Xây nền móng cho nông nghiệp đậu nành bền vững

Vinasoy đang chung tay mang lại những vụ mùa đậu nành bội thu, cho bà con nông dân phấn khởi quay lại và gắn bó với cây đậu nành.

Thăm Trạm khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên, chúng tôi được những kỹ sư hướng dẫn cặn kẽ đặc tính của từng luống đậu nành từ thân cao thân thấp, lá mỏng, lá dày, hạt vàng, hạt đen; những phẩm chất kháng rầy, chịu mặn đến hạt đậu nành chứa nhiều omega 3, nhiều protein hay isoflavones.

“Chúng tôi đã thu thập, nghiên cứu các dòng/giống đậu nành trong và ngoài nước, từ những vùng đậu nành phổ biến đến những nơi có giống đậu nành hoang dại, mỗi loại đều có những phẩm chất quý riêng. Sau khi khảo nghiệm, đánh giá, chúng tôi sẽ lựa chọn những dòng/giống đậu nành có đặc tính nông học tốt, phẩm chất hạt phù hợp với các dòng sản phẩm để làm vật liệu lai tạo và từ đó chọn lọc ra các giống đậu nành mới” – TS. Lê Hoàng Duy, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC) kể lại hành trình sưu tầm và khai thác nguồn gen đậu nành quý.

Mùa hè năm nay, VSAC đã tiến hành trồng khảo nghiệm, đánh giá toàn bộ ngân hàng nguồn gen đậu nành đã thu thập được trên cùng mùa vụ với sự tương đồng về điều kiện thời tiết, đất đai thổ nhưỡng, chế độ chăm sóc tại Cư Jút, Đắk Nông. Từ kết quả của đợt đánh giá 1.533 dòng/giống đậu nành này, Vinasoy sẽ chọn lọc những nguồn gen đậu nành có đặc tính tốt nhất, phẩm chất hạt phù hợp làm vật liệu lai để chọn tạo ra những giống đậu nành năng suất cao, phù hợp với từng vùng nguyên liệu, tăng thêm sức sống mạnh mẽ cho hạt đậu nành cả nước.

Tổng giá trị nhập khẩu đậu nành của Việt Nam hàng năm tương đương giá trị xuất khẩu lúa gạo – vốn là niềm tự hào của nền nông nghiệp cả nước. Đậu nành Việt Nam có hương vị thơm ngon, đặc trưng theo khẩu vị yêu thích bao đời của người dân. Tuy nhiên, các giống “đặc sản” của đậu nành ngày càng thoái hóa theo thời gian. Và để giải quyết nguồn cung đậu nành thơm ngon cho các nhà máy, Vinasoy xác định đi theo cách làm bài bản, khoa học để phát triển các vùng nguyên liệu bền vững.

Để thực hiện sứ mệnh tập trung vào nghiên cứu sâu về đậu nành, Vinasoy đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy (VSAC) vào năm 2013, hợp tác với các chuyên gia đậu nành trong và ngoài nước.

Trong gần 10 năm qua, VSAC đã sưu tầm, thu thập được 1.533 dòng/giống đậu nành quý từ các vùng đậu nành bản địa truyền thống của Việt Nam và các nước trên thế giới với sự phong phú về đặc tính nông học và phẩm chất hạt, trong đó có cả những dòng/giống đậu nành hoang dại với những đặc tính tự nhiên rất có giá trị.

Vinasoy đã chọn được huyện Cư Jút làm địa điểm nghiên cứu chọn tạo giống, khảo nghiệm kỹ thuật canh tác để phát triển giống mới cho các vùng nguyên liệu. Với lợi thế về khí hậu, đất đai thổ nhưỡng, tại Cư Jút có thể gieo trồng tới 3-4 mùa đậu nành trong năm, giúp việc thử nghiệm đánh giá diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn, rút ngắn thời gian chọn tạo giống mới. Nhờ đó cho đến nay, Vinasoy đã chọn tạo thành công giống đậu nành VINASOY 01-CT và VINASOY 02-NS. Trong đó, Giống VINASOY 02-NS được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp phép lưu hành sản xuất đại trà tại 4 vùng nguyên liệu của Vinasoy: Miền Trung, Tây Nguyên, ĐB Sông Hồng và ĐB Sông Cửu Long.

Cách trung tâm huyện Cư Jút khoảng hơn 10 km, quanh co theo những đường đất đỏ là lối vào vùng trồng đậu nành lớn nhất của tỉnh Đắk Nông. Được ví dí dỏm là cây “đỏng đảnh” vì đặc thù là cây bị ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện khí hậu, vùng miền và trước đây khó cho thu nhập cao nhưng giờ đây ai cũng thừa nhận đã có gam màu tươi sáng trên khắp cánh đồng đậu nành của bà con các xã Đắk D’rông, Nam Dong, huyện Cư Jút.

Là một người thuần nông trên vùng đất Tây Nguyên, gia đình ông Phạm Văn Duẩn (thôn 14, xã Đắk D’rông, huyện Cư Jút), từ năm 2019, câu chuyện trồng đậu nành đã trở thành chuyện “lãi to” với ông Duẩn.

“Trước đây, tôi trồng đậu nành như có cây để trồng trên đất. Giá cả lại vừa rẻ vừa thất thường. Mặc dù đậu nành cần rất ít phân, 1 ha chỉ tốn một bao phân, thu về bán ra chẳng ăn thua. 

May mắn có Vinasoy đến lập trạm khảo nghiệm, làm giống, cơ giới hóa sản xuất, hỗ trợ hướng dẫn các phương pháp trồng trọt nên việc trồng đậu nành như có lối ra. Qua 3 – 4 năm nay, tôi không phải lo nghĩ gì, đến mùa thì trồng, chăm bón đúng quy trình đợi đến ngày thu hoạch. Đó là giải pháp quá tốt mà nông dân nào cũng muốn”, ông Duẩn không giấu được niềm vui chuẩn bị thu hoạch đậu nành vài ngày tới đây.

Mùa vụ bội thu này là nhờ vào giống đậu nành VINASOY 02-NS có năng suất cao hơn hẳn giống đậu nành trước đây nên giúp tăng nguồn thu cho bà con nông dân. Mặt khác, giống đậu nành này cũng dễ chăm bón hơn, tăng khả năng kháng sâu bệnh, kháng hạn, ít tiêu tốn phân bón nên lợi nhuận cũng được nâng cao hơn so với trước đây.

Không chỉ ở vùng đất đỏ bazan trù phú, VINASOY 02-NS cũng rất hợp với đất trồng lúa của Đồng bằng Sông Cửu Long. Tiêu biểu, tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, hàng trăm hộ nông dân cũng đang chuẩn bị đăng ký tham gia liên kết trồng đậu nành giống VINASOY 02-NS vào vụ xuân hè 2023 theo chương trình mang màu xuống ruộng. Sự hưởng ứng này của bà con là nhờ vào việc tận mắt thấy được hiệu quả của việc trồng giống đậu nành mới của Vinasoy trên đất lúa tại xã Tân Hạnh (huyện Long Hồ) trong hai năm qua. 

Nhờ tuân thủ các biện pháp kỹ thuật do Vinasoy chuyển giao mà năng suất bình quân của đậu nành tại đây đã đạt trên 2 tấn/ha và mang lại nhiều lợi ích cho cây lúa vụ tiếp theo như đất tơi xốp hơn, cắt đứt sâu bệnh, giảm lượng phân bón, ít bị lúa lẫn khi thu hoạch.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, một nông dân tại Ấp Tân Thới, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, Vĩnh Long, sau hai năm trồng đậu nành bằng giống mới của Vinasoy theo chương trình liên kết sản xuất, ông được hỗ trợ rất nhiều từ giống VINASOY 02-NS, kỹ thuật canh tác, thu hoạch bằng máy, bao tiêu đầu ra nên ông yên tâm hơn trồng cây đậu nành trên vùng đất quê hương mình.

Những con số thống kê của Tổng cục Hải quan năm gần đây về đậu nành cho thấy cần phải hành động quyết liệt, dấn thân trên cơ sở khoa học căn cơ của ba nhà: nhà sản xuất – nhà khoa học và nhà nông bởi diện tích và sản lượng đậu nành của nước ta liên tục giảm dần qua các năm.

Có thể nói sự dấn thân không ngừng nghỉ của Vinasoy từ 10 năm trước, đến nay đã xây dựng được nền tảng vững chắc cho nền nông nghiệp đậu nành: Khả năng chọn tạo được giống đậu nành mới trên cơ sở tập đoàn nguồn gen đậu nành quý – liên kết với nông dân tại 4 vùng nguyên liệu – hợp tác cơ giới hóa trong thu hoạch – bao tiêu đầu ra, tạo sự an tâm cho nông dân an tâm, gắn bó.

Nhận định về chiến lược phát triển vùng nguyên liệu của Vinasoy, ông Đinh Công Chính, Phó trưởng phòng Cây lương thực, cây thực phẩm – Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho rằng: “Cách làm của Vinasoy mang tính dài hạn, bền vững, vừa có tư duy chiến lược lại ứng dụng được công nghệ cao trong công tác chọn tạo giống, phát triển vùng trồng. Chúng tôi rất khuyến khích các doanh nghiệp lớn, có tâm huyết và cam kết với mảng kinh doanh bền vững như Vinasoy đang triển khai để phát triển trở lại các vùng trồng đậu nành tại Việt Nam”, ông Chính nhận định.

Theo thống kê sơ bộ từ VSAC, đến nay đã phát triển được 4 vùng nguyên liệu trong cả nước: miền Trung, Đồng bằng Sông Cửu Long, Đồng bằng Sông Hồng và Tây Nguyên với tiềm năng diện tích lên đến 9.000 ha. Từ đây, những cánh đồng trù phú đậu nành sẽ góp phần phát triển kinh tế cho bà con nhờ vào năng suất của đậu nành và những vụ mùa khác trồng luân canh cùng đậu.

Những kết quả khích lệ hôm nay giúp Vinasoy mở lối ra, chủ động hơn cho nguồn nguyên liệu của các nhà máy. Từ đó, góp phần đưa nền nông nghiệp đậu nành Việt Nam phát triển bền vững.

Tương lai không xa, khi nghĩ đến vùng trồng đậu nành là người dân nghĩ đến những mảng xanh ngút ngàn, mảng vàng trù phú, được cơ giới hóa, cho người nông dân ăn nên làm ra, khấm khá với những hạt vàng giàu dinh dưỡng.

Nội dung:

THẢO THƯƠNG

Hình ảnh:

THẾ KIỆT

Thiết kế:

HẢI PHI