Xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo quy định pháp luật mới nhất

Bài viết dưới đây của Luật Minh Khuê chúng tôi đã biên soạn và cung cấp cho bạn đọc thêm kiến thức về xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn và những nội dung liên quan theo quy định của pháp luật hiện hành….

Cơ sở phát lý liên quan và được sử dụng trong bài viết:

– Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

– Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019;

– Luật Hải quan ngày 23 tháng 6 năm 2014;

– Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;

– Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 26 tháng 11 năm 2013;

– Luật Dự trữ quốc gia ngày 20 tháng 11 năm 2012;

– Luật Kế toán ngày 20 tháng 11 năm 2015;

– Luật Kiểm toán độc lập ngày 29 tháng 3 năm 2011;

– Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 09 tháng 12 năm 2000;

– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019;

– Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

– Nghị định 102/2021/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số. (Nghị định 102/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.)

I. Mở đầu vấn đề

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập vừa được Chính phủ ban hành đó là sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 8 thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 2 năm (quy định cũ là 1 năm).

Nghị định 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 22 xử phạt hành vi cho, bán hóa đơn: Phạt tiền từ 20-50 triệu đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn, trừ hành vi: Cho, bán hóa đơn đặt in chưa phát hành; cho, bán hóa đơn đặt in của khách hàng đặt in hóa đơn cho tổ chức, cá nhân khác.

Nghị định 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 26 xử phạt hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn. Cụ thể, phạt tiền từ 4-8 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập; làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp người mua làm mất, cháy, hỏng hóa đơn phải có biên bản của người bán và người mua ghi nhận sự việc; làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế. Các bên liên quan phải lập biên bản ghi nhận việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.

Nghị định 102/2021/NĐ-CP cũng quy định về trường hợp: Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập, đã khai thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 26…

Nghị định 102/2021/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung Nghị định số số 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Theo đó nêu rõ: Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu; trốn thuế; vi phạm của ngân hàng thương mại trong việc không thực hiện trách nhiệm trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản của ngân sách nhà nước đối với số tiền thuế nợ phải nộp của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo quy định tại các điểm b, c, d khoản 2 Điều 138 của Luật Quản lý thuế.

II. Phân tích xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn

Theo đó, sửa đổi một số quy định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP, đơn cử như:

1. Khái niệm hóa đơn

Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 39/2014/TT-BTC của Bộ tài chính có quy định: “Hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật…”

Khi lập hóa đơn phải có các nội dung sau:

– Tên loại hóa đơn;

– Ký hiệu mẫu số hóa đơn và ký hiệu hóa đơn;

– Tên liên hóa đơn;

– Số thứ tự hóa đơn;

– Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán;

– Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua;

– Tên hàng hóa, dịch vụ; đơn vị tính; số lượng; đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền ghi bằng số và bằng chữ;

– Người mua, người bán ký và ghi rõ họ tên, dấu người bán (nếu có) và ngày, tháng, năm lập hóa đơn;

– Tên tổ chức nhận in hóa đơn.

Tuy nhiên có một số ngoại lê, một số trường hợp ngoại lệ không cần đầy đủ các nội dung vừa nêu ở mục 1 nhỏ này.

2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn 

Kể từ ngày 01/01/2022, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 02 năm (thay vì 01 năm như hiện hành).

3. Xử phạt hành vi cho, bán hóa đơn

Đối với hành vi xử phạt hành vi cho, bán hóa đơn tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 125/2020/NĐ-CP được quy định:

“1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cho, bán hóa đơn đặt in chưa phát hành;

b) Cho, bán hóa đơn đặt in của khách hàng đặt in hóa đơn cho tổ chức, cá nhân khác.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc hủy hóa đơn đối với hành vi quy định tại Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính tại Điều này.”

Theo đó, được sửa đổi khoản 2 Điều 22 Nghị định 125/2020/NĐ-CP theo hướng không xử phạt hành vi cho, bán hóa đơn theo khoản 2 Điều 22 Nghị định 125/2020/NĐ-CP đối với hành vi đã được quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

4. Xử phạt hành vi vi phạm về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ

Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây:

– Lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ;

– Lập hóa đơn liên tục từ số nhỏ đến số lớn nhưng khác quyển (dùng quyển có số thứ tự lớn hơn và chưa dùng quyển có số thứ tự nhỏ hơn) và tổ chức, cá nhân sau khi phát hiện ra đã hủy các quyển hóa đơn có số thứ tự nhỏ hơn;

– Lập sai loại hóa đơn theo quy định đã giao cho người mua hoặc đã kê khai thuế, bên bán và bên mua phát hiện việc lập sai loại hóa đơn và lập lại loại hóa đơn đúng theo quy định trước khi cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và không ảnh hưởng đến việc xác định nghĩa vụ thuế.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

– Không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động, trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1, khoản 3 Điều này;

– Lập hóa đơn không theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo quy định, trừ trường hợp phạt cảnh cáo theo điểm b khoản 1 Điều này;

– Lập hóa đơn ghi ngày trên hóa đơn trước ngày mua hóa đơn của cơ quan thuế;

– Lập sai loại hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và đã giao cho người mua hoặc đã kê khai thuế, trừ trường hợp phạt cảnh cáo theo điểm c khoản 1 Điều này;

– Lập hóa đơn điện tử khi chưa có thông báo chấp thuận của cơ quan thuế hoặc trước ngày cơ quan thuế chấp nhận việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế;

– Lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trừ trường hợp lập hóa đơn giao cho khách hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày thông báo tạm ngừng kinh doanh;

– Lập hóa đơn điện tử từ máy tính tiền không có kết nối, chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định, trừ hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc lập hóa đơn theo quy định đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 4, khoản 5 Điều này khi người mua có yêu cầu.

Theo đó, tại Nghị định 102/2021/NĐ-CP đã bổ sung quy định xử phạt với hành vi lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định. Mức phạt đối với hành vi này là từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

5. Xử phạt hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn

Theo khoản 3, 4 Điều 26 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định:

“3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập;

b) Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Trường hợp người mua làm mất, cháy, hỏng hóa đơn phải có biên bản của người bán và người mua ghi nhận sự việc.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập, đã khai, nộp thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này.”

Theo đó, Nghị định 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3, 4 Điều 26 Nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau:

– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

+ Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập;

+ Làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ;

Trường hợp người mua làm mất, cháy, hỏng hóa đơn phải có biên bản của người bán và người mua ghi nhận sự việc.

+ Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế;

Các bên liên quan phải lập biên bản ghi nhận việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.

(So với quy định hiện hành, bổ sung hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế).

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập, đã khai thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 26 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

 Lưu ý: Mức phạt nêu trên áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm thì bị phạt gấp đôi cá nhân.

(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật Minh Khuê (Sưu tầm và biên tập).