Xem chi tiết – Trường Chính Trị Hậu Giang – Hậu Giang Portal

ThS. Nguyễn Phú Nhân – Giảng viên, Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học

ThS. Trần Đình Duệ – Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

 

Nhằm tạo diễn đàn khoa học, đánh giá những kết quả bước đầu hình thức dạy và học trực tuyến ở Trường thời gian qua; trao đổi, thảo luận những vấn đề thực tiễn, đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học trực tuyến nói riêng, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường nói chung trong thời gian tới, chiều ngày 18-11, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường lần II/2021 với chủ đề “Bước chuyển hình thức dạy và học từ trực tiếp sang trực tuyến – Từ quyết tâm chính trị đến phương pháp thực hiện”.

Tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Phan Công Khanh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV; Đồng chí Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Loan, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh; các nhà nghiên cứu, đại diện lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị và giảng viên, học viên Trường Chính trị tỉnh. Hội thảo đã nhận được 27 tham luận của các đại biểu trong và ngoài Trường, các tham luận xoay quanh các nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, khẳng định quyết tâm chính trị của Nhà trường.

Đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng rất lớn đến mọi hoạt động kinh tế – xã hội của đất nước, cũng như các địa phương, đặt các địa phương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mọi người dân trước những khó khăn, thách thức rất lớn, nhiều hoạt động tập trung trực tiếp, đông người không được diễn ra. Trong khó khăn chung đó, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2021 thường xuyên bị gián đoạn, gặp nhiều khó khăn, thách thức do phải thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trước tình hình đó, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang chủ động tham mưu với Thường trực Tỉnh ủy chuyển đổi hình thức dạy và học từ trực tiếp sang trực tuyến nhằm vừa đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, vừa tổ chức hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, các hoạt động chuyên môn của Trường. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Loan – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường nhấn mạnh: “Vấn đề chuyển hình thức giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến cần được tiếp cận, xác định ở hai khía cạnh và cấp độ: Một là, đây là sự chủ động điều chỉnh phương thức dạy và học để thích ứng, thích nghi với những biến đổi cũng như những khó khăn, thách thức trong điều kiện mới do đại dịch Covid-19 gây ra; đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Trường trong mọi tình huống, qua đó góp phần đảm bảo công tác cán bộ của Tỉnh nhà không bị gián đoạn, đứt quãng hoặc chậm tiến độ; Hai là, đây là một khâu, một bước, một nội dung quan trọng trong đổi mới tư duy và phương thức thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Trường, thích ứng và đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của cuộc cách mạng 4.0. Đây là một nhiệm vụ rất lớn nên đòi hỏi phải có một quyết tâm chính trị cao và sự thống nhất, nỗ lực lớn của từng viên chức, giảng viên”. Chính vì vậy, ngay sau khi được sự đồng ý về chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy và sự hướng dẫn về chuyên môn của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường đã gấp rút xây dựng và hoàn thành các quy định, quy chế, hướng dẫn cách thực tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, chuyển trạng thái làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến từ đầu quý III năm 2021; đồng thời, căn cứ tình hình thực tế sẽ tiến hành kết hợp giữa hai hình thức trong thời gian sắp tới.

(Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Loan – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Hội thảo)

Thứ hai, công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến của Trường đã đạt được những kết quả quan trọng.

Hiện tại, Trường đang tổ chức giảng dạy theo hình thức trực tuyến cho 16 lớp Trung cấp lý luận Chính trị – Hành chính và Trung cấp lý luận chính trị, 03 lớp Bồi dưỡng ngạch chuyên viên với hơn 1.400 học viên. Từ giữa tháng 8-2021, Trường đã tổ chức hướng dẫn khoá luận tốt nghiệp cho 07 lớp Trung cấp Lý luận chính trị – hành chính với gần 500 học viên. Tất cả các hoạt động liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng (chiêu sinh, khai giảng, giảng dạy, viết bài thu hoạch hết phần học, viết khoá luận tốt nghiệp, bế giảng, quản lý học viên…) đều thực hiện bằng hình thức trực tuyến thông qua phần mềm Microsoft Teams, Email, Zalo…

Với sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó của tập thể viên chức, giảng viên, Trường đã đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch được giao từ đầu năm, thực hiện vượt kế hoạch 02 lớp Trung cấp LLCT – HC cho ngành Y tế và ngành Giáo dục. Đặc biệt, chỉ trong thời gian quý III/2021, Trường đã chiêu sinh, tổ chức giảng dạy 03 lớp bồi dưỡng QLNN ngạch chuyên viên với 226 học viên; hoàn thành thực hiện chương trình đào tạo và cấp giấy chứng nhận cho 02 lớp với 136 học viên. Với các lớp Trung cấp LLCT – HC, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,3%, tỷ lệ xếp loại giỏi chiếm 15,7 %, tăng 10% so với năm 2020. Nhiều bài thu hoạch, khóa luận tốt nghiệp được học viên viết ngay trong quá trình tham gia trực tiếp ở điểm nóng, ở tuyến đầu phòng, chống dịch Covid 19 đạt điểm cao đã thể hiện sự mạnh dạn trong lựa chọn chủ đề nghiên cứu với hàm lượng thực tiễn cao.

Có thể khẳng định bước chuyển kịp thời hình thức dạy và học từ trực tiếp sang trực tuyến trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 ở Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang thời gian qua là bước đi đúng đắn, thể hiện sự đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường và đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng trân trọng, thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất, sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức với quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Những kết quả đạt được là tiền đề, nền tảng vật chất, tinh thần quan trọng để Trường tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng đưa Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang đạt tiêu chí, yêu cầu “Trường Chính trị chuẩn” (cấp 1) theo Quy định 11 của Ban Bí thư; xứng đáng là trung tâm nghiên cứu, đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên của Tỉnh.

Thứ ba, những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động dạy và học trực tuyến ở Trường thời gian qua.

Khi làn sóng Covid-19 lần thứ tư bắt đầu lây lan đến địa bàn tỉnh, trước yêu cầu, nhiệm vụ phải thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” – vừa thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ không bị gián đoạn, căn cứ điều kiện, khả năng hiện có, lãnh đạo Trường đã chủ động tham mưu, đề xuất Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương về chuyển đổi hình thức đào tạo, bồi dưỡng từ trực tiếp sang trực tuyến. Ngay sau khi được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh uỷ, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường đã gấp rút triển khai nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Về lực lượng giảng viên: phần lớn ở độ tuổi trung niên và trẻ, được đào tạo cơ bản, có kỹ năng và sử dụng thông thạo thiết bị và đồ dùng dạy học, có điều kiện trang bị phương tiện, thiết bị đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động giảng dạy trực tuyến; được tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn chu đáo.

Về điều kiện cơ sở vật chất: tất cả các phòng làm việc đều được đảm bảo diện tích làm việc và trang bị đầy đủ phương tiện thiết bị phục vụ các hoạt động chuyên môn với 01 phòng trực tuyến phục vụ các cuộc họp, hội thảo; 05 phòng dạy trực tuyến được kết nối cùng lúc wifi và cáp trực tiếp nhằm nâng cao tính ổn định của đường truyền; toàn trường có 42 máy tính bàn với cấu hình đáp ứng việc tải và chạy các phần mềm công nghệ cơ bản, đáp ứng phục vụ các yêu cầu, nhiệm vụ của từng vị trí việc làm. Đối với lãnh đạo phòng, khoa được trang bị một Laptop. Ngoài ra, mỗi giảng viên đều tự trang bị hoặc được Trường hỗ trợ kinh phí để đầu tư máy Laptop phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy trực tuyến. Xung quanh khuôn viên trường đều được kết nối Internet, đáp ứng cùng lúc 255 kết nối truy cập vào hệ thống mạng, phục vụ nhu cầu làm việc, nghiên cứu, giảng dạy trực tuyến và học tập. Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Trương Quốc Năm – Phó Hiệu trưởng Trường khẳng định: “Việc chủ động nâng cấp, phát huy năng lực hoạt động của hệ thống cơ sở vật chất – kỹ thuật hiện có, một mặt vừa tiết kiệm được ngân sách, vừa đảm bảo và đáp ứng việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Trường trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp hiện nay”.

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động giảng dạy theo hình thức trực tuyến ở Trường chính trị tỉnh thời gian qua cũng còn gặp một số khó khăn: số lượng phòng bố trí giảng dạy trực tuyến còn ít (05 phòng), khi cùng lúc có nhiều lớp học, một số giảng viên phải giảng dạy tại nhà, giảng viên chưa được bố trí máy tính dùng chung phục vụ giảng dạy, một số máy tính có cấu hình thấp, tốc độ chậm chưa được nâng cấp, tốc độ và tính ổn định mạng Internet chưa cao trong khi nhu cầu sử dụng ngày càng lớn.

Ngoài những khó khăn trên, theo Thạc sĩ Trần Văn Tài, Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, trong dạy và học trực tuyến hiện nay còn một số khó khăn khác như: một số giảng viên đã tự trang bị máy tính từ trước, nay đã qua thời gian sử dụng thường phát sinh những trục trặc, cần nâng cấp, trang bị mới. Về phía học viên, hiện nay nhiều học viên vẫn phải phải sử dụng điện thoại để học trong điều kiện vừa học, vừa thực hiện nhiệm vụ tham gia phòng, chống dịch, một số phải học ngay trên các “chốt chống dịch”… nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu nội dung bài giảng. Công tác quản lý gặp khó khăn trong giám sát học tập của người học, giải quyết cùng lúc một khối lượng công việc lớn hơn nhiều so với dạy học trực tiếp. Đối với giảng viên trong điều kiện thực hiện giãn cách hoặc cách ly y tế trên địa bàn, một số giảng viên thực hiện bài giảng trong môi trường chưa đảm bảo tốt nhất về âm thanh – nhất là tiếng ồn tạo ra tạp âm. Công tác đánh giá chất lượng đào tạo gặp khó do việc đánh giá trên kết quả bài thu hoạch, khóa luận (từ file mềm), trong một thời gian ngắn, phải đọc một khối lượng lớn bài thu hoạch, khóa luận trên máy tính để đánh giá, chấm điểm là rất khó khăn, nhất là đối với những giảng viên lớn tuổi…

Thứ tư, đề xuất, kiến nghị và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện tốt dạy và học trực tuyến trong thời gian tới.

Hội thảo nhận được nhiều kiến nghị và đề xuất các giải pháp của các đại biểu, tập trung vào một số vấn đề cơ bản, như: nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được; nêu cao tinh thần trách nhiệm của giảng viên và học viên; đổi mới cách làm để đạt hiệu quả, đổi mới cách thức quản lý, đánh giá chất lượng giảng dạy và học tập; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng giảng dạy trực tuyến; tiếp tục đầu tư và hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy trực tuyến; nâng cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin; tăng cường trao đổi, tương tác giữa giảng viên và học viên.

Trao đổi sâu về những yêu cầu đảm bảo tính căn cơ và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, Tiến sĩ Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV cho rằng: Chuyển đổi hình thức dạy và học từ trực tiếp sang trực tuyến là yêu cầu tất yếu, khách quan và là xu thế, nên thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát cơ bản, học viên có thể đến trường học trực tiếp, song Trường vẫn nên cân nhắc việc tiếp tục duy trì hình thức dạy và học trực tuyến một cách phù hợp với chức năng đào tạo, bồi dưỡng của Trường. Hoạt động này sẽ giúp giảng viên chủ động hơn trong đổi mới phương pháp, ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học công nghệ thông tin vào giảng dạy. Để khắc phục những hạn chế, tăng cường sự tương tác với học viên, có thể lưu ý phương án thiết kế bài giảng nên dành 50% thời gian giảng, 50% còn lại để thảo luận…

https://www.baohaugiang.com.vn/uploads/image/2021/11/18/tRUONG%20ct%20(1).jpg

(Ảnh: Đồng chí Trần Văn Huyến – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang khi chuyển hoạt động dạy và học từ trực tiếp sang trực tuyến trong thời gian qua. Đồng thời, nhấn mạnh một số nội dung Trường cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới: Muốn có học viên giỏi thì giảng viên phải giỏi, muốn có học viên gương mẫu thì giảng viên phải gương mẫu. Trường phải quyết tâm hoàn thành tiêu chí “Trường Chính trị chuẩn” theo tinh thần Quy định 11 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên chuẩn. Chủ động đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy, tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ vào để thu hút người học, gắn thực tiễn vào giảng dạy. Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Hậu Giang đang diễn biến rất phức tạp, nên chuyển đổi hình thức dạy và học từ trực tiếp sang trực tuyến là yêu cầu tất yếu và là xu thế, nên trường phải có nền tảng công nghệ tốt, giảng viên phải có kỹ năng, làm chủ được công nghệ.

Tổng kết Hội thảo, Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Loan, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh khẳng định: Hội thảo đã thành công rất tốt đẹp, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Tập thể cán bộ lãnh đạo, giảng viên Trường trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Trường trực Tỉnh ủy, những quan điểm, ý tưởng, giải pháp tâm huyết của các tác giả qua các tham luận và phát biểu tại Hội thảo; những ý kiến chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp và kiến nghị của quý đại biểu rất sát thực, khả thi, là cơ sở để Trường tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện hơn nữa hệ thống quy định, hướng dẫn cũng như những giải pháp, cách thức trong quản lý, giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả hoạt động dạy và học trực tuyến, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường trong hiện tại và thời gian sắp tới./.