World Cup 2022: Bóng đá châu Âu mơ nối dài sự thống trị
Cho đến tận thời điểm này, khi vòng loại World Cup các khu vực còn chưa ngã ngũ với chỉ vài đội bóng giành được suất vé chính thức lên chuyến tàu đến Qatar mùa đông 2022, bóng đá châu Âu đã cử được đến 10 đại diện tham dự vòng chung kết bao gồm những tên tuổi hàng đầu như Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Croatia, Bỉ, Đan Mạch, Serbia, Thụy Sĩ.
Tuyển Đức giành vé đầu tiên tham dự VCK World Cup 2022
Con số này cao gần gấp 3 lần so với khu vực Bắc Trung Mỹ và Caribbean (CONCACAF), nhiều hơn 5 lần so với vòng loại các khu vực châu Á và Nam Mỹ cũng như gấp 10 lần khu vực châu Phi, 20 lần so với vùng châu Đại dương. Cuộc cạnh tranh ba suất vé vớt còn lại cũng phản ánh rõ nét sự vượt trội của bóng đá cựu lục địa khi có đến 12 đội bóng phải cạnh tranh nảy lửa để không phải ngồi nhà làm khán giả tại những ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Trong số này, như đã đề cập, bao gồm cả hai nhà vô địch Euro gần nhất là Bồ Đào Nha và Ý mà chắc chắn một trong hai “ông lớn” này sẽ phải vắng mặt tại Qatar cuối năm nay.
Ronaldo và tuyển Bồ Đào Nha lo lắng với trận tranh vé vớt
Chưa bao giờ thế giới thắc mắc về mức hạn ngạch mà FIFA dành cho các đội bóng châu Âu tại sân chơi World Cup với số lượng luôn vượt trội so với các châu lục khác. Trừ lần đầu tiên tổ chức năm 1930 chỉ có 4 đội châu Âu miễn cưỡng tham dự so với 2 của Bắc Mỹ và 7 của Nam Mỹ, World Cup kể từ đó luôn là mảnh đất màu mỡ nuôi lớn tham vọng vô địch của các đại diện bóng đá cựu lục địa. Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) luôn có tiếng nói nặng ký trong việc phân chia các suất vé tham dự World Cup khi bao giờ cũng được cử từ 50% số đội trở lên ở tất cả các vòng chung kết, kể từ khi còn gói gọn ở thể thức 16 đội cho đến khi mở rộng lên 24 rồi 32 đội như hiện nay.
Pháp và Croatia thể hiện sự vượt trội của bóng đá châu Âu tại World Cup 2018
Bóng đá được xem là có nguồn gốc từ châu Âu và những giải đấu lâu đời nhất đều khởi phát từ đây khi lực lượng cầu thủ được huấn luyện bài bản, các sân chơi thường niên và thường xuyên được tổ chức chặt chẽ, khoa học. Người Nam Mỹ được đánh giá cao tố chất thể lực, lại dãi nắng dầm mưa chơi bóng theo kiểu đường phố, tự rèn luyện được kỹ thuật và tư duy phong phú nên dần trở thành đối trọng với các đồng nghiệp châu Âu.
Tốc độ, sức mạnh là chưa đủ để giúp những cầu thủ châu Phi vươn tầm
Khi các đội bóng châu Phi tự vượt lên chính mình với việc Morocco lần đầu tiên lọt vào vòng 16 đội tại World Cup 1986 rồi 4 năm sau, Cameroon lọt tới vòng tứ kết Italia’90, người ta đã mơ đến một ngày bóng đá châu Phi sẽ lên ngôi vô địch thế giới, đặc biệt sau tấm HCV bóng đá Olympic 1996 của Nigeria mà bại tướng chính là tuyển Olympic Brazil.
Bờ Biển Ngà và bóng đá châu Phi chưa tìm dược hướng đi riêng
Câu chuyện tương tự được nhìn thấy qua việc bóng đá bùng nổ trên đất Mỹ tại World Cup USA 1994 hay sự xuất hiện ngày càng nhiều của các cầu thủ Hàn Quốc, Nhật Bản tại 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu. Tuy vậy, mọi chuyện dần trở nên kém lạc quan với các nền bóng đá mới nổi qua các thống kê biết nói: Chỉ có 1 đội châu Á lọt vào được vòng 16 đội trong hai kỳ World Cup gần nhất; tại World Cup 2018, lần đầu tiên không có đội châu Phi nào vào đến vòng knock-out kể từ năm 1982 hay tuyển Mỹ thậm chí còn không giành được vé dự World Cup 2018 tại Nga.
Nhật Bản là đại diện châu Á duy nhất tại vòng 16 World Cup 2018
Các đội bóng Nam Mỹ không còn là đối trọng của những êkip hùng mạnh châu Âu. Từ World Cup 2002 trở về trước, Nam Mỹ “dẫn” châu Âu 9-8 về số lần đoạt danh hiệu vô địch thế giới. Tuy vậy, ngôi vị số một tại 4 kỳ World Cup gần nhất đều thuộc về các đội bóng châu Âu, trong đó, Argentina là đại diện Nam Mỹ duy nhất lọt vào đến trận chung kết trong vòng hai mươi năm qua! Tỉ số đối đầu giờ là 12-9 nghiêng về cựu lục địa!
Tuyển Pháp vô địch World Cup 2018
Tính trong 4 giải gần nhất kể từ năm 2006, 13/16 đội bóng vào đến vòng bán kết đều mang quốc tịch châu Âu. Giới chuyên môn cho rằng, bóng đá Nam Mỹ ngày càng mai một chất nghệ sĩ, gia tăng đáng kể tính thô bạo, vô kỷ luật. Uruguay, Chile tạm nổi lên một thời gian nhờ sự xuất hiện một “thế hệ vàng” và giờ hai đội này suy yếu dần khi dàn cầu thủ tài hoa ngày một thêm già cỗi. Ngay cả Brazil từng được ví von là một tập thể “các vũ công Samba” giờ đây cũng chơi thiên về cơ bắp chẳng khác gì các đội bóng châu Âu. Nếu trận chung kết Euro 2020 giữa Ý và Anh được xem như cuộc đối đầu đỉnh cao từ chiến thuật đồng đội đến màn trình diễn của từng cá nhân thì trận chung kết Copa America diễn ra trước đó một ngày giữa Argentina và Brazil lại gieo rắc ấn tượng cực xấu về những pha bóng thô bạo và ác ý.
Brazil vẫn là đội bóng Nam Mỹ được kỳ vọng nhất tại World Cup
Bóng đá châu Âu sẽ lại gia tăng khoảng cách với những người Nam Mỹ về số lần vô địch World Cup? Rất có thể, bởi một Brazil bất khả chiến bại ở vòng loại khu vực Nam Mỹ e khó tránh khỏi màn xa luân chiến của đông đảo các ứng viên châu Âu và dễ sa chân vào tình cảnh “mãnh hổ nan địch quần hồ”… Argentina đứng trên đôi chân của Messi và dựa dẫm vào cái bóng của siêu sao này quá lâu, khó xoay trở khi “đơn đả độc đấu” với từng đại diện châu Âu như cách họ đã thua người Đức ở trận chung kết World Cup 2014. Uruguay như đã nói, chỉ còn là cái bóng của chính mình khi hai ngôi sao Luis Suarez và Edinson Cavani đã lớn tuổi, không thể xốc dậy cả một đội bóng thiếu cá tính và mất dần bản sắc Nam Mỹ trong suốt chiến dịch vòng loại vừa qua.