Xem chi tiết – Trường Chính Trị Hậu Giang – Hậu Giang Portal

 

ThS. Dương Thị Hoàng Phúc – Phó Trưởng khoa, Khoa Lý luận cơ sở

“Phát huy ý chí tự, lực tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là chuyên đề học tập tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII ‘về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang thống nhất chuyên đề năm 2022-2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững”.

Xác định phương châm đào tạo lý luận chính trị “gắn lý luận và thực tiễn”, đưa Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống thông qua đội ngũ cán bộ, học viên tham gia các lớp tại Trường Chính trị, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị rất chú trọng đưa Nghị quyết của Đảng vào bài giảng và tổ chức thực hiện nhiều mô hình nhằm phát huy nội lực trong cán bộ, đảng viên, khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh Hậu Giang.

Bên cạnh mô hình “Lý luận gắn liền với thực tiễn – sinh kế bền vững”, các hoạt động nghiên cứu thực tế gắn với nghiên cứu các di tích lịch sử cho học viên luôn được quan tâm.

(Ảnh: Lớp Trung cấp LLCT – HC K.120 tham quan nhà lao Cây Dừa – Phú Quốc)

Di tích lịch sử là những minh chứng hào hùng cho lịch sử đấu tranh giành, giữ đất nước của các thế hệ cha anh, là một nguồn sử liệu quan trọng, là bằng chứng thuyết phục về sự tồn tại của quá khứ hào hùng của dân tộc, là nơi lưu niệm, tưởng nhớ sự kiện, các nhân vật lịch sử trong những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Thông qua việc tham quan các di tích lịch sử khơi dậy cho học viên lòng tự hào dân tộc, lòng tưởng nhớ, sự ghi ơn, tự hào về những gian khổ, khó khăn mà các thế hệ cha ông đã vượt qua để có một Việt Nam ngày nay – Độc lập, hòa bình, từ đó suy nghĩ về vai trò của bản thân và các thế hệ hiện tại trong quá trình xây dựng quê hương, đất nước, khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương phồn vinh, hạnh phúc.

Đến tham quan Nhà lao Cây Dừa (nhà tù Phú Quốc), nhà tù Côn Đảo, học viên được thuyết minh viên khơi gợi lại lịch sử hào hùng, bất khuất, trung kiên của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng đã phải trải qua dưới sự đàn áp của kẻ thù xâm lược Pháp, Mỹ.

Côn Đảo là một “địa chỉ đỏ”, một khu di tích lịch sử cách mạng lớn, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, với hệ thống nhà tù, phòng biệt giam, chuồng cọp, được xây dựng qua 2 thời kỳ (Thời Pháp và Mỹ) có các trại giam Phú Hải, Phú Cường, Phú An, Phú Bình… Tất cả có tổng 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng thuộc “khu biệt lập chuồng cọp”, 18 sở tù được xây dựng nhằm đày ải, tra tấn những chiến sĩ cộng sản anh hùng. Trong 113 năm tồn tại đã thay đổi 53 tên cai quản (chúa Đảo), có hàng trăm chiến sĩ cộng sản nòng cốt của Đảng như: Lê Hồng Phong, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng… đã bị kẻ thù giam cầm nơi đây. Nghĩa trang Hàng Dương – là Nghĩa trang lớn nhất Côn Đảo, là minh chứng lịch sử về sự bất khuất, hiên ngang của chiến sĩ cách mạng.

(Ảnh: Lớp Trung cấp LLCT K.123 tham quan nhà tù Phú Hải – Côn Đảo)

Nhà tù Phú Quốc (nhà lao Cây Dừa) nổi tiếng với những hình phạt, tra tấn dã man như đóng đinh vào tay, chân, đầu; đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng, trùm bao bố chế nước sôi hoặc đổ lửa than, ném vào chảo nước sôi, thiêu sống, chôn sống… nhưng không thể dập được khí tiết trung kiên anh dũng của những chiến sĩ cách mạng. Trong thời gian tồn tại không đầy 6 năm (từ tháng 6/1967 đến 3/1973), tại trại giam tù binh Phú Quốc đã có hơn 4.000 người chết, hàng chục ngàn người bị thương tật tàn phế.

Có đến nhà tù Côn Đảo, nhà tù Phú Quốc thật sự mới thấy được những gian truân, khổ nhọc, sự ác liệt của chiến tranh, thấy được khí tiết anh dũng, tinh thần bất khuất, trung kiên của những chiến sĩ cách mạng không ngừng đấu tranh với kẻ thù ngay trong sự ác liệt nhất – nhà tù, nhà lao. Đến những địa chỉ đỏ này, chúng ta hãy nghĩ đến vai trò, trách nhiệm của thế hệ được sinh ra, trưởng thành trong hòa bình, làm gì để không thẹn với những hy sinh của cha ông, làm gì để góp phần xây dựng quê hương?! Trong mỗi chúng ta, ai đã đến thăm nhà tù Phú Quốc, nhà tù Côn Đảo, không khỏi có những suy tư, trăn trở ấy! Hãy để những trăn trở, trắc ẩn ấy trở thành hành động ý nghĩa thiết thực trong quá trình “phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững” hiện nay.