Xu hướng mới trong giáo dục mầm non Việt Nam hiện nay – MyHocDaiCuong.com
Những thực trạng này là cơ sở để đề xuất các biện pháp quản lý, và nâng cao hiệu quả đào tạo giáo viên mầm non, tại các cơ sở giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Với mục đích đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực tại các trường mầm non. Bài viết trình bày thực trạng đào tạo giáo viên mầm non hiện nay.
1. Đặt vấn đề
Khi nói về đổi mới phương pháp dạy học cho trẻ mầm non, không ít quan điểm cho rằng “trẻ nhỏ biết gì mà dạy”, “mấy đứa trẻ con dạy hát, dạy múa, kể chuyện là xong” hay mầm non chỉ chăm sóc tốt là được, mầm non đâu cần đổi mới phương pháp”,…
Chính vì vậy, việc đổi mới phương pháp giáo dục mầm non là điều hết sức cần thiết, để giúp trẻ có thể tự khám phá, tìm hiểu bằng chính sự sáng tạo của mình một cách tự nhiên nhất có thể, giúp mang lại sự hứng thú cho trẻ. Có thể nói, đây chính là xu hướng mới trong giáo dục mầm non ở nước ta hiện nay.
2. Thực trạng
Giáo viên mầm non (GVMN) là nguồn nhân lực cơ bản của giáo dục mầm non (GDMN), thực hiện và hoàn thành tốt công việc chăm sóc, giáo dục (GD) trẻ trong các cơ sở GDMN ở bậc học mầm non (MN) trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Mục Lục
2.1 Giáo viên mầm non đối mặt với áp lực công việc.
Theo các nghiên cứu và thực tiễn gần đây cho thấy, giáo viên nói chung và giáo viên mầm non (GVMN) nói riêng thuộc nhóm nghề có nguy cơ stress cao, mức độ stress diễn ra ở GVMN khá phổ biến.
Sự thay đổi nhanh chóng của xã hội về kinh tế, văn hóa, xã hội và lối sống đã làm nảy sinh nhiều vấn đề mà trước đây GVMN chưa gặp, chưa phải ứng phó. Do đó, GVMN thường hành động theo cảm tính và có thể sẽ gặp rủi ro.
Chính vì thế, GVMN trong xã hội ngày nay cần có kỹ năng ứng phó (KNƯP) để sống tốt và làm tốt nhiệm vụ nghề nghiệp. Mặt khác, trong xã hội hiện đại, tâm lí của trẻ em cũng mang đặc trưng của xã hội. Điều này có nghĩa là, GVMN phải đối mặt với nhiều vấn đề trong chăm sóc và giáo dục trẻ.
Bên cạnh đó, hoạt động giảng dạy của GVMN có những đặc thù riêng về đối tượng, nội dung, thời gian giảng dạy và các đặc điểm khác đã tác động và trở thành những tác nhân gây stress cho GVMN.
Thực tế cho thấy, nhiều GVMN có thời gian làm việc không phải 8 tiếng mà lên tới 10 tiếng mỗi ngày; phải làm việc với trách nhiệm cao để đảm bảo an toàn tính mạng của hàng chục trẻ, đảm bảo cho trẻ ngoan, ăn hết suất, ngủ ngon đủ giấc, hứng thú, tích cực tìm tòi khám phá để phát triển 1 cách toàn diện,… Với áp lực công việc như vậy, stress rất có thể xuất hiện ở họ.
2.2 Thực trạng giáo viên mầm non sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.
Kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin của giáo viên mầm non còn hạn chế. Có thể thấy sự đam mê sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin ở các giáo viên mầm non trẻ. Nhưng điều đó khó có thể thấy ở những giáo viên mầm non đã có tuổi, thậm chí còn là sự né tránh, làm cho xong.
– Việc ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy học ở giáo dục mầm non còn đang ở giai đoạn đầu nên vẫn còn được nghiên cứu, đánh giá và rút kinh nghiệm vì vậy vẫn chưa phát huy được hiệu quả tối đa của nó.
– Việc đánh giá một tiết dạy có ứng dụng công nghệ thông tin còn lúng túng, chưa có sự phân biệt rõ ràng với các tiết dạy không ứng dụng công nghệ thông tin.
– Việc kết nối và sử dụng khai thác tiện ích của công nghệ mạng máy tính và mạng Internet chưa được các trường mầm non thực hiện một cách triệt để và có chiều sâu.
2.3 Những hạn chế trong giao tiếp, ứng xử của giáo viên mầm non đối với trẻ và ảnh hưởng của nó đến sự phát triển của trẻ.
Giáo viên chưa hiểu trẻ và đáp ứng nhu cầu cho trẻ trong các hoạt động ở trường mầm non, chưa tạo được sự chú ý, tập trung, chưa lôi cuốn được trẻ, khích lệ trẻ tham gia vào các hoạt động; chưa tạo ra bầu không khí thật sự vui tươi và những ham thích, hứng khởi cần có ở trẻ.
– Nhiều GV cho rằng giờ ăn là dễ khiến cô giáo nóng giận và khó chịu và thường cô giáo phạt trẻ bằng nhiều hình thức thiếu tích cực… Do không kiềm chế được cảm xúc của bản thân nên một số GV vẫn còn hiện tượng nóng giận, bực bội với trẻ và la mắng, trách móc trẻ. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lí của trẻ như trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi, không tự tin, sợ đến trường…
– Trẻ trong lớp quá đông cũng tạo nhiều áp lực, GV sẽ thường xuyên bị căng thẳng, từ đó mà tâm trạng không tốt.
– Do khối lượng công việc quá nhiều, áp lực của công việc lớn khiến GV cảm thấy mệt mỏi sẽ ảnh hưởng nhiều đến giao tiếp với trẻ.
– GV có quan niệm sai lầm khi cho rằng, trẻ tuổi này rất bướng, rất lì lợm nên phải giáo dục nghiêm khắc, phải trách phạt, la mắng cho trẻ biết sợ, biết chừa. Vì thế, GV thường cấm đoán và chỉ mong trẻ biết nghe lời.
Từ những hạn chế của GV nêu trên, cần thiết phải áp dụng các biện pháp để nâng cao hiệu quả trong quá trình GV giao tiếp, ứng xử với trẻ.
3. Giải pháp
3.1 Rèn luyện kỹ năng ứng phó với stress cho sinh viên ngành sư phạm mầm non.
Khi gặp stress trong cuộc sống cũng như trong công việc, GVMN cần tìm cách vượt qua stress để có thể lấy lại được sự cân bằng và làm việc đạt hiệu quả. Khi đó, họ cần nỗ lực nhận diện stress trong cuộc sống của mình.
Tại sao mình bị stress, phải đối diện với stress như thế nào và cần hành động ra sao để vượt qua stress. Có thể nói, vai trò của GVMN rất quan trọng, vì vậy muốn giảm áp lực thì GVMN nên có các hoạt động như:
– Điều hòa hoạt động thần kinh của bản thân, giữ gìn sức khỏe tinh thần và thể lực, dễ dàng vượt qua được các áp lực, căng thẳng để luôn tìm được niềm vui, tình thương trong công việc với trẻ nhỏ, cởi mở trong cuộc sống;
– Hiểu cảm xúc của chính mình và của người khác để có thể kiểm soát cảm xúc, từ đó điều hòa, tạo dựng được các mối quan hệ xã hội tích cực, mang lại hiệu quả cao trong chăm sóc, giáo dục trẻ, công tác xã hội hóa giáo dục.
3.2 Đổi mới phương pháp bồi dưỡng giáo viên.
Trong quyết định số 81/2001/QĐ- TTg, thủ tướng chính phủ đã giao nhiệm vụ trọng tâm cho ngành giáo dục là đào tạo nguồn nhân lực CNTT và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác giáo dục và đào tạo.
Năm học 2008-2009, Bộ giáo dục và đào tạo đã triển khai cuộc vận động “Năm học ứng dụng CNTT trong giảng dạy” ở tất cả các cấp trường từ đại học, cao đẳng cho đến THPT, THCS,TH và cả bậc học mầm non.
Bồi dưỡng kiến thức về tin học cho GVMN trong thời gian tới là nhu cầu tất yếu vì: việc sử dụng máy vi tính đem lại rất nhiều tiện lợi, vừa tiết kiệm về thời gian và công sức vừa chính xác và khoa học.
Hiện nay, các chương trình phần mềm dạy học đã được đưa vào ứng dụng, máy vi tính sẽ là công cụ trợ giảng gần gũi của người giáo viên. Trình độ tin học của GV phải được cập nhật và nâng cao.
3.3 Xu hướng mới sử dụng công nghệ thông tin trong giáo dục mầm non hiện nay.
Sự bùng nổ công nghệ thông tin nói riêng và khoa học công nghệ nói chung đang tác động mạnh mẽ vào sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội.
Để đáp ứng được sự phát triển chung và nhu cầu thực tế của xã hội, thì việc vận dụng công nghệ thông tin và các trang thiết bị hiện đại vào dạy học hết sức cần thiết, và còn giúp cho giáo viên luôn luôn được cập nhật thông tin một cách chính xác, hiệu quả, truyền tải kiến thức nhanh nhất tới trẻ.
Công nghệ thông tin phát triển đã mở ra những hướng đi mới cho ngành giáo dục, trong việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy để nâng cao chất lượng dạy học.
Nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, ngành giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy.
Nhằm đáp ứng được những yêu cầu trên, đòi hỏi mỗi giáo viên không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đặc biệt là kiến thức nghiên cứu các phần mềm ứng dụng.
Từ đó áp dụng vào việc giảng dạy, nhằm tạo sự hứng thú và kích thích được sự tò mò khám phá của trẻ vì được chủ động hoạt động nhiều hơn để khám phá nội dung bài giảng.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục mầm non không chỉ giúp cô giáo dễ dàng quản lý học sinh, mà còn giúp phụ huynh dễ dàng kết nối thông tin với nhà trường. Dù ở bất cứ nơi đâu, phụ huynh cũng có thể dễ dàng biết được con em mình đang làm gì, có được chăm sóc tốt hay không.
3.4 Biểu hiện đạo đức của giáo viên mầm non trong giao tiếp, ứng xử với trẻ.
– Trong chăm sóc, giáo dục trẻ, GV cần phải luôn luôn yêu thương trẻ như con, khéo léo và thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của trẻ là trẻ được ăn, được vui chơi và học tập.
Muốn như vậy, trong quá trình giáo dục, GV cần tạo bầu không khí ấm cúng như trong gia đình, chú ý đáp ứng đúng lúc, kịp thời những nhu cầu cơ bản của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ phát triển một cách thuận lợi.
– Giao tiếp ứng xử với trẻ bằng những hành vi cử chỉ dịu hiền, nhẹ nhàng, cởi mở, vui tươi, tạo cho trẻ một cảm giác an toàn, bình yên, dễ chịu được khi đến trường. Nhờ có cảm giác an toàn, trẻ mới bộc lộ tính hồn nhiên, ngây thơ trong trắng của tuổi thơ.
– Trước mỗi tình huống, GV cần bình tĩnh không nên vội vàng, nóng nảy. Nếu GV nóng nảy, thiếu kiềm chế sẽ có những hành vi không hợp lý đối với trẻ. GV nên tìm hiểu kỹ những nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện hành vi bất thường của trẻ để có hướng giải quyết hợp lý nhất.
– GV ứng xử công bằng với tất cả trẻ, không phân biệt, so sánh trẻ này với trẻ khác. GV dành tình yêu và sự quan tâm với tất cả các trẻ là như nhau, tránh việc quá quan tâm nhiều đến một trẻ nào đó.
Mỗi trẻ có những đặc điểm riêng về thể chất, về nhu cầu, về sở thích, hứng thú, khả năng…, nên GV cần nắm bắt được các đặc điểm đó để có cách giao tiếp, ứng xử phù hợp với trẻ.
– GV cần hiểu trẻ, nên tìm những điểm tốt, điểm tích cực của trẻ để nêu gương, khích lệ trẻ tạo cho trẻ có được sự tự tin, phấn khởi.
Các biện pháp trên có mối quan hệ và bổ trợ lẫn nhau trong việc tăng cường đạo đức người GVMN trong giao tiếp ứng xử với trẻ ở trường mầm non. Ở mỗi địa phương, mỗi trường có những điều kiện khác nhau cho nên quá trình vận dụng các biện pháp cần linh hoạt, mềm dẻo để đạt hiệu quả
3.5 Giáo viên mầm non được hưởng chế độ theo năng lực.
Không phải GV nào cũng làm việc giống nhau. Sau mỗi thời gian nhất định, tùy thuộc vào kết quả đánh giá, CBQL xem xét, đề xuất chế độ ưu đãi cho những người có năng lực tốt hơn như: có năng khiếu nổi trội; có khả năng tổ chức rất tốt các hoạt động giáo dục trẻ; có khả năng tuyên truyền thành công kiến thức nuôi dạy trẻ tới cộng đồng; thu hút được nhiều trẻ đến trường nhập học; được mọi phụ huynh tín nhiệm; có ý tưởng mới giúp phát triển ngành học, vv…
Cho dù là nhiều hay ít, vật chất hay tinh thần, nếu được tập thể ghi nhận thì những “phần thưởng” đó cũng xứng đáng với năng lực và tâm huyết của họ, thúc đẩy sự phấn đấu của cá nhân đối với nghề nghiệp.
4. Kết luận
Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa mạnh mẽ, nền giáo dục Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức. GDMN cần khẳng định vai trò và vị trí của mình, mỗi giáo viên MN cần không ngừng tu dưỡng rèn luyện phẩm chất và năng lực, cần tạo cho mình bản lĩnh nghề nghiệp và kỹ năng học tập suốt đời nhằm đáp ứng xu thế phát triển của thời đại.
Giáo dục mầm non lại đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc định hình phát triển cho trẻ sau này. Việc đổi mới phương pháp dạy trẻ là một điều cần thiết vì đến trường, trẻ không chỉ là được chăm sóc mà còn phải được học.
Nhưng học ở đây phải làm sao thật tự nhiên, tạo được hứng thú cho trẻ, giúp trẻ tự tìm hiểu, khám phá bằng sự yêu thích và sáng tạo của mình. Chính vì những yêu cầu như vậy đã tạo nên một xu hướng mới trong giáo dục mầm non nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện trong những năm đầu đời.
Do đó các trường mầm non phải lựa chọn giáo viên có đủ tâm, tầm (đội ngũ này thường được chọn từ những GV có đủ năng lực, uy tín về chuyên môn, nghiệp vụ nhiệt tình với sự nghiệp đổi mới giáo dục, được tập huấn và bồi dưỡng).
Để giúp các trường mẫu giáo áp dụng và phát huy những kiến thức mới, cần thiết trong hoạt động dạy và học trong xu thế phát triển của xã hội tiên tiến hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bộ GD-ĐT (2008). Quyết định số 02/2008/QĐ-BGDĐT, ngày 22/01/2008 ban hành quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non.
[2] Đỗ Văn Đoạt (2012). Kỹ năng ứng phó với stress – một mặt quan trọng của nhân cách giáo viên mầm non. Kỷ yếu hội thảo “Mô hình nhân cách giáo viên mầm non trong thời kỳ hội nhập quốc tế”, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
[3] Trịnh Viết Then – Mai Thị Nguyệt Nga (2014). Ứng phó với stress của giáo viên mầm non trên địa bàn quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Văn hiến, số 05, tr 76-83.
[4] Trần Khánh Đức (1994). Một số vấn đề về đào tạo,bồi dưỡng giáo viên trên thế giới. Viện Khoa học Giáo dục.
[5] Bộ GD-ĐT (2005). Đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Chính phủ (2011). Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
[6] Đỗ Văn Đoạt (2014). Kỹ năng ứng phó với stress trong hoạt động học tập theo tín chỉ của sinh viên trường đại học sư phạm. Luận án tiến sĩ Tâm lí học, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam.
[7] Bộ GD-ĐT (2008). Quyết định số 02/2008/QĐ-BGDĐT ngày 22/01/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Ban hành Quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non.
[8] Bộ GD-ĐT (2009). Hội thảo về mô hình đào tạo giáo viên trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Hà Nội. (worldkids edu)
Th.S. Nguyễn Thị Như Thanh
Khoa Ngoại Ngữ
Xem thêm bài viết liên quan: Áp dụng phương pháp Montessori trong giáo dục mầm non
Bạn đang xem bài viết:
Xu hướng mới trong giáo dục mầm non Việt Nam hiện nay
Link https://myhocdaicuong.com/blog/xu-huong-moi-trong-giao-duc-mam-non-viet-nam-hien-nay.html
Các tìm kiếm có liên quan: Các xu hướng giáo dục mầm non trên thế giới và nước ta hiện nay. Chương trình giáo dục mầm non. Định hướng phát triển giáo dục mầm non hiện nay. Giáo dục mầm non là gì. Giáo dục mầm non ở Việt Nam.
Các tìm kiếm có liên quan: Giáo trình giáo dục mầm non. Hệ thống giáo dục mầm non. Khai thác môi trường giáo dục mầm non theo tiêu chuẩn Việt Nam. Một số xu hướng đổi mới trong giáo dục mầm non hiện nay. Sách chương trình Giáo dục mầm non.
Các tìm kiếm có liên quan: Tài liệu giáo dục mầm non. Việt Nam đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục mầm non cho tất cả mọi người. Xu hướng giáo dục mầm non ở Việt Nam. Giáo dục mầm non trong xu thế đổi mới hiện nay.
Chia sẻ bài viết: