Xét nghiệm máu có thai nhưng siêu âm không thấy nguyên nhân do đâu?
Khi tính chu kỳ kinh nguyệt hoặc dùng que thử thai, mẹ bầu có thể biết mình mang thai từ rất sớm. Nhiều cha mẹ vì quá mong ngóng mà đi siêu âm kiểm tra ngay khi phát hiện mình mang thai nhưng không thấy thai nên vô cùng hoang mang, lo lắng. Vậy xét nghiệm máu có thai nhưng siêu âm không thấy nguyên nhân do đâu?
05/03/2022 | Tại sao siêu âm thai 12 tuần rất quan trọng?
26/02/2022 | Bác sĩ tư vấn: Đang cho con bú dùng que thử thai có chính xác không?
Mục Lục
1. Xét nghiệm máu có thai nhưng siêu âm không thấy do đâu?
Xét nghiệm máu có thai dựa trên phát hiện sự có mặt của hormone bào thai HCG trong máu, do vậy độ chính xác rất cao.
Mẹ bầu có thể phát hiện mang thai sớm nhờ que thử thai hoặc xét nghiệm máu
Tuy nhiên lúc này đi siêu âm có thể không thấy thai do những nguyên nhân sau:
1.1. Do bào thai còn quá nhỏ
Thông thường, siêu âm có thể nhìn thấy bào thai vào khoảng tuần thai thứ 5 của thai kỳ tính từ ngày thụ thai thành công, tương ứng với khi nồng độ HCG trong máu đạt tới 1100. Trước mốc thời gian này, xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước tiểu vẫn có thể phát hiện khẳng định thai thông qua nồng độ HCG.
Tuy nhiên khi siêu âm thì chưa thể nhìn thấy bào thai trong cơ thể mẹ do kích thước bào thai lúc này quá nhỏ. Do vậy nếu tuổi thai nhỏ hơn 5 tuần mà siêu âm không thấy, mẹ bầu không nên quá lo lắng mà hãy hẹn lịch tái khám và siêu âm lại khi thai đã đủ lớn để quan sát.
Ngược lại, nếu như siêu âm sau tuần thai thứ 5 của thai kỳ hoặc khi mức HCG đã vượt mức 1100 mà không thấy bào thai thì khả năng thai kỳ bất thường là rất cao. Tuy nhiên vẫn có khả năng tính tuần tuổi thai bị sai, tốt nhất mẹ bầu nên chăm sóc bản thân tốt và đợi kết quả siêu âm ở lần khám thai sau.
Siêu âm không thấy thai thường do thai quá nhỏ chưa nhìn thấy
1.2. Do thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạn mặc dù mang thai nhưng khi siêu âm không nhìn thấy hình ảnh thai nhi. Đây là tình trạng gây nguy hiểm cho mẹ nếu không phát hiện và xử lý sớm, khi thai ngoài tử cung phát triển lớn hơn.
Các dấu hiệu có thể gợi ý thai ngoài tử cung cần nhận biết sớm bao gồm: đau bụng âm ỉ vùng dưới rốn, âm đạo tiết dịch tiết màu đen,… Thai chỉ có thể phát triển bình thường trong môi trường tử cung, do vậy thai ngoài tử cung bắt buộc phải đình chỉ thai sớm tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí tính mạng của mẹ.
1.3. Do đã hoặc đang bị sảy thai
Nếu trước đó đã xét nghiệm máu xác định có thai nhưng có các dấu hiệu như đau cứng bụng, ra máu,… thì có thể đã bị sảy thai trước khi siêu âm. Khi sảy thai, nồng độ HCG trong máu của mẹ sẽ giảm xuống, ngoài ra siêu âm cũng sẽ không nhìn thấy bào thai.
Như vậy có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn xét nghiệm máu có thai nhưng khi siêu âm không thấy. Nếu nồng độ HCG trong máu vẫn ở mức cao cho thấy bạn đang mang thai, không nên quá lo lắng mà cần tiếp tục theo dõi triệu chứng và tái khám lại để xác định nguyên nhân chính xác.
Mẹ bầu nên tái khám để xác định nguyên nhân siêu âm không thấy thai
2. Các dấu hiệu mang thai phụ nữ ai cũng cần biết
Xét nghiệm máu hay các phương pháp kiểm tra mang thai khác thường được tìm đến khi mẹ bầu nhận thấy cơ thể có những bất thường. 3 tháng đầu tiên của thai kỳ là giai đoạn vô cùng quan trọng, mẹ bầu không chỉ dựa vào đó để phát hiện mình mang thai mà còn cần theo dõi để phát hiện những bất thường thai kỳ nếu có.
Dưới đây là những dấu hiệu mang thai sớm dễ nhận biết nhất:
2.1. Chậm kinh nguyệt
Đây có lẽ là dấu hiệu rõ ràng, dễ nhận biết thai kỳ nhất bởi khi thụ thai thành công, lớp niêm mạc tử cung sẽ dày lên nuôi dưỡng thai thay vì bong ra và được đẩy ra ngoài để tạo thành kỳ kinh. Tuy nhiên, nhiều chị em phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều nên cách tính ngày cũng không chính xác, dễ nhầm lẫn với rối loạn kinh nguyệt dẫn đến chậm kinh.
2.2. Đau vùng ngực
Khi thụ thai thành công và mang thai giai đoạn đầu, hormone sinh dục trong cơ thể người phụ nữ tăng lên nhanh chóng khiến máu lưu thông đến bầu ngực tăng lên. Do vậy, phụ nữ mang thai giai đoạn sớm cũng thường bị sưng, đau nhức ngực kéo dài hơn so với triệu chứng tương tự khi đến ngày hành kinh.
Nhận biết sớm mang thai với dấu hiệu đau vùng ngực
2.3. Xuất hiện máu báo thai
Nhiều người phụ nữ sau khi thụ thai khoảng 10 ngày sẽ ra máu âm đạo với lượng ít hay còn gọi là máu báo thai. Kèm theo đó là những cơn đau quặn nhẹ ở bụng, nguyên nhân là do phôi thai di chuyển vào trong tử cung, bám chắc vào lớp nội mạc tử cung để làm tổ. Quá trình này gây xuất huyết nhẹ, với lượng máu rất nhỏ nên cần phân biệt với máu do chu kỳ kinh nguyệt hoặc chảy máu do thai bất thường.
Máu báo thai thường chỉ làm hồng quần khi ra kèm với dịch âm đạo, nhưng nếu máu chảy nhiều, dai dẳng kèm theo đau quặn bụng thì có thể là do sảy thai. Nếu mẹ bầu gặp phải dấu hiệu này, cần lưu ý theo dõi để phát hiện sớm nếu thai có bất thường.
2.4. Cơ thể mệt mỏi
Cảm giác cơ thể mệt mỏi xuất hiện khá sớm khi mang thai, đôi khi từ những tuần thai đầu tiên. Nguyên nhân dẫn đến sự mệt mỏi này là do hormone trong cơ thể thay đổi nhanh chóng, ngoài ra cơ thể mẹ cũng mất lượng lớn năng lượng cung cấp cho thai nhi phát triển. Thông thường khi thai được 12 tuần trở đi, nhai thai đã hình thành đầy đủ và mẹ bầu cũng làm quen hơn với sự thay đổi trong cơ thể sẽ giảm bớt cảm giác mệt mỏi.
2.5. Dấu hiệu ốm nghén
Khoảng 80% phụ nữ mang thai gặp phải triệu chứng ốm nghén trong những tuần đầu tiên của thai kỳ như: buồn nôn vào buổi sáng, buồn nôn khi ngửi mùi thức ăn, đầy hơi, táo bón thường xuyên,… Dấu hiệu này là dấu hiệu thai kỳ bình thường, nếu đột ngột những dấu hiệu này biến mất trước khi thai lớn thì mẹ cần chú ý theo dõi.
Dấu hiệu ốm nghén xuất hiện khá sớm và rõ ràng trong thời gian đầu thai kỳ
2.6. Buồn ngủ
Khi mang thai, mẹ bầu có xu hướng buồn ngủ và ngủ trong thời gian dài hơn trong ngày. Hãy tạo không gian dễ chịu để mẹ có thể ngủ sâu giấc, không nên thức khuya và ngủ quá ít khiến cơ thể thêm mệt mỏi.
Như vậy, xét nghiệm máu có thai nhưng siêu âm không thấy có thể do rất nhiều nguyên nhân, có thể là thai còn quá nhỏ hoặc do thai bất thường. Mẹ bầu không nên quá lo lắng mà cần nghỉ ngơi nhiều hơn, theo dõi triệu chứng thai kỳ và tái khám lại để kiểm tra.
Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.