Xóa bỏ định kiến giới trong giáo dục hướng nghiệp
Dù công tác giáo dục hướng nghiệp được quan tâm thực hiện trong các trường phổ thông nhưng vẫn còn nhiều học sinh bị định kiến về giới trong lựa chọn ngành nghề. Rào cản này khiến học sinh bỏ qua cơ hội lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân và nhu cầu thực tế của xã hội.
Học sinh Trường THPT Thống Nhất A (H.Trảng Bom) tìm hiểu về ngành nghề trong một buổi tư vấn tuyển sinh. Ảnh: H.Yến
Để xóa bỏ định kiến về giới trong lựa chọn ngành nghề cần có nhiều giải pháp, trong đó có việc kết hợp giữa trường phổ thông với các trường cao đẳng, đại học trong công tác hướng nghiệp.
* Giới tính ảnh hưởng đến lựa chọn ngành nghề
Là người tham gia tư vấn tuyển sinh nhiều năm, ThS Nguyễn Tiến Dũng, Phó ban Tuyển sinh Trường đại học Công nghệ Miền Đông (H.Thống Nhất) thường xuyên nhận được các câu hỏi liên quan đến giới tính trong lựa chọn ngành nghề. Chẳng hạn: con gái có thể học ngành công nghệ ô tô, ngành kỹ thuật không; con trai theo học ngành thời trang, nấu ăn thì có bị “bẻ cong” hay không…
Những câu hỏi tương tự như vậy luôn xuất hiện trong các chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh tại bất cứ trường THPT nào. Thực tế, rất nhiều học sinh hiểu rõ về sở thích, đam mê của bản thân nhưng lại e ngại khi lựa chọn ngành nghề vì nghĩ rằng nghề đó không hợp với giới tính của mình.
Theo ThS Nguyễn Tiến Dũng, định kiến về giới trong lựa chọn nghề nghiệp có nhiều nguyên nhân. Theo quan niệm truyền thống, đa số người Việt Nam vẫn thường nghĩ nam giới nên học những ngành nghề có tính chất “khô khan” như: công nghệ thông tin, kỹ thuật, ô tô…; nữ giới nên học các ngành nghề “nhẹ nhàng” như: thực phẩm, kế toán, văn phòng…
Về mặt truyền thông xã hội, hình ảnh nghề nghiệp vẫn còn mang nặng định kiến giới. Chẳng hạn, khi nói đến y tá, nội trợ, may vá… truyền thông hay sử dụng hình ảnh nữ giới. Tương tự, khi nhắc đến các ngành kỹ thuật, công nghệ… thì hình ảnh thường được sử dụng lại là nam giới. Điều này khiến cho học sinh mặc định những nghề dành cho nữ và những nghề dành cho nam mà bỏ qua những yếu tố khác. “Vì vậy, nhiều nam sinh lo ngại những người xung quanh sẽ nhìn nhận hoặc bàn tán không đúng về giới tính của mình khi lựa chọn ngành nghề “dành cho phái đẹp” và ngược lại” – ThS Dũng cho hay.
Hiểu được băn khoăn đó của học sinh, những người làm công tác tư vấn, tuyển sinh luôn đưa ra nhiều lời khuyên, minh chứng để hóa giải. TS Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ công chúng Trường đại học Lạc Hồng (TP.Biên Hòa) cho biết: “Chúng tôi luôn nhấn mạnh học sinh tìm hiểu về thế mạnh của bản thân, những thế mạnh, năng lực đó phù hợp với ngành nghề nào chứ không phụ thuộc vào vấn đề giới tính. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giúp các em hiểu rằng, mỗi ngành nghề đều có nhiều vị trí việc làm khác nhau, mang lại cơ hội việc làm cho cả nam và nữ”.
* Xóa bỏ dần định kiến giới trong hướng nghiệp
Những năm gần đây, định kiến về giới trong lựa chọn nghề nghiệp đang dần được xóa bỏ. Học sinh đã cởi mở hơn khi lựa chọn hướng đi cho tương lai. Có được điều này là nhờ công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường đã được chú trọng hơn. Bên cạnh đó, với sự phát triển của phương tiện truyền thông, mạng xã hội, học sinh đã có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin hướng nghiệp, công cụ hỗ trợ hướng nghiệp (các ứng dụng trắc nghiệm hiểu mình, hiểu nghề)… Mặt khác, các trường cao đẳng, đại học đã ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong đào tạo. Những công nghệ này giúp cho người học thuận tiện hơn trong quá trình học tập, nâng cao kỹ năng lao động.
Ông TRẦN ANH TUẤN, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM cho biết: “Khảo sát về thực trạng việc làm của lao động nữ trong các doanh nghiệp cho thấy, trình độ, năng lực và chuyên môn nghề nghiệp của phụ nữ còn thấp, định hướng nghề nghiệp vẫn theo hướng truyền thống (dệt may, dịch vụ, bán hàng…). Lao động nữ vẫn tập trung ở những ngành sử dụng chủ yếu sức lao động, lao động nam đa số làm việc ở những ngành dựa vào vốn và kỹ thuật. Lao động nữ chiếm trên 70% ở các ngành: dệt may, da giày, chế biến nông sản; lao động nam tập trung ở các ngành: giao thông, xây dựng, viễn thông, công nghệ thông tin. Xu hướng đầu tư cho trẻ em gái trong học tập không được quan tâm nhiều như trẻ em trai, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhu cầu xã hội đang phát triển…”.
Tuy nhiên, để học sinh có kiến thức, thông tin giúp cho việc lựa chọn ngành nghề đúng hướng thì công tác giáo dục hướng nghiệp cần tiếp tục thay đổi theo hướng đa dạng hơn.
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho rằng, hiện trong các trường phổ thông vẫn còn có tư tưởng “môn chính, môn phụ” nên công tác giáo dục hướng nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác, giáo viên làm công tác hướng nghiệp chưa được đào tạo chuyên trách; sự hiểu biết sâu về các ngành nghề của giáo viên còn hạn chế nên chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh.
Theo ông Quỳnh, công tác giáo dục hướng nghiệp cần được chú trọng ngay từ bậc THCS. Bên cạnh đó, các trường phổ thông có thể mời giảng viên các trường cao đẳng, đại học về để hỗ trợ nhà trường trong công tác tư vấn hướng nghiệp. “Các giảng viên ở trường cao đẳng, đại học chính là những chuyên gia hiểu rõ về các ngành nghề nên có thể tư vấn tốt hơn cho học sinh. Ngoài ra, đội ngũ chuyên gia này sẽ “chuyển giao” dần cho giáo viên ở các trường phổ thông. Khi giáo viên hiểu hơn về ngành nghề thì sẽ làm công tác giáo dục hướng nghiệp tốt hơn” – ông Quỳnh chia sẻ.
Về phía các cơ sở đào tạo, ông Quỳnh cho rằng, các trường nên có nhiều bài viết sâu hơn về các ngành nghề để đăng trên website và trang mạng xã hội của trường. Bên cạnh đó, các trường cũng nên xây dựng các hình ảnh, clip về ngành nghề thành các câu chuyện để giúp học sinh dễ hiểu, dễ hình dung hơn, từ đó sẽ đưa ra lựa chọn phù hợp hơn cho tương lai.
Hải Yến