Xâm nhập mạng lưới “đẻ thuê – mang thai hộ”
–
Chủ nhật, 27/09/2020 08:04 (GMT+7)
Quy luật bất biến của thị trường là có cầu sẽ có cung. Và thực tế nhu cầu “đẻ thuê – mang thai hộ” là có thật và ngày càng khá phổ biến, công khai hơn. Mặc dù chưa có số liệu điều tra chính thức nào về số cặp vợ chồng có nguyện vọng nhờ mang thai hộ nhưng nếu lên Internet và gõ từ “dịch vụ đẻ thuê” thì sẽ thấy hàng loạt các trang dịch vụ đăng tải với nhiều gói dịch vụ “mời gọi” khách hàng.
Những lời chào mời “đẻ thuê – mang thai hộ” trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình
Chẳng hạn như “Team Đẻ Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương”, “Mang thai hộ – hiến trứng – tinh trùng – hiếm muộn”, những trang hội nhóm công khai vì mục đích nhân đạo. Hay chỉ cần click chuột vào “tìm người đẻ thuê ở Hà Nội” trên Google trong chưa đầy 1 giây lập tức hiện lên khoảng 2.690.000 kết quả. Hay gõ “dịch vụ đẻ thuê” trên Google sẽ thấy hàng triệu kết quả, trong đó không thiếu những phụ nữ vô sinh cần tìm một người mang thai hộ được đăng tải trên webtretho: “Vợ chồng tôi lấy nhau một năm nay, muốn sinh em bé nhưng không có trứng nên muốn tìm người đẻ thuê/mang thai hộ ở Hà Nội. Nếu bạn nào giúp được xin liên lạc không – một hai – ba 859… Xin cảm ơn đã đọc tin này!”.
Thậm chí, tài khoản Facebook có tên B.B còn đăng tin: “Em thật tâm muốn mang thai hộ cho những gia đình hiếm muộn và mang thai trực tiếp vì em thấy trực tiếp nó dễ dàng hơn là đi cấy, kiêng khem đủ thứ và tốn kém. Chi phí do hai bên thỏa thuận và ứng trước 30% số tiền trước khi làm”.
Gần 1 tỉ đồng/ca mang thai hộ
Nhu cầu mang thai hộ là có thật, pháp luật cho phép mang thai hộ nhưng kèm theo đó là quá nhiều quy định rằng buộc, khắt khe dẫn đến tình trạng ai có nhu cầu bằng cách này hay cách khác vẫn phải “lách luật”. Các bệnh viện không được cấp phép duyệt hồ sơ mang thai hộ thì sẽ làm “giả” các giấy chứng nhận với mức giá cắt cổ; hoặc những người có nhu cầu sẽ sang nước ngoài để thực hiện mang thai hộ, vừa tốn kém, vừa thất thoát tiền tệ. Hay tình trạng “cò” mồi dẫn người “đẻ thuê” vẫn diễn ra “chui” với mức giá lên đến cả gần tỉ đồng. Quyền và lợi ích của người mang thai hộ, người nhờ mang thai hay đứa trẻ sau này cũng không được bảo đảm.
Phóng viên Báo Lao Động liên hệ với một địa chỉ Zalo có tên “S.M” và đã được cung cấp rất nhiều gói dịch vụ về việc mang thai hộ, hay còn gọi là “đẻ thuê”. Với độ tuổi còn khá trẻ, SN 1996, nhưng S.M rất thông thạo với nghề “cò” mồi của mình. Cô luôn cảnh giác khi có người lạ kết bạn và hỏi về vấn đề mà cô tự cho là “ít người biết em làm dịch vụ này”. “Ai cho chị số của em? Chị phải nói chính xác là sao chị biết em thì em mới giúp chị được?…” Nhưng sau đó, với thói nghề đã quen, S.M vô luôn vấn đề chính. Bằng giọng miền Nam ngọt ngào, cô hỏi tới tấp: “Chị đã có phôi chưa? Và phôi ở viện nào? Chị đã đi khám ở đâu rồi? Quan trọng là chị định lấy trứng của ai? Chị định tạo phôi ở bệnh viện nào? Chị thích làm ở đâu em sẽ làm cho chị ở đó?…”.
Tất cả câu hỏi trên cho thấy, phía sau sự đề phòng là cả một đường dây hỗ trợ quá trình “đẻ thuê” luôn luôn sẵn sàng khi có nhu cầu. Cô gái S.M luôn tỏ ra chuyên nghiệp khi tư vấn khách hàng các gói dịch vụ của bên mình. “Với trường hợp trên 50 tuổi, em khẳng định trứng của người đó không thể mang thai được và em tư vấn dịch vụ trọn gói bên em bao gồm lấy trứng, tạo phôi, nhờ người mang thai hộ; hỗ trợ chăm sóc người mang thai hộ trong suốt 9 tháng, bao gồm cả tiền sàng lọc phôi cho đến khi đặt được 2 phôi trai; chi phí cho bệnh viện đến lúc gia đình chỉ việc bế con về với giá 750 triệu đồng”. S.M đảm bảo: “Trong quá trình tạo phôi chị không phải đi lại nhiều, chỉ có anh phải đến để lấy tinh trùng thôi. Nếu chị thấy ok thì chị em mình gặp nhau để cùng bàn về hợp đồng, bản hợp đồng của bên em sẽ có tất cả mức gói dịch vụ và quy định thời gian thanh toán theo từng đợt. Ngay sau khi ký hợp đồng, chị sẽ phải tạm ứng cho em 250 triệu đồng để đảm bảo việc em mua hồ sơ làm các thủ thuật kích trứng ở bạn mang thai hộ…”.
S.M cũng cho biết thêm thông tin, S.M có thể làm cho ở bệnh viện H.N hoặc tất cả bệnh viện theo yêu cầu của khách hàng.
Các cuộc “giao dịch niềm tin” đều có các “bản hợp đồng niềm tin” với những điều khoản “niềm tin” khá chặt chẽ. Tin thì làm, không tin thì thôi! Bản hợp đồng dịch vụ có phôi với giá trị 580 triệu đồng với thời hạn 1 năm đi kèm rất nhiều điều kiện, quyền và nghĩa vụ của bên nhờ mang thai và bên mang thai hộ, như “Giữ bí mật trọn đời thông tin hai bên”; “Đảm bảo tên mẹ bé trên giấy chứng sinh”. Rồi còn bản hợp đồng chưa có phôi với giá trị 700 triệu đồng. Nhưng tất cả điều khoản đều chỉ dựa trên “niềm tin” mà thôi. Bởi khi được hỏi chi phí môi giới nhận được nếu giới thiệu khách hàng là bao nhiêu thì S.M cho hay: “Chị tăng giá lên, còn mức tối thiểu của em là 7 triệu đồng”.
Phải mất rất nhiều thời gian tôi mới có thêm thông tin từ một người tự xưng là cầm đầu hội nhóm mang thai hộ tại quận Long Biên, TP.Hà Nội. Cô xưng mình tên là P, phiên dịch viên tiếng Hàn. “Em đến từ Thanh Hóa và cuộc đời kém may mắn khi lấy phải ông chồng cờ bạc trong Tây Nguyên. Đói khổ, không việc làm, trả nợ đậy cho chồng đã dồn em vào “nghề” này. Sau khi hoàn thành “phi vụ lần thứ nhất”, em có quan hệ để móc nối những người có nhu cầu mang thai hộ” – đây là chia sẻ của bà chủ đường dây mang thai hộ 9X.
Trong một cuộc nói chuyện tại quán cafe mà P tỏ ra đầy cảnh giác, PV Báo Lao Động được biết đến câu chuyện nhờ mang thai hộ “xuyên quốc gia”. Người phụ nữ ấy là một MV nổi tiếng người Hàn Quốc sang Việt Nam cùng chồng nhưng mắc bệnh trầm cảm nặng do áp lực công việc quá lớn, vì vậy không đủ sức khỏe để đảm bảo cho việc mang thai. Chị đến khám sức khỏe tại bệnh viện tư nhân trên đường Tân Ấp (quận Ba Đình, TP.Hà Nội) và được giới thiệu bạn có tên Zalo P.L. Bạn gái P.L đã mang thai đôi một lần nên được chị lựa chọn với nhu cầu mang thai sinh đôi. MV Hàn Quốc đã mang hi vọng có được con nhờ người bạn gái này, kể cả không làm được ở Việt Nam thì sẽ đưa P.L sang Hàn Quốc. Hi vọng chứa chan trong lòng một người sắp có thể làm mẹ chẳng được bao lâu đã dập tắt bởi thủ tục không được đáp ứng. P.L đã có chồng và hiện chồng vừa bị bắt bởi buôn bán ma túy nên không thể ký giấy xác nhận việc đồng ý cho vợ mang thai hộ, mặc dù P.L tha thiết tìm mọi cách để có thể hợp thức hóa hồ sơ mang thai hộ của mình. Cô gái trẻ P.L (sinh năm 1988) với hoàn cảnh khó khăn ở bước đường cùng đã tìm đến việc mang thai hộ như một công việc để có khoản tiền với lý do “có vốn làm ăn”, dù biết điều này rất ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình và có thể gặp rủi ro cao trong quá trình “hành nghề”. “Người chửa cửa mả”, ai biết được điều gì sẽ xảy ra khi mang thai hộ?!
Các điều khoản “niềm tin” của Hợp đồng mang thai hộ. Ảnh: Trích từ Zalo
Mức phạt cao nhưng chưa đủ sức răn đe
Luật sư Hoàng Duy Tiến – Trưởng Ban Pháp chế, Tập đoàn Amaccao – cho biết: “Với hành vi vi phạm pháp luật có thể chiếm lợi nhuận đến hàng trăm triệu đồng như hình thức mang thai hộ có lợi ích thương mại mà chỉ có thể xử phạt 5-10 triệu đồng theo nghị định 82/2020/NĐ-CP ban hành ngày 15/7/2020, đương nhiên là thấp và rất thấp so với lợi nhuận mà hành vi đó mang lại nhưng nó lại phù hợp với khung luật xử phạt vi phạm hành chính”.
Theo luật sư Tiến, hành vi mang thai hộ chỉ trái về mặt đạo đức chứ không gây nguy hiểm cho xã hội. Những hành vi chưa thể hình sự hóa được mức phạt như sàm sỡ trong thang máy còn có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội cao hơn hành vi mang thai hộ nhưng cũng chỉ có thể xử phạt hành chính 200.000 đồng thì mức phạt hành chính từ 5-7 triệu đồng cho hành vi mang thai hộ lại không hề thấp.
Luật sư Tiến cũng thể hiện quan điểm cá nhân về các yêu cầu bắt buộc để đủ điền kiện mang thai hộ: “Theo tôi, người mang thai hộ phải là thân thích, cùng hàng với vợ hoặc chồng, đã có con, được xác nhận đủ điều kiện của tổ chức y tế và chỉ được mang thai hộ một lần. Trường hợp người mang thai hộ đã có gia đình thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng… Tất cả yêu cầu này là quá khắt khe, không cần thiết bởi vì mục đích nhân đạo thì bạn bè cũng có thể giúp nhau mang thai hộ, hay việc bắt buộc cặp vợ chồng đó phải chưa có con riêng cũng là khắt khe và không cần thiết bởi đứa con riêng đó có thể bị dị tật, hoặc họ vẫn có nhu cầu có con chung. Và một khi đã có nhu cầu, họ sẽ tìm mọi cách lách luật hoặc chạy các thủ tục để có thể sinh con”. Luật sư Tiến cho rằng, cần nới lỏng các quy định khắt khe hiện ban hành và chỉ cần xác định mục đích của việc mang thai hộ là mục đích nhân đạo thì hồ sơ có thể được xét duyệt.
Giá trị hợp đồng mang thai hộ. Ảnh trích từ Zalo
Tiền mất tật mang mà không thể kêu ai được
Trao đổi với Báo Lao Động, bác sĩ chuyên khoa 1 sản – N.T.Vân – cho biết: “Thực tế hiện nay, với công nghệ sinh học ngày càng phát triển, các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo IUI hay thụ tinh trong ống nghiệm IVF cũng không hoàn toàn chắc chắn có thể sinh con đúng theo giới tính mong muốn. Bởi các phương pháp này chưa thể giúp xác định chính xác những tinh trùng nào mang nhiễm sắc thể giới tính Y để sinh con trai hay những tinh trùng mang nhiễm sắc thể X để sinh con gái mà chỉ đơn giản là lấy trứng và tinh trùng khỏe để thụ tinh nhân tạo hay thụ tinh trong ống nghiệm mà thôi. Qua đó, giới tính của đứa trẻ khi sinh ra đều phụ thuộc vào tình trạng tinh trùng của người chồng và tình hình sức khỏe của cả hai vợ chồng. Còn giới tính chắc chắn 100% chỉ có khi đứa trẻ được sinh ra đời, còn tất cả quy trình cấy phôi vào tử cung, xét nghiệm máu sớm hay siêu âm đều chỉ có tính chất tương đối. Thêm nữa, đối với pháp luật Việt Nam, việc sàng lọc giới tính thai nhi dưới mọi hình thức đều là vi phạm pháp luật. Vì vậy, các bạn đừng tin vào những lời mời mọc, cam kết về việc có thể hỗ trợ sinh con theo ý muốn bởi tất cả điều này đều chỉ dựa trên “hợp đồng niềm tin”, rồi rất nhiều trường hợp “tiền mất tật mang” mà cũng không thể kêu ai được”.
Cũng đứng từ khía cạnh chuyên môn của người làm trong ngành, bác sĩ N.T.Vân đưa ra quan điểm cá nhân của mình về việc mang thai hộ: “Các quy định của nghị định 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ ký ngày 28.1.2015 cho phép sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được ban hành đã thể hiện tính nhân văn rất lớn trong quản lý nhà nước của ta. Tuy nhiên, theo tôi, vẫn cần phải được thắt chặt hơn nữa bởi vẫn còn rất nhiều “biến tướng” trong xã hội khi nghị định được ban hành. Hành nghề gần 20 năm, thực tế tôi đã tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân. Họ năn nỉ bác sĩ giúp mình có con bởi họ không thể thụ tinh trong ống nghiệm và lại càng không thể xét duyệt được hồ sơ mang thai hộ. Thậm chí, có những người vừa bước vào phòng đã quỳ gối lạy tôi vì không có con họ chẳng thể sống nổi. Thương lắm! (Nói đến đây, giọng bác sĩ nghẹn lại, nước mắt lưng tròng). Nhưng việc mang thai theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm sẽ có nhiều rủi ro, bởi khi làm bất kỳ một thủ thuật nào đều nguy cơ tai biến, có thể gây nhiễm khuẩn huyết, dùng bất kỳ loại thuốc gây tê, gây mê nào cũng có thể sốc phản vệ. Vì vậy, sẽ có rất nhiều nguy cơ luôn rình rập khi thực hiện kỹ thuật “mang thai hộ”. Do đó, theo cá nhân tôi, chỉ bằng những quy định chặt chẽ của pháp luật, các nghị định mới có thể được thực hiện một cách minh bạch, làm cho con người sử dụng đúng với mục đích, tôn chỉ của nghị định “vì mục đích nhân đạo”.
Điều khoản thanh toán của hợp đồng mang thai hộ. Ảnh trích từ Zalo
Vô tình tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng
Chúng tôi tìm đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương – cơ sở duy nhất ở miền Bắc – được Bộ Y tế cấp phép triển khai kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia trực thuộc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chúng tôi được biết, đúng là nhu cầu thực từ xã hội có tăng lên nhiều sau khi nghị định được ban hành, số lượng bệnh nhân tìm đến bệnh viện ngày một đông. Trong năm 2019, chỉ tính riêng tại trung tâm, số lượng hồ sơ nộp về để xét duyệt mang thai hộ đã có từ 90 – 100 hồ sơ. Nhưng các điều kiện quy định trong nghị định rất chặt chẽ, từ quy định về y tế đến yêu cầu về người được mang thai hộ, vì vậy, hàng chục hồ sơ cũng chỉ một hồ sơ được xét duyệt. Một ca thụ tinh ống nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương chi phí khoảng từ 40-50 triệu đồng/ca. Và mang thai hộ bản chất là kích thích buồng trứng của người nhờ mang thai hộ, lấy tinh trùng của người chồng và thụ tinh trong ống nghiệm. Tinh trùng gặp trứng trong ống nghiệm sẽ tạo thành phôi. Phôi đó được cấy vào tử cung của người mang thai hộ. Và người mang thai hộ sẽ đậu thai, mang thai 9 tháng 10 ngày. Tất cả bệnh lý, sinh lý của người mang thai hộ sẽ diễn ra như một người mang thai tự nhiên. Do vậy, có thể nói chi phí cho việc mang thai hộ không hề tốn kém. Chính vì thiếu hiểu biết, thiếu thông tin mà nhiều người có nhu cầu đã vô tình tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng để thực hiện hành vi “mang thai hộ vì mục đích thương mại”.
Một vị lãnh đạo của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia chia sẻ: Từ chính những câu chuyện thương tâm, những mảnh đời thiếu sót mà ông đã chứng kiến, thì thật ra Nghị định 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ ký ngày 28.1.2015 đã là quá khắt khe rồi. Việc thắt chặt ở đây không phải là thắt chặt thêm điều khoản trong của nghị định mà là vấn đề cần truyền thông mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao hiểu biết của người dân, những người thực sự cần đến kỹ thuật này hiểu được và có thể tiếp cận theo đúng mục đích nhân đạo của nghị định.
Rất nhiều biến tướng
“Nói về mặt chuyên môn, nghị định được ban hành đã thể hiện tinh thần nhân văn rất lớn. Như có những người bẩm sinh không có tử cung, tử cung nhi tính (có những rất nhỏ), những người có tử cung hở đoạn eo (mang thai được nhưng thai 20 tuần chắc chắn sẽ sảy, không thể giữ được thai) và những người này chắc chắn phải nhờ mang thai hộ. Vì họ không thể mang thai được. Nhưng cũng còn rất nhiều bất cập của nghị định khi những người này không có người ngang hàng để mang thai hộ. Họ đến bệnh viện rồi ra về trong tuyệt vọng! Và những người đã có 1 con, rồi vì bệnh lý, vì tai nạn họ phải cắt bỏ tử cung. Thực tế trong cuộc sống, 1 con là rất “mong manh”, rồi thậm chí “có nếp còn muốn có tẻ”… Hoặc khi vợ có tuổi không thể lấy trứng được nữa theo đúng nghị định, các trường hợp này chắc chắn sẽ bị loại khi nộp hồ sơ. Nhưng có rất nhiều biến tướng từ nhu cầu mang thai hộ, thay vì mục đích nhân đạo, họ đang “mang thai hộ vì mục đích thương mại” dẫn đến tranh chấp về trứng, tinh trùng, phôi rồi kể cả tranh chấp về đứa bé sau này. Thêm một điểm bất cập nữa của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ban hành ngày 15.7.2020 là mức phạt hành chính 5-10 triệu đồng thì thật sự là quá thấp, chưa đủ tính răn đe bởi thực tế lợi nhuận của việc thực hiện “mang thai hộ” mang lại hiện nay là quá lớn” – một bác sĩ thuộc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia chia sẻ với Báo Lao Động.