Xử lý đúng vết thương do chó cắn và cách phòng bệnh dại – VnExpress
Bác sĩ cảnh báo ngày hè thường ghi nhận nhiều trường hợp trẻ bị chó mèo cắn, do các bé được vui chơi tự do; phụ huynh lưu ý xử trí đúng cách cho trẻ.
Vừa qua, sau một tháng kể từ ngày bị chó cắn trong lúc chơi bóng đá, nam sinh lớp 9 tại Quảng Bình bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh dại, lên cơn sợ nước sợ gió, co thắt vùng hầu họng khi uống nước… Dù đưa vào bệnh viện cấp cứu các bác sĩ nhận định bệnh nhân lên cơn dại, tình trạng bệnh rất nặng. Bệnh nhân tử vong vào sáng 26/5.
Khi bị bệnh dại, 100% bệnh nhân sẽ “chết từ từ” mà không có bất cứ thuốc đặc hiệu nào chữa trị. Ảnh: Shutterstock
Theo ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng, Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC TP HCM, có một số lưu ý phụ huynh không được bỏ qua khi trẻ bị chó, mèo hoặc bất cứ động vật nào cắn.
Thứ nhất, người lớn cần phải xử lý vết thương cho trẻ. Khi vào cơ thể, virus dại sẽ di chuyển dọc theo dây thần kinh tới tủy sống rồi tới não bộ, do đó vết cắn càng gần não thì thời gian phát bệnh càng nhanh. Vết thương nặng, càng gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Cụ thể hơn, nếu bị cắn ở đầu, cổ, cũng như những vết thương ở các khu vực đầu mút thần kinh như ngón tay sẽ có thời gian ủ bệnh ngắn hơn do khoảng cách virus xâm nhập vào mô thần kinh ngắn. Do đó, bệnh càng nguy cấp hơn.
Vì vậy, ngay sau khi bị chó mèo hay dù là động vật hoang dã hay vật nuôi, cần phải rửa ngay vết thương với xà phòng, hoặc nước muối pha đặc. Sau đó, bạn sử dụng cồn 70% hoặc cồn iod để khử trùng sát khuẩn. Gia đình nên rửa vết thương cho người bị chó cắn dưới vòi nước sạch chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút để sát trùng vết thương. Những thao tác xử lý vết thương thực hiện sớm sẽ có tác dụng sát khuẩn phòng virus dại hiệu quả.
Thứ hai, gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế nơi có vaccine phòng ngừa bệnh dại để được tư vấn và điều trị dự phòng. Cha mẹ nên cho trẻ đi chích ngừa sớm, không nên trễ quá một tuần. Hiện Việt Nam có sẵn các loại vaccine phòng bệnh dại sản xuất theo công nghệ mới, cải thiện vượt bậc so với các loại vaccine phòng dại thế hệ cũ, có khả năng đáp ứng miễn dịch cao sau khi tiêm đủ liều.
Thứ ba, gia đình cần kiểm tra tình trạng con vật. Nếu vật nuôi bình thường không có biểu hiện dại thì việc chích ngừa giúp bệnh nhân có kháng thể để bảo vệ. Tuy nhiên, nếu biết chính xác con chó bị dại, ốm hoặc chết sau một vài ngày, thì bệnh nhân đang thuộc nhóm nguy cơ cao cần tiêm huyết thanh và tiêm vaccine phòng dại. Tiêm huyết thanh là đưa một lượng kháng thể sẵn có vào cơ thể để trung hòa virus dại, còn vaccine nhằm củng cố miễn dịch.
Người chăm sóc bệnh nhân cũng cần sử dụng thiết bị phòng hộ cá nhân để tránh xa vết cắn hoặc nước bọt nhiễm bệnh từ màng nhầy, vết thương. Bệnh nhân sinh hoạt trong một căn phòng yên tĩnh với ánh sáng dịu, tránh các tác nhân kích thích (ví dụ như tiếng ồn lớn, không khí lạnh) vì chúng có thể làm tăng nguy cơ co thắt, co giật.
Bệnh dại nguy hiểm như thế nào?
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới, là một trong những bệnh truyền nhiễm đáng sợ trong lịch sử nhân loại.
Virus dại hay virus gây bệnh dại (Rabies virus). Ảnh: Shutterstock
Bệnh dại do Rabies virus gây ra. Rabies virus có trong nước bọt của những động vật bị bệnh dại. Hầu như luôn gây tử vong sau khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, nên virus bệnh dại được coi là virus có tỷ lệ tử vong nhiều nhất thế giới. Sau khi xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương, virus tấn công não, khiến bệnh nhân sẽ bước vào giai đoạn viêm não với triệu chứng mất ngủ, sợ ánh sáng, tiếng động, gió nhẹ. Người bệnh rối loạn thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi xuất tinh tự nhiên. Lúc này, cơ hội sống sót của bệnh nhân gần như bằng không.
Thông thường, người bị nhiễm virus bệnh dại sẽ không có triệu chứng ngay lập tức. Virus sẽ nằm im trong cơ thể bệnh nhân từ 1-3 tháng, đây là thời kỳ ủ bệnh. Ở giai đoạn tiền triệu chứng (1-4 ngày), người bệnh có biểu hiện sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, tê, đau tại vết thương nơi virus xâm nhập. Triệu chứng sẽ xuất hiện khi virus di chuyển qua hệ thống thần kinh trung ương, tấn công não.
Bệnh dại khi phát sẽ có 2 thể chính bao gồm thể viêm não và thể liệt:
Thể viêm não: triệu chứng đầu tiên là sốt, nhức đầu hoặc kiệt sức, kèm theo chán ăn, mất ngủ , bồn chồn, đồng thời xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân tăng tiết nước bọt nên không thể nhai, nuốt và thường xuyên khạc nhổ. Sau đó, đồng tử bệnh nhân sẽ bị giãn nên mắt nhìn sáng long sòng sọc, co thắt hầu họng, xuất tinh tự nhiên, cường dương, sẽ tử vong nhanh chóng
Thể liệt: xuất hiện triệu chứng liệt từ tay, chân đến các cơ, rối loạn tiểu tiện, đại tiện. Ngay khi liệt lan đến cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong.
Biểu hiện của bệnh dại ở người có nguy cơ bị bệnh dại không ai giống ai, mỗi người mỗi khác tùy cơ địa. Thông thường, bệnh nhân mắc bệnh dại có các dấu hiệu và triệu chứng như đau hoặc ngứa ở vết cắn (trên 80% các trường hợp); sốt, mệt mỏi, đau đầu kéo dài 2-4 ngày; sợ nước (chứng sợ nước); không chịu được tiếng ồn, ánh sáng hoặc không khí; tức giận, bứt rứt và trầm cảm; tăng động. Ở giai đoạn sau, chỉ thoáng nhìn thấy hình ảnh nước có thể gây co thắt ở cổ và họng. Nếu để đến lúc này trẻ mới đi chích vaccine thì quá muộn.
“Hoàn toàn có thể tránh được nguy cơ tử vong bằng cách tiêm vaccine khi bị chó cắn. Tuyệt đối không nên tự chữa theo các phương pháp dân gian, kẻo bị biến chứng”, BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC khẳng định.
Khi trẻ bị chó mèo cắn, phụ huynh cũng tuyệt đối tránh sử dụng các chất kích thích vào vết thương như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm; tránh băng bó, đắp thuốc kín vết thương, đồng thời tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Bệnh nhân bị chó cắn, tự chữa bằng cách “đắp tỏi”, sau 3 ngày bị biến chứng mưng mủ, sưng tấy, đau nhức. Ảnh: VNVC
Nếu gia đình có vật nuôi (chó, mèo…) cần phải cho đi chích ngừa định kỳ theo đúng quy định, phải kiểm soát vật nuôi như xích nhốt hoặc không thả rông ngoài đường. Nếu cho vật nuôi ra đường phải rọ mõm, đảm bảo an toàn cho người xung quanh.
Biểu hiện bệnh dại ở chó, mèo dễ nhận biết. Vật nuôi sẽ có những sự thay đổi trong hành vi thông thường như cắm đầu cắm cổ chạy không có nguyên nhân, chui vào chỗ tối, hoảng sợ, sủa liên tục không ngừng, né tránh chủ, cắn khi không bị trêu chọc, tiết nhiều nước bọt hoặc sùi bọt mép. Vì đói nên con vật có thể nhai mọi thứ, nhiều con bị liệt hai chân nên đi vòng tròn.
Tuệ Diễm