Xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa: Cần độc đáo và sáng tạo
VHO- Chúng ta không thể phát triển nhiều loại hình du lịch mà không đồng bộ, không chuyên nghiệp, “bức tranh du lịch” không sắc nét… Vì thế, cần xác định sản phẩm và loại hình cho phù hợp.
Tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội
Với những thế mạnh về tài nguyên và các nguồn lực khác, sản phẩm du lịch văn hóa cần được xem là một trong những sản phẩm chủ đạo cho sự phát triển của du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới.
Cần một hệ thống sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường
Theo ông Phùng Quang Thắng, Trưởng ban Sản phẩm Hiệp hội Du lịch Việt Nam: “Trong bối cảnh ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, du lịch quốc tế cần được đánh giá, nhìn nhận lại để có được sự hồi phục nhanh nhất và bứt phá tăng trưởng sau dịch. Trong đó, sản phẩm du lịch là vấn đề cốt lõi để xem xét và xác định các hoạt động có liên quan”.
Muốn phát triển kinh tế du lịch, chúng ta cần một hệ thống sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường, sáng tạo để kích thích nhu cầu nhằm đạt được hiệu quả kinh tế đúng với vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và xuất khẩu tại chỗ. Trong hệ thống sản phẩm du lịch tại mỗi giai đoạn phát triển nhất định cần đánh giá và xác định sản phẩm chủ đạo để tạo ra cú hích phát triển, tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã xếp hạng 107 di tích quốc gia đặc biệt và còn hàng vạn di tích khác phân bổ khắp cả nước, riêng thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa của đất nước với gần 6.000 di tích… là những di sản quý giá để ngành Du lịch xây dựng những sản phẩm du lịch khác biệt. Trong đó, nhiều di sản trên cả nước đã được UNESCO ghi danh như: 5 di sản văn hóa vật thể thế giới, 1 di sản hỗn hợp thế giới, 13 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới… Điều đó ngày càng tạo cho hình ảnh văn hóa Việt Nam thêm sâu đậm trong tâm trí bạn bè quốc tế khi đến tham quan, du lịch, trải nghiệm tại Việt Nam.
Ông Phùng Quang Thắng cho rằng, chúng ta đã rất thành công trong phát triển du lịch văn hóa trong thời gian vừa qua tại các trung tâm du lịch lớn như: Hà Nội, Sapa, Ninh Bình, Huế, Hội An, TP.HCM, đồng bằng sông Cửu Long… và đã thu hút, phục vụ hàng triệu khách du lịch từ các thị trường trọng điểm như châu Âu, Đông Bắc Á… Hướng tới mục tiêu hồi phục nhanh du lịch sau dịch, chúng ta cần tập trung đầu tư, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch văn hóa mang tính đặc sắc của mỗi địa phương. Việc này cũng để đáp ứng nhu cầu của du khách, đặc biệt là khách quốc tế yêu cầu sản phẩm du lịch cần có tính sáng tạo cao.
Hợp tác chặt chẽ giữa đơn vị văn hóa, nghệ thuật và du lịch
Ông Thắng cho rằng, muốn khai thác tốt hơn sản phẩm du lịch văn hóa, gắn chặt phát triển du lịch với văn hóa cần tạo ra các chương trình nghệ thuật, tour du lịch hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của du khách. Hợp tác xây dựng chủ đề và nội dung hoạt động văn hóa, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu, mong đợi của khách du lịch đến tìm hiểu sự khác biệt và đặc sắc của địa phương. Đôi khi nội dung đó chỉ phù hợp với một hay vài quốc tịch khách hoặc chỉ phù hợp với khách nội địa mà doanh nghiệp du lịch, lữ hành biết rất rõ nhất điều này. Như trong bảo tàng hay di tích có nhiều nội dung câu chuyện, hiện vật khác nhau, việc hợp tác sáng tạo trong xây dựng các chương trình tham quan tại điểm phù hợp sẽ mang lại hiệu quả.
Đồng thời, cần phải đầu tư cơ sở vật chất, tiện nghi dịch vụ phục vụ khách du lịch, hỗ trợ nâng cao chất lượng nội dung chương trình văn hóa nghệ thuật, đầu tư các dịch vụ cung cấp cho khách du lịch tại điểm biểu diễn, điểm lễ hội, điểm tham quan… Hợp tác quảng cáo và cung cấp dịch vụ chất lượng cho các đoàn khách du lịch. Tạo sự thuận lợi tiếp cận điểm tham quan, biểu diễn nghệ thuật qua việc ưu tiên vị trí các địa điểm tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật để khách tiếp cận thuận tiện, không mất nhiều thời gian di chuyển, không gian phù hợp và hấp dẫn. Liên kết tạo ra sự hợp tác chặt chẽ giữa đơn vị quản lý văn hóa, di tích và các doanh nghiệp du lịch để tạo môi trường liên kết bền vững sự hợp tác giữa văn hóa và du lịch nhằm phục vụ khách du lịch hiệu quả. Tạo cơ hội cho đại diện du lịch tham gia vào tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội và đưa ra các mục tiêu cụ thể trong việc hợp tác giữa văn hóa và du lịch.
Sản phẩm du lịch văn hóa gắn liền với nhiều loại hình du lịch khác tạo ra hệ thống sản phẩm du lịch bền vững. Trong đó, sản phẩm du lịch biển và du lịch văn hóa có sự tương hỗ thúc đẩy lẫn nhau phát triển, những kỳ nghỉ biển của du khách cần có các chương trình du lịch văn hóa tại địa phương để làm cho kỳ nghỉ thú vị hơn, ngược lại nhu cầu này thúc đẩy khai thác du lịch văn hóa tại điểm đến nghỉ biển cần được đầu tư hơn và phát triển hơn. Hay như du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại các khu vực có khí hậu tốt, có nguồn tài nguyên thiên nhiên sử dụng để chăm sóc sức khỏe, song song với nó là du lịch văn hóa hay các loại hình du lịch khác gắn với tài nguyên du lịch tại khu vực đó ví dụ như: Sapa, Bà Nà Hill Đà Nẵng, Đà Lạt…
Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển dựa trên cơ sở giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư, do cộng đồng dân cư tổ chức khai thác. Loại hình này sẽ giúp cho công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Du lịch nông thôn được tạo ra từ hoạt động nông nghiệp để phục vụ khách du lịch, kết hợp với những nét đặc sắc văn hóa của khu vực nông thôn sẽ tạo ra sức hấp dẫn, sự lôi cuốn du khách cho loại hình du lịch nông thôn này.
Các loại hình du lịch trên đều mang những đặc điểm riêng, chính vì vậy đầu tư chuyên nghiệp cho phát triển các trung tâm du lịch văn hóa sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc để phát triển đa dạng sản phẩm du lịch dựa vào đặc tính riêng của sản phẩm đó. Từ đó tạo ra một hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng và bền vững.
NGUYỄN ANH