Xóa sổ các môn học và những lầm tưởng về giáo dục ở Phần Lan
Với nền giáo dục tiên tiến, Phần Lan luôn là quốc gia đứng cao trên bảng xếp hạng học tập. Tuy nhiên, nhiều chương trình dạy học của đất nước này bị hiểu sai.
Năm 2021, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (của Liên Hợp Quốc) tiếp tục xếp Phần Lan đứng đầu. Đây là năm thứ 4 liên tiếp quốc gia này được đánh giá là hạnh phúc nhất thế giới.
Nền giáo dục của Phần Lan cũng luôn được ca ngợi vì tính sáng tạo, đề cao sự độc lập và cấp tiến. Đây là nước luôn đứng đầu về toán học, đọc hiểu, khoa học trong bảng xếp hạng PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều lầm tưởng về nền giáo dục tại nước này khiến thế giới hiểu sai về phương pháp cũng như quan điểm dạy học của Phần Lan.
Bỏ các môn học?
Năm 2015, tờ Independent đăng tải thông tin Phần Lan bỏ dạy theo môn học, thay vào đó dạy theo chủ đề. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng hệ thống giáo dục của Phần Lan sẽ loại bỏ các môn học như Toán, Lý, Hóa, Lịch sử… truyền thống.
Song, trên thực tế, đây không phải bản chất trong cách giáo dục của Phần Lan. Chỉ ít ngày sau bài báo trên, tờ Washington Post dẫn lại lời giải thích của học giả, nhà giáo dục Pasi Sahlberg. Ông khẳng định không có chuyện Phần Lan bỏ các môn học. Vị chuyên gia cho rằng kết luận này đã tạo thành ấn tượng không tốt và sai bản chất vấn đề.
Ông Pasi là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Giáo dục, khối Sau Đại học của Harvard, tác giả cuốn sách “Bài học Phần Lan: Thế giới có thể học được gì về cách thay đổi giáo dục ở Phần Lan”, xuất bản đầu năm 2011.
Giáo dục Phần Lan dựa trên nguyên tắc đa môn, học theo hiện tượng. Ảnh: Freepik.
Trong bài viết, ông cho biết ngành giáo dục Phần Lan hiện chỉ yêu cầu các trường xây dựng chương trình dạy với ít nhất một kỳ học “đa môn”, tập trung vào hiện tượng hoặc chủ đề mà học sinh quan tâm. Riêng ở Helsinki, các trường phải có ít nhất 2 kỳ học như vậy. Mỗi kỳ học kéo dài vài tuần.
Trẻ tham gia các kỳ học trên sẽ được dạy về khả năng phối hợp học cùng lúc nhiều giáo viên, kiến thức nền, giúp nắm rõ bản chất của vấn đề được bàn luận. Khái niệm này còn gọi là học theo hiện tượng. Giáo viên qua đó cũng đánh giá được học sinh qua các chủ đề liên ngành.
Ngoài ra, theo Smithsonian Magazine, bên cạnh tiếng Phần Lan, Thụy Điển, trẻ em sẽ học ngôn ngữ thứ 3 từ năm 9 tuổi.
Cải cách này được thông qua vào cuối năm 2014 và áp dụng từ tháng 8/2016, nằm trong khung chương trình giảng dạy quốc gia mới (NCF). Giới chức giáo dục Phần Lan nhấn mạnh các môn học riêng lẻ vẫn sẽ tồn tại, chỉ có sự gắn kết các môn khoa học tự nhiên với nhau hay các môn mỹ thuật và ngôn ngữ với nhau hơn.
Theo The Conversation, ông Pasi cũng khẳng định đặc điểm của nền giáo dục Phần Lan là sự tự chủ cao, các trường tự quyết định chương trình dạy. Khung chương trình quốc gia chỉ có giá trị gợi ý về kỳ học “đa môn”. Việc học như thế nào, dạy gì là quyền của từng trường.
Tích hợp các môn học và tiếp cận toàn diện không phải điều xa lạ ở Phần Lan. Từ những năm 1980, các trường học đã thử nghiệm phương pháp này và nó trở thành một phần của văn hóa giảng dạy ở nhiều nơi.
Bỏ chấm điểm?
Theo ông Pasi, điều này đúng nhưng chưa đủ. Tại Phần Lan, điểm số cao nhất trong hệ thống giáo dục là 10. Việc bỏ điểm số có xuất hiện ở nền giáo dục nước này, song, nó chỉ áp dụng từ lớp 1 đến lớp 4. Trẻ cũng không bắt buộc phải học mầm non, lớp 1 sẽ bắt đầu vào năm 7 tuổi.
Các giáo viên và phụ huynh Phần Lan không muốn trẻ em đến trường để lấy điểm hoặc cạnh tranh khốc liệt cho vị trí đứng đầu. Các học sinh này sẽ không bị chấm điểm, không bị la mắng về thành tích, xếp hạng. Hầu hết phụ huynh ý thức những năm đầu đời, trẻ cần được phát triển toàn diện. Vì vậy, các em được tạo động lực để hoàn thiện tri thức và cải thiện kế hoạch học tập.
Ngoài ra, ngành giáo dục chỉ có một bài kiểm tra tiêu chuẩn bắt buộc dành cho học sinh 16 tuổi khi tốt nghiệp trường trung học cơ sở. Học sinh hầu như không phải chịu áp lực thi cử.
Nguyên tắc “trẻ em toàn diện” cũng mang ý nghĩa chương trình giảng dạy ở trường phải cân bằng giữa các môn học. Thành tựu của trẻ phải được đánh giá trên tất cả lĩnh vực khác nhau, không riêng một vài môn học.
Trẻ dưới 11 tuổi khi đi học không phải chấm điểm, thi học kỳ… Ảnh: Expatica.
Ông Pasi nhận định quan điểm này dựa trên lý thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner những năm 1980. Năm 1998, Luật Giáo dục Phần Lan cho phép học sinh làm chủ, đặt trẻ vào trung tâm, học cách chịu trách nhiệm cho mọi quyết định của mình. Các em được yêu cầu số giờ học ngắn hơn, ít bài tập về nhà, bữa ăn nhiều dinh dưỡng.
Theo Giáo sư Pasi, các ngày học thường kéo dài từ 9h đến 14h với trẻ nhỏ, đến 15h với học sinh lớn hơn. Học sinh và giáo viên không phải mặc đồng phục, luôn xưng hô bằng tên, tạo thành bầu không khí thoải mái. “Tại nhiều trường tiểu học, trẻ cư xử và có cảm giác như ở nhà”, vị chuyên gia nhận xét.
Sau mỗi bài học 45 phút, trẻ có 15 phút giải lao. Đây là nguyên tắc mà Google từng sử dụng cho nhân viên khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp – nguyên tắc 20%. Giáo viên cũng có khoảng thời gian nghỉ 20% này.
Giáo viên được coi trọng nên được trả lương rất cao?
Theo Smithsonian Magazine, sau cải cách giáo dục năm 1979, mọi giáo viên phải có bằng thạc sĩ 5 năm lý thuyết, thực hành tại một trong 8 trường đại học của tiểu bang. Từ đó trở đi, các giáo viên được xem cấp ngang hàng với bác sĩ, luật sư.
Song, mức lương khởi điểm cho một giáo viên không quá cao. Theo The National Center for Education Evaluation, mức lương của giáo viên rơi vào khoảng 40.000-50.000 USD/năm. Nếu gắn bó lâu, họ cũng được trả thêm lương cho kỳ nghỉ hè. Mức lương này được đánh giá không cao hơn các bác sĩ nhưng nhìn chung đây vẫn là nghề được coi trọng.
Tỷ lệ chọi để tham gia giảng dạy ở Phần Lan cũng khá cao. Giáo sư Pasi cho hay năm 2010, khoảng 6.600 thí sinh đăng ký thi tuyển đào tạo tiểu học, mức chỉ tiêu của ngành này chỉ là 660 người.