Xác định khoảng cách, mật độ trồng hoa lay ơn, chọn và xử lý củ giống trước khi trồng

1. Xác định khoảng cách, mật độ trồng hoa lay ơn

1.1. Cơ sở xác định khoảng cách, mật độ trồng cây hoa lay ơn

Mỗi một loại cây trồng, yêu cầu trồng ở một mật độ nhất định mới sinh trưởng, phát triển thuận lợi cho năng suất và chất lượng cao.

Khoảng cách trồng rất quan trọng nếu trồng dày quá cây sẽ vống, yếu và cành hoa dễ gãy. Trồng thưa sẽ tốn nhiều diện tích.

Việc xác định mật độ trồng phải căn cứ vào:

– Giống hoa lay ơn: Với các giống cây to, cao thì nên trồng thưa, giống cây nhỏ thấp thì trồng dày

– Kích thước củ giống: Tùy vào kích cở củ giống mà khoảng cách trồng khác nhau. kích thước củ nhỏ trồng dày, kích thước củ lớn trồng thưa

– Điều kiện thời tiết: Vụ Xuân và vụ Thu ánh sáng đầy đủ có thể trồng dày hơn, vụ Đông ánh sáng yếu thì trồng thưa hơn.

– Độ phì nhiêu của đất, địa hình: Đất tốt trồng thưa, đất xấu trồng dày. Địa hình dốc trồng dày.

– Khả năng đấu tư khả năng đầu tư cao thì trồng hoa lay ơn với mật độ cao

1.2. Mật độ trồng của một số giống hoa lay ơn

– Hàng cách hàng: 20-30cm. Cây cách cây 10-20cm

– Mật độ trồng khoảng 250.000 – 300.000 củ/ha

Bảng 1. Mật độ trồng hoa layơn theo kích thước củ

Chu vi củ (cm)

Số củ/m2

6-8

70-80

8-10

60-70

10-12

50-60

12-14

40-50

>14

30-40

Mật độ trồng hoa lay ơn

Hình 1. Khoảng cách, mật độ trồng hoa lay ơn

2. Chuẩn bị củ giống hoa lay ơn

2.1. Chọn củ giống lay ơn

Tiêu chuẩn củ giống

– Củ giống có nguồn gốc rõ ràng

– Củ giống không bị sâu bệnh, không bị xây xát, củ tròn và dày

– Chọn củ giống đồng đều về kích thước, màu sắc. Kích thước củ thích hợp nhất là 10-12cm và 12-14cm

– Củ giống trước khi trồng phải được phá vỡ tính miên trạng (phá ngủ) bằng cách xử lý nhiệt độ lạnh từ 2-3oC trong vòng 20 ngày hay xử lý bằng ethylen.

Chú ý

Có thể dùng củ giống đã nãy mầm hoặc củ giống chưa nãy mầm để trồng tùy thuộc vào tập quán và điều kiện cụ thể ở từng vùng .

 

Củ giống hoa lay ơn

Hình 2. Củ giống hoa lay ơn

2.2. Xử lý củ giống lay ơn

Mục đích xử lý củ giống là để diệt trừ nấm bệnh

Việc xử lý củ giống trước khi trồng là một việc làm rất quan trọng. Củ giống sau khi thu hoạch được bảo quản một thời gian dài, trong quá trình bảo quản có thể bị một số loại nấm phát triển gây hại.

Nếu không xử lý thì sau khi trồng gặp điều kiện thuận lợi thì nấm bệnh sẽ phát triển, ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển và giá trị thẩm mỹ của cây hoa.

Một số loại dung dịch thuốc dùng để xử lý củ giống

Củ giống được xử lý trước khi trồng bằng: Iprodione (Rovral), Mancozeb (Dithane), Topsin, Ridomil…

Thuốc xử lý nấm hoa lay ơn

Hình 3. Thuốc xử lý nấm bệnh

Phương pháp xử lý

– Chuẩn bị dụng cụ pha thuốc:

+  Xô, chậu để đựng dung dịch nước và thuốc que khuấy;

+  Dụng cụ bảo hộ lao động gồm găng tay, khẩu trang

– Pha thuốc

+ Tính toán lượng thuốc cần để pha theo nồng độ hướng dẫn sử dụng trên bao bì.

+ Pha đủ lượng dung dịch thuốc để đủ ngâm củ giống. – Ngâm củ giống

+ Cho toàn bộ củ giống ngập trong dung dịch thuốc.

+  Ngâm củ giống từ 10-15 phút – Vớt củ giống

+  Sau khi đã ngâm củ giống đủ thời gian vớt củ giống ra cho vào rỗ hoặc khay

+ Để ráo nước thuốc mới đem trồng

Củ lay ơn giống sau khi xử lý

Hình 4. Củ giống sau khi xử lý và đễ ráo

Nguồn: Giáo trình nghề trồng hoa huệ, lay ơn – Bộ NN&PT NT