Xem chi tiết

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy và lãnh đạo VRG cắt băng khai mạc Hội thi

Cùng dự lễ khai mạc Hội thi còn có ông Nguyễn Quế Dương – Vụ trưởng Vụ nông nghiệp (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp); ông Phạm Minh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Bình Dương; cùng đại diện lãnh đạo VRG.

Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su lần thứ XIII được tổ chức từ ngày 12 – 15/12, với sự tham gia của 325 thí sinh ở 64 công ty cao su trong và ngoài VRG. Đây là những thí sinh xuất sắc, tiêu biểu, đã chiến thắng trong hội thi thợ giỏi ở các công ty cao su, đại diện cho hàng chục ngàn công nhân khai thác trong toàn ngành cao su Việt Nam. Các thí sinh tham gia 3 phần thi gồm: thi lý thuyết, thi dụng cụ và thi thực hành để chọn ra những Kiện tướng và Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su cấp Tập đoàn.

Ông Lê Thanh Tú – Phó Tổng giám đốc VRG, Trưởng Ban tổ chức Hội thi phát biểu tại lễ khai mạc

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Thanh Tú – Phó Tổng giám đốc VRG, Trưởng Ban tổ chức Hội thi nhấn mạnh: Qua các lần tổ chức, đến nay, Hội thi đã trở thành một ngày hội lớn của ngành cao su Việt Nam, là dịp để giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của đội ngũ công nhân khai thác; đồng thời, để đánh giá, kiểm tra trình độ tay nghề của công nhân khai thác mủ. Qua Hội thi, đã phát hiện những công nhân vững lý thuyết, giỏi thực hành để tiếp tục bồi dưỡng, nhân rộng điển hình, trở thành những hạt nhân trong lĩnh vực khai thác mủ tại cơ sở. Từ đó, thúc đẩy phong trào thi đua luyện tay nghề – thi thợ giỏi, giúp nâng cao năng suất vườn cây, năng suất lao động và cải thiện thu nhập cho người lao động.

“Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su do Tập đoàn tổ chức đã vượt khỏi khuôn khổ của một Hội thi tay nghề thông thường, nó thực sự đã trở thành một ngày hội truyền thống của công nhân cao su. Đặc biệt, hiện nay trên thế giới dù có nhiều nước trồng cao su, nhưng gần như chỉ có Việt Nam tổ chức một Hội thi thu hoạch mủ mang tính quy mô toàn ngành. Đây là điểm độc đáo và có thể xem là nét văn hoá đặc trưng của ngành cao su Việt Nam” – ông Lê Thanh Tú cho biết.

Đặc biệt, trong tình hình thị trường tiêu thụ cao su khó khăn như hiện nay, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty cao su và thu nhập của người lao động, Ban lãnh đạo Tập đoàn hy vọng và tin tưởng rằng, thông qua việc tổ chức Hội thi thu hoạch khai thác mủ sẽ dấy lên khí thế thi đua lao động sản xuất, thi đua nước rút trong đội ngũ công nhân viên chức, người lao động, phấn đấu từng tấn mủ vượt, chung sức đồng lòng cùng doanh nghiệp nỗ lực vượt khó thành công. Qua đó, góp phần cùng Tập đoàn hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2022.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy phát biểu tại lễ khai mạc

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy đánh giá: Trải qua lịch sử 93 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã từng bước khẳng định thương hiệu của một Tập đoàn kinh tế lớn của cả nước, không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế mà còn chung tay cùng Chính phủ thực hiện các chương trình quốc gia, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng.

Theo Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy, đối với công nhân cao su, VRG đã biết khơi dậy tình yêu ngành, yêu nghề thông qua Hội thi Bàn tay vàng Tập đoàn định kỳ tổ chức 2 năm/lần. “Các thí sinh tham gia Hội thi do Tập đoàn tổ chức có thể có ít – nhiều năm làm nghề nhưng tựu chung lại nơi họ quy tụ đủ tố chất của một thợ giỏi, đó là vững lý thuyết – giỏi thực hành, và ở họ có sự phấn đấu, nỗ lực, vươn lên vì một cuộc sống tốt hơn, vì công việc ngày càng phát triển hơn” – Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy nhận định.

Đối với ngành cao su, mà cụ thể là ở công đoạn khai thác, thì tay nghề Người lao động đóng vai trò quyết định để vườn cây đạt năng suất cao và sản lượng tốt. Công đoạn khai thác mủ là không máy móc nào có thể thay thế được. Do đó, việc Tập đoàn nói chung và các đơn vị trực thuộc nói riêng chú trọng tập huấn, rèn luyện tay nghề cho Người lao động là việc làm cần thiết, đúng đắn.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy tặng hoa và cờ lưu niệm cho các đoàn thợ giỏi

“Hội thi Bàn tay vàng cũng là dịp tôn vinh gương điển hình tiêu biểu trong phong trào Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi, từ đó nhân rộng tấm gương để hiệu quả của phong trào ngày một tốt hơn. Ủy ban ghi nhận và đánh giá cao Hội thi Bàn tay vàng của Tập đoàn tổ chức, không chỉ ở tầm quốc gia mà còn nâng lên tầm quốc tế. Dù công tác tổ chức Hội thi quy mô như vậy không hề dễ dàng. Tôi hy vọng rằng, Tập đoàn sẽ duy trì những sân chơi bổ ích cho Người lao động, nhất là Hội thi Bàn tay vàng ngành cao su để từ đó có đội ngũ lành nghề, giúp đỡ cao su tiểu điền trong việc định hướng trồng, chăm sóc, khai thác cao su đúng quy trình kỹ thuật, để góp phần to lớn vào việc phát triển của ngành cao su trong nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng và thị trường cao su trên thế giới nói chung” – Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy và lãnh đạo VRG kiểm tra trường thi Thí sinh thi thực hành

Ngay sau lễ khai mạc, các thí sinh bước vào phần thi thực hành. Đây là phần thi hấp dẫn, được đánh giá cao nhất, cũng là phần thi quyết định đối với các thí sinh. Theo đó, trong thời gian 20 phút, các thí sinh phải khai thác được 100 cây cao su. Sau 15 phút, thí sinh thả cờ vàng để làm cơ sở cạnh tranh điểm trong trường hợp trùng điểm. Ban tổ chức sẽ tiến hành bốc thăm 3 cây trong 100 cây của thí sinh để chấm điểm thực hành.

Ngoài các giải thưởng chính thức, thí sinh đạt điểm tuyệt đối 100 sẽ được nhận danh hiệu Bàn tay vàng; đạt điểm số từ 96 đến 99,5 điểm được tuyên dương Kiện tướng thu hoạch mủ. Toàn bộ thí sinh tham gia được trao chứng nhận thợ giỏi cấp ngành. Lễ tổng kết và trao giải Hội thi sẽ được diễn ra vào sáng 15/12.