Xây dựng hình ảnh đẹp của giáo viên trong mắt học sinh

Những câu chuyện về hình ảnh không đẹp của giáo viên trong thời gian qua như: Cô giáo đánh bầm mắt học sinh vì viết bài chậm, trẻ con bị trói tại nhà trẻ vì không chịu ăn cơm, thầy giáo dạy kèm lòn tay qua nách nữ sinh… đã phần nào phản ánh một số giáo viên đã không giữ vững được đạo đức nghề nghiệp, làm méo mó hình ảnh của người thầy trong xã hội hiện nay. Điều cần thiết với ngành Giáo dục là cần xây dựng lại hình ảnh đẹp của những “người đưa đò” vì có không ít thầy cô chân chính, nhiệt huyết với ngành Giáo dục cũng bị vạ lây.

Nếu lấy từng trường hợp giáo viên bị vi phạm ra cân, đo, đong, đếm thì quả thật phần lỗi lớn nhất vẫn là phía giáo viên. Vì đứng ở góc độ nhà giáo, họ đã làm sai quy tắc, đạo đức nghề nghiệp, lạm dụng quyền làm thầy, làm cô, thiếu sự tôn trọng nhân phẩm đối với học sinh. Sau mỗi vụ việc sai lầm bị phanh phui, hậu quả để lại là không những giáo viên đó xử lý kỷ luật hoặc buộc thôi việc, mà còn để lại hình ảnh không tốt của giáo viên trong mắt phụ huynh, nhà trường và xã hội. 

TTN.jpg

Người thầy cần được tôn trọng và tự tôn trọng mình

Đem những băn khoăn về hình ảnh của người giáo viên trong xã hội hiện nay hỏi Phó Hiệu trưởng Trường đại học An Giang Hoàng Xuân Quảng, chúng tôi nhận được sự trăn trở của thầy với ngành Giáo dục. Quả thật, các giáo viên sai phạm là đáng trách, bởi những vụ việc xảy như bạo hành với học sinh đã vượt qua giá trị đạo đức của con người, huống chi là với người làm nghề giáo. Bởi, họ không chỉ là người trao truyền kiến thức, mà còn là người giáo dục các em nên người. Thế nhưng, sự nghiệp “trồng người” không phải là chuyện dễ, trong đó phải có cả một nghệ thuật, sự khéo léo và kiên nhẫn với các em. Có rất nhiều giáo viên đã làm tốt nghĩa vụ cao đẹp này, thậm chí dành thời gian phụ đạo, hướng dẫn các em học hoặc tự nguyện bỏ tiền túi mua học phẩm, tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học được cắp sách đến trường. Tuy nhiên, cũng có những giáo viên dù trước đó cũng rất nhiệt huyết với nghề nhưng vì những áp lực vô hình nào đó làm cho họ không tự chủ được bản thân, nóng nảy, thiếu kiềm chế, hành động với học sinh theo kiểu “Giận cá chém thớt”. Đơn giản như hôm đó ra đường bị kẹt xe, va quẹt hoặc gia đình có chuyện không vui…, mà vào lớp lại gặp học sinh quậy phá, cá biệt nên lời nói và hành vi đôi khi thiếu kiềm chế. Hay nguyên nhân sâu xa hơn có thể kể đến chính là sự thiếu ổn định trong hệ thống giáo dục hiện nay đã tạo nên áp lực cho giáo viên. Chẳng hạn: Thay đổi sách giáo khoa thường xuyên, đảm bảo tỉ lệ học sinh lên lớp, vận động học sinh bỏ học quay lại trường lớp, làm đồ dùng dạy học, soạn giáo án và nhiều công việc không tên khác đang ngốn rất nhiều thời gian của giáo viên… Chính vì những áp lực về mặt thành tích và hình thức, áp dụng mô hình giáo dục theo kiểu áp đặt cho cả giáo viên và học sinh về lâu dài đã phát sinh những điều không mong muốn nêu trên. Nếu như có được sự đổi mới đúng đắn trong ngành Giáo dục, hy vọng trong tương lai hình ảnh của người thầy sẽ được cải thiện.

Một thực tế cũng đáng lưu ý là mọi việc xảy ra không phải hoàn toàn là do giáo viên, mà còn một phần ở học sinh. Nếu như trước đây, đạo lý “Tôn sư trọng đạo” luôn được giữ gìn thì ngày nay, không ít học sinh cho là mình có thể tự học qua các phương tiện thông tin nên không xem trọng người thầy. Hơn nữa, với việc kết bạn của giáo viên và học sinh trên mạng xã hội làm cho đời sống cá nhân của người thầy được công khai, học sinh tranh thủ tìm những chuyện chưa tốt đẹp của giáo viên nhằm hạ thấp uy tín, trả thù cho những “uất ức” mà giáo viên dành cho mình trên lớp học. Do vậy, theo một giáo viên Trường THCS tại TP. Long Xuyên, để giữ gìn hình ảnh của người thầy cần có một nghiệp vụ sư phạm vững chắc, có cách giáo dục linh hoạt với từng loại học sinh, trau dồi đạo đức, phẩm chất cá nhân, tiếp cận học sinh đa chiều, tiếp thu môi trường sinh hoạt, vui chơi của các em để hiểu học sinh hơn, chứ không phải để “hòa tan” với các em. Và hơn hết là phải luôn giữ gìn hình ảnh chuẩn mực của người thầy, vì đâu đó vẫn có cái nhìn khắt khe với những sai phạm nhà giáo, đừng nên xem đó là những trở ngại mà chính là thách thức để giáo viên ngày càng hoàn thiện.

Thep AGO