Xây dựng thành phố thông minh: Cần thiết phải nâng cao trình độ dân trí (kỳ 2)
Xây dựng thành phố thông minh sẽ gặp bế tắc nếu cư dân sinh sống trong thành phố đó không đủ khả năng sử dụng các dịch vụ được cung cấp bởi công nghệ, bởi hệ thống thông tin hiện đại. Chính vì vậy, cần có những giải pháp nhằm nâng cao dân trí để đạt được mục tiêu thành phố thông minh.
3. Nâng cao trình độ dân trí Việt Nam để xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam
Theo định nghĩa truyền thống, dân trí là trình độ học vấn trung bình của người dân tức là số phần trăm biết đọc, biết viết, số phần trăm có trình độ học vấn trung bình, số phần trăm có trình độ học vấn cao. Kết quả điều tra dân số toàn quốc năm 2019 cho thấy, Việt Nam có khoảng 91,7% dân số trong độ tuổi học phổ thông hiện đang đi học. Tỷ lệ này của nữ cao hơn nam, tương ứng là 92,5% và 90,8%. Trong vòng 20 năm qua, tỷ trọng dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện không đi học (chưa bao giờ học hoặc đã thôi học) giảm đáng kể, từ 20,9% năm 1999 xuống còn 16,4% năm 2009 và còn 8,3% năm 2019. Tỷ lệ đi học chung của bậc tiểu học là 101%, bậc trung học cơ sở (THCS) là 92,8%, bậc trung học phổ thông (THPT) là 72,3%. Ở cấp tiểu học, không có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn về tỷ lệ đi học chung (100,9% so với 101%).
Theo Báo cáo của Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018, Việt Nam xếp thứ 18/126 quốc gia về giáo dục. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc về các hoạt động đổi mới sáng tạo quốc gia.
Theo kết quả khảo sát của We Are Social và Hootsuite, tỷ lệ sử dụng internet ở Việt Nam là 66% (khoảng 64 triệu người), cao hơn trung bình khu vực Đông Nam Á (63%). Việt Nam vẫn là quốc gia có số lượng người dùng internet đứng thứ 12 thế giới và đứng thứ 6 ở khu vực châu Á.
Số người dùng internet ở Việt Nam ngày càng gia tăng cũng là điều được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ghi nhận. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc có thêm nhiều người Việt Nam tương tác với chính quyền thông qua internet và biết “làm giấy tờ” trực tuyến.
Theo báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam – PAPI 2018, chưa tới 4% người được hỏi cho biết họ có tiếp cận cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương. Tỷ lệ tìm hiểu thủ tục chứng thực, xác nhận qua cổng thông tin điện tử chỉ tăng từ 2,10% (năm 2016) lên 2,56% (năm 2017) và đạt 3,97% (năm 2018). Đối với tìm hiểu thủ tục làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tỷ lệ sử dụng cổng thông tin điện tử chỉ đạt 1,53%. Đối với thủ tục cấp phép xây dựng, chỉ 0,93% người dân trả lời rằng có tìm hiểu trên cổng thông tin điện tử của chính quyền.
Hình. Tỷ lệ người sử dụng cổng thông tin điện tử khi làm thủ tục hành chính giai đoạn 2016 – 2018.
Nguồn dữ liệu: PAPI 2018
Những con số trên được nhóm nghiên cứu PAPI 2018 đánh giá là chưa tương xứng với tốc độ gia tăng số lượng người dùng internet. Bởi lẽ, có tới 53% số người được hỏi cho biết họ có internet tại nhà (tăng 15% so với năm 2017). 38% số người khảo sát nói rằng kênh thông tin thời sự chính của họ là qua internet (tăng 10% so với năm 2017).
Như vậy, số người sử dụng cổng thông tin điện tử và một cửa điện tử của chính quyền thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ người dùng internet tại Việt Nam, xét về mức tăng cũng có khoảng cách xa.
Như vậy, để đảm bảo xây dựng TPTM cần nâng cao dân trí trong thời gian tới, trong đó cần chú trọng một số giải pháp sau:
Thứ nhất, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật tới người dân, xu hướng của thời kỳ CMCN 4.0 và những lợi ích của TPTM tới cộng đồng. Đặc biệt, đối với những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số – nơi trình độ dân trí còn thấp cần phải được quan tâm thông qua triển khai, thí điểm hướng dẫn sử dụng các thiết bị thông minh như smart phone, máy vi tính; cung cấp mạng internet đến tận vùng sâu, vùng xa…
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách giáo dục. Có thể nói đây là nhiệm vụ then chốt và quan trọng nhất trong việc nâng cao trình độ dân trí, đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân ở các cấp học (từ mầm non đến phổ thông), có thể đưa những tiết dạy tin học, thực hành ứng dụng CNTT vào trong các chương trình học; Chú trọng các xu hướng mới của thời kỳ CMCN 4.0 và sự hình thành phát triển TPTM.
Thứ ba, thay đổi thói quen của người dân trong việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Để làm được điều này thì phải giúp người dân hiểu rõ những tiện ích của các sản phẩm thông minh, an tâm sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Thứ tư, hiện nay đại đa số người dân đều có điện thoại di động, vì vậy việc triển khai dịch vụ SMS đưa người nghèo kết nối với TPTM bằng điện thoại thông minh là khả thi. Đồng thời, qua tin nhắn SMS, chính quyền, sẽ nâng cao được tính minh bạch và hiệu quả hoạt động, giúp cho người tiếp cận với các sản phẩm mà TPTM mang lại, cải thiện được chất lượng cuộc sống, thời gian khi sử dụng dịch vụ công.
Thứ sáu, nâng cao trình độ dân trí luôn gắn liền với sự hình thành đội ngũ trí thức mới, do vậy, cần đánh giá đúng năng lực và tạo điều kiện cho các khả năng sáng tạo được sử dụng và phát triển. Đổi mới chính sách đối với tầng lớp tri thức là nâng cao khả năng tham gia hữu hiệu vào sự nghiệp xây dựng đất nước nói chung và phát triển TPTM nói riêng. Do đó, việc nâng cao dân trí là một yêu cầu cơ bản của chiến lược con người trong thời kỳ xây dựng đất nước hiện nay nói chung và khía cạnh phát triển TPTM nói riêng.
Tài liệu tham khảo:
1. “Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020”, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI;
2. Thủ tướng Chính phủ (2012), “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020”, ban hành theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012;
3. Hồ Quang Huệ (2016), Thành phố thông minh – Xu hướng tất yếu của đô thị hiện đại;
4. Ngân An (2015), Dân trí Việt Nam cao hay thấp?, Báo Dân trí;
5. Nguyễn Văn Cường (2018), Xây dựng thành phố thông minh.
(Hết)