Xã là gì ? Cách phân loại, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của chính quyền hành chính xã ?

Xã là tên gọi chung của các đơn vị hành chính thuộc cấp thấp nhất ở khu vực nông thôn, ngoại thành, ngoại thị của Việt Nam hiện nay. Xã thuộc đơn vị hành chính cấp xã theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015. Bài viết xoay quanh vấn đề về xã, cách phân loại đơn vị hành chính xã, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của chính quyền xã.

1. Xã là gì ?

Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định:

“Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:

1. Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);

2. Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);

3. Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã);

4. Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

3. Đơn vị hành chính được phân loại như sau:

a) Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt; các đơn vị hành chính cấp tỉnh còn lại được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;

b) Đơn vị hành chính cấp huyện được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;

c) Đơn vị hành chính cấp xã được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III.”

Như vậy, Xã là tên gọi chung của các đơn vị hành chính thuộc cấp thấp nhất ở khu vực nông thôn, ngoại thành, ngoại thị của Việt Nam hiện nay.

Thuật ngữ đơn vị hành chính cấp xã được dùng để chỉ toàn bộ cấp đơn vị hành chính thấp nhất của Việt Nam, nghĩa là bao gồm cả xã, phường và thị trấn.

2. Tiêu chuẩn của xã ở đơn vị hành chính nông thôn

Theo Điều 3 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 quy định

“Điều 3. Tiêu chuẩn của xã

1. Quy mô dân số:

a) Xã miền núi, vùng cao từ 5.000 người trở lên;

b) Xã không thuộc điểm a khoản này từ 8.000 người trở lên.

2. Diện tích tự nhiên:

a) Xã miền núi, vùng cao từ 50 km2 trở lên;

b) Xã không thuộc điểm a khoản này từ 30 km2 trở lên.”

Như vậy, tiêu chuẩn của xã ở đơn vị hành chính nông thôn được quy định về quy mô dân số với xã miền núi, vùng cao là 5000 người trở lên còn xã không phải miền núi là 8000 người trở lên. Về diện tích tự nhiên, đối với xã miền núi, vùng cao là 50 km2 trở lên; các trường hợp còn lại là 30 km2 trở lên.

3. Đơn vị hành chính xã được phân loại bằng cách nào?

Căn cứ Điều 14 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 quy định:

“Điều 14. Tiêu chuẩn phân loại và cách tính điểm phân loại đơn vị hành chính xã

1. Quy mô dân số:

a) Xã từ 3.500 người trở xuống được tính 10 điểm; trên 3.500 người thì cứ thêm 100 người được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 35 điểm;

b) Xã miền núi, vùng cao áp dụng mức 75% quy định tại điểm a khoản này;

c) Xã có đường biên giới quốc gia trên đất liền áp dụng mức 30% quy định tại điểm a khoản này.

2. Diện tích tự nhiên từ 10 km2 trở xuống được tính 10 điểm; trên 10 km2 thì cứ thêm 0,5 km2 được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 30 điểm.

3. Trình độ phát triển kinh tế – xã hội:

a) Tự cân đối được thu, chi ngân sách địa phương được tính 10 điểm.

Trường hợp chưa tự cân đối được thu, chi ngân sách địa phương, nếu số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 30% trở xuống được tính 3 điểm; trên 30% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 8 điểm;

b) Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới được tính 20 điểm.

Trường hợp xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nếu đạt được tiêu chí nào trong hệ thống các tiêu chí quy định chuẩn nông thôn mới thì mỗi tiêu chí được tính 1 điểm nhưng tổng số điểm các tiêu chí tối đa không quá 15 điểm;

c) Xã có đường biên giới quốc gia trên đất liền áp dụng mức 30% quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

4. Các yếu tố đặc thù:

a) Có từ 20% đến 30% dân số là người dân tộc thiểu số được tính 1 điểm; trên 30% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm;

b) Xã đặc biệt khó khăn được tính 1 điểm;

c) Xã an toàn khu được tính 1 điểm;

d) Có di tích quốc gia đặc biệt hoặc có di sản được UNESCO công nhận được tính 1 điểm.”

Để phân loại đơn vị hành chính xã thuộc loại I, II, III, theo điều 23 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về khung điểm phân loại đơn vị hành chính quy định:

– Điểm phân loại đơn vị hành chính là tổng số điểm đạt được của các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, trình độ phát triển kinh tế – xã hội và các yếu tố đặc thù của đơn vị hành chính đó. Tổng số điểm tối đa của các tiêu chí là 100 điểm.

– Đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được phân loại I khi có tổng số điểm đạt được từ 75 điểm trở lên.

– Đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được phân loại II khi có tổng số điểm đạt được từ 50 điểm đến dưới 75 điểm.

– Đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã không đạt khung điểm xác định loại I, loại II thì được phân loại III.”

4. Cơ quan nào có thẩm quyền phân loại đơn vị hành chính cấp xã?

Căn cứ Điều 24 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 quy định:

“Điều 24. Thẩm quyền quyết định phân loại đơn vị hành chính

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I, loại II và loại III.

2. Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định công nhận phân loại đơn vị hành chính cấp huyện loại I, loại II và loại III.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận phân loại đơn vị hành chính cấp xã loại I, loại II và loại III.”

Như vậy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có quyền quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã.

5. Hồ sơ phân loại đơn vị hành chính cần những giấy tờ nào?

Căn cứ Khoản 1 Điều 25 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 quy định:

– Hồ sơ phân loại đơn vị hành chính gồm:

+ Tờ trình của Ủy ban nhân dân;

+ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với việc phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện đối với việc phân loại đơn vị hành chính cấp huyện hoặc nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã đối với việc phân loại đơn vị hành chính cấp xã;

+ Báo cáo thuyết trình đánh giá các tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính;

+ Bảng thống kê số liệu tiêu chuẩn làm cơ sở xác định các tiêu chuẩn;

+ Bản đồ xác định vị trí đơn vị hành chính được phân loại;

+ Các văn bản của cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc xác nhận về tiêu chuẩn của yếu tố đặc thù.

– Kinh phân loại hành chính: Số liệu đánh giá các tiêu chuẩn của phân loại đơn vị hành chính phải tính đến ngày 31 tháng 12 của năm trước liền kề với năm gửi cơ quan thẩm định hồ sơ và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp hoặc công bố.

Tiêu chuẩn thu, chi ngân sách địa phương và tốc độ tăng trưởng kinh tế được tính bình quân 3 năm gần nhất trước liền kề với năm gửi cơ quan thẩm định hồ sơ.

Kinh phí phân loại đơn vị hành chính do ngân sách nhà nước bảo đảm.

6. Trình tự, thủ tục phân loại đơn vị hành chính cấp xã được thực hiện như thế nào?

Theo Điều 28 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 quy định:

“Điều 28. Trình tự, thủ tục phân loại đơn vị hành chính cấp xã

1. Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ phân loại đơn vị hành chính cấp mình, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, thông qua, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.

2. Phòng Nội vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra hồ sơ của Ủy ban nhân dân cấp xã; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi Sở Nội vụ hồ sơ phân loại đơn vị hành chính cấp xã theo quy định tại khoản 1 Điều 25 của Nghị quyết này.

4. Sở Nội vụ phải tổ chức thẩm định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phân loại đơn vị hành chính cấp xã.

5. Sở Nội vụ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có kết quả thẩm định.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định, phân loại đơn vị hành chính cấp xã trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Nội vụ.”

7. Chính quyền địa phương xã bao gồm cơ quan nào?

Theo Điều 30 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định:

“Điều 30. Chính quyền địa phương ở xã

Chính quyền địa phương ở xã là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân xã và Ủy ban nhân dân xã.”

7.1. Hội đồng nhân dân xã

Điều 32 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định

“1. Hội đồng nhân dân xã gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở xã bầu ra.

Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân xã được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

a) Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ hai nghìn dân trở xuống được bầu mười lăm đại biểu;

b) Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có trên hai nghìn dân đến dưới ba nghìn dân được bầu mười chín đại biểu;

c) Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ ba nghìn dân đến bốn nghìn dân được bầu hai mươi mốt đại biểu; có trên bốn nghìn dân thì cứ thêm một nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi đại biểu;

d) Xã không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này có từ năm nghìn dân trở xuống được bầu hai mươi lăm đại biểu; có trên năm nghìn dân thì cứ thêm hai nghìn năm trăm dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi đại biểu.”

“Điều 33. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân xã

1. Ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân xã.

2. Quyết định biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn xã.

3. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân xã; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các Ủy viên Ủy ban nhân dân xã.

4. Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách xã; điều chỉnh dự toán ngân sách xã trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách xã. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của xã trong phạm vi được phân quyền.

5. Giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã; giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp, Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp.

6. Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân xã bầu theo quy định tại Điều 88 và Điều 89 của Luật này.

7. Bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân xã và chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân xã xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu.

8. Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.”

7.2. Uỷ ban nhân dân xã

Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định

“Điều 34. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân xã

Ủy ban nhân dân xã gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an.

Ủy ban nhân dân xã loại I, loại II có không quá hai Phó Chủ tịch; xã loại III có một Phó Chủ tịch.”.

“Điều 35. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân xã

1. Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân xã quyết định các nội dung quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 33 của Luật này và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã.

2. Tổ chức thực hiện ngân sách địa phương.

3. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân xã.”

Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)