Xác định rõ khái niệm nhà đầu tư nước ngoài

Đầu tư nước ngoài là kết quả tất yếu của xu thế hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay. Tuy nhiên, ở nước ta, khái niệm nhà đầu tư nước ngoài hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa rõ ràng và đang gây cản trở.

Bắt đầu bằng trường hợp của Công ty CP Hóa – Dược phẩm Mekophar vào năm 2012. Công ty này không được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho phép đăng ký ngành bán buôn, bán lẻ dược phẩm. Lý do, đây là danh mục kinh doanh cấm doanh nghiệp ngoại trong khi Mekorphar có cổ đông ngoại nắm 4,7% vốn điều lệ – theo quy định hiện hành là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Không còn cách nào khác, HĐQT của Công ty buộc phải xin ý kiến cổ đông về việc hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán với hy vọng sẽ đẩy cổ đông ngoại ra khỏi Công ty, tái cơ cấu cổ đông và xin giấy phép đăng ký kinh doanh. Điều đáng nói là, cũng trong tình thế tương tự, nhưng nhiều doanh nghiệp cùng ngành dược phẩm, khi đi làm thủ tục ở các địa phương khác lại vẫn nhận được sự cho phép từ các cơ quan có thẩm quyền.

Nguyên nhân dẫn tới vướng mắc kinh điển nói trên là sự không rõ ràng về khái niệm nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Đầu tư cũng như các văn bản hướng dẫn. Điều này đã hạn chế đáng kể sức hấp dẫn trong các quy định thông thoáng của Luật Đầu tư về điều kiện và thủ tục đầu tư

Việc xác định khái niệm thống nhất nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là rất quan trọng khi sửa đổi Luật Đầu tư. Về tỷ lệ sở hữu vốn, đang có hai lựa chọn. Một là, đồng nhất mọi chủ thể bao gồm tổ chức, cá nhân có vốn nước ngoài chiếm trên 50% là nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc phiếu chiếm đa số quá bán (>50%) là phiếu có quyền quyết định đối với phần lớn hoạt động của doanh nghiệp. Hai là, cho dù có tỷ lệ sở hữu của phía nước ngoài là bao nhiêu thì các doanh nghiệp được thành lập ở nước ta sẽ được coi là doanh nghiệp trong nước. Thư ký Tổ thường trực Ban Soạn thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp Phan Đức Hiếu cho rằng: với lựa chọn thứ hai, sự khác biệt trong thủ tục đầu tư giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không còn. Sự phân biệt còn lại lúc này chỉ thực sự được áp dụng khi doanh nghiệp đã thành lập bắt đầu triển khai các hoạt động kinh doanh, thực hiện thương quyền của mình với các hoạt động đầu tư cụ thể hay nói đơn giản hơn là tùy thuộc vào từng ngành nghề, từng chính sách cụ thể.

Về trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thế hệ thứ 2 trở đi, hay nói cách khác là các trường hợp nhà đầu tư là doanh nghiệp liên doanh có một phần vốn trong nước và một phần vốn nước ngoài cùng với chủ thể khác hình thành một doanh nghiệp liên doanh thế hệ thứ 2 và cứ thế tiếp theo. Về mặt pháp lý và nguyên lý kinh tế, khi doanh nghiệp liên doanh thế hệ 1 đem vốn đi kinh doanh, đầu tư bao gồm cả việc thành lập một doanh nghiệp con sẽ không thể, không được phân định rạch ròi đâu là phần vốn trong nước và phần vốn nước ngoài vì phần vốn lúc này đơn giản chỉ được công nhận chung là vốn của doanh nghiệp thế hệ 1. Trong các trường hợp này, chỉ có thể sử dụng phương pháp xác định suy đoán: nếu một chủ thể đã được xác định là nhà đầu tư nước ngoài (có trên 50% vốn nước ngoài) thì toàn bộ các hành vi sau đó của chủ thể này bao gồm cả việc đi đầu tư thành lập một doanh nghiệp con sẽ được xem là hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài thuần túy và phần vốn mà nhà đầu tư này sử dụng để kinh doanh, đầu tư bao gồm cả đầu tư thành lập doanh nghiệp mới đều được xem là vốn đầu tư nước ngoài toàn bộ. Và ngược lại, nếu một chủ thể đã được xác định là nhà đầu tư trong nước (có trên 50% vốn trong nước) thì khi đi kinh doanh, đầu tư, mọi loại vốn mà chủ thể này bỏ ra sẽ được xem là vốn trong nước. Cứ như vậy cho tất cả các trường hợp đầu tư, sở hữu chéo tiếp sau. Cách thức định nghĩa suy đoán này cho phép xử lý hoàn toàn vấn đề hạn chế quyền kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài, theo đó mọi nhà đầu tư nước ngoài khi đi đầu tư đều là chủ thể thế hệ 1.

Thêm nữa, bên cạnh khái niệm nhà đầu tư nước ngoài, cần có khái niệm quốc tịch nước ngoài để xác định các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, cá nhân có quốc tịch một nước ngoài cụ thể. Bởi khái niệm này là cần thiết trong trường hợp cam kết mở cửa thị trường trong một số ngành, lĩnh vực không áp dụng chung với mọi nhà đầu tư nước ngoài mà áp dụng riêng cho nhà đầu tư nước ngoài mang quốc tịch một nước đối tác nhất định. Trong trường hợp cá nhân nước ngoài có 2 quốc tịch trở lên, trong đó có quốc tịch Việt Nam thì phải có quy định rõ để cơ quan quản lý có cơ sở xác định là nhà đầu từ trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư ở nước ta.        

 

Theo dbnd