Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu – Điều kiện cần để phát triển sản phẩm OCOP

Trong sự phát triển không ngừng của nền kinh tế thị trường hiện nay, việc bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ là vô cùng quan trọng để giúp doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ một cách bền vững và đảm bảo quyền sở hữu đối với sản phẩm, dịch vụ của mình. Theo các chuyên gia, việc xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu/thương hiệu là cơ sở pháp lý cho việc xác định chủ sở hữu đối với nhãn hiệu, logo, thương hiệu mà doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang sản xuất kinh doanh khi có bất kỳ một sự cạnh tranh nào với các đối thủ khác. Việc bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu sẽ ngăn chặn đối thủ cạnh tranh sao chép hoặc nhái lại, và do đó tăng cường vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời tạo khả năng phân biệt của người tiêu dùng về chất lượng mặt hàng.

Mặc dù lợi ích đã thấy rõ, một nhãn hiệu hàng hóa có tiếng nếu được bảo hộ độc quyền sẽ đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng nhiều lợi ích đi kèm khác. Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa các loại được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam chỉ mới có khoảng 15% là của Việt Nam và có đến 90% hàng nông sản của ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Điều này không những ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh mà còn gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế quốc gia.

Đối với tỉnh Quảng Ninh, nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nông sản, năm 2012, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 273/QĐ-UBND về việc ban hành “Chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2015”. Chương trình được triển khai với mục tiêu nâng cao nhân thức cho các cá nhân, tổ chức về sở hữu trí tuệ, tạo dựng quản lý và phát triển thương hiệu (gồm chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh; hình thành những thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; mở rộng thị trương tiêu thụ đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong và ngoài nước góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

Tính đến tháng 9-2016, có 837 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, trong đó, bảo hộ về lĩnh vực hàng hóa nông sản chiếm tỷ lệ 10%. 21 dự án xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành, các sản phẩm sau khi xây dựng thương hiệu đã có đầy đủ nhãn hiệu, xác lập được quyền bảo hộ cho các chủ thể, chất lượng sản phẩm ổn định, mẫu mã đẹp, bước đầu được thị trường chấp nhận và đánh giá tốt. Giá bán các sản phẩm đều tăng, tạo lòng tin và uy tín cho người tiêu dùng…

Đối với các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đã chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị hướng dẫn xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ cho 28 sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh (05 nhãn hiệu chứng nhận; 20 nhãn hiệu tập thể; 03 nhãn hiệu thông thường). Trong đó Huyện Hoành Bồ có 08 sản phẩm, trong đó 03 NHTT (Lá tắm người Dao, Hoa Hoành Bồ, Hoa đào đá Thống nhất), 02 NHCN (Rượu Bâu bằng cả, Mật ong Hoành Bồ), 03 NH thông thường (Nấm Kim Oanh, Nấm Thịnh Phát, Ổi Ông Đới). Thành phố Uông Bí có 08 sản phẩm mang NHTT (Nấm linh chi, Dầu xoa bóp trầu tiên, Rượu linh chi, Ba kích, Rượu sâm cau, Nước giải khát linh chi, Nước uống tinh khiết suối nguồn, Nước giải khát Ba Kích). Thành phố Móng Cái có NHCN Lợn Móng Cái. Huyện Ba Chẽ có 04 sản phẩm, trong đó 03 sản phẩm mang NHTT (Nấm lim Ba Chẽ, Măng Mai Ba Chẽ, Mật ong Ba Chẽ), 01 NHCN (cho sản phẩm Cây và củ Ba Kích Ba Chẽ). Huyện Đầm Hà có 06 sản phẩm, trong đó 05 sản phẩm mang NHTT (Trứng vịt biển Đầm Hà, Ngan sao Đại Bình, Rượu Khoai Quảng Lâm, Gạo Bao Thai Dực Yên, Trứng vịt biển Tân Bình), 01 sản phẩm NHCN (Củ cải khô Đầm Hà). Huyện Tiên Yên có 1 sản phẩm mang NHTT (Trứng vịt biển Đồng Rui).

Quảng Ninh đã có 12 sản phẩn OCOP được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Đến nay, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho 12 sản phẩm OCOP, gồm Mật ong Hoành Bồ, Đào đá Thống Nhất, Lợn Móng Cái, Rượu Bâu Bằng Cả, Hoa Hoành Bồ, Măng mai Ba chẽ, Nấm lim Ba Chẽ, Mật ong Ba Chẽ, Ổi ông Đới, Nấm Kim Oanh, Nấm Thịnh Phát, Ruốc hàu Thái Bình Dương.

Bên cạnh việc hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các cơ quan chức năng còn hướng dẫn các cơ sở, đơn vị sản xuất về ghi nhãn hàng hóa, xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở, thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất… Những việc làm đó đã góp phần không nhỏ vào thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đặc biệt, sau 3 năm triển khai, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) ngày càng khẳng định được thương hiệu và trở thành nét riêng của Quảng Ninh, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh theo hướng phát triển sản xuất tập trung, gia tăng giá trị sản phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa thực sự quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, mã số mã vạch cho sản phẩm của mình. Mặc dù đã được hướng dẫn đăng ký bảo hộ sản phẩm, ghi nhãn hàng hóa, nhưng nhiều sản phẩm OCOP chưa hoàn thiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 180 tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP với khoảng 200 sản phẩm, tuy nhiên, số lượng sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu chưa nhiều. Để chương trình ngày càng phát triển, tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Tỉnh Quảng Ninh – Mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2013-2016 và phương hướng nhiệm vụ, giai đoạn 2017-2020, đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục nâng cao sản lượng sản phẩm, duy trì chất lượng, đẩy mạnh quy mô sản xuất theo hướng chuyên nghiệp. Với trên 200 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, các đơn vị cần rà soát, xem xét và lựa chọn các sản phẩm đảm bảo yêu cầu về chất lượng, số lượng, mẫu mã để hỗ trợ đầu tư mở rộng, phát triển. Các địa phương chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn các đơn vị sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh thực hiện việc đăng ký bảo hộ, ghi nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn áp dụng, hợp chuẩn, hợp quy theo đúng quy định trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục điều chỉnh các cơ chế, chính sách để phù hợp với thực tế, hỗ trợ tối đa cho các tổ chức kinh tế. Các địa phương cần lựa chọn, đề xuất các sản phẩm cũng như đẩy mạnh liên kết để hình thành nên các sản phẩm chung mang thương hiệu riêng của tỉnh. Đồng thời, tăng cường ứng dụng KHCN trong tất cả các khâu để tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm trên thị trường nhằm từng bước mở rộng thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu nông sản./.