Xã hội đen Hàn Quốc được hợp pháp hoá?

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu chính sách hình sự của Hàn Quốc, thì trung bình mỗi tổ chức xã hội đen ở Hàn Quốc đều có chân trong 4 lĩnh vực hoạt động kinh tế khác nhau, thu nhập hàng năm của các tổ chức này vượt qua 1 tỉ won.

Ngày 14/4, ông trùm thuộc băng phái “Thất tinh” (Bảy ngôi sao) lớn nhất của Hàn Quốc tại Pusan đã tổ chức lễ cưới cho con trai mình, tất cả các phần tử xã hội đen từ khắp các nơi của Hàn Quốc đều kéo đến chúc mừng ngày đại hỷ của cậu quý tử ông trùm.

Lễ cưới được tổ chức tại nhà hàng Lotte, nhà hàng nổi tiếng và sang trọng bậc nhất, tại đây diễn ra giống như một cảnh trong lễ cưới con gái của ông trùm trong phim “Bố già”.

Có một điều lạ là, nhằm ngăn chặn xảy ra xung đột bạo lực giữa các băng nhóm xã hội đen trong lễ cưới, Cảnh sát Hàn Quốc còn cử đến đây rất nhiều nhân viên để bảo vệ cho lễ cưới được diễn ra suôn sẻ.

Không gian sinh tồn ngày càng bị thu hẹp

Những nhân vật xã hội đen này hầu hết đều đã từng “vào tù ra tội”, thế nhưng nếu như họ không tái phạm, làm ăn hợp pháp thì cảnh sát cũng chỉ theo dõi sát sao họ mà thôi. Kết quả là tình trạng phạm tội bạo lực giảm đi, và nhìn chung các hoạt động xã hội đen cũng ngày một ít đi (?).

Mặc dù hiện nay, một số băng nhóm xã hội đen của Hàn Quốc cũng thi thoảng tiến hành hoạt động phạm pháp, thế nhưng hầu hết chỉ dừng lại ở mức đe dọa miệng, rất ít băng nhóm tiến hành bạo lực trực tiếp.

Hơn nữa, từ trước đến nay, xã hội đen Hàn Quốc không bao giờ làm ăn dính dáng đến ma túy. Điều này đã khiến cho xã hội đen của một số quốc gia thâm nhập vào mảnh đất màu mỡ này và liên kết lại với nhau để chèn ép, chặn đường làm ăn của xã hội đen Hàn Quốc.

Các ông trùm về làm ăn lương thiện

Những năm 70-80 của thế kỷ trước, xã hội đen Hàn Quốc nổi lên như một thế lực cực kỳ nguy hiểm, các vụ đâm chém diễn ra thường xuyên tại những nơi đầu đường xó chợ. Thế nhưng, sau một thời gian bị Chính phủ Hàn Quốc thẳng tay trấn áp, thế lực xã hội đen của Hàn Quốc đã không còn lớn mạnh như trước nữa.

Theo tư liệu điều tra của Nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc Jin-chang, trong số hơn 20.000 thành viên các băng đảng xã hội đen đã từng bị bắt và chịu sự trừng phạt của pháp luật, hầu hết khi ra tù đều hối cải, làm ăn lương thiện. Đến nay, vẫn còn 1.170 người đang bị tù giam, trong đó có 133 tên là “ông trùm” của các băng đảng.

Tình trạng có quá nhiều ông trùm đang phải ngồi trong nhà đá đã khiến cho các băng nhóm xã hội đen ở Hàn Quốc có muốn mở rộng ảnh hưởng của mình cũng rất khó khăn. Hiện tại, tại Hàn Quốc vẫn còn khoảng 213 tổ chức tội phạm với số thành viên lên đến hơn 5.000 người.

Trong lịch sử xã hội đen Hàn Quốc, Kim Tai-chun là một nhân vật có ảnh hưởng mạnh nhất, y nổi tiếng với các chiến tích đẫm máu của mình từ những năm 80 của thế kỷ trước. Từ một tên lưu manh không mấy tên tuổi ở Kousiyuu, hắn đã dần “leo” lên đến chức “ông trùm” bang “Western faction”. Cuối cùng, bằng “uy tín” của mình trong giới giang hồ, y đã được đàn em tôn lên làm “ông trùm của những ông trùm” tại Hàn Quốc.

Năm 1975, khi mới 25 tuổi, y gia nhập tổ chức xã hội đen ở bang Kwangju Hàn Quốc mang tên “Phái phương Tây” (Western faction). Sau đó hai năm, chính “sự kiện derogation” xảy ra tại một nhà hàng Triều Tiên đã làm cho tên tuổi của Kim Tai-chun nhanh chóng được giới giang hồ nước này tôn lên làm “đại ca”.

Năm 1986, Kim Tai-chun từng bị kết án 5 năm tù, sau đó y được thả tự do trước thời hạn vì lý do bệnh tật. Ra tù y vẫn “ngựa quen đường cũ” và đến năm 1990 y lại phải vào tù do đã thành lập tổ chức “Hội tân hữu” (New Friends). Trong tù, y đột nhiên sùng bái đạo Cơ Đốc.

Khi ra tù vào tháng 6 năm ngoái, y đã trở thành một con chiên ngoan đạo của Cơ Đốc giáo, chỉ trong vòng 1 tháng ngắn ngủi, y đã đi truyền giáo khắp Hàn Quốc, Nhật Bản và Canada, cùng với các giáo đồ đi phân phát thực phẩm miễn phí. Hành động này của y thật sự là một cú sốc “mang tính hủy diệt” đối với các băng nhóm xã hội đen Hàn Quốc.

Thâm nhập vào các nghành nghề hợp pháp

Các hoạt động kinh doanh truyền thống của xã hội đen Hàn Quốc trước đây là cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, mở sòng bạc, bảo kê cho các cửa hàng khác nhau. Thế nhưng, hiện nay, hoạt động của chúng đã bắt đầu nhen nhóm vào các dịch vụ vui chơi giải trí như quán bar, điện ảnh… đồng thời, chúng còn cho tay chân của mình vào thâu tóm và kiểm soát các hoạt động xây dựng, bất động sản, điện ảnh, MC…

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu chính sách hình sự của Hàn Quốc, thì trung bình mỗi tổ chức xã hội đen ở Hàn Quốc đều có chân trong 4 lĩnh vực hoạt động kinh tế khác nhau, thu nhập hàng năm của các tổ chức này vượt qua 1 tỉ won.

Thu nhập hàng tháng của mỗi thành viên “cấp thấp” trong các tổ chức này dao động từ 1 đến 3 triệu won, các thành viên “cấp trung” khoảng 3-5 triệu won. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nó đã trở thành một nghề “rất có tiền đồ”, nếu như chúng có thể duy trì lâu dài được các hoạt động tội phạm của mình.

Hàn Quốc là nước có nhiều bộ phim về xã hội đen, thế nhưng xã hội đen trong phim ảnh khác xa xã hội đen ngoài đời thực. Kết quả điều tra của Cảnh sát Hàn Quốc đối với các phần tử xã hội đen đang bị giam giữ trong các nhà tù cho thấy, hầu hết các “ông trùm” cũ trước đây đều ngán ngẩm đối với đàn em hiện nay. Nhiều người đã phải thốt lên rằng: “Hậu bối của chúng ta đã làm mất nhuệ khí, làm mất tinh thần của xã hội đen, chỉ biết đến tiền, không có nghĩa khí, không dám vào sống ra chết, xả thân vì bằng hữu”.

Nguy hiểm sau khi hợp pháp hoá

Giới giang hồ Hàn Quốc đã từng truyền nhau câu nói, “đã là xã hội đen thực thụ thì không bao giờ được làm hại dân lành”. Điều này nghe có vẻ sự tồn tại của xã hội đen không phải là một vấn đề gì đó nghiêm trọng.

Thế nhưng, trên thực tế đây chỉ là một sự ngụy biện, bởi có thể các băng nhóm xã hội đen không sử dụng hay rất ít khi sử dụng đến các thủ đoạn bạo lực để cưỡng đoạt, nhưng chúng lại thông qua các quy tắc ảnh hưởng đến hoạt động của xã hội để thu lợi nhuận, tiếp đó là gây hại cho xã hội.

Do đó, việc hợp pháp hóa xã hội đen chỉ mang lại những mối nguy hiểm ngày càng lớn đến cho xã hội, các hoạt động tội phạm do xã hội đen gây ra cũng ngày một khó trừng trị hơn