Xử phạt hành vi vi phạm hành chính về quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo

Bài viết dưới đây của Luật Minh Khuê chúng tôi đã biên soạn và cung cấp cho bạn đọc thêm kiến thức về các hình thức xử phạt hành vi vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả về quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo…

Cơ sở pháp lý liên quan và được sử dụng trong bài viết:

– Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

– Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

– Luật Điện ảnh ngày 29 tháng 6 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh ngày 18 tháng 6 năm 2009;

– Luật Quảng cáo ngày 21 tháng 6 năm 2012;

– Luật Thư viện ngày 21 tháng 11 năm 2019;

– Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

I. Khái quát chung về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực quảng cáo 

1. Khái niệm quảng cáo 

Theo Luật Quảng cáo quy định về quảng cáo như sau: “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.”

Theo Luật thương mại năm 2005 quy định “Quảng cáo thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình”. ( Điều 102)

2. Hình thức xử phạt

Theo Điều 3 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về “Hình thức xử phạt’ hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo bao gồm:

Thứ nhất: Hình thức xử phạt chính gồm có:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền;

c) Đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Thứ hai: Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, đ, e và i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định các biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại Chương II và Chương III bao gồm:

– Buộc trả lại đất đã bị lấn chiếm tại di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;

– Buộc trả lại tài nguyên thông tin đã đánh tráo hoặc chiếm dụng;

– Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo hoặc buộc tháo dỡ biển hiệu;

– Buộc xin lỗi tổ chức, cá nhân;

– Buộc hoàn lại số tiền có được do thực hiện hành vi vi phạm;

– Buộc tháo gỡ phim, bản ghi âm, ghi hình, văn hóa phẩm có nội dung độc hại dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số;

– Buộc thu hồi giấy phép hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim; văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật; văn bản chấp thuận tổ chức thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn; văn bản xác nhận dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài; giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; giấy phép sao chép tác phẩm mỹ thuật về danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, lãnh tụ; giấy phép tổ chức triển lãm; giấy phép triển lãm mỹ thuật; giấy phép xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng; văn bản chấp thuận tổ chức thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật; giấy phép triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh; giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật; chứng chỉ hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; giấy chứng nhận đăng ký thành lập và hoạt động, giấy phép thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam;

– Buộc thu hồi danh hiệu, giải thưởng đã trao cho cá nhân đạt giải cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn, cuộc thi người đẹp, người mẫu;

– Buộc di dời tang vật vi phạm khỏi địa điểm tổ chức triển lãm mỹ thuật hoặc tổ chức trại sáng tác điêu khắc;

– Buộc loại bỏ nội dung vi phạm ra khỏi phim đã được phép phổ biến; bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã được phép lưu hành; triển lãm; triển lãm mỹ thuật, triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh, trại sáng tác điêu khắc; sản phẩm quảng cáo;

– Buộc phải đáp ứng cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với phòng chiếu phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim;

– Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm;

– Buộc bổ sung số lượng bản sách, cơ sở vật chất, tiện ích thư viện và người làm việc bảo đảm theo quy định;

– Buộc bổ sung tên, địa chỉ người thực hiện quảng cáo;

– Buộc dán tem, nhãn kiểm soát, lưu hành trên máy trò chơi điện tử không kết nối mạng Internet;

– Buộc tiêu hủy phim, băng, đĩa hoặc vật liệu chứa nội dung phim; bản ghi âm, ghi hình có nội dung nghệ thuật biểu diễn;

– Buộc công bố công khai thu hồi danh hiệu, giải thưởng cuộc thi liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn; cuộc thi người đẹp, người mẫu.

II. Xử phạt hành vi vi phạm hành chính về quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo

Xử phạt hành vi vi phạm hành chính về quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo được quy định tại Mục 3 Chương III của Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021, theo đó Luật Minh Khuê chúng tôi sẽ biên soạn dựa trên những mục tương ứng sau đây:

1. Xử phạt vi phạm về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo

Hình thức xử phạt chính 

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Treo, dựng, đặt, gắn mỗi bảng quảng cáo, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời không đúng vị trí đã quy hoạch hoặc vị trí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;

– Không ghi rõ tên, địa chỉ của người thực hiện quảng cáo trên mỗi bảng quảng cáo, băng-rôn.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Quảng cáo vượt diện tích quy định của bảng quảng cáo, băng-rôn tại vị trí đã quy hoạch hoặc vị trí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;

– Không tự tháo dỡ băng-rôn đã hết hạn ghi trong thông báo; không tự tháo dỡ bảng quảng cáo, băng-rôn rách, nát, mất mỹ quan.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Đặt biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo không đúng vị trí quy định trên bảng quảng cáo, băng-rôn có nội dung tuyên truyền, cổ động chính trị, chính trị – xã hội;

– Thể hiện lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa vượt quá diện tích theo quy định trên bảng quảng cáo, băng-rôn có nội dung tuyên truyền, cổ động chính trị, chính trị – xã hội;

– Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn không tuân theo quy định về khu vực bảo vệ di tích lịch sử – văn hóa; hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia; che khuất đèn tín hiệu giao thông; chăng ngang qua đường giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng;

– Sửa đổi làm sai lệch nội dung quảng cáo đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Thông báo không đúng về nội dung quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi thực hiện quảng cáo.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo sau đây:

– Sử dụng âm thanh trên màn hình chuyên quảng cáo đặt ngoài trời;

– Không thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo, băng-rôn.

Biện pháp khắc phục hậu quả

– Buộc bổ sung tên, địa chỉ của người thực hiện quảng cáo trên mỗi bảng quảng cáo, băng-rôn đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

– Buộc tháo dỡ quảng cáo đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1, các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

2. Vi phạm về làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội, trên phương tiện giao thông

Hình thức xử phạt chính 

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông;

– Quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.

Biện pháp khắc phục hậu quả

– Buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;

– Buộc tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.

3. Xử phạt vi phạm quy định về quảng cáo bằng loa phóng thanh và hình thức tương tự

Hình thức xử phạt chính

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Quảng cáo bằng loa phóng thanh và hình thức tương tự tại trụ sở cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, trường học, bệnh viện;

– Quảng cáo bằng loa phóng thanh và hình thức tương tự trên hệ thống truyền thanh phục vụ nhiệm vụ chính trị của xã, phường, thị trấn.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo bằng loa phóng thanh và các hình thức tương tự khác gắn trên phương tiện giao thông và các phương tiện di động tại nội thành, nội thị của các thành phố, thị xã.

Hình thức xử phạt bổ sung

Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều này.

4. Xử phạt vi phạm quy định về quảng cáo trong chương trình, hoạt động văn hóa, thể thao

Hình thức xử phạt chính

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Treo, đặt, dán, dựng sản phẩm quảng cáo ngang bằng hoặc cao hơn biểu trưng, lô-gô hoặc tên của chương trình;

– Khổ chữ thể hiện trên sản phẩm quảng cáo vượt quá một phần hai khổ chữ tên của chương trình.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Quảng cáo trên khu vực sân khấu không bảo đảm mỹ quan và che khuất tầm nhìn của người xem;

– Quảng cáo trong sân vận động, nhà thi đấu và các địa điểm diễn ra hoạt động thể dục thể thao mà che khuất Quốc kỳ, Quốc huy, ảnh lãnh tụ, bảng hướng dẫn chuyên môn và tầm nhìn của khán giả;

– Quảng cáo trong sân vận động, nhà thi đấu gây cản trở hoạt động tập luyện, thi đấu, biểu diễn của vận động viên, việc chỉ đạo của huấn luyện viên và việc thực hiện nhiệm vụ của Ban tổ chức, trọng tài, nhân viên hướng dẫn, nhân viên y tế, người phục vụ.

Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều 45 Nghị định này.

5. Xử phạt vi phạm quy định về tổ chức đoàn người thực hiện quảng cáo

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Quảng cáo của đoàn người thực hiện quảng cáo không đúng với thông báo đã gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Quảng cáo của đoàn người thực hiện quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi thực hiện quảng cáo chấp thuận sau khi thông báo nội dung quảng cáo.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo nội dung, hình thức sản phẩm quảng cáo, số lượng người tham gia đoàn người thực hiện quảng cáo; thời gian và lộ trình thực hiện của đoàn người thực hiện quảng cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

6. Xử phạt vi phạm quy định về quảng cáo trong băng, đĩa phim, bản ghi âm, ghi hình

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo trong băng, đĩa phim, bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách mà có thời lượng vượt quá tổng thời lượng nội dung chương trình theo quy định.

7. Xử phạt vi phạm quy định về biển hiệu

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ quan chủ quản trực tiếp; tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; địa chỉ, điện thoại;

– Sử dụng biển hiệu có kích thước không đúng theo quy định.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ tên gọi bằng tiếng Việt trên biển hiệu;

– Không viết bằng chữ tiếng Việt mà chỉ viết bằng chữ tiếng nước ngoài trên biển hiệu;

– Thể hiện tên riêng, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ tiếng nước ngoài ở phía trên tên bằng chữ tiếng Việt trên biển hiệu;

– Thể hiện tên gọi, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ tiếng nước ngoài có khổ chữ quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt trên biển hiệu;

– Chiều cao của biển hiệu dọc vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa;

– Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng;

– Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu làm mất mỹ quan.

Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc tháo dỡ biển hiệu đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 48 Nghị định này.

(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật Minh Khuê (Sưu tầm và biên tập).