Xây dựng quy trình kỹ thuật cho cây gai xanh trên đất dốc
Thứ Năm 05/05/2022 , 08:05 (GMT+7)
HÒA BÌNH Cơ quan chuyên môn tỉnh Hòa Bình và An Phước Viramie đang phối hợp nghiên cứu, lựa chọn giống, xây dựng quy trình kỹ thuật phù hợp cho cây gai xanh trên đất đồi dốc.
Ngày 27/4 vừa qua, sau gần 1 năm xuống giống, 15ha gai xanh giống AP1 do Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phước Viramie (An Phước Viramie) phối hợp với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình trồng tại 5 xã vùng cao của huyện Đà Bắc đã cho thu hoạch lần thứ 5.
Mục Lục
Tìm quy trình kỹ thuật và giống chuẩn
Mặc dù giống gai xanh AP1 được đánh giá có nhiều đặc tính phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của các địa phương trong tỉnh Hòa Bình nhưng với đặc thù đất trồng chủ yếu là đồi dốc nên An Phước Viramie và Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Hòa Bình đang tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để có thể đưa ra quy trình kỹ thuật cũng như giống gai phù hợp nhất với địa hình này.
Khu vực trồng gai xanh AP1 của An Phước Viramie tại huyện Đà Bắc (Hòa Bình) thu hoạch vào cuối tháng 4 vừa qua. Ảnh: Tùng Đinh.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Phương Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Viramie cho biết, với mong muốn xây dựng chuỗi giá trị bền vững, An Phước Viramie đang đầu tư vào khoa học kỹ thuật để xây dựng các phương án phát triển cây gai xanh trên các vùng đất có địa hình khác nhau, trong đó có đất đồi dốc ở Hòa Bình.
“Mục tiêu của chúng tôi là mỗi vùng đất trồng gai xanh sẽ có một quy trình phù hợp để tạo ra được sản phẩm có chất lượng và năng suất tốt nhất”, ông Việt cho biết thêm.
Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Hồng Yến cho biết, qua quá trình theo dõi hơn 1 năm qua, cũng như như các tài liệu và báo cáo của An Phước Viramie và ý kiến đánh giá của nông dân, nhìn chung cây gai xanh là loài khá dễ trồng, có thể thích nghi trên nhiều loại đất khác nhau của Hòa Bình.
Tuy nhiên, vẫn có những điểm cần cải tiến, trước hết là trong kỹ thuật canh tác, nhất là trong bối cảnh giá phân bón đang tăng cao như hiện nay, lượng phân được sử dụng đang ít hơn so với quy trình.
Bên cạnh đó, khác với nhiều địa phương, Hòa Bình chủ yếu trồng gai xanh trên địa hình đồi dốc, do đó phải phụ thuộc vào nguồn nước mưa. Do đó, tỉnh đang kỳ vọng An Phước Viramie có thể nghiên cứu, cho ra đời giống gai xanh mới AP2 hiện đang trong quá trình khảo nghiệm với đặc tính chịu hạn tốt hơn.
“Ngoài ra, kỹ thuật đốn, tỉa, chặt sau khi thu hoạch vẫn còn nhiều hạn chế với điều kiện ở Hòa Bình, do đó, Chi cục sẽ sớm hoàn thiện đề tài khoa học liên quan vấn đề này để có quy trình canh tác cây gai xanh phù hợp với điều kiện ở Hòa Bình”, ông Yến cho biết thêm.
Cán bộ chuyên môn của tỉnh Hòa Bình và An Phước Viramie đang cùng làm việc để tối ưu quy trình kỹ thuật cũng như giống cho cây gai xanh trên đất đồi dốc. Ảnh: Minh Phúc.
Thay thế sắn, mía
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Yến, so với nhiều địa phương, cây gai xanh đến Hòa Bình muộn hơn nhưng lại được phát triển một cách chắc chắn và bài bản.
“Từ khi An Phước Viramie đặt vấn đề với ngành nông nghiệp của tỉnh, chúng tôi đã làm việc với các địa phương để lựa chọn các nơi trồng thí điểm. Trong năm 2021, diện tích trồng chưa nhiều, chỉ khoảng 70 ha nhưng đến hết tháng 4/2022 đã đạt hơn 160ha”, ông Yến cho biết.
Với cây gai xanh, UBND tỉnh Hòa Bình đã có chỉ đạo về phát triển vùng nguyên liệu rất rõ ràng. Cụ thể, trong giai đoạn 2021 – 2022 sẽ tập trung ở 4 huyện là Đà Bắc, Lạc Sơn, Yên Thủy và Kim Bôi. Trong đó, Lạc Sơn, Yên Thủy và Kim Bôi là các địa phương có thể lựa chọn cây gai xanh để thay thế dần cho cây sắn, cây mía kém hiệu quả, đặc biệt là diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá.
“Trong các giải pháp đối phó với bệnh khảm lá sắn, có giải pháp luân canh cây trồng, trong đó chúng tôi có lựa chọn gai xanh là đối tượng thay thế”, ông Nguyễn Hồng Yến cho biết thêm.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hòa Bình cũng chỉ đạo phải phát triển đồng thời đảm bảo được chuỗi liên kết từ người sản xuất, đến các HTX, sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn và đầu tư ban đầu cũng như bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, ông Yến cho biết, kế hoạch của tỉnh là đến năm 2023, Hòa Bình sẽ có 1.500ha gai xanh, tập trung chủ yếu ở 4 huyện nói trên. “Dù quỹ đất của Hòa Bình vẫn còn lớn nhưng tỉnh xác định sẽ phát triển cây gai xanh một cách chắc chắn, bền vững”, theo ông Yến.
Bà con nông dân huyện Đà Bắc (Hòa Bình) lạc quan vào hiệu quả kinh tế của cây gai xanh so với cây sắn, cây mía trước đây. Ảnh: Minh Phúc.
Có thể xây dựng nhà máy tách keo
Hiện nay, An Phước Viramie đang ký kết hợp tác với các đối tác trên địa bàn huyện Đà Bắc để phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh và định hướng của An Phước Viramie là phát triển vùng nguyên liệu đi kèm với chuỗi giá trị bền vững cho cây trồng này.
Chính sách hỗ trợ của An Phước Viramie dành cho đối tác tại huyện Đà Bắc là tiền mua cây giống được trả chậm 100%, bắt đầu trả từ năm thứ 2. Ngoài ra, đơn vị cũng liên kết với các tổ chức tín dụng, nhà cung ứng vật tư nông nghiệp để hỗ trợ cho các đối tác, tạo nên chuỗi liên kết hoàn thiện từ tài chính, giống, vật tư, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
“Sản phẩm vỏ gai xanh khô được An Phước Viramie bao tiêu 100% và chúng tôi cam kết thu mua bằng hình thức phát hành chứng thư bảo lãnh trị giá 40 triệu đồng/ha. Điều này có nghĩa nếu phía Công ty không thực hiện cam kết thu mua thì người trồng có thể dùng chứng thư đến ngân hàng để lấy tiền”, ông Nguyễn Phương Việt chia sẻ thêm.
Về định hướng phát triển trong thời gian tới, đại diện An Phước Viramie cho biết, khi diện tích đủ lớn, đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu, Công ty sẽ nghiên cứu, đầu tư nhà máy tách keo cho sợi gai, phục vụ cho quá trình chế biến ban đầu.
Cụ thể, ông Nguyễn Phương Việt cho biết, để xây dựng được một nhà máy tách keo gai xanh trên địa bàn Hòa Bình thì vùng nguyên liệu của tỉnh phải đạt khoảng 3.000ha, phù hợp với công suất của nhà máy.
Nếu Hòa Bình phát triển được đến 3.000ha gai xanh thì An Phước Viramie có thể nghiên cứu xây dựng nhà máy tách keo phục vụ sơ chế tại tỉnh. Ảnh: Tùng Đinh.
Hiệu quả gấp 2 – 3 lần sắn, mía
Ông Lê Minh Hưng, đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình đang canh tác gai xanh AP1 tại huyện Đà Bắc cho biết, cây sinh trưởng nhanh và cho thu ngay từ tháng thứ 3 sau khi trồng, trong năm đầu tiên có thể cho thu từ 3 – 4 lứa.
“Loài cây này thích nghi với đất có độ dốc dưới 25%, có tầng đất canh tác dày từ 30 cm trở lên và có khả năng chịu hạn tốt. Cụ thể, 100% diện tích trồng thí điểm tại Đà Bắc đều chỉ cần nguồn nước mưa, không tưới. Mặc dù cây có sâu ăn lá nhưng dễ xử lý”, ông Hưng cho biết thêm.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế, ngay trong năm đầu, cây gai xanh AP1 cho sản lượng từ 700 – 1.300 kg/ha, tương đương tổng thu trong năm đầu từ 30 – 60 triệu đồng/ha. Năm thứ 2, dự kiến có thể thu 4 – 5 lứa với sản lượng 2,9 – 3 tấn/ha và thu nhập tăng lên từ 110 – 120 triệu đồng/ha/năm.
“Như vậy, so với hiệu quả kinh tế của cây ngô, cây sắn trên cùng diện tích, gai xanh có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 – 3 lần”, ông Lê Minh Hưng khẳng định.
Trong buổi làm việc với An Phước Viramie và các cơ quan quản lý ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình, ông Hưng đã đề xuất kế hoạch mở rộng chuỗi liên kết trồng cây gai xanh AP1 trên huyện Đà Bắc với quy mô từ 400 – 500ha.
Bên cạnh đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình cũng hi vọng nhận thêm sự hỗ trợ từ các đơn vị như cơ quan quản lý ngành nông nghiệp, ngân hàng liên kết hợp tác với An Phước Viramie ở địa phương tạo điều kiện cho các thành viên HTX có thể yên tâm canh tác, phát triển diện tích và đảm bảo chuỗi liên kết cây gai xanh bền vững ở huyện Đà Bắc.