Xử lý rơm rạ, làm đất sau thu hoạch lúa xuân
Hiện nay đang vào cao điểm thu hoạch lúa vụ xuân, trong khi thời gian chuyển vụ giữa việc thu hoạch lúa vụ xuân và gieo cấy lúa vụ mùa rất ngắn nên việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch lúa vụ xuân là hết sức cần thiết.
Phụ phẩm của sản xuất lúa là rơm rạ trước kia vốn được người nông dân coi là “của để dành” cho chăn nuôi hay dùng vào các nghề sản xuất lúc nông nhàn (trồng nấm, hàng thủ công…) thì giờ đây nhiều nơi được “bỏ” lại đồng ruộng, bờ kênh mương hoặc đốt… nguyên nhân là do nguồn lao động nông thôn giảm, chuyển dịch của cơ cấu sản xuất, thu nhập từ nghề phụ thấp… Trong sản xuất hiện nay thu hoạch lúa bằng máy, gặt ngang cây lúa, nên lượng rơm rạ để lại trên ruộng là rất lớn.
Khi rơm rạ bỏ trên ruộng mà không được xử lý triệt để sau khi cấy lúa sẽ dẫn đến hiện tượng cây lúa nghẹt rễ, nhất là ở vụ lúa mùa giai đoạn lúa non đến đứng cái. Nghẹt rễ là hiện tượng ngộ độc hữu cơ làm cho cây lúa bị còi cọc, lá biến vàng, thân nhỏ yếu ớt, nhổ lên thấy rễ bị thâm đen, vàng, ít rễ trắng thậm chí có mùi thối, lúa sinh trưởng phát triển kém nếu không được khắc phục ngay lúa sẽ lùn lụi, năng suất thấp thậm chí bị chết. Vào vụ mùa, thời gian làm đất đến gieo cấy ngắn, đất làm “sổi”, rơm rạ chưa kịp thối ngấu trước khi cấy lúa. Nhiệt độ vụ mùa thường cao, sau khi gieo cấy lúa mùa, lượng gốc rạ, rơm rạ trên ruộng tiếp tục phân hủy trong điều kiện yếm khí sẽ sản sinh ra các khí H2S, CH4.… tác động trực tiếp lên bộ rễ cây, rễ cây bị bệnh không phát triển, không hấp thu được dinh dưỡng. Khi lúa bị ngộ độc hữu cơ nông dân khắc phục rất vất vả về công lao động và chi phí, sức sinh trưởng của cây kém và năng suất suy giảm… Để hạn chế ảnh hưởng của hiện tượng nghẹt rễ và ngộ độc hữu cơ cho lúa mùa cần chủ động và tích cực áp dụng kỹ thuật tiến bộ mới vào sản xuất ngay từ khâu đầu:
– Cần thu hoạch lúa xuân nhanh gọn theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” để giải phóng đất cũng như tránh được các rủi ro mưa bão ở thời điểm này làm thiệt hại năng suất lúa, kéo dài thời gian thu hoạch.
– Thu hoạch xong tốt nhất đưa nước vào ruộng rồi dung máy cày, trâu cày lật đất để dầm rơm rạ luôn xuống bùn càng nhanh càng tốt, kết hợp sử dụng vôi, các loại chế phẩm sinh học, vi sinh phân hủy rơm rạ để nhanh nát ngấu.
– Với ruộng chân vàn cao, khô nước thường gặt sát gốc rạ, thu rơm rạ vào một góc ruộng rồi xếp thành đống. Cứ 1-2 lớp rạ được tưới ẩm rắc 1 lớp vôi bột hoặc dùng các loại chế phẩm sinh học phân hủy rơm rạ để rạ nhanh nát ngấu (phủ nilon hoặc bạt kín đống ủ để tăng nhiệt, giữ ẩm sẽ nhanh ngẫu nát rơm rạ).
* Xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học, vi sinh vật phân hủy chất xơ
Thời tiết đầu vụ mùa nhiệt độ cao, nắng nóng, quá trình lên men phân giải rơm, gốc rạ, rễ lúa sẽ tiêu hao nhiều oxi trong đất gây nên tình trạng đất thiếu oxi. Ngoài ra, quá trình phân giải trong điều kiện yếm khí sẽ sinh ra các axit hữu cơ và các khí độc là nguyên nhân gây nên bệnh sinh lý cho cây lúa ở giai đoạn bén rễ, hồi xanh đến đẻ nhánh.
Tăng cường sử dụng chế phẩm hữu cơ sinh học, các chế phẩm vi sinh có tác dụng làm ngẫu nát nhanh các loại chất sơ, rơm, rạ (ví dụ như một số sản sản phẩm: chế phẩm sinh học AT Bio-decomposer; chế phẩm vi sinh AT-YTB) rắc, phun trực tiếp lên rơm rồi được cày dập vùi xuống bùn ngâm nước hoặc dùng để ủ đống rơm rạ… tạo phân hữu cơ trả lại mùn và dinh dưỡng cho đất:
– Chế phẩm hữu cơ sinh học, phân vi sinh có các chủng vi sinh phân giải sẽ lên mem tích cực phân hủy nhanh rơm, gốc rạ thành phân hữu cơ có dinh dưỡng cao cung cấp cho cây lúa. Quá trình phân hủy nhờ vi sinh tích cực sẽ không tạo ra khí độc (khí đồng lầy) ảnh hưởng xấu đến đất và bộ rễ lúa, giúp lúa nhanh bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh, không gây ra bệnh sinh lý như đã nêu ở trên.
– Ước tính 1 sào lúa sẽ có trung bình 5-6 tạ rơm, rạ và rễ lúa còn lại, sau khi được phân hủy sẽ thành phân hữu cơ có tác dụng cải tạo đất, tăng độ mùn, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng (đạm, lân, kali… dạng dễ tiêu rễ cây có thể hấp thu trực tiếp), giảm lượng phân hóa học bón cho lúa. Với chi phí cho các chế phẩm sinh học, phân vi sinh hiện nay cũng không cao (từ 30-70 nghìn đồng/ 1 sào) xử lý sau thời gian chỉ 7-10 ngày làm đất bừa cấy lúa được ngay, giải quyết được bệnh sinh lý cho lúa mùa cũng như tạo được lượng phân hữu cơ như trên rất có ý nghĩa về bảo vệ tầng đất canh tác và hiệu quả kinh tế.
Ngoài ra, khi sử dụng tiến bộ kỹ thuật để xử lý rơm rạ trước khi gieo cấy lúa mùa còn giúp giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế nguồn bệnh, sâu hại tồn tại của vụ xuân sang vụ mùa, giảm công lao động cho việc phải cắt và đưa rơm rạ lên bờ, đẩy nhanh tiến độ làm đất để gieo cấy lúa mùa, nhất là ở các trà mùa sớm đảm bảo thời vụ cũng như bố trí cơ cấu cho cây trồng vụ đông.