Xử phạt vi phạm hành chính với hành vi vi phạm quy định về biển hiệu

Biển hiệu hay còn hiểu với nghĩa phổ biến là biển quảng cáo tuy nhiên đây là hai khái niệm khác nhau. Các biển hiệu thường cung cấp đầy đủ tên công ty, đặt trước trụ sở, văn phòng của doanh nghiệp và được sử dụng cho các mục đích tiếp thị hoặc để định hướng cho các khách tham quan, giúp họ hiểu thêm về công ty hay đơn vị tổ chức.

Có thể nói, từ khi nền kinh tế phát triển, hoạt động kinh doanh được mở rộng làm cho hoạt động quảng cáo được thúc đẩy mạnh mẽ, các biển hiệu bắt mắt, thể hiện thương hiệu và tầm nhìn ra đời đã có vai trò lớn trong cung cấp thông tin về công ty, sản phẩm; thu hút và thuyết phục khách hàng cũng như tạo dựng hình ảnh thương hiệu. Chi phí để làm biển hiệu không quá đắt nhưng có thể mang lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên với những hành vi vi phạm quy định về đặt biển hiệu vẫn phải chịu xử phạt vi phạm hành chính, quy định tại Điều 48, Nghị định 38/2021/NĐ-CP

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng

Đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ quan chủ quản trực tiếp; tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; địa chỉ, điện thoại.

Như đã nói ở trên, biển hiệu và biển quảng cáo là hai định nghĩa khác nhau. Nếu như biển quảng cáo không cần phải cung cấp tên, thông tin của doanh nghiệp hay cửa hàng nhỏ lẻ một cách chi tiết, rõ ràng thì đối với biển hiệu, phải có đầy đủ tên cơ quan chủ quản trực tiếp; tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; địa chỉ, điện thoại.

Đây là thông tin liên lạc của doanh nghiệp quy định theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, dấu hiệu phân biệt với các doanh nghiệp khác. Khoản 1, Điều 34, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động, sản xuất kinh doanh phải có những nội dung sau:

  • Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);
  • Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
  • Địa chỉ, điện thoại.

Việc không đảm bảo được thông tin trên đồng nghĩa với việc chưa làm đúng nội dung quy định của pháp luật. Do đó, chủ thể vi phạm có thể chịu mức xử phạt hành chính ở mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Giữ nguyên quy định tại Nghị định 158/2021/NĐ-CP khi tại Điểm a, Khoản 1, Điều 66.

b. Sử dụng biển hiệu có kích thước không đúng theo quy định.

Kích thước là từ nói chung những đại lượng (như chiều dài, chiều rộng, chiều cao…) nhằm mục đích xác định độ lớn của một vật. Khoản 3, Điều 34, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định kích thước tiêu chuẩn của biển hiệu phải:

  • Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;
  • Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

Biển hiệu dọc và ngang phải đáp ứng mức tối đa pháp luật quy định. Việc vượt quá có thể gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị và không gian xung quanh, do vậy, hành vi này vi phạm vẫn chịu mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Giữ nguyên quy định tại Nghị định 158/2021/NĐ-CP khi tại Điểm b, Khoản 1, Điều 66.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng

Đối với một trong các hành vi sau đây:

– Ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ tên gọi bằng tiếng Việt trên biển hiệu.

– Không viết bằng chữ tiếng Việt mà chỉ viết bằng chữ tiếng nước ngoài trên biển hiệu

– Thể hiện tên riêng, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ tiếng nước ngoài ở phía trên tên bằng chữ tiếng Việt trên biển hiệu

– Thể hiện tên gọi, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ tiếng nước ngoài có khổ chữ quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt trên biển hiệu

– Chiều cao của biển hiệu dọc vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

Khoản 2, Điều 24, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định: Việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định sau: Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:

  • Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt.
  • Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.

Như vậy, từ quy định tại Điều 18 có thể thấy, trong mọi trường hợp đều phải ưu tiên tiếng việt và chữ nói tiếng việt so với tất cả các ngôn ngữ khác. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.

Điều này tôn trọng chữ viết, tiếng nói của Việt Nam, bảo đảm sự trong sáng, thuần việt của tiếng việt trong sự giao thoa văn hóa với những khu vực, quốc gia khác. Bởi đây là hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam, tìm kiếm lợi nhuận cho nên pháp luật Việt Nam được áp dụng đầu tiên. Do đó, không kể đến tổ chức, cá nhân Việt Nam thì đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài khi tham gia thì phải tôn trọng những gì Việt Nam quy định.

Do đó, với các hành vi vi phạm trên chịu mức tiền phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, giữ nguyên quy định tại Khoản 2, Điều 66, Nghị định 158/2013/NĐ-CP.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

Đối với một trong các hành vi sau đây:

– Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa.

– Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

– Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu làm mất mỹ quan.

Khoản 4, Điều 34, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định: Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

Không gian thoát hiểm, cứu hỏa là một yếu tố không thể thiếu trong việc thiết kế và xây dựng các tòa nhà cao tầng, nhằm sử dụng thoát thân cho những trường hợp khẩn cấp và nguy hiểm như: Hỏa hoạn, cháy, nổ… Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam và Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về an toàn cho nhà và công trình (kèm theo Quyết định số 439/BXD-CSXD ngày 25/09/1997 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Thông tư số 07/2010/TT-BXD ngày 28/07/2010 của Bộ Xây dựng), các nhà cao tầng đều thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy, nhà cao tầng phải đảm bảo nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về phòng cháy chữa cháy; phải được cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy có thẩm quyền thẩm duyệt, nghiệm thu, thi công… các hạng mục phòng cháy chữa cháy của công trình trước khi công trình đi vào xây dựng và đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm, thoát nạn… cho người trong công trình khi đưa vào sử dụng, hoạt động.

Lề đường (vỉa hè) là không gian được giới hạn bởi lòng đường và các công trình xây dựng hợp pháp, dùng cho sự đi lại của người đi bộ và bố trí một số công trình đô thị (hệ thống cung cấp điện, nước, thoát nước, điện thoại, biển hiệu giao thông, thảm cỏ cây xanh phục vụ công đồng đô thị…). Bề rộng lề đường tính từ đường biên bộ vỉa hè đến đường biên các công trình xây dựng hợp pháp (gọi tắt là lộ giới).

Lòng đường (gồm mặt cầu, mặt đường) là phần đất và không gian nằm giữa 2 lề đường dành cho các phương tiện giao thông đi lại và bố trí một số công trình đô thị.

Như vậy, vỉa hè, lòng đường, không gian thoát hiểm, cứu hỏa là những thứ ảnh hưởng đến hoạt động trong những trường hợp đặc thù và phục vụ cho hoạt động của con người. Vì vậy, việc quảng cáo ở những vị trí này phải đảm bảo được điều kiện về khoảng cách, vị trí. Việc vi phạm các quy định trên sẽ chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Giữ nguyên so với quy định tại Khoản 3, Điều 66, Nghị định 158/2013/NĐ-CP

4. Biện pháp khắc phục hậu quả với hành vi vi phạm quy định về biển hiệu

Biện pháp khắc phục hậu quả được hiểu là hình thức cưỡng chế do Nhà nước tiến hành, buộc người có hành vi vi phạm hành chính phải thực hiện những nghĩa vụ pháp lý nhất định nhằm hạn chế hoặc khôi phục lại tình trạng ban đầu do vi phạm hành chính gây ra. Trong đó, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm là một trong những biện pháp chung quy định trong xử phạt vi phạm hành chính nhằm khắc phục lỗi của chủ thể.

Buộc tháo dỡ biển hiệu đối với hành vi:

  • Không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ quan chủ quản trực tiếp; tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; địa chỉ, điện thoại;
  • Sử dụng biển hiệu có kích thước không đúng theo quy định.
  • Ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ tên gọi bằng tiếng Việt trên biển hiệu;
  • Không viết bằng chữ tiếng Việt mà chỉ viết bằng chữ tiếng nước ngoài trên biển hiệu;
  • Thể hiện tên riêng, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ tiếng nước ngoài ở phía trên tên bằng chữ tiếng Việt trên biển hiệu;
  • Thể hiện tên gọi, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ tiếng nước ngoài có khổ chữ quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt trên biển hiệu;
  • Chiều cao của biển hiệu dọc vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
  • Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa;
  • Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng;
  • Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu làm mất mỹ quan.

Buộc tháo gỡ, tháo dỡ biển hiệu là một biện pháp khắc phục hậu quả phổ biến trong lĩnh vực quảng cáo. Làm cho các sản phẩm không còn được tồn tại trên thực tế nữa. Nhìn chung, việc quy định xử phạt hành chính về biển hiệu trong quảng cáo được giữ nguyên so với Nghị định 158/2013/NĐ-CP, tương thích với Luật Quảng cáo năm 2012. Trong mọi trường hợp quảng cáo đều phải ưu tiên tiếng Việt lên hàng đầu nhằm mục đích bảo tồn giá trị và sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt cũng như đảm bảo được khoảng cách, vị trí của biển hiểu trên thực tế.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo

Luật Hoàng Anh