Xử lý vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan: Cần sớm nâng mức xử phạt để tạo tính răn đe

Thứ Sáu 07/04/2023 | 14:15 GMT+7

VHO- Sáng ngày 7.4 tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16.10.2013 của Chính phủ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Hành lang pháp lý có nhiều thay đổi

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Trần Hoàng khẳng định làm tốt công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan sẽ góp phần khuyến khích, thúc đẩy sáng tạo, thu hút đầu tư, góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hoá của đất nước.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Trần Hoàng phát biểu tại Hội nghị

Cũng theo ông Trần Hoàng, thực tiễn thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cho thấy xử lý vi phạm trong lĩnh vực này bằng biện pháp hành chính đang là biện pháp có ưu điểm nhanh, gọn trong xác định hành vi vi phạm; được các chủ thể quyền và các bên liên quan ưu tiên lựa chọn áp dụng để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Sau 10 năm thi hành Nghị định 131, và 23 năm kể từ khi ban hành điều khoản xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, hành lang pháp lý trong lĩnh vực đã có nhiều thay đổi. Việt Nam đã tham gia một loạt các điều ước quốc tế song phương, khu vực và đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan. Trong đó, có Hiệp định CPTPP và EVFTA, gia nhập 2 Hiệp ước của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng là Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT). Đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2022.

Hơn 500 cuộc thanh tra

Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị định 131, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho biết sau khi Nghị định được ban hành, Bộ VHTTDL đã tổ chức hơn 30 hội nghị phổ biến, tập huấn về Nghị định cho các địa phương, đơn vị thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan và các đối tượng có liên quan; tập huấn nghiệp vụ Thanh tra về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đồng thời, Bộ tiếp tục lồng ghép tổ chức các hội nghị tập huấn hằng năm theo khu vực cho các cơ quan, đơn vị quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có nội dung về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan theo Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 20.1.2017 của Thủ tướng Chính phủ.  

Nhờ việc ban hành Nghị định, một số Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, quán triệt việc thực hiện Nghị định. Một số cơ quan báo chí đã mở các chuyên mục riêng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan…

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) trình bày báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị định 131

Trong tổ chức thi hành Nghị định, Thanh tra Bộ VHTTDL đã tiến hành 534 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan; xử phạt vi phạm hành chính 447 tổ chức, 3 cá nhân, kiến nghị thu hồi 56 giấy phép phổ biến phim để điều chỉnh chủ sở hữu bản quyền. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 131/2013/NĐ-CP là 12,8 tỷ đồng. Các vụ việc bị xử lý vi phạm hành chính chủ yếu tập trung vào hành vi sao chép chương trình phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, chiếm khoảng 99,5% tổng số vụ việc bị xử lý.

Bà Phạm Thị Kim Oanh nhận định, Nghị định được ban hành kịp thời, phù hợp với sự phát triển chung của xã hội; góp phần cụ thể hóa, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động văn hóa nói chung, góp phần tích cực trong việc đấu tranh, phòng chống vi phạm hành chính trong tình hình mới; đảm bảo tính  răn đe, phòng ngừa vi phạm, giúp cho các cá nhân, tổ chức hiểu rõ hơn về những hành vi vi phạm hành chính, từ đó có những hành vi ứng xử phù hợp với  quy định của pháp luật. 

Bên cạnh đó, ưu điểm của việc xử lý bằng biện pháp hành chính là cơ chế nhanh, gọn, có tính răn đe; đồng thời động viên, khích lệ, tạo động lực cho đội ngũ sáng tạo văn hóa nghệ thuật tiếp tục cống hiến, tích cực sáng tạo và phổ biến những tác phẩm có giá trị đến công chúng. Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự sẽ ít hiệu quả trong những trường hợp không xác định được giá trị sản phẩm vi phạm hoặc giá trị hàng hóa xâm phạm là không cao, trong khi việc xác định giá trị hàng hóa xâm phạm phức tạp và có thể không phản ánh được giá trị của sự sáng tạo. Trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan tại tòa án phức tạp, gây tốn kém về thời gian, công sức, tiền bạc cho các chủ thể quyền, khó đáp ứng nhu cầu xác định nhanh và chấm dứt ngay hành vi xâm phạm quyền. 

Số tiền xử phạt “khiêm tốn”

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Kim Oanh cũng nêu rõ quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 131/2013/NĐ-CP cũng phát sinh những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Trong đó, vấn đề nằm ở mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng. Tuy nhiên, trong Nghị định số 131, mức xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhìn chung còn ở mức thấp, thậm chí chỉ xử phạt được từ 15 – 30 triệu đồng. Nguyên nhân đến từ việc Nghị định quy định mức phạt tiền mới chỉ dựa vào hành vi, không căn cứ vào mức độ gây thiệt hại của hành vi, giá trị số lượng hàng hóa sao chép lậu; chưa có sự phân loại theo đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan bị xâm phạm dẫn đến việc xử phạt vi phạm hành chính chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính răn đe, chưa tương xứng mức độ gây thiệt hại của hành vi đối với một số hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm trên môi trường số.\

Hội nghị có sự tham dự của đông đảo đại biểu

Bà Đặng Thị Quỳnh Hoa, Trưởng phòng Thanh tra Văn hóa – Gia đình (Bộ VHTTDL) khẳng định mức xử phạt này là quá thấp, không đủ sức răn đe. Đặc biệt khi so sánh mức xử phạt này với số tiền các đối tượng thu lợi bất chính từ hành vi vi phạm bản quyền còn thấy được tình trạng “một trời, một vực”. Bà Đặng Thị Quỳnh Hoa nêu rõ, ngoài sớm nghiên cứu nâng mức xử phạt, Nghị định cần bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả buộc xin lỗi tác giả, người biểu diễn” đối với các hành vi xâm phạm quyền nhân thân của tác giả, quyền nhân thân của người biểu diễn. Ngoài ra, bổ sung quy định buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền tài sản của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng.

Ngoài khó khăn về mức xử phạt, ông Hà Văn Lâu, Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL việc xử lý các vụ việc vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan còn gặp vướng mắc do lực lượng thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Nguồn nhân lực mỏng, công chức chưa được đào tạo kiến thức chuyên sâu về quyền tác giả, quyền liên quan; cơ sở vật chất, điều kiện kỹ thuật chưa đảm bảo gây không ít khó khăn trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.  Do đó, cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về quyền tác giả, quyền liên quan và xác định hành vi vi phạm trong lĩnh vực này cho đội ngũ công chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Hội nghị diễn ra vào sáng 7.4 tại Hà Nội

Ngoài ra, các đại biểu tại Hội nghị đều khẳng định, một trong những giải pháp cần làm ngay và liên tục để hạn chế hành vi vi phạm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; tăng cường thời lượng, tần suất phát sóng và đưa tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Huy động các nguồn lực xã hội hóa để tổ chức các chương trình tương tác, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật sở hữu trí tuệ về lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. 

ĐÌNH TOÁN