Xử trí vết rết cắn sao cho đúng

Xử trí vết rết cắn sao cho đúng

Rết là loài vật khá hung dữ và dễ tấn công con người khi chúng ta vô tình chạm phải. Những nơi có môi trường ẩm thấp rất thuận lợi cho rết sinh sống và phát triển. Nếu không may bị rết cắn nhẹ thì có thể gây dị ứng da, sưng, nóng, đỏ đau tại vết đốt. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp có tiền sử dị ứng với côn trùng đốt thì có thể gây ra chóng mặt, ù tai, sốt và số ít có thể tình trạng sốc phản vệ.


Hình minh họa

Hình minh họa

Tuy nhiên, khi bị rết cắn nói riêng và côn trùng đốt nói chung nhiều người chưa biết cách hoặc có những cách xử trí chưa đúng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Như trường hợp của một người bệnh P.T.H. 62 tuổi trú tại Khu 10 – Thanh Sơn – Uông Bí nhập viện do rết cắn vào bàn chân phải. Khi nhập viện bàn chân phải sưng đỏ và được đắp kín bởi tỏi giã nát.

 

Chân của người bệnh H. đắp kín tỏi tại vết rết cắn khi nhập viện

Chân của người bệnh H. đắp kín tỏi tại vết rết cắn khi nhập viện

Theo Ths.Bs. Dương Đức Mạnh – Khoa Cấp cứu bệnh viện cho biết: Người bệnh khi bị rết cắn thường gây ra nóng rát, đau nhức. Bản chất của tỏi tính nóng khi đắp vào vết côn trùng đốt như vậy khiến vết đốt có thể bị bỏng rát, phỏng nước sưng nề khiến vết thương càng đau, nhức và lâu khỏi hơn.

Qua đây các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân: Nếu bị côn trùng cắn việc đầu tiên và đơn giản nhất cần làm là rửa sạch vết thương, vết cắn rửa vòi nước chảy. Có thể rửa với xà phòng sau đó rửa lại bằng nước sạch. Sau đó có thể chườm lạnh tại chỗ giúp giảm đau và giảm sưng. Nếu vết cắn lớn và có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, ù tai, co giật, cần khẩn trương đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để có các biện pháp can thiệp kịp thời. Tuyệt đối không nên xoa bóp xung quanh vết thương để tránh làm chất độc phát tán nhanh; Không đắp hoặc bôi bất cứ loại thuốc gì khi không có hướng dẫn của bác sĩ để tránh nguy hại đến sức khỏe.