Xử lý như nào với đối tượng chém lìa chân người đàn ông ở Hà Nội?
Xử lý như nào với đối tượng chém lìa chân người đàn ông ở Hà Nội?
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, hành vi của đối tượng đã cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự.
Công an huyện Thường Tín, Hà Nội, đang điều tra nguyên nhân vụ người đàn ông bị chém đứt lìa chân ở xã Hồng Vân, huyện Thường Tín.
Theo công an huyện, khoảng 17h ngày 15/7, anh H. (ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín) đang đi bộ ở Dốc Vân La, xã Hồng Vân, thì bị nam giới bịt kín mặt, tiếp cận từ phía sau.
Nghi phạm sau đó dùng dao chém một nhát vào chân nạn nhân rồi bỏ đi. Vụ việc khiến anh H. bị đứt lìa chân phải. Người dân sau đó đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Diễn biến vụ việc được camera giám sát của nhà dân quay lại, đăng tải lên mạng xã hội.
Nghi phạm mặc áo đen đã bất ngờ chém lìa chân người đàn ông, sự việc được camera an ninh của người dân ghi lại
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, tính mạng, sức khỏe của công dân được pháp luật. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền được bảo vệ sức khỏe, tính mạng đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Qua diễn biến camera giám sát ghi lại thấy nghi phạm đã chuẩn bị hung khí rất nguy hiểm con dao mang theo tiếp cận phía sau nạn nhân, bất ngờ chém một nhát nhanh, dứt khoát vào chân nạn nhân.
Hậu quả nạn nhân bị đứt lìa một phần cơ thể chân phải. Nạn nhân đã rất đau đớn, quằn quại nằm trên vỉa hè và được mọi người dân đưa đi cấp cứu.
“Xét hành vi của đối tượng này là rất manh động, côn đồ hung hãn, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân đã cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự. Kết quả giám định tỷ lệ thương tích của bị hại là căn cứ để xử lý nghi phạm tương ứng theo định khung tăng nặng theo Điều 134 Bộ luật hình sự”, luật sư Thơm nói.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội)
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, hành vi của nghi phạm là rất nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm hại đến khách thể cao nhất là tính mạng, sức khỏe con người nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh mới có tác dụng răn, đe phòng chống tội sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.
Tuy nhiên, khi xử lý nghi phạm cũng cần căn cứ vào quy định hiện hành của pháp luật, kể cả nạn nhân sau này có bị tử vong do mất máu cấp không hồi phục thì cũng chỉ có thể xử lý về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự mà không xử lý được về tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.
Bởi ngày 6/4/2016, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Án lệ 01/2016/AL về vụ án “Giết người” để phân biệt với tội “Cố ý gây thương tích”. Theo đó, nếu tấn công vào chân, tay mà không tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể, là những vị trí nếu bị tấn công thì sẽ có nhiều khả năng xâm hại đến tính mạng nạn nhân thì sẽ thuộc trường hợp phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
“Đối chiếu với quy định tại Án lệ 1 này thì trong trường hợp này nghi phạm sẽ đối mặt với tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự, kể cả trường hợp nạn nhân có bị tử vong do vết thương cắt đứt động mạch lìa chân”, luật sư Thơm nhìn nhận.
Điều 134 Bộ luật Hình sự quy định tội “Cố ý gây thương tích” hoặc “Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”:
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 6 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 2 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 2 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.