Xây nhà nuôi chim yến: “Vàng trắng” chưa thấy đã bị “trắng tay”?
Khó cưỡng trước sức hút từ nghề “bạc tỷ”, nhiều người lao đầu như “con thiêu thân” vào xây nhà nuôi chim yến mà không biết rằng “vàng trắng” khó thu, rủi ro “trắng tay” rất cao.
9 bí mật cần tránh khi xây nhà nuôi chim yến:
1. Không xây nhà nuôi chim yến phía bắc đèo Hải Vân. Đặc biệt miền bắc, vì chỉ cần 1 đợt mưa lạnh rét kéo dài 5 ngày là nhà không còn 1 con nào nữa. Chết hết sạch. Chim chết vì lạnh, chim chết vì trứng côn trùng ngủ đông không nở, chết vì đói không có thức ăn.
2. Hằng năm nạn bẫy chim phóng sinh và bẫy chim làm mồi nhậu rất lớn. Hiệp hội yến sào Việt Nam thì tan rã do phát triển sai luật nên không có 1 cơ quan nào bảo vệ đàn chim yến. Đặc biệt lượng chim chết do mưa kéo dài 5-7 ngày ở các tỉnh miền trung và Tây Nam Bộ dẫn đến lượng chim chết trong nhà rất lớn. Nên lượng chim để dẫn dụ về nhà mới hầu như rất ít.
3. Chọn vùng nuôi bán kính 10km chỉ 01 nhà chim thì còn có thể xây được. Trên 01 nhà chim tốt nhất cầm tiền đi mua đất thì 2-3 năm sau gấp đôi ngay rồi.
4. Đừng thấy thiên hạ khoe chim lượn lờ mà tưởng nhà đó nhiều chim. Không phải đâu, có thể họ tắt âm trong nhà, mở âm cấp cứu để lừa bạn. Cũng có thể chim đến chơi âm rồi đi, chứ trong nhà không có chim ở. Và nhà chim bây giờ rất nhiều, tại sao nó lại ở nhà bạn, khi nhà họ đã có bầy đàn!
5. Nuôi chim yến là 1 kênh đầu tư mạo hiểm, đặc biệt khi xây nhà yến thì bạn gần như mất vốn 100%, vì bạn sẽ không được vay ngân hàng, nhưng nếu đất thì có thể vay 80%. Mà nhà yến rất khó bán vì khả năng thanh khoản thấp. Nếu với số vốn tiền tỷ có thể chọn mua đất các vùng kinh tế mới có thể sẽ nhân 2 nhân 3 số tiền trong vòng 5 năm.
6. Chủ nhà cần phải theo sát, phải chăm sóc kỹ. Nuôi chim yến nhìn ngoài cứ tưởng không phải làm gì. Nhưng vào rồi mới thấy âm ly hư, xử lý bị thấm dột sàn khi mưa dầm, bẫy cú, xử lý dơi vào nhà… ôi đủ thứ việc mà kỹ thuật không thay bạn làm được đâu. Nếu bạn không ở gần nhà chim thì khó khăn muôn phần. Đặc biệt kẻ trộm thường xuyên ghé thăm.
7. Cẩn thận kỹ thuật cam kết tổ, họ đến dùng keo con voi dán tổ lên rồi lấy đủ số tiền còn lại. Phải đếm được số chim bay vào nhà lúc 17h30-18h thì mới biết được nhà chim mình có thật theo số tổ không.
8. Xây nhà yến thì phải xác định 10 năm mới thu hồi vốn, không nhanh được. Nên khi chọn thanh làm tổ nên chọn lam đá vì kiểu gì lam gỗ trong nhà phun ẩm chắc chắn mốc thì chim sẽ bỏ đi. Lam đá đảm bảo tổ yến to đẹp và không phải lo mốc gỗ.
9. Lựa chọn kỹ thuật cam kết hoàn tiền, để lại vật tư như gỗ làm tổ, loa âm ly… nếu không đạt hợp đồng. Chọn kỹ thuật cam kết để lại 50% tiền thì tốt nhất. Khi nào đạt nhận tiếp 50%.
Xây nhà nuôi chim yến: Nghề “bạc tỷ”, “vàng trắng” rơi tận tay
Nghề yến được mệnh danh là nghề “bạc tỷ” bởi nguồn thu nhập khủng có thể lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm, trong khi chỉ cần đầu tư một lần để xây nhà nuôi chim yến. Đây được đánh giá là nghề mang đến nguồn thu nhập thụ động ổn định và có tính bền vững.
Mô hình hoạt động nhà yến rất đơn giản. Ngoại trừ việc bỏ vốn ban đầu để xây nhà yến và sắm trang thiết bị kỹ thuật, người nuôi hầu như “chẳng mất công, mất tiền gì nhiều” về sau. Có chăng thì chỉ là mức chi phí cho việc tu sửa, bảo dưỡng nhà yến. Bởi yến là loài chim tự nhiên, không tốn thức ăn, công chăm sóc, lại ít dịch bệnh.
Có thể thấy đây là một nghề chờ “vàng trắng” trao tận tay, khi giai đoạn chuẩn bị hoàn tất thì chỉ đợi yến đến xây tổ rồi thu hoạch. Ở nhiều tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Lâm Đồng,… đã có không ít tỷ phú giàu lên từ nghề yến với thu nhập 400 – 500 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, những điều kể trên chỉ “bức tranh màu hồng”, là một mặt “rất ngọt ngào” của nghề xây nhà dụ yến. Có câu “ngọt mật chết ruồi”. Nghề nuôi yến làm giàu tưởng “ngon ăn” nhưng không “dễ ăn” như nhiều người lầm tưởng. Chỉ cần mơ mộng, thiếu tỉnh táo một chút rất dễ thất bại. Bằng chứng là thực tế tầm 5 năm trở lại đây, nhà nuôi yến thành công thì ít còn thất bại thì nhiều.
Nuôi yến làm giàu: “Vàng trắng” chưa thấy, nguy cơ “trắng tay” rất cao
Từ khoảng năm 2005, xây nhà dụ yến không còn là nghề “độc quyền” của miền biển, nhiều tỉnh thành ở khu vực Nam Bộ đã bắt đầu “đua nhau” xây nhà yến. Tuy nhiên không như 10 năm trước, vài năm gần đây nghề yến đã trở thành một nghề đầy tính rủi ro. Để có được một nguồn thu nhập tốt từ nhà yến ở thời điểm hiện tại đòi hỏi rất nhiều yếu tố từ vốn, vị trí xây nhà, kỹ thuật nuôi chim yến lấy tổ đến giá thu mua, cạnh tranh thị trường, thậm chí là yếu tố may mắn “trời cho”.
Đã có rất nhiều trường hợp dồn vốn mua đất xây nhà, chờ nhiều năm chỉ được vài đôi yến lượn vào rồi đi. Không ít trường hợp còn thiệt hại nặng nề hơn khi đổ ra hàng tỷ đồng để xây 1, thậm chí 2, 3 nhà yến nhưng vài năm số lượng tổ yến thu hoạch chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nghề yến hiện nay “vàng trắng” khó ăn, rủi ro “trắng tay” lại rất cao.
Nhà yến “mọc như nấm” nhưng tốc độ tăng trưởng đàn yến lại có hạn
Từ những tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung, đến gần đây là Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng, nhà yến đều “mọc lên như nấm sau mưa”. Số lượng nhà yến đang tăng chóng mặt.
Theo số liệu thông kê, tính đến tháng 10/2019, nước ta có 42/63 tỉnh thành có nuôi chim yến với tổng số 24.352 nhà yến. Năm 2017, số lượng nhà yến của nước chỉ có 8.300 nhà. Như vậy chỉ trong 2 năm, số lượng nhà yến đã tăng hơn 300%.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng, phân đàn của quần thể chim yến Việt Nam lại có hạn. Việc số lượng nhà yến bùng phát quá nhanh trong thời gian ngắn khi đàn chim yến tăng trưởng, phân đàn không kịp gây ra tình trạng mất cân bằng.
Đây là một trong những lý do vì sao dù xây dựng nhà yến ở khu vực mật độ chim yến cao nhưng lại khó dẫn dụ nhiều chim bởi đã có quá nhiều nhà yến dựng lên trước đó. Đây là một trong các nguyên nhân tạo nên rủi ro nghề nuôi chim yến. Không thể xây ở nơi mật độ chim yến thấp. Trong khi những nơi mật độ chim cao thì thường đã có nhiều nhà yến. Dù nhà yến xây xong có kỹ thuật tốt thì cũng khó thể cạnh tranh với những nhà cũ, thường phải đợi thời gian rất lâu.
“Các tỉnh Bình Phước, Đăk Lăk, Giai Lai, Lâm Đồng, Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh… hiện có tốc độ xây dựng nhà yến tăng chóng mặt, từ nhà yến nhiều tầng, nhà yến cấp 4 đến mô hình nuôi yến trong nhà. Trong khi yến không kịp phân đàn. Dù nhà có yến nhưng chưa chắc đảm bảo được năng suất cao. Xây nhà ở những khu vực này tính rủi ro rất lớn.” – anh Lê Văn Liêm – một chủ nhà yến lâu năm (ngụ ở Ea H’Leo, Đăk Lăk) chia sẻ.
Quần thể chim yến có nguy cơ tan rã, suy giảm do xây nhà bắc đèo Hải Vân, biến đổi khí hậu và nạn săn bắt
Trong hội thảo khoa học “Phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam” (ở Nha Trang – Khánh Hoà), các nhà khoa học, nhà quản lý đã đưa ra cảnh báo quần thể chim yến nước ta có nguy cơ tan rã do tốc độ đô thị hoá, biến đổi khí hậu, nhất là việc xây nhà yến ở miền bắc đèo Hải Vân.
Biến đổi khí hậu toàn cầu ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh sống của đàn chim yến tại Việt Nam. Nhưng đặc biệt hơn, việc ồ ạt xây nhà nuôi yến một cách tự phát, thiếu quy hoạch đã khiến quần đàn chim yến tăng nhanh gây mất cân bằng hệ sinh thái, tạo ra sự cạnh tranh lớn về nguồn thức ăn. Thêm việc rừng tự nhiên suy giảm, quy hoạch sử dụng đất thay đổi nhiều càng tác động lớn đến sự di cư của quần thể chim, khiến các đàn yến phải dịch chuyển đến nơi khác kiếm ăn.
Bên cạnh đó, nạn săn bắt chim yến giết lấy thịt hay làm vật phóng sinh cũng gây ảnh hưởng rất lớn, làm suy giảm cá thể đàn. Chim yến bị bẫy bắt, trở thành nguyên liệu chế biến món ăn được gắn mác “sản vật”. Một số nơi có tình trạng bắt chim yến bán làm vật phóng sinh ở các chùa, miếu thờ. Chim yến dù được phóng sinh khả năng sống vẫn rất thấp.
“Nạn săn bắt chim yến ở Lagi và nhiều nơi khác gây thiệt hại nặng nề hàng năm. Cứ mùa nóng, thức ăn dồi dào, chim trong Nam bay ra, sẵn nhà định cư, sang mùa lạnh lại bị săn bắt, thiệt hại biết bao nhiêu cho tổng đàn chim Việt.” – ông Phạm Huy Hoàng (ngụ tại Lagi – Bình Thuận) chia sẻ.
Những vấn đề trên ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất thu hoạch nhà yến, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các hộ nuôi yến tại nhiều khu vực. Đây cũng là yếu tố mang đến tính rủi ro cao khi xây dựng nhà yến ở thời điểm hiện tại.
Tại Việt Nam, chim yến thuộc nhóm IIB trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Chính phủ. Nếu săn bắt, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép chim yến sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, theo quy định tại khoản 1 điều 234 BLHS 2015.
Chọn sai vùng xây nhà nuôi yến xem như “thua cả ván cờ”
Rất khó để xác định địa điểm xây nhà yến phù hợp. Dù có phát loa kiểm tra thử xem có nhiều yến hay không thì cũng khó thể xác định chính xác. Bởi như đã đề cập ở trên, các yếu tố về môi trường sống, nhất là ô nhiễm, cạnh tranh nguồn thức ăn có thể khiến đàn yến di cư.
Mặt khác, nơi mật độ chim yến thấp thì lỗ vốn, nơi mật độ chim yến cao lại thường có nhiều nhà yến xây trước đó. Tầm 10 năm trước, xây nhà yến có thể thu lợi nhuận bạc tỷ mỗi năm, phần lớn là do khi này số lượng nhà yến ít, xây nhà dễ thu hút chim yến. Còn hiện nay, số lượng nhà yến quá đông khiến việc dẫn dụ chim yến gặp rất nhiều khó khăn. Có câu “chậm chân thường hết phần” là vậy.
“Đầu năm 2020 đến nay, nhà yến Tây Ninh đang là điểm nóng. Phát loa thấy có nhiều chim nên ai cũng thi nhau cất nhà dụ yến. Số nhà yến đang mở móng xây dựng 500 đến cả 1000 nhà, nhất là xây nhà yến trong khu dân cư. Tập trung đông ở các khu vực huyện Châu Thành, Hoà Thành, Tân Biên, Tân Châu, Bến Cầu, Dương Minh Châu… Dù chim yến có nhiều thì đàn phát triển cũng cần có thời gian, xây nhà nhiều kiểu này yến không phân đàn kịp rủi ro rất cao.” – ông Nguyễn Hồng Nghĩa (ngụ ở Châu Thành, Tây Ninh) chia sẻ.
Vị trí xây nhà yến là một trong những yếu tố khiến nghề yến có rủi ro rất cao. Bởi nếu xây nhà sai vị trí, dù có đúng kỹ thuật cũng không thể dụ yến đến hoặc số lượng yến đến không nhiều, khiến mức thu hoạch tổ yến không thể đạt được ngưỡng tối đa, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Thậm chí nhiều trường hợp sau nhiều năm rất ít yến vào nhà xem như vốn đầu tư ban đầu “mất trắng”.
“4 năm trước thấy nhiều người xây nhà yến giàu lên, nhà có miếng đất trống tôi cũng chạy vay mượn khắp nơi xây được hơn tỷ bạc. Sau 2 năm, yến vào vẫn rất ít, thu được lèo tèo mấy tổ chẳng thấm vào đâu. Nóng ruột tôi mới nhờ chuyên gia lên xem thì biết chỗ tôi rất ít yến. Vậy là xem như mất trắng. Đến giờ vẫn còn nợ chưa trả hết.” – ông Huỳnh Văn Tính (ngụ ở Tân Phước Khánh, Bình Dương) cho biết.
Theo một chuyên gia chia sẻ: “Những tỉnh miền Bắc từ đèo Hải Vân ra không nên xây nhà yến vì thời tiết quá lạnh. Hàng năm lượng chim trong nhà chết vì lạnh lên đến 20% – 30%. Vài năm một lần, gặp đợt rét đậm, rét hại, lượng chim chết lên đến 90 – 95%. Chủ nhà chắc chắn lỗ. Ngay cả các tỉnh miền Tây Nguyên đợt lạnh đầu năm 2020 đã gây ra 90% chim non chết vì lạnh, vì đói. Nhà đầu tư không nên xây nhà yến ở miền Bắc đèo Hải Vân và Tây Nguyên. Trong khi các tỉnh miền Nam khí hậu thuận lợi nhưng số lượng nhà yến lại đang tăng chóng mặt, gây nên tính cạnh tranh rất cao, nhà chậm chim, chim không nhiều.”
Trông mong vào kỹ thuật xây nhà nuôi yến dễ bị “quất ngựa truy phong”
Nghề xây nhà nuôi yến không đơn giản chỉ là “xây nhà rồi đợi yến vào ở”. Đây là nghề đỏi hỏi kiến thức và kỹ thuật rất cao. Để có thể dẫn dụ chim yến vào ở, từ kết cấu nhà nuôi yến đến các trang thiết bị phải đúng kỹ thuật nuôi yến.
Chim yến là loài chim tự nhiên nên “tưởng dễ nhưng thực sự rất khó” dẫn dụ. Nhà yến muốn thành công phải thoả mãn rất nhiều điều kiện khắt khe về mùi, độ ẩm, ánh sáng, gió và cường độ âm thanh nhà yến… Để làm được điều này cần phải nghiên cứu, tính toán rất kỹ lưỡng khi thiết kế nhà yến, nhất là các yếu tố phương hướng, thiết kế lỗ thông gió, lỗ chim ra vào, kiến trúc liên tầng, kích thước nhà nuôi yến lý tưởng… Song song đó còn cần sử dụng nhiều trang thiết bị nhà nuôi yến hỗ trợ như hệ thống âm thanh dẫn dụ, hệ thống tạo ẩm và kiểm soát độ ẩm, tạo mùi…
Khi số lượng nhà yến tăng đột biến, quần thể yến chưa tăng trưởng kịp, chưa phân đàn kịp thì việc dẫn dụ chim yến rất khó, xảy ra sự cạnh tranh lớn giữa các nhà yến trong cùng một khu vực. Do đó yếu tố kỹ thuật càng quan trọng hơn.
Chính vì nhu cầu này, theo cùng sự phát triển của nghề xây nhà nuôi yến có một nghề mới cũng “lên” theo, đó là tư vấn xây dựng nhà yến. Những chuyên gia, tư vấn này sẽ giúp chủ nhà nuôi lo liệu tất cả các yếu tố về kỹ thuật nhà yến để dẫn dụ chim thành công. Tuy nhiên, việc xây nhà yến hiện nay ở nước ta chủ yếu tự phát theo diện nhỏ lẻ. Số lượng chuyên gia đã qua đào tạo thực sự không nhiều. Phần lớn “làm nghề” chủ yếu do kinh nghiệm tích luỹ.
“Tư vấn kỹ thuật nhà yến hiện nay đủ kiểu. Người giỏi, chuyên gia qua đào tạo, có nghiên cứu, hiểu biết rất ít. Những người này cũng làm cho các công ty lớn, ít đi tư vấn nuôi yến cho các hộ quy mô nhỏ. Còn lại đa phần chỉ do tự tích luỹ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau nên chuyên môn không cao, đôi khi còn do “ăn may”, làm tư vấn cho vài nhà rồi tự phong chuyên gia. Ai cũng khoe biết kỹ thuật xây nhà yến mới nhất, biết cách thiết kế nhà nuôi yến nhưng thực tế không biết thực hư thế nào.” – ông Phan Văn Tính (ngụ ở Long Xuyên, An Giang) chia sẻ.
Trong khi hiện nay xây nhà yến, đa số chủ nhà sẽ thuê người tư vấn, chuyên gia “cho đảm bảo bởi bản thân cũng không biết gì nhiều”. Có thể thấy điều này chẳng khác nào giao phó toàn bộ việc đầu tư xây nhà yến (với mức vốn đầu tư nuôi yến bỏ ra có thể đến 1 – 3 tỷ/nhà) cho những người gọi là “tư vấn, chuyên gia”. Giá thuê các tư vấn, chuyên gia nhà yến hiện nay cũng không thấp. Chi phí thường được tính theo diện tích nhà yến, dao động tầm 1 – 2 triệu đồng/m2.
Các chuyên gia, người tư vấn xây nhà yến hiện nay ít khi có gì chứng minh thực lực ngoài các câu nói thuyết phục phổ biến “đã từng xây nhiều nhà yến thành công trước đây”. Và cũng hiếm có chủ nhà nào chịu khó kiểm chứng liệu người tư vấn, chuyên gia mình thuê có thật “đã từng xây nhiều nhà yến thành công trước đây” hay không.
Để tăng tính thuyết phục chủ nhà, các tư vấn, chuyên gia nhà yến thường cam kết dẫn dụ được khoảng vài chục cặp chim yến vào nhà rồi mới nhận tiền. Nếu chú ý kỹ thì đây chỉ là cam kết dẫn dụ chim chứ không chịu trách nhiệm về việc thu hoạch tổ. Thực tế, chim yến vào nhà chưa chắc đã chịu làm tổ. Và dù làm tổ thì chỉ vài chục cặp chim cũng không “ăn thua”. Bởi theo tiêu chí đánh giá nhà nuôi yến thành công cần có đến vài nghìn chim đến làm tổ. Như vậy, tưởng rằng được đảm bảo nhưng xét kỹ hơn thì rủi ro về phần chủ nhà rất lớn.
“Hồi trước mình có mời nhóm 3 thợ kỹ thuật từ Phan Rang vào. Có làm hợp đồng cam kết yến kéo về. Nhà yến hoàn tất 6 – 7 tháng quả có yến về thật nhưng đến nay vẫn chưa có tổ nào cả. Đến giờ mới thấy làm nhà yến không đơn giản. Ở khu mình hộ xây nhà yến thành công rất ít, thất bại thì đầy.” – anh Võ Minh Thiện (ngụ ở Chợ Mới – An Giang).
Các tư vấn, chuyên gia nhà yến còn thường có một kiểu cam kết khác là sau khi hoàn thành nhà yến, chủ nhà sẽ thanh toán trước 70% – 80% chi phí. Số còn lại chỉ nhận khi nhà yến thu hoạch được đúng số tổ cam kết, ví dụ như cam kết thu hoạch được 30 tổ hay 100 tổ trong lần đầu tiên (tuỳ theo diện tích nhà).
Với dạng đảm bảo này nếu suy xét kỹ, rủi ro về phía chủ nhà vẫn rất cao. Bởi người tư vấn, chuyên gia vẫn có thể sẵn sàng bỏ 20% – 30% còn lại nếu nhà yến thất bại, không thu hoạch được số tổ như cam kết. Đặt lên bàn cân, 20% – 30% chi phí tư vấn tầm 60 – 90 triệu vẫn là con số rất nhỏ, rất nhỏ so với số tiền 1, 2 tỷ đồng mà chủ nhà bỏ ra đầu tư.
Và cho dù nhà yến thực sự thu hoạch được đúng số tổ như người tư vấn cam kết thì đây cũng chỉ là một yếu tố ban đầu để đánh giá thành bại, chưa thể gọi là một nhà yến thành công. Bởi nhà yến thu hoạch được vài chục tổ chưa chắc sẽ thành công trong tương lai, chưa chắc khai thác được ngưỡng tối đa.
“Tâm lý chung của người xây nhà yến là thường gặp được tư vấn kỹ thuật như “bắt được vàng”. Bởi bản thân họ muốn làm nhưng không biết gì nhiều nên gặp được người am hiểu họ rất thích. Nhưng chính vì không biết gì nhiều nên đây mới là nhược điểm để dân kỹ thuật dễ “bắt bài”. Mình không nói tất cả ai làm kỹ thuật nhà yến cũng đều “đểu”, vẫn có người giỏi nhưng giỏi thì ít, “dỏm” thì nhiều. Rất nhiều người đầu tư nhà yến thất bại kêu than vụ này. Đặc biệt, khi ngày càng có nhiều người đầu tư dè dặt với dân kỹ thuật hơn thì dân kỹ thuật lại thêm chiêu mới. Đó là đẩy giá tư vấn lên cao để lấy lòng tin nhà đầu tư với luận điệu xây nhà yến ham rẻ mới dễ thất bại, giá cao chứng minh chất lượng.” – anh Thiện chia sẻ thêm.
Nhiều nhà yến thất bại lại sinh ra thêm một nghề mới đó là nghề sửa nhà yến thất bại. Nghề này “đánh đúng” tâm lý của nhiều chủ nhà đang hoang mang vì đã bỏ ra hàng tỷ đồng xây nhà nhưng “đợi dài cổ không thấy yến về”. Tuy nhiên theo một số người có kinh nghiệm trong ngành thì tỷ lệ sửa nhà yến thành công không cao. Nếu lỗi do thiết bị thì có thể khắc phục. Tuy nhiên đa phần nhà yến lại thất bại do sai từ vị trí, cấu trúc nhà… nên rất khó sửa. Gặp lỗi này dù có thay mới thiết bị cũng không cải thiện được.
“Nhà yến của tôi xây 4 năm nhưng chỉ thu được vài tổ. Tôi đã tìm đến tận 3, 4 chuyên gia, sửa chữa 2, 3 lần vẫn chưa có nhiều chim vào. Người nào lúc đầu cũng hứa hẹn đảm bảo đủ đường, nói lời ngon ngọt nhưng nhận được tiền rồi mà không có nhiều chim vào lại biến mất tăm. Không có người nào dám cam kết chỉ nhận 50% tiền, thành công mới nhận 50% tiền còn lại cả.” – ông Huỳnh Văn Ngọc (ngụ ở Trảng Bom – Đồng Nai) chia sẻ.
“Thợ sửa nhà yến chủ yếu chỉ bày vẽ đủ đường, thay các thiết bị mà thôi. Nhiều thợ còn nhận tư vấn sửa nhà yến miễn phí nhưng thực chất là kiếm lợi từ việc bán thiết bị. Nào là bày vẽ thay loa, thay amply… Nặng tiền nhất là thay gỗ. Giá gỗ làm nhà yến đâu phải rẻ. Lúc đầu nhà tôi xài thanh đà bê tông, có thợ vào sửa bảo thay gỗ bạch tùng, gỗ thao lao, có thợ khác bảo phải thay gỗ nhập khẩu meranti. Đã bỏ ra gần 2 tỷ đồng để xây nhà yến mà không có yến nên rất nóng ruột, ai tư vấn gì cũng nghe theo, cuối cùng cũng chẳng thấy yến đâu.” – ông Ngọc cho biết thêm.
Theo một chủ nhà yến có kinh nghiệm khác cho biết: “Vấn đề kỹ thuật khi xây nhà yến là nguyên nhân khiến nhiều nhà yến thất bại nhất. Xây nhà yến như ván bài, gặp đúng chuyên gia giỏi thì thắng, gặp phải chuyên gia “dỏm” thì mất trắng. Tôi may mắn tìm được kỹ thuật có tay nghề. Họ cam kết ko lấy tiền khi 1 năm không đạt đủ 300 chim. Tôi chỉ cần bỏ tiền phần xây dựng phần thô, phần này khoảng 700 – 800 triệu. Còn phần kỹ thuật họ tự bỏ vốn. Đến nay nhà tôi 2 năm đã đạt 1.000 chim. May mắn thành công là nhờ anh bạn giới thiệu kỹ thuật có tay nghề từ Malaysia về giúp đỡ.”
Lợi nhuận “không nhanh thu được” như nhiều người nghĩ
Nhiều người tưởng rằng xây nhà nuôi yến chi phí thấp nhưng thực tế hiện nay chi phí đầu tư không hề nhỏ. Giá xây nhà yến trọn gói bao gồm cả phần xây dựng thô, thiết bị, thi công kỹ thuật thường dao động trong khoảng 3 triệu – 5 triệu đồng/m2 sàn. Như vậy chi phí xây nhà nuôi yến 3 tầng trên 1 mảnh đất 100 m2 sẽ có giá tầm 900 triệu – 1,5 tỷ đồng. Chi phí này chưa bao gồm giá trị của miếng đất và đây mới chỉ là mức đầu tư ban đầu. Dù rằng nghề xây nhà dụ yến “chỉ xây nhà rồi chờ yến vào” nhưng để duy trì được hoạt động nhà yến cần bỏ ra chi phí bảo dưỡng định kỳ các trang thiết bị máy móc cũng như phần nhà.
Điển hình như thanh đà cho yến làm tổ có 3 loại chính là đá, bê tông và gỗ. Nếu làm thanh đá hay bê tông thì sử dụng lâu dài, phun sương không lo thiếu độ ẩm, tổ chim bị khô, bị bong… Nhưng đá và bê tông lại có nhược điểm chậm chim. Trong khi đó thanh đà bằng gỗ được chim thích hơn. Tuy nhiên gỗ dễ bị mối mọt, nấm mốc, nhất là trong nhà yến thường có thiết bị tạo độ ẩm cao càng làm gỗ nhanh xuống cấp. Do đó, thông thường từ 2 – 4 năm (tuỳ khu vực) là phải thay thế gỗ. Nếu muốn gỗ lâu mốc thì phải hạn chế phun sương, nhưng như vậy sẽ khiến tổ thiếu ẩm, dễ bị bong, rơi.
Chim yến còn có rất nhiều thiên địch như dơi, chim cắt, cú mèo, rắn, rắn mối, chuột, kiến, gián, tắc kè,… Nếu nhà yến không được thường xuyên bảo dưỡng định kỳ sẽ tạo cơ hội cho các loài thiên địch xâm nhập.
Như vậy tổng chi phí xây dựng và duy trì hoạt động nhà yến không phải là con số nhỏ. Nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ ra, thậm chí vay mượn để đầu tư bởi sự hấp dẫn lớn đến từ ước mong lợi nhuận bạc tỷ. Tuy nhiên, thực tế khả năng thu hồi vốn của xây nhà yến không nhanh như mọi người nghĩ.
Một trong những lầm tưởng phổ biến của người lần đầu xây nhà yến đó là sau khi nhà yến hoàn tất, dụ yến vào nhà là có thể thu hoạch trong năm đầu tiên. Một số thợ tư vấn kỹ thuật cũng nói những “lời ngon ngọt” tương tự góp phần vẽ nên “bức tranh màu hồng”. Tuy nhiên sự thật thông thường phải sau 2 – 3 năm yến về làm tổ, chủ nhà mới có thể thu hoạch.
“1, 2 năm đầu tiên mới là thời gian thăm dò. Dù yến đã về làm tổ cũng không nên khai thác vì sẽ khiến chúng sợ bỏ đi. Nhà tôi đợi đến sang năm thứ 3 mới bắt đầu thu hoạch. Nhiều người thường quá kỳ vọng vào việc có thể thu hoạch tổ yến trong thời gian ngắn. Tôi biết vài người không tính toán kỹ, vay mượn tiền để xây nhà yến rồi lâm vào cảnh khốn đốn lãi mẹ đẻ lãi con trong khi chờ thời gian đầu để thu hoạch.” – chị Nguyễn Phi Nguyệt (ngụ ở Long Xuyên, An Giang) chia sẻ.
“Mà kể cả khi đã bắt đầu thu hoạch nhà yến cũng chưa được ngưỡng tối đa đâu. Cái gì cũng phải từ từ, phải có thời gian đợi cho đàn yến phát triển. Nhiều người cứ nghe mỗi năm thu nhập hơn tỷ đồng mà mê. Đồng ý đúng là có mức thu nhập đó nhưng cũng phải trải qua quá trình 9 – 10 năm mới ổn định. Nói chung làm nghề yến nhiều rủi ro, cho dù may mắn thành công về kỹ thuật thì cũng phải mạnh vốn để đợi đến lúc thu hoạch.” – chị Nguyệt cho biết.
Nói về tính rủi ro của nghề yến, chị Nguyệt chia sẻ thêm: “Thật lòng mà nói thì nghề yến bây giờ rủi ro cao lắm. Thị trường hiện tại thì ngon nên ai cũng lao đầu vào làm, nhưng 9 – 10 năm nữa đến khi bắt đầu thu hoạch thì không biết thế nào. Cần có đường hướng phát triển bền vững, chứ nếu ai cũng nhảy vào tự phát kiểu này chỉ lo cung vượt cầu, bị thu mua ép giá.”
Thử làm một bài toán nhỏ, ví dụ chủ đầu tư đã có sẵn đất, chỉ cần vay vốn ngân hàng xây nhà yến. Chi phí xây dựng 1 căn nhà yến hoàn thiện ở cả phần thô và trang thiết bị với 3 tầng hiện nay cần 1,5 tỷ đồng. Nếu vay vốn ngân hàng 1,5 tỷ đồng ở mức lãi suất thông thường 10,5% thì sau 3 năm tổng nợ sau lãi sẽ là 2 tỷ đồng và sau 10 năm sẽ là hơn 4 tỷ đồng.
Bảng phân tích chi tiết tổng nợ sau lãi trong 10 năm khi vay vốn ngân hàng 1,5 tỷ đồng (lãi suất 10,5%):
*Kéo sang phải để xem đầy đủ
Vốn vay đầu năm
Lãi vay 10.5%
Tổng nợ sau lãi cuối năm
Năm 1
1,500,000,000
157,500,000
1,657,500,000
Năm 2
1,657,500,000
174,037,500
1,831,537,500
Năm 3
1,831,537,500
192,311,438
2,023,848,938
Năm 4
2,023,848,938
212,504,138
2,236,353,076
Năm 5
2,236,353,076
234,817,073
2,471,170,149
Năm 6
2,471,170,149
259,472,866
2,730,643,015
Năm 7
2,730,643,015
286,717,517
3,017,360,531
Năm 8
3,017,360,531
316,822,856
3,334,183,387
Năm 9
3,334,183,387
350,089,256
3,684,272,642
Năm 10
3,684,272,642
386,848,627
4,071,121,270
Rất nhiều lời đồn “xây nhà yến chỉ sau 3 – 5 năm là hoàn vốn”. Tuy nhiên thực tế với tình trạng hiện nay thì điều này khó thể thành sự thật. Bởi đặt giả thiết nhà yến xây đúng vị trí, đúng kỹ thuật thì phải từ năm thứ 2, thứ 3 mới bắt đầu thu hoạch. Nhưng ở thời điểm này chỉ mới thu hoạch giai đoạn sơ khai, ở mức đầu tiên của lộ trình. Vì thế, chuyện đạt được nguồn thu 4 tỷ đồng sau 5 – 7 năm đầu tư là điều rất khó, thậm chí không tưởng. Chưa kể đây là giả thiết nhà yến xây đúng vị trí, đúng kỹ thuật. Nếu nhà yến gặp trục trặc, sai kỹ thuật, chậm có chim, không có nhiều tổ hoặc phải mất thêm chi phí sửa chữa… thì câu chuyện sẽ diễn biến theo chiều hướng còn tệ hơn.
Trong thời điểm dịch bệnh hiện tại, lãi suất vay ngân hàng dù thấp hơn, chỉ tầm 7,49% thì sau 3 năm tổng nợ sau lãi vẫn ở mức hơn 1,7 tỷ đồng và sau 10 năm là gần 3,7 tỷ đồng. Đây vẫn là con số cao. Trong khi xây nhà nuôi yến ngày nay vốn đã mang quá nhiều rủi ro. Nếu thêm việc vay vốn ngân hàng sẽ rất dễ thất bại nếu không tính toán kỹ, quá chủ quan, tin vào nhiều lời nói “màu hồng” rằng “sau 3 – 5 năm sẽ thu hồi vốn”.
Bảng phân tích chi tiết tổng nợ sau lãi trong 10 năm khi vay vốn ngân hàng 1,5 tỷ đồng (lãi suất ưu đãi 7,49%):
*Kéo sang phải để xem đầy đủ
Vốn vay đầu năm
Lãi vay 7.49%
Tổng nợ sau lãi cuối năm
Năm 1
1,500,000,000
112,350,000
1,612,350,000
Năm 2
1,612,350,000
120,765,015
1,733,115,015
Năm 3
1,733,115,015
129,810,315
1,862,925,330
Năm 4
1,862,925,330
139,533,107
2,002,458,437
Năm 5
2,002,458,437
149,984,137
2,152,442,574
Năm 6
2,152,442,574
161,217,949
2,313,660,523
Năm 7
2,313,660,523
173,293,173
2,486,953,696
Năm 8
2,486,953,696
186,272,832
2,673,226,527
Năm 9
2,673,226,527
200,224,667
2,873,451,194
Năm 10
2,873,451,194
215,221,494
3,088,672,689
“Tôi nghe vụ xây nhà yến lấy lại vốn sau 3 – 5 năm rồi. Hồi xưa chắc có, chứ bây giờ 100 căn chắc được 1 căn, còn 99 căn chờ thời. Không có ý đụng chạm nhưng vụ lấy lại vốn sau 3 – 5 năm chủ yếu được truyền tai nhiều từ giới chuyên gia tư vấn kỹ thuật nhà yến. Nhiều kỹ thuật nói lời ngon ngọt dụ người ta xây nhà. Tôi biết có trường hợp chủ nhà chỉ có đất mà không có tiền xây, kỹ thuật còn bày vẽ vay tiền ngân hàng, sau 3 năm là trả hết. Nếu thực sự xây nhà yến nhanh hoàn vốn, lời nhiều như vậy thì kỹ thuật đã tự đi xây rồi, làm gì cực khổ đi tư vấn làm gì. Bởi nhiều người nhẹ dạ, chỉ thấy người ta giàu lên từ nhà yến mà ham vào làm chứ không nhìn được cũng có biết bao nhiêu người trắng tay, nợ nần.” – chị Nguyệt chia sẻ.
Thành công thì “khoe”, thất bại thì “giấu”
Một trong những điều làm nên sức hút to lớn và khó cưỡng của nghề yến đó chính là các trường hợp xây nhà yến làm giàu từ thực tế. Đúng rằng trong hơn 10 năm, nhiều người đã thành công, thậm chí trở thành tỷ phú từ nghề xây nhà yến. Tuy nhiên, người ta chỉ thường nhìn vào mặt “tích cực” mà quên rằng bên cạnh những trường hợp thành công đó cũng có rất rất nhiều người thất bại, thậm chí phá sản từ nghề yến.
Ông bà ta thường có câu “đẹp khoe xấu che”. Trong làm ăn, đầu tư kinh doanh cũng thế. Khi thành công người ta mới chia sẻ, chẳng ai muốn kể về việc mình đã thất bại “ê chề” thế nào. Đây là tâm lý hết sức bình thường. Nhưng điều này lại vô tình góp phần tạo nên “bức tranh màu hồng” cho nghề “bạc tỷ” khiến ai đến với nghề cũng “ôm giấc mơ bạc tỷ” mà không lường trước được rủi ro.
“Ai ai cũng bảo nhau xây nhà yến là nghề bạc tỷ. Đúng là bạc tỷ nhưng người ta chỉ nhìn vào những người thành công mà chẳng biết sự thật có cả hàng ngàn nhà yến thất bại đang khiến chủ nhà xất bất xang bang. Nhà yến thất bại ít ai chia sẻ lắm. Vì người ta tự ái, sợ bẻ mặt với người thân, bạn bè thậm chí hàng xóm. Còn có nhiều lý do khác như kỹ thuật tư vấn là người thân, bạn bè nên ngại nói. Thấy kỹ thuật tư vấn quá nhiệt tình dù nhà yến thất bại nhưng vẫn muốn dĩ hòa vi quý hay cũng không muốn làm lớn chuyện. Và đa phần người đầu tư xây nhà yến cũng là người khá lớn tuổi nên ít tiếp xúc với mạng xã hội để chia sẻ kinh nghiệm thất bại của mình.” – chị Trần Mai Anh (ngụ ở Bến Cát, Bình Dương) chia sẻ.
Dù phát triển nở rộ nhưng rõ ràng đến nay, nghề xây nhà dụ yến ở nước ta vẫn chỉ phần nhiều mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Những tài liệu, thông tin chính thống về nghề không quá nhiều. Người ta hầu như chỉ biết đến nghề qua truyền miệng, truyền tai. Do đó không sai khi nhiều người cho rằng đây là nghề “thâm cung bí sử”.
Điều này cũng vô tình tạo nên rủi ro cho chủ đầu tư. Nếu không tìm hiểu kỹ, thiếu tỉnh táo, chủ đầu tư rất dễ tin lầm vào “giấc mơ bạc tỷ” mà nhiều người “vẽ ra”. Đặc biệt tính chất “thâm cung bí sử” còn tạo điều kiện cho một bộ phận dân kỹ thuật tư vấn xây nhà yến “không tốt” dẫn dụ những người “nhẹ dạ” bỏ tiền đầu tư. Đến khi thất bại thì chỉ chính bản thân người đầu tư gánh chịu.
Bước vào nghề nuôi yến “bạc tỷ” nếu thiếu tỉnh táo cũng như “đánh canh bạc”?
Xây nhà yến là một việc đầu tư, chủ nhà yến chính là người đầu tư. Đã là đầu tư thì không thể phó mặc “may rủi”, phó mặc cho chuyên gia mà cần tự mình tìm hiểu, tính toán thật kỹ. Bởi số tiền xây dựng, trang bị kỹ thuật cũng như duy trì hoạt động của nhà yến không nhỏ, có thể lên đến hàng tỷ đồng.
Nếu nhà yến không thể dẫn dụ chim về làm tổ thì xem như chủ nhà “thua trắng”. Nếu nhà yến có yến về làm tổ thì cũng cần ít nhất 5 – 7 năm mới có nguồn thu hoạch ổn định, 7 – 10 năm mới có thể đạt năng suất tối đa.
“Đầu tư xây nhà dụ yến tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. So với nhiều kênh đầu tư an toàn khác như gửi tiền ngân hàng lãi suất kép, xây nhà trọ cho thuê… xây nhà yến chưa hẳn đã “ngon” hơn. Do đó, nếu đang phân vân có nên đầu tư nuôi yến thì cần cân nhắc thật kỹ. Người đầu tư xây nhà yến cần có cái đầu lạnh, phải suy tính thật tỉnh táo trước khi làm, nhất là tại thời điểm tính cạnh tranh cao như bây giờ.” – chị Nguyệt chia sẻ.
Thực tế nếu so với việc sử dụng 1,5 tỷ đồng để xây nhà yến và 1,5 tỷ đồng để gửi ngân hàng thì gửi ngân hàng vẫn mang tính đảm bảo cao hơn, lãi suất kép mang đến nguồn lợi bất ngờ. Chỉ 1,5 tỷ đồng nếu gửi ngân hàng với lãi suất 7,8% thì sau 10 năm sẽ có đến gần 3,7 tỷ đồng.
Bảng phân tích chi tiết tổng vốn sau lãi trong 10 năm khi gửi tiền ngân hàng 1,5 tỷ đồng (lãi suất 7,8%):
*Kéo sang phải để xem đầy đủ
Vốn sau lãi đầu năm
Lãi gửi 7.8%
Tổng vốn sau lãi cuối năm
Năm 1
1,500,000,000
117,000,000
1,617,000,000
Năm 2
1,617,000,000
126,126,000
1,743,126,000
Năm 3
1,743,126,000
135,963,828
1,879,089,828
Năm 4
1,879,089,828
146,569,007
2,025,658,835
Năm 5
2,025,658,835
158,001,389
2,183,660,224
Năm 6
2,183,660,224
170,325,497
2,353,985,721
Năm 7
2,353,985,721
183,610,886
2,537,596,607
Năm 8
2,537,596,607
197,932,535
2,735,529,143
Năm 9
2,735,529,143
213,371,273
2,948,900,416
Năm 10
2,948,900,416
230,014,232
3,178,914,648
Năm 11
3,178,914,648
247,955,343
3,426,869,991
Năm 12
3,426,869,991
267,295,859
3,694,165,850
Với những lập luận, dẫn chứng trên đây, theo quan điểm của chúng tôi việc xây nhà nuôi yến ở thời điểm hiện tại không phải là sẽ hoàn toàn thất bại. Nhưng để nói sau 12 năm thu về 3,7 tỷ hoàn vốn thì cực kỳ khó. Nhiều nhà đầu tư chỉ nghĩ có 1,5 tỷ xây nhà, sau 10 năm thu về 1,5 tỷ là thu hồi được vốn nhưng họ đã sai vì với số vốn đó mà gửi ngân hàng hưởng lãi suất kép (lãi mẹ đẻ lãi con) hoặc đầu tư đất nền hay đầu tư nhà trọ cho thuê có thể ngon hơn, không phải rủi ro gì cả.
Chúng tôi chỉ muốn mang đến một bức tranh toàn diện nhất, để nhà đầu tư – những ai đang có ý định đầu tư xây dựng nhà yến thấy được đằng sau diện mạo hào hoa với cái danh “nghề bạc tỷ” thì nghề xây nhà yến cũng “bạc bẽo” không kém khi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nhà đầu tư cần phải cân nhắc, nếu thật sự không am hiểu tường tận, không đủ khả năng lường trước và xử lý các vấn đề chuyên môn thì không nên tham gia. Bởi xây nhà nuôi yến vốn là đầu tư, đừng biến nó trở thành “canh bạc” chỉ trông chờ vào vận may, sẽ rất dễ “trắng tay”.
Khắc Vũ