Xây dựng quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính: Đồng bộ giải pháp, hiệu quả tích cực | Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn

Xây dựng quy trình nội bộ là một trong những nội dung bắt buộc của công tác kiểm soát, cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Chính vì vậy, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc nội dung này. Qua đó, đã tạo hiệu quả tích cực, góp phần chuẩn hóa quy trình giải quyết TTHC.

Là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông, đến hết quý II/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có 104 quy trình nội bộ được phê duyệt, trong đó, áp dụng với 91 TTHC cấp tỉnh, 10 TTHC cấp huyện và 3 TTHC cấp xã. Hằng năm, trên cơ sở danh mục các TTHC mới ban hành, bãi bỏ, sửa đổi, thay thế, lãnh đạo sở chỉ đạo các phòng chuyên môn rà soát, xây dựng quy trình nội bộ đối với từng TTHC thuộc lĩnh vực mình quản lý. Đối với cấp huyện, sở đã phối hợp, trao đổi với UBND cấp huyện để xây dựng.

mc

Công chức Bộ phận “một cửa” Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận hồ sơ TTHC của người dân

Ông Nguyễn Duy Nam, Chánh Văn phòng Sở TN&MT cho biết: Hằng năm, chúng tôi tham mưu lãnh đạo sở chỉ đạo các phòng chuyên môn rà soát, xây dựng quy trình nội bộ đối với từng TTHC thuộc lĩnh vực mình quản lý. Nhờ áp dụng chặt chẽ quy trình nội bộ mà chất lượng giải quyết TTHC được đảm bảo, đúng quy định. Đơn cử, từ đầu năm 2022 đến nay, bộ phận “một cửa” của sở tiếp nhận 11.423 hồ sơ, đã giải quyết 8.263 hồ sơ , trong đó, có 8.037 hồ sơ giải quyết trước, đúng hạn, đạt 97,26%; còn 226 hồ sơ chậm hạn, chiếm 2,73% chủ yếu là do hồ sơ đất đai của các gia đình, cá nhân chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Không riêng Sở TN&MT, hiện tại, toàn tỉnh có 1.781 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền. Trong đó, có 1.572 TTHC được thực hiện theo cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông (cấp tỉnh có 1.249 TTHC; cấp huyện có 232 TTHC; cấp xã có 91 TTHC), 100% TTHC này đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết.

Có được kết quả như vậy, thời gian qua, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác cải cách TTHC nói chung và công tác xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC nói riêng. Cụ thể, năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát TTHC đã được Chủ tịch UBND tỉnh công bố để xây dựng quy trình nội bộ trong giải quyết đối với từng TTHC thực hiện theo cơ chế “một cửa”.

st

Công chức phòng chuyên môn Sở Y tế thực hiện rà soát, xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC

Cùng đó, giao Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thành việc thiết lập quy trình điện tử đối với từng TTHC lên Hệ thống thông tin “một cửa” điện tử của tỉnh sau khi nhận được quyết định phê duyệt quy trình nội bộ của Chủ tịch UBND tỉnh. Bên cạnh đó, để kiểm soát chặt chẽ, từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh đã thành lập 3 đoàn công tác kiểm tra 15 lượt sở, ngành về thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC, cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và công tác xây dựng quy trình nội bộ. Qua đó, đã ghi nhận một số đơn vị thực hiện tốt việc xây dựng quy trình nội bộ như: Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Ngoài ra, trung bình mỗi năm, UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh tổ chức 1 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho công chức đầu mối kiểm soát TTHC, trong đó có việc xây dựng hồ sơ trình phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Bà Trần Thị Phương Linh, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ – Kiểm soát TTHC, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tăng cường tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm nhiệm vụ kiểm soát TTHC. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan, đơn vị hạn chế việc thay đổi, luân chuyển công chức đầu mối kiểm soát TTHC, gây khó khăn cho quá trình tổng hợp, trình phê duyệt quy trình nội bộ.

Có thể nói, việc xây dựng và áp dụng quy trình nội bộ ngày càng được thực hiện hiệu quả. Qua đó, tạo sự chuyên nghiệp, minh bạch, cụ thể hóa rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình tham gia giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân.

Nguồn: https://baolangson.vn/xa-hoi/cai-cach-hanh-chinh/518604-xay-dung-quy-trinh-noi-bo-trong-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-dong-bo-giai-phap-hieu-qua-tich-cuc.html