Xâm hại trẻ em là gì? Các quy định về hành vi xâm hại trẻ em?
Xâm hại trẻ em là gì? Các quy định của pháp luật về hành vi xâm hại trẻ em? Như thế nào thì được coi là hành vi xâm hại trẻ em?
Xâm hại trẻ em là gì? Trẻ em có những quyền lợi gì? Quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em? Xâm hại trẻ em sẽ bị xử phạt như thế nào?
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài trực tuyến 24/7: 1900.6568
1. Xâm hại trẻ em là gì?
Xâm hại trẻ em là bất cứ hành động (hoặc không nhất thiết là hành động) có chủ ý và làm tổn thương hoặc gây nguy hại cho trẻ.
Hàng ngày, trên thế giới có hàng triệu trẻ em bị xâm hại dưới các hình thức khác nhau. Xâm hại trẻ em xảy ra ở mọi quốc gia.
Các hình thức xâm hại:
Có bốn hình thức chính của xâm hại trẻ em. Trẻ em thường bị xâm hại dưới nhiều hình thức khác nhau, trong cùng một thời điểm.
– Thể chất;
– Tình dục;
– Tinh thần;
– Xao nhãng.
Ảnh hưởng của xâm hại trẻ em
Xâm hại trẻ em gây ra những tổn thương nghiêm trọng và lâu dài cả về thể chất và tâm lý đối với nạn nhân trẻ em. Những hậu quả của xâm hại trẻ em cũng ảnh hưởng đến gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Trẻ em không bao giờ có lỗi trong việc bị xâm hại, ngay cả khi việc này làm ảnh hưởng tới gia đình và cộng đồng.
Xâm hại tình dục trẻ em hiện đang là một vấn đề đáng lo ngại đối với đại bộ phận những người làm cha làm mẹ có con nhỏ. Gần đây xuất hiện rất nhiều vụ việc liên quan đến hành vi xâm hại tình dục đối với những bé gái nhỏ. Những kẻ biến thái đã lợi dụng sự ngây thơ, khờ dại của các bé để thực hiện hành vi đồi bại, gây ảnh hưởng rất xấu đến đời sống tinh thần của các cháu.
Xâm hại tình dục trẻ em thể hiện qua các hành vi như: Hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em, dâm ô với trẻ em… Các tội phạm này đều có đặc điểm chung là xâm phạm đến sức khỏe, sự phát triển bình thường về sinh lý, thể chất, danh dự, phẩm giá, đồng thời xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về tình dục của trẻ em. Trong nhiều trường hợp, xâm hại tình dục trẻ em còn gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội.
Nhiều vụ việc đã để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, khiến trẻ em giảm sút sức khỏe, suy nhược thần kinh, hoảng sợ, bỏ học… ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lý một cách bình thường của trẻ.
Trong từng trường hợp phạm tội, tùy thuộc vào hành vi phạm tội cụ thể, tương ứng với mỗi tội danh mà Bộ luật Hình sự nước ta quy định mức hình phạt khác nhau: thấp nhất từ 6 tháng đến 3 năm tù (tội dâm ô với trẻ em – Điều 116), cao nhất có thể lên đến tù chung thân (tội cưỡng dâm trẻ em – Điều 114) hoặc tử hình (tội hiếp dâm trẻ em – Điều 112).
Để đấu tranh phòng ngừa và hạn chế loại tội phạm này một cách hiệu quả, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Người lớn cũng cần trang bị cho trẻ kiến thức và ý thức tự bảo vệ mình.
Căn cứ vào Điều 4 Luật trẻ em 2016, định nghĩa xâm hại tình trẻ em là “việc dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, đe doạ dùng vũ lực, dùng bạo lực để bắt trẻ em tham gia vào hành vi liên quan đến tình dục.”
Ví dụ: Sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm và mại dâm hay hiếp dâm, giao cấu và cưỡng dâm.
Ấu dâm là gì? Là bản năng và ham muốn tình dục lâu dài và liên tục đối với trẻ em chưa đến tuổi thanh niên. Ấu dâm là một bệnh lý (tâm lý học) mà các đối tượng sẽ lạm dụng tình dục trẻ em để thỏa mãn ham muốn.
2. Các quy định pháp luật về hành vi xâm hại trẻ em:
Có 2 văn bản quy định như sau:
Luật trẻ em và các văn bản liên quan
Luật trẻ em năm 2016, sửa đổi bổ sung năm 2018 đã đưa ra khái niệm xâm hại tình dục trẻ em tại Điều 4, điểm 8:
“ Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức”.
Xâm hại tình dục trẻ em là một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại mục 3 Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm:
“3. Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em”.
Điều 25. Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục quy định rõ:
“Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục”.
Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em, trong đó nêu rõ tại:
“Điều 13. Trẻ em bị xâm hại tình dục
1. Trẻ em bị hiếp dâm.
2. Trẻ em bị cưỡng dâm.
3. Trẻ em bị giao cấu.
4. Trẻ em bị dâm ô.
5. Trẻ em bị sử dụng vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức”.
Các trường hợp trẻ em nêu trên “được tham gia vào các vấn đề về trẻ em và được bảo vệ”
Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em
Các tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 tại Chương XIV: Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người) gồm 5 điều luật cụ thể sau:
– Điều 142 – Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi;
– Điều 144 – Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
– Điều 145 – Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi;
– Điều 146 – Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi;
– Điều 147 – Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.
Trong đó, người phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể phải chịu mức án cao nhất là chung thân hoặc tử hình.
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi 2017 so với Bộ luật hình sự năm 2003 đã cụ thể hoá một số khái niệm: “Người đã thành niên” được thay bằng “người đủ 18 tuổi trở lên”; “nhiều người” được thay bằng “từ 02 người trở lên”; “nhiều lần” được thay bằng “từ 02 lần trở lên”; “gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật..” được thay bằng “gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật…”.
Trong Bộ luật hình sự năm 2015, khái niệm “hiếp dâm trẻ em” được thay bằng “dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ” hoặc “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi”. Theo đó, khái niệm “cưỡng dâm trẻ em”, “giao cấu với trẻ em”, “dâm ô với trẻ em” cũng được đưa ra khái niệm cụ thể để đảm bảo tính thống nhất trong cách hiểu và quá trình áp dụng của các cơ quan có thẩm quyền.
3. Như thế nào thì được coi là hành vi xâm hại trẻ em?
Các hành vi sau đây bị coi là hành vi xâm hại tình dục trẻ em:
1. Hành vi hiếp dâm trẻ em: hành vi hiếp dâm là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ. Đối với nạn nhân là trẻ em chưa đủ 13 tuổi thì mọi trường hợp giao cấu với những trẻ em này (dù nạn nhân có đồng ý hay không đồng ý) đều bị coi là hành vi hiếp dâm trẻ em. Mọi hành vi hiếp dâm trẻ em đều bị pháp luật hình sự xử lý nghiêm khắc, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi 2017. Người phạm tội có thể bị phạt tù có thời hạn từ 7 năm đến 10 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Hành vi cưỡng dâm trẻ em: hành vi cưỡng dâm là hành vi dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu. Hành vi cưỡng dâm trẻ em cũng bị pháp luật hình sự xử lý nghiêm khắc. Điều 114 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định người nào cưỡng dâm trẻ em có thể bị phạt tù có thời hạn từ 5 đến 20 năm hoặc tù chung thân;
3. Hành vi giao cấu với người chưa thành niên từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi:
Điều 115 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định, người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi ( khác với trường hợp hiếp dâm hoặc cưỡng dâm, trong trường hợp này nạn nhân không bị ép buộc, cưỡng ép), thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm, trong trường hợp nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù từ 3 đến 10 năm hoặc từ 7 đến 15 năm.
4. Hành vi dâm ô với trẻ em: được hiểu là hành vi sinh hoạt tình dục dưới dưới các dạng khác nhau nhưng không phải ở dạng hành vi giao cấu (như hành vi kích thích, khêu gợi nhu cầu tình dục….). Hành vi dâm ô với trẻ em cũng bị xử lý hình sự, Điều 114 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định người nào đã thành niên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, trong trường hợp nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù từ 3 đến 7 năm hoặc từ 7 đến 20 năm.
5. Ngoài ra, các hành vi sau cũng đều bị coi là hành vi xâm hại tình dục trẻ em như: dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc lợi ích khác để dụ dỗ, lôi kéo trẻ em hoạt động mại dâm; dùng thủ đoạn nói dối, gian lận để trẻ em hoạt động mại dâm; dẫn, chỉ dẫn, môi giới, tổ chức xúi giục trẻ em hoạt động mại dâm; che giấu, cho thuê, mượn hoặc bố trí nơi để trẻ em hoạt động mại dâm; dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng uy quyền để ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm; cho trẻ em tiếp xúc với văn hóa phẩm, sản phẩm có nội dung khiêu dâm hoặc tác động vào cơ thể trẻ em nhằm kích động tình dục trẻ em…
Kết luận: Để bảo vệ chính con em mình, gia đình cần có sự quan tâm nhất định đến các cháu, thường xuyên hỏi han các cháu, chú ý đến những biểu hiện nhỏ nhất của các cháu. Nếu phát hiện các cháu có dấu hiệu bất thường nào về tâm sinh lý, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, động viên chia sẻ với các cháu để tránh tình trạng các cháu sợ hãi, không dám nói sự thật với người khác. Hãy đưa tay về phía các con, nắm lấy bàn tay các con trước để các con có điểm tựa vượt qua mọi sợ hãi.