Xử lý nghiêm các hành vi làm hư hỏng tài sản
Tình trạng hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi xâm phạm quyền sở hữu của người khác. Hành vi này không chỉ làm nghiêm trọng thêm mâu thuẫn mà người vi phạm còn bị xử lý trước pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phan Văn Trung và Nguyễn Huỳnh Nhật Hào lần lượt lãnh án 3 năm và 9 tháng tù về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản.
Thực tế cho thấy, đa số những vụ việc liên quan đến hành vi hủy hoại hay cố ý làm hư hỏng tài sản thường không phải do mâu thuẫn kéo dài mà chỉ là tức giận nhất thời. Khi các đối tượng nhận ra được sai lầm của bản thân thì đã muộn.
Ngày 15-12, Tòa án nhân dân tỉnh vừa bác kháng cáo sơ thẩm, xin giảm nhẹ hình phạt đối với 2 bị cáo là Nguyễn Huỳnh Nhật Hào và Phan Văn Trung, cùng ngụ xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, về tội cố ý làm hư hỏng tài sản.
Hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 12-2-2022, Hào tổ chức tiệc rượu tại nhà ở ấp Trường Khánh 1, xã Long Thạnh. Tại tiệc rượu có Phan Văn Trung cùng với một số người bạn khác. Khoảng 22 giờ 30 phút, Hào dùng xe máy chở Trung ra Quốc lộ 1 để Trung đón xe cho bạn của Trung đi lên Bình Dương. Cả hai đứng đón xe được khoảng 5 phút thì phát hiện xe ô tô khách Tuấn Hiệp, biển kiểm soát 69B-003.86 chạy tuyến Cà Mau – Bình Dương do tài xế Huỳnh Thanh Tuấn điều khiển, Trung vẫy tay để dừng xe lại nhưng do xe đã đủ khách và không dừng khi chưa tới bến. Vậy nên, Trung dùng dép ném trúng vào xe khách; nghe tiếng động, tài xế Tuấn cho xe dừng lại để kiểm tra xem xe có bị hư hỏng hay không…
Tại tòa, cả hai thừa nhận thời điểm đó Hào chở Trung chạy vượt lên xe khách đang đậu định hành hung lái xe, thì thấy anh Tuấn trên tay có cầm khúc sắt nên Trung kêu Hào điều khiển xe chở mình chạy qua cầu Rạch Nhum, xã Long Thạnh và dừng xe lại. Cả hai sau đó xuống xe, kéo một thùng rác gần đó ra để giữa đường, mục đích chặn xe khách Tuấn Hiệp không cho xe qua. Khi anh Tuấn điều khiển xe ô tô khách đến chỗ Trung để các thùng rác thì dừng lại, Trung, Hào cùng một số đối tượng khác sau đó dùng khúc gỗ tre đập vào kính xe. Đồng thời, khi xe khách di chuyển thì cả hai chạy theo dùng các vỏ chai bia liên tục ném vào xe khách làm hư hỏng xe. Qua định giá, thiệt hại đối với xe khách là hơn 33 triệu đồng.
Còn trước đó, vào tháng 5-2022, Tòa án nhân dân huyện Long Mỹ cũng tuyên phạt bị cáo Võ Văn Đấu (sinh năm 1980), ngụ thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, 3 tháng tù về tội hủy hoại tài sản.
Ngày 6-2-2022, Đấu đi nhậu cùng một số người bạn ở thị trấn Vĩnh Viễn. Trong lúc nhậu thì chị T. (vợ của bị cáo) gọi điện cho hay ở nhà có khách nên kêu về. Đấu trở về nhà, sau đó, giữa Đấu và vợ xảy ra cự cãi nên bị cáo hăm dọa đốt nhà.
Do bị hăm dọa nên chị T. vợ Đấu buông lời thách thức đối với Đấu: “Mày ngon thì đốt đi, tao thách mày đó”. Đấu sau đó không nói gì đi xuống nhà bếp cầm lấy một nắm lá dừa khô rồi bật bếp ga châm lửa vào lá dừa và cầm đốt vào nhiều vị trí của vách nhà. Khoảng 15 phút sau, căn nhà của Đấu bị cháy lớn, làm hư hỏng nhiều vật dụng và đồ đạc trong nhà, cùng một số vật dụng của hàng xóm. Qua định giá, cơ quan chức năng xác định số tài sản bị thiệt hại có tổng trị giá 31,9 triệu đồng.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thời gian gần đây, tình hình tội phạm hủy hoại tài sản hay cố ý làm hư hỏng tài sản có nhiều diễn biến phức tạp. Trong năm 2022, toàn tỉnh đã khởi tố 11 vụ/20 bị can (tăng 8 bị can so với cùng kỳ) liên quan đến loại tội phạm này.
Ông Hứa Minh Thạnh, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, phân tích, tội phạm hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản gia tăng một phần là do một số đối tượng thiếu hiểu biết pháp luật, trong lúc mâu thuẫn nóng giận, sử dụng rượu bia không kiềm chế được hành vi nên đập phá tài sản người khác mà không nghĩ đến hậu quả. Trong một số vụ việc, các đối tượng cho rằng việc làm hư hỏng tài sản chỉ cần thỏa thuận, đền bù thiệt hại là xong. Tuy nhiên, tùy theo tính chất, mức độ, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn theo ông Phạm Hoàng Lâm, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, tội “Hủy hoại tài sản, cố ý làm hư hỏng tài sản” là nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu tài sản như các tội cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và một số tội khác về bảo vệ quyền sở hữu tài sản.
“Đây là loại tội phạm xâm hại trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của công dân và làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự địa bàn, gây hoang mang cho dư luận. Do đó, đối với các vụ việc phạm tội đều được cơ quan tiến hành tố tụng tập trung điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung”, ông Lâm nhấn mạnh.
Để phòng ngừa tội phạm hủy hoại hay cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác thì ngoài việc tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu hơn quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn trong việc xử lý các đối tượng manh động đập phá, hủy hoại tài sản của người khác để răn đe, phòng ngừa chung. Đối với người dân, nếu phát hiện kẻ có hành vi hủy hoại, làm hư hỏng tài sản người khác thì cần tố giác ngay đến cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Bài, ảnh: B.B