giúp nền kinh tế toàn cầu phát triển và tăng trưởng nhanh hơn.

Vai trò của hoạt động nhập khẩu

Tương tự như xuất khẩu, nhập khẩu cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Chỉ cần nhập khẩu vừa đủ, không dư thừa thì sẽ mang đến một số lợi ích như:

  • Giải quyết được bài toán khan hiếm hàng hóa: Với các quốc gia không thể tự sản xuất một số mặt hàng, nhập khẩu chính là cách duy nhất giúp họ giải quyết được tình trạng khan hiếm hàng hóa trong nước. Điều này vừa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân, đồng thời giúp đảm bảo cân đối nền kinh tế.
  • Tạo nguồn hàng đa dạng cho thị trường trong nước: Việc nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia khác cũng góp phần giúp thị trường trong nước đa dạng hơn về nguồn hàng. Người tiêu dùng thì cũng có nhiều sự lựa chọn để tìm được món hàng phù hợp nhất với bản thân mình.
  • Tạo “cú hích” cho doanh nghiệp trong nước “lột xác”: Nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vô hình tạo nên sự cạnh tranh trong nước. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi, cập nhật và tìm tòi cái mới để giữ chân khách hàng.
  • Ngoài ra còn một số vai trò khác như xóa bỏ tình trạng độc quyền hàng hóa, cải thiện trình độ sản xuất giữa các quốc gia, giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong nước,…

xuất nhập khẩu

Các thuật ngữ cần nắm được trong lĩnh vực xuất nhập khẩu

Khi tìm hiểu về hoạt động XNK, có rất nhiều thuật ngữ, khái niệm bạn cần nắm được. Bởi đây đều là những “key” giúp bạn hiểu rõ hơn về lĩnh vực này.

Theo đó, có một số thuật ngữ bạn cần nắm được phải kể đến như:

Kim ngạch xuất nhập khẩu

Kim ngạch XNK có tên tiếng Anh là Export-import turnover. Đây được hiểu là tổng kim ngạch nhập khẩu cộng với tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó:

  • Kim ngạch xuất khẩu (Export turnover) là tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của quốc gia hoặc một doanh nghiệp trong một kỳ nhất định thường là quý hoặc năm. Tổng giá trị này sẽ được quy đổi đồng nhất ra một loại đơn vị tiền tệ nhất định.
  • Kim ngạch nhập khẩu (Import turnover) là tổng giá trị nhập khẩu của các (hoặc một) hàng hoá nhập khẩu vào quốc gia (hoặc một doanh nghiệp) trong một kỳ nhất định quy đổi đồng nhất ra một loại đơn vị tiền tệ nhất định.

CO (Certificate of Origin), CQ (Certificate of Quality)

  • CO (Certificate of Origin) là giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa được cấp bởi một quốc gia, cụ thể là nước xuất khẩu. CO được cấp nhằm xác nhận mặt hàng đó do quốc gia đó sản xuất và phân phối trên thị trường theo quy định về xuất xứ hàng hóa. CO phải tuân thủ theo quy định của nước xuất khẩu và cả nước nhập khẩu.
  • CQ (Certificate of Quality) là giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa. Đây là giấy được cấp nhằm chứng nhận chất lượng hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn của nước sản xuất hoặc theo tiêu chuẩn quốc tế.

UCP

UCP là tên viết tắt của cụm từ “The Uniform Custom and Practice for Documentary Credits”. Đây là quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ.

Cụ thể, bản UCP đầu tiên được phát hành vào năm 1933 bởi ICC với mục đích khắc phục những xung đột về luật và điều chỉnh tín dụng chứng từ giữa các quốc gia bằng cách xây dựng một bản quy tắc thống nhất về hoạt động tín dụng chứng từ.

Hiện nay, UCP là cơ sở pháp lý quan trọng trong các hoạt động giao dịch thương mại quốc tế. Do đó, bất cứ ai khi tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu cũng cần hiểu rõ về bản quy tắc này.

Thư tín dụng (L/C)

Thư tín dụng (Letter of Credit) được viết tắt là L/C. Đây được hiểu là một cam kết thanh toán có điều kiện bằng văn bản của một tổ chức tài chính, thông thường là ngân hàng đối với người thụ hưởng L/C (người bán hoặc người cung cấp dịch vụ).

Theo đó để được thanh toán, người thụ hưởng phải xuất trình được bộ chứng từ phù hợp với tất cả các điều khoản được quy định trong L/C, phù hợp với Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ (UCP) được dẫn chiếu trong thư tín dụng và phù hợp với Tập quán ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế dùng để kiểm tra chứng từ trong phương thức tín dụng chứng từ (ISBP).

Xuất khẩu tại chỗ

Xuất khẩu tại chỗ là hoạt động xuất khẩu hàng hóa ngay tại chính quốc gia xuất khẩu. Theo đó, hàng hóa không cần vượt ra khỏi biên giới quốc gia của bên bán mà người mua là công ty nước ngoài vẫn có thể mua được hàng. Bởi, hoạt động xuất khẩu được thực hiện trực tiếp trên lãnh thổ của bên bán.

* Ví dụ: Công ty A tại Việt Nam bán hàng cho công ty B tại Hàn Quốc, nhưng công ty B lại có chi nhánh hoặc kho hàng tại Hà Nội. Khi giao dịch mua bán, công ty B yêu cầu công ty A chuyển hàng đến chi nhánh hoặc kho tại Hà Nội. Theo đó, công ty A chỉ cần chuyển hàng đến đúng địa chỉ kho cho công ty B mà không cần xuất khẩu hàng ra nước ngoài. Và đây chính là hình thức xuất khẩu tại chỗ.

Incoterms

Incoterms là viết tắt của cụm từ International Commerce Tems. Đây là bộ các quy tắc thương mại quốc tế. Nội dung của bộ quy tắc này bao gồm những quy định của các bên trong hoạt động giao thương hàng hoá quốc tế.

xuất nhập khẩu

Kiến thức về ngành xuất nhập khẩu bạn cần biết

Ngoài một số thuật ngữ cần nắm được trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bạn cũng cần “bỏ túi” cho mình một số kiến thức khác. Cụ thể:

Giao nhận vận tải

Giao nhận vận tải trong lĩnh vực xuất nhập khẩu bao gồm 2 mảng là vận tải nội địa và vận tải quốc tế. Với giao nhận nội địa, bạn cần nắm rõ mục đích, cách vận hành và những loại phương tiện, hình thức vận chuyển phù hợp nhất. Cần nắm rõ các tuyến đường giao thông, cảng biển và cảng sông nội địa.

Còn với giao nhận quốc tế, nhân viên cần nắm rõ các hình thức vận tải cùng phí đi kèm. Nắm rõ danh sách các cảng biển và sân bay quốc tế tại hai quốc gia giao và nhận. Bên cạnh đó, chứng từ quốc tế là vấn đề hết sức quan trọng cần được chú ý.

Thanh toán quốc tế

Đối với ngành xuất nhập khẩu thì thanh toán quốc tế là một trong những kiến thức nền tảng nhất. Nhân viên xuất nhập khẩu cần nắm rõ các phương thức và công cụ để thanh toán quốc tế cho các lô hàng, đảm bảo lợi ích giữa các bên. Đồng thời, cần nắm chắc các rủi ro đi kèm lợi ích đối với mỗi phương thức thanh toán.

Thủ tục hải quan

Thủ tục hải quan sẽ bao gồm các chính sách hải quan, các thông tư và chính sách liên quan đến việc xuất nhập khẩu đối với 1 lô hàng. Bạn cần có hiểu biết chuyên môn về quy trình làm việc của hải quan để có thể thông quan trót lọt các lô hàng khi qua xửa khẩu.

Cần chuẩn bị những gì cho ngành xuất nhập khẩu?

Một nhân viên trong ngành Xuất nhập khẩu có nhiều chức danh khác nhau như: Nhân viên XNK, Nhân viên mua hàng (Purchasing officer), Chuyên viên XNK, Nhân viên chứng từ…. Nhưng nhìn chung, để thành công trong nghề XNK bạn cần các điều kiện sau:

  • Nắm vững quy trình xuất-nhập khẩu và có kinh nghiệm làm chứng từ cũng như soạn thảo các loại văn bản, hợp đồng giao dịch; hiểu biết về hàng hóa và thị trường…
  • Có khả năng ngoại ngữ và sử dụng thành thạo các ứng dụng tin học.
  • Cần trang bị một số kỹ năng như kỹ năng đàm phán/thuyết phục, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chức và kiểm soát công việc hiệu quả, kỹ năng giải quyết vấn đề…
  • Phải có một số tố chất như cẩn thận, nhanh nhẹn, linh hoạt, tinh thần trách nhiệm cao và có khả năng chịu áp lực cao trong công việc…

Bài viết trên đây của Thông Tiến Logistics đã cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về xuất nhập khẩu. Hy vọng, với chia sẻ này bạn đã hiểu rõ hơn về lĩnh vực này để thực hiện đúng và đầy đủ các thủ tục cần thiết khi xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa.

Rate this post