Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp còn nhiều bất cập
Thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, lực lượng Kiểm lâm đã tích cực tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp còn nhiều khó khăn, bất cập, cần được tháo gỡ.
Cụ thể như: Khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: “…trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa”.
Thời hạn 24 giờ phải chuyển biên bản vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền xử phạt là quá ngắn. Bởi vì ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, thời tiết không thuận lợi, những vụ vi phạm vượt thẩm quyền là những vụ phức tạp cần có nhiều thời gian để xác minh, làm rõ về hành vi, đối tượng, các tình tiết khác có liên quan để xác định đúng thẩm quyền xử phạt, sau đó mới chuyển giao cho cấp có thẩm quyền xử lý.
Phát phá rừng trái phép thì bị phạt trồng lại rừng, đây cũng là mục đích của các đối tượng vi phạm.
Điểm b, khoản 4, Điều 126 Luật Xử lý VPHC (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định “Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện… Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”.
Thời hạn thông báo 01 năm là quá dài để xử lý tang vật, phương tiện VPHC, do các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm không có nhà kho để bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu. Tang vật, phương tiện bị tạm giữ lâu ngày không được xử lý có thể dẫn đến bị hư hỏng, suy giảm về chất lượng, đặc tính, có thể bị mất (đối với trường hợp tang vật để trên rừng việc bảo quản tang vật gặp nhiều khó khăn, nếu muốn vận chuyển về kho cũng không có đủ kinh phí chi trả).
Điều 9, Luật Xử lý VPHC năm 2020 quy định tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, các tình tiết giảm nhẹ phần lớn còn quy định khá chung chung, và chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trên thực tế. Ví dụ: “Vi phạm hành chính vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra”; “Vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu”.
Quy định về biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 14, Điều 20 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực lâm nghiệp quy định: “…Buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng đến khi thành rừng theo suất đầu tư ở địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm hành chính..”.
Trên thực tế áp dụng cho thấy, đối với các trường hợp phá rừng tự nhiên trái pháp luật với mục đích là để trồng rừng thì việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong quyết định xử phạt VPHC lại đúng với mục đích chính của người vi phạm nhưng pháp luật chưa có quy định cụ thể đối với việc quản lý, sử dụng diện tích rừng trồng do thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, vì vậy hiệu lực thi hành của các quyết định xử phạt VPHC không cao, thiếu tính răn đe.
Việc xử lý VPHC những vụ khai thác rừng trái phép gặp nhiều khó khăn.
Về chi phí thu hồi tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước: Hiện nay Chi cục Kiểm lâm vẫn đang áp dụng theo Quyết định số 2279/QĐ-UBND ngày 13/11/2008 của UBND tỉnh Bắc Kạn về phê duyệt định mức chi phí đặc thù thu hồi tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sau 14 năm thực hiện, những định mức chi phí vụ việc được quy định tại Quyết định này không còn phù hợp với điều kiện thực tế vì hiện nay giá cả thị trường đã có nhiều biến động, giá nhân công lao động, nhiên liệu tăng cao.
Các vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp xảy ra vào ban đêm, ngày nghỉ trong tuần, lễ, Tết; địa điểm xảy ra ở nơi có địa hình phức tạp, xa khu dân cư, đi lại khó khăn dẫn đến việc thuê phương tiện vận chuyển, nhân công bốc vác gặp rất nhiều khó khăn, giá thuê cao. Trong khi đó, trước khi có tang vật, phương tiện tịch thu để bán đấu giá sung quỹ nhà nước thì tất cả các khoản chi phí quản lý, xử lý tang vật, phương tiện như chi phí thuê khuân, khênh, vác bộ, trâu kéo từ trong rừng, chi phí thuê phương tiện vận chuyển, trong coi, quản lý đều phải thanh toán ngay sau khi thực hiện, mà đơn vị không có nguồn kinh phí ứng trước. Do đó, cần điều chỉnh định mức chi phí đặc thù thu hồi tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước.
Ngoài ra, đa số đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp là người lao động có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc ở địa phương khác, khi bị xử phạt vi phạm bằng hình thức phạt tiền với số tiền bị xử phạt lớn thường không chấp hành nộp tiền phạt, không có tài sản để cưỡng chế thi hành. Việc thi hành các quyết định xử phạt VPHC đối với một số đối tượng không tự giác chấp hành, không có việc làm ổn định, kinh tế khó khăn không có tiền nộp phạt; một số người vi phạm là đối tượng hộ nghèo, không có khả năng chấp hành quyết định xử phạt, không có tài sản…, nên việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC được quy định tại Điều 86, Luật xử lý VPHC trong thực tế gặp rất nhiều khó khăn./.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Rất nhiều bất cập từ các quy định nêu trên. Mong các cấp, ngành chức năng có thẩm quyền xem xét điều chỉnh để phù hợp với thực tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lực lượng Kiểm lâm thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Phan Quý