Xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa đủ 14 tuổi ?

Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

NỘI DUNG YÊU CẦU:

Chào Công ty Luật Minh Khuê, tôi là một người dân và tôi có thắc mắc gửi đến công ty mình như sau:1, Người chưa đủ 14 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm gì khi vi phạm hành chính? 2. Người chưa thành niên có được giảm mức xử phạt vi phạm hành chính hay không? Cảm ơn.

Luật sư tư vấn:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến bộ phận tư vấn trực tuyến của Công ty Luật Minh Khuê . Với thắc mắc của bạn, Công ty Luật Minh Khuê xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

Luật xử lý vi phạm hành chính ban hành ngày 20 tháng 06 năm 2012;

2. Nội dung tư vấn:

2.1

Người chưa đủ 14 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm gì khi vi phạm hành chính?

– Căn cứ vào Điều 134 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên như sau:

“Điều 134. Nguyên tắc xử lý

Ngoài những nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điều 3 của Luật này, việc xử lý đối với người chưa thành niên còn được áp dụng các nguyên tắc sau đây:

1. Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Trong quá trình xem xét xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn;

2. Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính còn căn cứ vào khả năng nhận thức của người chưa thành niên về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, nguyên nhân và hoàn cảnh vi phạm để quyết định việc xử phạt hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính phù hợp;

3. Việc áp dụng hình thức xử phạt, quyết định mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính.

Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền.

Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay;

4. Trong quá trình xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, bí mật riêng tư của người chưa thành niên phải được tôn trọng và bảo vệ;

5. Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính phải được xem xét áp dụng khi có đủ các điều kiện quy định tại Chương II của Phần này. Việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.”

– Căn cứ Điều 135 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với người chưa thành niên như sau:

“Điều 135. Áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

1. Các hình thức xử phạt áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

2. Các biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;

c) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; văn hóa phẩm có nội dung độc hại;

d) Buộc nộp lại khoản thu bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái với quy định của pháp luật.”

Căn cứ vào Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có quy định:

Điều 5. Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính

1. Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm

a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý;

b) Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra

c) Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

2. Đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính là cá nhân được quy định tại các điều 90, 92, 94 và 96 của Luật này.

Các biện pháp xử lý hành chính không áp dụng đối với người nước ngoài.

– Như vậy, trong trường hợp của bạn, con bạn chưa đủ 14 tuổi nên sẽ vận dụng xử lý vi phạm theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nên con bạn không thuộc những đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính hay nói cách khác con bạn chưa đủ năng lực trách nhiệm hành chính để bị xử phạt vi phạm hành chính

2.2

Người chưa thành niên có được giảm mức xử phạt vi phạm hành chính hay không?

Trên cơ sở áp dụng nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính đối với đã thành niên, việc xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với người chưa thành niên còn dựa trên các nguyên tắc sau dựa trên các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012:

Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển theo hướng tích cực và để trở thành một công dân có ích cho đất nước sau này. Trong việc xem xét xử lý vi phạm hành chính với người chưa thành niên, thì người tiến hành phải đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên, để đảm bảo sự phát triển toàn diện bình thường của đối tượng này đến khi trưởng thành.

Việc xử lý vi phạm hành chính của nhóm đối tượng này phải căn cứ vào khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của nhóm đối tượng và tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, nguyên nhân, hoàn cảnh xảy ra hành vi vi phạm để quyết định việc có xử phạt hay áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính sẽ phù hợp hơn;

Đối với cùng hành vi vi phạm thì việc áp dụng hình thức xử phạt đối với người chưa thành niên sẽ có quyết sđịnh xử phạt vi phạm hành chính với mức nhẹ hơn so với người thành niên vi phạm, cụ thể: Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, có hành vi vi phạm pháp luật hành chính thì không bị áp dụng hình thức phạt tiền mà áp dụng các hình thức xử lý khác để mang tính chất răn đe, giáo dục. Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi vi phạm pháp luật hành chính sẽ bị phạt tiền nhưng mức xử phạt không quá một nửa mức tiền phạt áp dụng đối với người đã thành niên; trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm nhưng không có tiền để nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giam hộ sẽ phải đứng ra chịu phạt thay cho đối tượng này. ( Vì họ là người đại diện các quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên đến khi họ trưởng thành trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).

Các biện pháp thay thế xử phạt vi phạm hành chính phải được xem xét áp dụng khi có đủ các điều kiện. Việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính không được coi là đã xử phạt vi phạm hành chính.

Như vậy, người chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật hành chính sẽ được giảm mức xử phạt vi phạm hành chính tùy theo độ tuổi cụ thể của họ là bao nhiêu.

2.3 Các biện pháp thay thế xử phạt vi phạm hành chính:

Điều 138. Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính

Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên bao gồm:

1. Nhắc nhở;

2. Quản lý tại gia đình.

3. Giáo dục đưa vào cộng đồng.”.

Điều 15. Biện pháp nhắc nhở

1. Biện pháp nhắc nhở là biện pháp mang tính giáo dục được áp dụng thay thế cho hình thức xử phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính để người chưa thành niên nhận thức được những vi phạm của mình.

2. Đối tượng và điều kiện áp dụng biện pháp nhắc nhở:

a) Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính khi họ tự nguyện khai báo, thừa nhận và thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình.

b) Người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính khi hành vi vi phạm hành chính quy định bị phạt cảnh cáo và người chưa thành niên tự nguyện khai báo, thừa nhận về hành vi vi phạm, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình.

3. Người có thẩm quyền xử phạt căn cứ vào các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều này để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp nhắc nhở. Việc nhắc nhở được thực hiện bằng lời nói, ngay tại chỗ và không phải lập thành biên bản.

Điều 140. Quản lý tại gia đình

1. Quản lý tại gia đình là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên thuộc đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 90 của Luật này khi có đủ các điều kiện sau:

a) Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình;

b) Có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này;

c) Cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình.

2. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình.

3. Thời hạn áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình từ 03 tháng đến 06 tháng.

4. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình có hiệu lực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã ra quyết định phải gửi quyết định cho gia đình và phân công tổ chức, cá nhân nơi người đó cư trú để phối hợp, giám sát thực hiện.

Người chưa thành niên đang quản lý tại gia đình được đi học hoặc tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề khác; tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng.

5. Trong thời gian quản lý tại gia đình, nếu người chưa thành niên tiếp tục vi phạm pháp luật thì người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp này và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật Minh Khuê, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật Minh Khuê 1900.6162 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật Minh Khuê