Xử phạt vi phạm hành chính hành vi vi phạm quy định về người nước ngoài làm việc ở Việt Nam
Pháp luật Việt Nam quy định vấn đề người nước ngoài làm việc ở Việt Nam như thế nào ? Người sử dụng lao động vi phạm các quy định về người nước ngoài làm việc ở Việt Nam sẽ bị xử lý như thế nào ? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu hơn về vấn đề này.
Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật Lao động năm 2019;
– Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
– Nghị định 28/2020/NĐ-CP;
Mục Lục
1. Những quy định riêng đối với lao động người nước ngoài làm việc ở Việt Nam
Những quy định riêng đối với lao động người nước ngoài làm việc ở Việt Nam được quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019, cụ thể như sau:
1.1 Điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
– Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng 5 điều kiện sau đây:
(1) Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
(2) Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc;
(3) Có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
(4) Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;
(5) Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động quy định tại Điều 154 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020.
– Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
– Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo vệ, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
1.2 Điều kiện tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
– Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu chỉ được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
– Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Nhà thầu trước khi tuyển và sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải kê khai cụ thể các vị trí công việc, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm làm việc, thời gian làm việc cần sử dụng lao động nước ngoài để thực hiện gói thầu và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
1.3 Trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài
– Người lao động nước ngoài phải xuất trình giấy phép lao động khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
– Người sử dụng lao động sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho mình mà không có giấy phép lao động thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
1.4 Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động
– Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ.
– Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ.
– Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
– Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.
– Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.
– Là luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư.
– Trường hợp theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Xử phạt vi phạm quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
2.1 Đối với hình phạt tiền
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi vi phạm một trong các hành vi sau:
+ Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng nội dung, thời hạn về tình hình sử dụng người lao động nước ngoài theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về lao động;
+ Không gửi bản sao hợp đồng lao động đã ký kết tới cơ quan đã cấp giấy phép lao động đối với trường hợp người lao động nước ngoài làm việc theo hình thức hợp đồng lao động.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng lao động nước ngoài không đúng với nội dung ghi trên giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có một trong các hành vi sau đây:
+ Làm việc nhưng không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật;
+ Sử dụng giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực.
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng
Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực theo một trong các mức sau đây:
+ Từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người;
+ Từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 20 người;
+ Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 21 người trở lên.
2.2 Hình thức xử phạt bổ sung
Trục xuất người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi làm việc tại Việt Nam nhưng không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động khi vi phạm sau:
+ Làm việc nhưng không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật;
+ Sử dụng giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực.
3. Người nước ngoài làm việc ở Việt Nam có phải tham gia BHXH không ?
Căn cứ theo điều 2: Đối tượng áp dụng của nghị định số 143/2018/NĐ-CP, đối tượng áp dụng bảo hiểm được quy định như sau:
– Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
– Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại điều 3 của nghị định 152/2020NĐ-CP Quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
b) Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động số 52/VBHN-VPQH.
– Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
– Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài.
Như vậy người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH ở Việt Nam.
3.1 Mức đóng BHXH bắt buộc cho người nước ngoài
Căn cứ vào điều 12 và điều 13 của nghị định số 143/2018/NĐ-CP, và khoản 2 điều 16 hiệu lực thi hành nghị đinh 58/2020/NĐ-CP.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, Người lao động hàng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
a) 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;
b) 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
Người lao động mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động và thuộc diện áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người lao động và người sử dụng lao động chỉ đóng bảo hiểm xã hội đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên. Riêng tham gia vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động phải đóng theo từng hợp đồng lao động đã giao kết.
Thời điểm đóng
Người sử dụng lao động
Người lao động đóng
Quỹ ốm đau
và thai sản
Quỹ bảo hiểm
TNLĐ, BNN
Quỹ hưu trí
và tử tuất
quỹ hưu trú và tử tuất
TỪ 01/12/2018 -14/7/2020
3%
0,5%
0
0
TỪ 15/7/2020
3%
0
0
0
TỪ 01/01/2022
3%
0
14%
8%
Căn cứ theo điều 14 của nghị định số 143/2018/NĐ-CP, khoản 2 và khoản 3 Điều 89 của Luật bảo hiểm xã hội và khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.
Lưu ý: Theo khoản 2 điều 6 quyết định Số: 595/QĐ-BHXH, Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong HĐLĐ.
3.2 Về bảo hiểm y tế của lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam
Căn cứ điều 17 của quyết định số 595/QĐ-BHXH, Người lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên, người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành Hợp tác xã hưởng tiền lương, làm việc tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định tại Khoản 3 Điều 4.
Lưu ý: căn cứ hướng dẫn tại Công văn 288/BHXH-QLT ngày 18/02/2020 của Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh:
“Đối tượng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam dưới hình thức di chuyển nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ gồm: nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng thì không thuộc đối tượng đóng BHYT.”
Mức đóng:
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài hàng tháng đóng tổng cộng 6,5% trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm cho người nước ngoài, cụ thể: 3% vào quỹ ốm đau, thai sản; 0,5% vào quỹ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp và 3% vào quỹ bảo hiểm y tế. (Căn cứ: Nghị định 143/2018/NĐ-CP, Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, Nghị định 58/2020/NĐ-CP)
(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng!