Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và vai trò của thương mại (Phần 1)

Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và vai trò của thương mại (Phần 1)

1. Kinh tế thị trường – thành quả của loài người, xu thế của thời đại

1.1. Kinh tế hàng hóa trong lịch sử nhân loại

Thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên về cơ bản chấm dứt thời đại nô lệ và mở ra thời kỳ phong kiến ở Châu Âu. Thế kỷ 11 đến thế kỷ 13 đã thúc đẩy thương mại phát triển giữa Châu Âu và Trung, Cận Đông và đưa đến sự hoàn thiện các hoạt động ngân hàng. Từ đầu thế kỷ 14, một số vùng ở Châu Âu đã dùng tiền giấy. Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18, ngân hàng phát triển rất mạnh, nhất là ở I-ta-li-a. Sau những phát kiến  về địa lý của Va-xcô-đơ- Ga-ma và Cri-xtô-phơ Cô-lôm-bô, nền kinh tế của các nước phát triển nhanh chóng. Ngoại thương thế giới phát triển mạnh. Từ năm 1702 đến 1882, ngoại thương của Anh tăng gần 3 lần. Từ năm 1715 đến 1771 ngoại thương Pháp tăng gần gấp 8 lần. Đây được xem là một cuộc cách mạng trong thương mại (trước đó là cuộc cách mạng nông nghiệp ở Anh, Hà Lan và một số nước Châu Âu). Hai cuộc cách mạng này đã chuẩn bị điều kiện kinh tế cho Châu Âu đi vào cuộc cách mạng công nghiệp vào cuối thế kỷ 18.

Cuộc cách mạng công nghiệp và cách mạng tư sản đã diễn ra từ năm 1760 đến 1860 ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Từ đó, ra đời các học thuyết về kinh tế học của Ri-cac-đô (1772-1823), Man-tuýt (1870-1914). Đặc biệt là học thuyết của C.Mác (1818-1883). Sau khi có kênh đào Xuy-ê (1870) và kênh đào Pa-na-ma (1914), kinh tế thế giới càng mang tính chất toàn cầu. Chủ nghĩa đế quốc bắt đầu hình thành.

Từ cuối thế kỷ thứ 19, nhất là từ sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, việc xuất hiện các Công ty xuyên quốc gia đã làm thay đổi cơ cấu của kinh tế thế giới, phát triển mạnh mẽ ngành  dịch vụ. Hiện nay, dịch vụ chiếm trung bình 50% của nền kinh tế thế giới và 70% ở các nước tư bản phát triển.

Nhìn lại toàn bộ lịch sử loài người, chúng ta thấy trước khi có chủ nghĩa tư bản (CNTB), ngay từ trong chế độ nô lệ, đã thực hiện chế độ trao đổi hàng hóa và từng bước hình thành những nhân tố cơ bản của thị trường.Tuy vậy trong chế độ nô lệ và phong kiến chưa hình thành kinh tế thị trường vì các chế độ này cơ bản dựa trên nền kinh tế tự cấp tự túc. Cuộc cách mạng nông nghiệp và cuộc cách mạng thương nghiệp đã đưa đến cuộc cách mạng công nghiệp và cuộc cách mạng tư sản cuối thế kỷ 18. Chủ nghĩa tư bản đã triệt để lợi dụng các thành tựu của nhân loại về thị trường để phát triển nền kinh tế thị trường.

Như vậy có thể nói: Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, sản xuất hàng hóa ra đời từ khi tan rã chế độ công xã nguyên thuỷ, nó tồn tại và phát triển trong xã hội nông nô, trong xã hội phong kiến và đạt tới đỉnh cao trong xã hội tư bản chủ nghĩa (TBCN). Sản xuất hàng hóa tiếp tục tồn tại và phát triển trong xã hội XHCN. Có sản xuất hàng hóa tất yếu  phải có trao đổi hàng hóa, và khi tiền tệ xuất hiện, thì trao đổi hàng hóa trở thành lưu thông hàng hóa. Sản xuất hàng hóa và lưu thông hàng hóa là những “hiện tượng” chung cho nhiều phương thức sản xuất khác nhau, với mức độ và phạm vi không giống nhau. Sản xuất hàng hóa và lưu thông hàng hóa hợp thành kinh tế hàng hóa. Kinh tế hàng hóa – như V.I.Lênin đã chỉ rõ, chính là cách tổ chức của kinh tế xã hội, trong đó sản phẩm đều do những người sản xuất cá thể, riêng lẻ, sản xuất ra, mỗi người chuyên làm ra một sản phẩm nhất định, thành thử muốn thỏa mãn các nhu cầu xã hội thì cần phải có mua bán sản phẩm (vì vậy sản phẩm trở thành hàng hóa) trên thị trường.

Thị trường là cái tất yếu, là hợp phần bắt buộc của sản xuất hàng hóa. Thị trường là địa điểm, nơi (hữu hình và vô hình) diễn ra sự chuyển nhượng, sự trao đổi, sự mua bán hàng hóa. Điều quan trọng để hiểu được thực chất của thị trường là ở chỗ: thị trường không phải chỉ đơn thuần là lĩnh vực trao đổi, di chuyển hàng hóa, dịch vụ từ người sản xuất sang người tiêu dùng (bởi vì trao đổi có thể được tổ chức theo các cách khác nhau) mà là trao đổi được tổ chức theo các quy luật của lưu thông hàng hóa và lưu thông tiền tệ.

Nền kinh tế được coi như một hệ thống các quan hệ kinh tế và các quan hệ này biểu hiện ra, trước hết là những lợi ích. Trong nền kinh tế hàng hóa luôn có hai chủ thể kinh tế quan trọng: Cá nhân và Doanh nghiệp. Có thể biểu diễn các mối quan hệ kinh tế của các cá nhân và các doanh nghiệp thông qua sơ đồ sau (xem hình)

Cá nhân cũng như Doanh nghiệp trong sơ đồ này được xem xét theo hai góc độ: người cung ứng và người tiêu dùng. Cá nhân cung ứng dịch vụ (cho vay tiền, cho thuê tài sản, thuê sức lao động), nhờ đó có tiền và dùng tiền để mua hàng hóa, dịch vụ nhằm thỏa mãn những nhu cầu của mình; Doanh nghiệp sản xuất và cung ứng hàng hóa dịch vụ cho thị trường, nhưng để sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ, cần phải mua sắm các yếu tố đầu vào.

Một khi các quan hệ kinh tế giữa người ta với nhau đều biểu hiện qua mua bán hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, người bán cần tiền, người mua cần hàng và họ phải gặp nhau trên thị trường, thì nền kinh tế đó là kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường là một hệ thống tự điều chỉnh nền kinh, bảo đảm có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; dư thừa và phong phú hàng hóa, dịch vụ trên thị trường; năng động, luôn luôn đổi mới mặt hàng, công nghệ và thị trường.

Xét về mặt lịch sử, thị trường xuất hiện vào thời điểm kinh tế hàng hóa ra đời, nhưng không vì thế mà gọi kinh tế hàng hóa là kinh tế thị trường. Chỉ đến khi thị trường được mở rộng phong phú, hoàn thiện, đồng bộ và trở thành nhân tố kích thích sự tăng trưởng của hàng hóa – dịch vụ, các quan hệ kinh tế trong quá trình tái sản xuất xã hội đều được tiền tệ hóa; các yếu tố của sản xuất như đất đai và tài nguyên, vốn bằng tiền và vốn vật chất, sức lao động, công nghệ và quản lý; các sản phẩm và dịch vụ làm ra; chất xám… đều là đối tượng mua bán, là hàng hóa thì kinh tế thị trường mới xuất hiện. Do đó có thể nói: kinh tế thị trường là trình độ phát triển cao của kinh tế hàng hóa.

Vậy kinh tế thị trường không phải là một giai đoạn khác biệt, độc lập, đứng ngoài kinh tế hàng hóa mà là sự hoà nhập của kinh tế hàng hóa với kinh tế thị trường để đạt tới sự quyết định và chi phối của thị trường trong sản xuất lưu thông. Kinh tế thị trường là cách tổ chức nền kinh tế xã hội, trong đó các quan hệ kinh tế của các cá nhân, các doanh nghiệp đều biểu hiện qua mua bán hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, và thái độ cư xử của từng thành viên kinh tế là hướng vào việc tìm kiếm lợi ích của chính mình theo sự dẫn dắt của giá cả thị trường (hay của bàn tay vô hình – AdamSmit).

Là cách tổ chức kinh tế xã hội, kinh tế thị trường dựa trên những cơ sở sau: i/ Tự do (tự do sở hữu, tự do kinh doanh, tự do giao dịch thương mại, tự do hành nghề, tự do học hành); ii/ Mỗi chủ thể kinh tế theo đuổi lợi ích của chính mình trong hoạt động kinh tế; iii/ Khách hàng là thượng đế, sản xuất và bán hàng hóa theo nhu cầu thị trường; iv/ Cạnh tranh; v/ Tiền tệ hóa các quan hệ kinh tế.

Trong kinh tế thị trường, nhìn bề ngoài tất cả các cá nhân đều được hoàn toàn tự do và động lực  là cá nhân chủ nghĩa. Nhưng thực chất, mỗi cá nhân đều do tập thể những người mua và người bán, do toàn thể xã hội quyết định và đưa đến kết quả là lợi ích chính đáng của cá nhân và lợi ích của toàn xã hội đều được tôn trọng.

Trong lịch sử kinh tế thế giới, sự hình thành và phát triển của kinh tế thị trường là một quá trình lâu dài trải qua nhiều thế kỷ và qua nhiều phương thức sản xuất khác nhau và đạt được sự hoàn thiện trong phương thức sản xuất TBCN. Tuy nhiên kinh tế thị trường không phải là thuộc tính riêng có của CNTB mà là kiểu tổ chức xã hội, là một thể chế kinh tế phổ biến đối với tất cả các chế độ chính trị xã hội nào mà ở đó sản xuất hàng hóa còn là tất yếu. Để tạo ra được những điều kiện kinh tế xã hội này, các nước có nền kinh tế thị trường phát triển đó phải đi chặng đường dài hàng mấy trăm năm. Ngày nay do có kinh nghiệm, lý luận và quá trình quốc tế hoá nền kinh tế thế giới, các nước ở trình độ thấp có thể chuyển sang kinh tế thị trường một cách nhanh hơn nếu như biết cách tái hiện lại những tất yếu kinh tế mà lịch sử kinh tế thế giới đã trải qua trong hình thức cô đọng và rút ngắn. Thực chất của quá trình rút ngắn và cô đọng những tất yếu kinh tế đó là quá trình tạo ra những điều kiện kinh tế – xã hội cho sự hoạt động của nền kinh tế thị trường, là quá trình tạo ra những điều kiện tự do, dân chủ hoá các quan hệ kinh tế. Những tất yếu kinh tế là các điều kiện hoàn cảnh lịch sử, tuỳ theo điểm xuất phát trên con đường chuyển sang nền kinh tế thị trường mà những tất yếu này được thể hiện ở các mức độ khác nhau, đòi hỏi những biện pháp khác nhau.

Nền kinh tế thị trường hiện đại có những đặc điểm cơ bản khác so với kinh tế thị trường ở các thập kỷ trước, biểu hiện ở chỗ:

– Là một nền kinh tế mở trên phạm vi toàn thế giới và do đó quyền tự do kinh doanh của mỗi tổ chức, cá nhân được mở trên phạm vi toàn cầu.

– Từ sự buôn bán chủ yếu trong phạm vi của thế giới hai cực sang thế giới đa cực. Tuy vậy, mỗi quốc gia đều tự nguyện gắn chặt với một số nước khác thành những khối kinh tế có những lợi ích chung nào đó nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và đảm bảo ổn định trong một trật tự kinh tế mới.

– Với kinh nghiệm và kỹ thuật hiện đại, cho phép những nước đi sau rút ngắn được thời gian và nếu xác định đúng chiến lược có thể từ một nước nghèo nhanh chóng trở thành nước có nền kinh tế thị trường phát triển, xã hội văn minh.

– Trong hoàn cảnh mới của nền văn minh công nghiệp và thế giới đa cực không thể dựa vào kinh nghiệm để dự báo tương lai và càng không thể dự báo dài hạn. Chính vì vậy đòi hỏi phải có chiến lược thích ứng nhanh để hoà nhập với tình hình và tận dụng được thời cơ xuất hiện.

Trong nền kinh tế thị trường, các loại thị trường ở trình độ cao: thị trường tư liệu sản xuất, thị trường tư liệu tiêu dùng, thị trường tiền tệ, vốn, thị trường chứng khoán, thị trường sức lao động, thị trường về khoa học – kỹ thuật, thông tin… Người bán và người mua quan hệ với nhau thông qua giá cả và nhiều thị trường khác nhau.

Các hàng hóa được sản xuất ra đều đem trao đổi, mua bán trên thị trường. Đây là đặc trưng cốt lõi của sản xuất hàng hóa và kinh tế thị trường. Các sản phẩm làm ra phải được xã hội thừa nhận thông qua trao đổi mua bán trên thị trường. Đó là tấm gương phản ánh thực trạng nền kinh tế và biểu hiện sự vận động của các quy luật kinh tế.

Kinh tế thị trường đòi hỏi phải xoá bỏ tình trạng cát cứ sản xuất và giao lưu hàng hóa theo địa giới hành chính giữa các địa phương, đòi hỏi sự thiết lập thị trường thống nhất toàn quốc, sự giao lưu,hoà nhập thị trường trong nước với thị trường quốc tế, phân công lao động trong nước gắn với phân công lao động quốc tế và hàng loạt mối quan hệ kinh tế khác.

Do tính tự phát vốn có, kinh tế thị trường có thể dẫn đến không chỉ tiến bộ, mà cả suy thoái, khủng hoảng, xung đột xã hội, nên cần có sự can thiệp của Nhà nước.

1.2. Kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước

Nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước là một dạng đặc biệt của loại hình kinh tế thị trường nói chung. Sự khác nhau căn bản giữa hai khái niệm này là ở chỗ: Nếu như sự vận động của nền kinh tế thị trường nói chung (hay còn gọi là nền kinh tế thị trường truyền thống, cổ điển, hoang dã tuỳ theo ý thích của mỗi nhà kinh tế học) chỉ tuân theo sự điều khiển của “bàn tay vô hình” cung – cầu – giá cả (cơ chế thị trường) thì sự vận động của nền kinh tế thị trường có sự quản lý (điều khiển, điều tiết) của Nhà nước tuân theo sự điều khiển song hành, tức là sự tác động cùng một lúc của hai yếu tố: yếu tố tự vận động bởi quan hệ cung – cầu và yếu tố Nhà nước, tức là vai trò của Nhà nước trong việc chỉ huy (quản lý điều tiết) nền kinh tế. Theo bản chất của mình, nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước không chỉ vận động theo cơ chế thị trường, cũng không chỉ vận động theo cơ chế chỉ huy mà vận động bởi sự tác động đồng thời của hai cơ chế đó. Chính vì vậy người ta gọi cơ chế tác động đồng thời (song hành) này là cơ chế hỗn hợp. Như vậy có thể nói: Cơ chế hỗn hợp là cơ chế vận động của nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; hoặc: nền kinh tế hỗn hợp là nền kinh tế vận động theo cơ chế thị trường có sự chỉ huy điều khiển (mà ta quen gọi là có sự quản lý) của Nhà nước.

Sự can thiệp của Nhà nước nhằm sửa chữa, khắc phục những khuyết tật vốn có của kinh tế thị trường, tạo ra những công cụ quan trọng điều tiết thị trường ở tầm vĩ mô, trong khi không vi phạm bản chất và các cơ chế tự điều chỉnh ở tầm vi mô. Bằng cách đó, Nhà nước kiềm chế sức mạnh nguy hiểm của tính tự phát chứa đựng trong lòng thị trường, đồng thời kinh tế thị trường vẫn là kinh tế thị trường với tất cả tiềm năng kích thích của nó đối với sản xuất thông qua trao đổi hàng hóa – tiền tệ được thực hiện một cách tự do. Với nghĩa đó, chúng ta nói kinh tế thị trường có điều tiết, hay kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường gọi là cơ chế thị trường, đó là cơ chế tác động của các quy luật sản xuất và lưu thông hàng hóa thông qua sự biến động của giá cả thị trường. Kinh tế học ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển không thừa nhận lao động tạo ra giá trị hàng hóa, chỉ đứng trên góc độ giá trị sử dụng hay tính hữu dụng của hàng hóa để xem xét cơ chế thị trường, coi đó là cơ chế mà người sản xuất và người tiêu dùng, người bán và người mua thông qua tín hiệu là giá cả thị trường để quyết định ba vấn đề cơ bản: sản xuất cho ai, sản xuất cái gì và sản xuất như thế nào, đồng thời đây cũng là cơ chế phân bổ các nguồn lực vào sản xuất.

Lịch sử 10 ngàn năm qua chứng tỏ rằng loài người đã từng bước xây dựng được cơ chế kinh tế thị trường, từ thô sơ đến tinh vi và ngày càng hoàn thiện. Lịch sử cũng đã thách thức các cơ chế khác nhau để đưa đến hình thành cơ chế thị trường tối ưu như hiện nay. Kinh tế thị trường và cơ chế thị trường gắn liền với sự phát triển của mọi quốc gia trên con đường tiến bộ lịch sử. Cơ chế thị trường tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nền sản xuất của xã hội, mà trước hết là của lực lượng sản xuất.

Cơ chế thị trường chỉ có thể ra đời và hoạt động trên cơ sở kinh tế – xã hội của nó là chế độ sở hữu tư liệu sản xuất được đa dạng hóa. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường ở các cường quốc kinh tế hiện nay đang chứng tỏ rằng Công ty cổ phần là một xu hướng chủ đạo, là hình thức phổ biến có khả năng huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của sản xuất.

Cơ chế thị trường ngày nay đã đặt người tiêu dùng ở điểm xuất phát của các chương trình kinh tế. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, cơ chế thị trường là công cụ giúp các chính phủ có khả năng thỏa mãn một cách tốt nhất nhu cầu không ngừng tăng lên của các nhóm dân cư sao cho phù hợp với lối sống, truyền thống văn hóa, luân lý đạo đức và lý tưởng chính trị, xã hội trong điều kiện tài nguyên khan hiếm.

Cơ chế thị trường tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nền sản xuất xã hội, mà trước hết là sự phát triển của khoa học – công nghệ và kỹ thuật của sản xuất. Sự khác nhau căn bản giữa kinh tế thị trường cổ điển (tự do) với kinh tế thị trường hiện đại chính là ở vai trò của Nhà nước ngày càng tăng trong sự phát huy các quan hệ thị trường và hạn chế các mặt trái của thị trường, đặc biệt là trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội, công bằng và hiệu quả.

1.3. Kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa

Mặc dù kinh tế thị trường là cấu trúc xã hội phổ biến đối với tất cả các nền sản xuất hàng hóa phát triển. Nhưng dưới ảnh hưởng của điều kiện lịch sử – văn hóa – xã hội của các dân tộc khác nhau, kinh tế thị trường được thể hiện dưới các hình thức sống động khác nhau. Mức độ hoạt động của quan hệ cung – cầu – giá cả và hàng – tiền do đó cũng rất khác nhau. Chính vì vậy sẽ là sai lầm nếu cho rằng có thể áp dụng nguyên bản mô hình kinh tế thị trường của nước này vào nước khác. Nhưng cũng sẽ là sai lầm nếu việc xây dựng một nền kinh tế thị trường dân tộc mà lại không tuân theo những nguyên tắc chung. Do đó quá trình chuyển đổi nền kinh tế nước ta sang cơ chế mới có thể hiểu là quá trình thể hiện những nguyên tắc chung của kinh tế thị trường và quản ký kinh tế theo cơ chế thị trường trong điều kiện lịch sử – văn hóa – xã hội đặc thù của dân tộc.

Đã qua rồi thời đại của nền kinh tế thị trường truyền thống, hay nền kinh tế thị trường hoang dã, không chỉ có chúng ta mà các nước tư bản phát triển, các nước đang phát triển cũng đang hướng tới một nền kinh tế thị trường nhân văn, tức là hướng tới một nền kinh tế đúng theo chức năng của nó là làm cho con người ngày càng sống một cách tốt hơn, thoả mãn ngày càng đầy đủ hơn những nhu cầu vật chất văn hóa và tinh thần. Chính xu hướng đó đang làm cho các nước có chế độ chính trị xã hội khác nhau, có thể cùng tồn tại, cùng xích lại gần nhau để giải quyết những vấn đề toàn cầu như dân số, môi trường… Không phải chỉ nước ta theo định hướng XHCN mới thù ghét nạn thất nghiệp, lạm phát và sự phân hóa giàu, nghèo. Mà những hậu quả này cũng làm nhức nhối các chính phủ đang hướng đến nền kinh tế thị trường hiện đại. Khắc phục những khuyết tất ấy không phải chỉ là mong muốn của chúng ta mà đang là lý tưởng chung của tất cả các nước và điều đó hoàn toàn phù hợp với dự báo của các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác – Lê nin rằng: chủ nghĩa tư bản phát triển lên đến trình độ cao bao nhiều càng chứa đựng nhiều các yếu tố của chủ nghĩa xã hội bấy nhiêu. Vì vậy, không nên có thái độ thù ghét, miệt thị hoặc quá đề cao bất cứ một mô hình kinh tế thị trường nào trên thế giới. Cần nhìn nhận những ưu việt cũng như những hậu quả do nó tạo ra trong quá trình không ngừng vận động và chuyển hóa.

Theo quan điểm đó, cần phải hiểu về định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường hướng tới ở nước ta trên các quan điểm sau:

1. Chủ nghĩa xã hội là khát vọng của con người về một xã hội văn minh giàu có, ai cũng có cuộc sống ấm no hạnh phúc xứng đáng với tài năng và mức độ cống hiến của mình cho nhân dân. Đại hội Đảng lần thứ VII đề ra mục tiêu định hướng của nền kinh tế nước ta là XHCN. Có nghĩa rằng CNXH là vật chuẩn mà nền kinh tế thị trường nước ta hướng tới chứ không phải là buộc chúng ta đi tìm một hình mẫu của nền kinh tế thị trường XHCN trong sự đối lập với kinh tế thị trường TBCN. Sự hiểu như thế về “định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường hướng tới ở nước ta” không những cho phép chúng ta có cái nhìn thoáng hơn về nền kinh tế thị trường của các nước TBCN mà còn cho phép chúng ta tổng kết, học hỏi những bài học kinh nghiệm vô cùng quí giá của chính các nước này.

2. Mặc dù kinh tế thị trường được hiện thực hóa ở các nước có chế độ chính trị xã hội TBCN, nhưng không phải là thuộc tính riêng có của chế độ chính trị xã hội này, mà là thuộc tính phổ biến mang tính quy luật của tất cả các chế độ chính trị – xã hội dựa trên cơ sở kinh tế của nó là nền sản xuất hàng hóa. Mặc dù CNXH và chủ nghĩa tư bản là hai chế độ chính trị xã hội khác nhau nhưng cùng đứng trước sự giới hạn về tài nguyên, hàng hóa và dịch vụ so với nhu cầu của con người, nên nền sản xuất tất yếu là sản xuất hàng hóa. Do đó sự cần thiết phải quản lý nền kinh tế theo cơ chế thị trường có điều tiết hay cơ chế kinh tế hỗn hợp cũng là lẽ đương nhiên.

3. Trong hầu hết các hình thức tổ chức nhà nước: nhà nước chủ nô, nhà nước phong kiến, nhà nước TBCN, nhà nước nào cũng thừa nhận sự cùng tồn tại của hai hình thức sở hữu: Sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân. Lịch sử phát triển kinh tế của các nước TBCN cũng chứng tỏ rằng sự cùng tồn tại của hai hình thức sở hữu này không hề ngăn cản quá trình lưu thông hàng hóa. Ngược lại chính nhờ có bộ phận sở hữu nhà nước này mà một mặt các chính phủ có thể hạn chế bớt được một phần những khuyết tật của nền kinh tế thị trường. Mặt khác tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các hình thức sở hữu giữa các thành phần kinh tế. (Còn tiếp)

Vũ Huy Hùng

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại – VIOIT