Welcome To IVCE
Câu chuyện “nét người nở nang” bắt đầu qua chuyến viễn du miệt dưới của maestro Phạm Duy trong khoảng thượng tuần tháng 9 năm 2003. Chuyến đi “nhìn lại quảng đời” đã qua của Phạm Duy cũng là dịp giới thiệu nhạc Kiều – người nhạc sĩ lão thành đã dày công sáng tác trong những năm gần đây.
Một trong những khán thính giả của buổi ca nhạc hội của nhạc sĩ lão thành Phạm Duy – anh Lê Quý ở Melbourne đã gửi một i-meo cho các bạn trong cùng một diễn đàn, bày tỏ sửng sốt khi anh nghe một nữ sĩ ngâm các câu thơ quen thuộc của Kiều:
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét người nở nang
“Nét người nở nang” thay vì “nét ngài nở nang”. Và anh hứa mai mốt anh sẽ biên i-meo cho maestro Phạm Duy nhắc nhở maestro nhớ sửa chữa “nét người” trở lại thành “nét ngài” cho nó đúng.
Thế rồi anh Lê liên lạc i-meo với Bố Già, và Phạm nhạc sư đã nhanh chóng hồi âm, xác nhận những điểm sau:
· Ca sĩ đã không hát lầm “nét ngài” ra “nét người”.
· Phạm Duy cũng không giống như những người yêu truyện Kiều, thường ưa ngoan ngoãn phổ những câu thơ tuyệt vời của Nguyễn Du mà không có ý kiến riêng của mình.
· Theo Phạm Duy, nếu chấp nhận “nét ngài” như mọi người từng quen thuộc, Nguyễn Du đã tả lông mi của Thúy Vân vừa to vừa dài như hàng lông mi giả của các mỹ nữ ngày nay.
· Ngoài ra, Phạm Duy cho biết người gốc Nghệ Tĩnh (như Nguyễn Du) thường đọc chữ “người” là “ngài”. Ở đó có câu châm ngôn: tốt con ngài hơn dài tấm áo…
· Thêm vào đó, nhà nhạc sĩ lão thành cho biết trong một chuyến du lịch Trung Quốc, khi tới thăm hồ tắm Dương Quý Phi, ông được thấy pho tượng của Dương Quý Phi có vóc dáng của một người hết sức nở nang … Và từ đó nhạc sư suy luận có thể vì ngày xưa, theo con mắt mỹ thuật, người đàn bà đẹp phải là người đàn bà có da có thịt, đẫy đà, … và có thể hơi béo so với tiêu chuẩn ngày nay.
· Dựa vào những nhận xét kể trên, và qua một dịp nhận định về Truyện Kiều cùng với nhà văn Vũ Hạnh, Phạm Duy, lúc phổ Nhạc Kiều, đã cố tình sửa thành ra:
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét người nở nang”
Câu chuyện của bài viết này bắt đầu ở chỗ đó. Ở chỗ “nét người” được “táo bạo” dùng thay cho “nét ngài”. Sau đây chúng ta hãy thử phân tích hai điểm mấu chốt của vấn đề “nét người” thay cho “nét ngài” như thường gặp trong vế 20 của rất nhiều ấn bản Kiều.
(i)Có phải “Người” để chỉ “con người / người ta” ngày xưa, trước khi quốc ngữ thay thế chữ Nôm, đã được phát âm là Ngài hay chăng?
(iii)Nếu vậy, “nét ngài” thay thế bằng “nét người” có hoàn toàn được ổn thỏa, hợp tình, hợp lý, hợp nghĩa và hợp với lối dùng chữ Nôm, hoặc cái “gu” của tác giả hay không?
1.Chữ Nôm, chữ quốc ngữ và truyện Kiều
Tiếng nói của người Việt trước khoảng thế kỷ thứ 18 (năm 1700-1800) chính là tiếng Nôm. Nôm nói trại từ NAM. Tiếng Nôm là tiếng của người nước Nam. Tiếng Nôm có phát âm gần giống nhưng không giống y như tiếng Việt ngày nay. Tiếng Nôm có chữ viết gọi Chữ Nôm.
Chữ Nôm và phát âm tiếng Nôm chính nó cũng biến chuyển qua nhiều thế kỷ. Hiện nay các học giả Việt vẫn chưa xác nhận được chữ Nôm xuất hiện vào thời kỳ nào. Người ta chỉ biết chắc vài ba điểm quan trọng như sau:
(i)Chữ Nôm xuất hiện sau khi nước Nam Việt bị nhà Hán xâm chiếm và đô hộ. Có lẽ xuất hiện trong khoảng từ thế kỷ thứ 3 đến thứ 8. (Ghi chú [1])
(ii)Trong khi tiếng Nôm là tiếng nói của người nước Nam, số người biết đọc và biết viết chữ Nôm qua nhiều thế kỷ không bao giờ hơn quá 10 phần trăm của tổng dân số. Trong chốn quan trường, hành chánh và khoa bảng, chữ Hán qua cách phát âm gọi nôm-na là tiếng Hán Việt, mới là ngôn ngữ chính thức của cả nước Nam. Chữ Nôm qua nhiều thời đại lúc nào cũng mang địa vị của một phó thường dân. Không được “điển chế”. Không chiếm được vị trí của một cơ viện. Nên chữ Nôm bị thả lỏng, một từ mang nhiều cách viết. Ai muốn viết kiểu nào thì viết!
(iii)Bởi mang nhiều yếu điểm, và muôn phần phức tạp, chỉ trong vòng trên dưới 200 năm (từ khoảng 1651 đến 1850) chữ Nôm bị chữ quốc ngữ hoàn toàn thay thế. Điểm cần nhấn mạnh, trong quá trình chữ Nôm thay thế bằng quốc ngữ có rất nhiều từ phải biến đổi cách đọc – có lẽ để giải quyết cảnh đồng âm dị nghĩa đầy dẫy trong tiếng Nôm.
Khi thẩm định vị trí của chữ Nôm trong văn hoá nước Nam, hầu hết các Nôm gia đều đồng ý với nhau rằng:
(i)Chữ Nôm quá phức tạp và lâm vào tình cảnh hỗn độn tạp pín lù. Thiếu thốn điển chế, và không đến được với đa số quần chúng. Mặc dù tiếng nói của dân gian từ ngàn xưa vẫn là tiếng Nôm.
(ii)Thế nhưng, nhờ ở chữ Nôm, các nhà Nho đã có phương tiện để sáng tác và ghi lại các tác phẩm thi ca bất hủ, gầy dựng nên kho tàng văn hoá dân tộc – tồn tại mãi đến ngày nay.
Tuy nhiên, cũng bởi ở mặc cảm “nôm na là cha mách qué” rất ít khi những bài thơ phú của các thi hào ngày xưa được ghi lại đàng hoàng và in ấn trong lúc tác giả còn sống. Trước hết những tác phẩm đó được truyền tụng qua dân gian. Nếu thấy hay, tác phẩm sẽ được truyền rộng hơn, và xa hơn. Đến lúc tác phẩm được hàng ngàn hay hàng triệu người biết đến, qua truyền khẩu, một hoặc vài vị Nho gia sẽ bỏ công nhớ và ghi chép lại “toàn bộ” tác phẩm đó. Một vài tác phẩm sẽ được in ấn thêm chừng vài trăm bản. In bằng những bản khắc bằng gỗ, khó giữ được lâu. Và như vậy:
(i)Những di cảo viết bằng chữ Nôm chỉ xuất hiện sau khi tác phẩm được truyền kể, lan tràn mạnh mẽ trong chốn dân gian. Thông thường ít lắm cũng vài chục năm sau khi chính tác giả đã qua đời. Những bản này sẽ không bao giờ giống y như bản gốc do chính tác giả ngâm nga và sáng tác ra.
(ii)Điểm phức tạp nhất: Lúc tác giả bắt đầu sáng tác áng thi văn chữ Nôm, chữ quốc ngữ chưa phát triển. Đến lúc có người bắt đầu ghi lại áng thi văn đó bằng chữ Nôm, chữ quốc ngữ đã thay thế chữ Nôm. Và chữ quốc ngữ đã vô hình chung biến đổi một số khá nhiều cách phát âm của các từ Nôm ngày trước.
Nếu nhớ lại ngày xưa người ta thường nói “tam sao thất bổn” (chỉ cần sao chép lại chừng 3 lần nguyên bản đã bị biến đổi rồi) – ta có thể thấy rất rõ việc ghi lại chữ Nôm các bản thi ca cổ xưa, như truyện Kiều chẳng hạn, là chuyện “tam thiên sao thất bổn”. Tức ghi chép lại một tác phẩm đã từng truyền khẩu qua ít lắm cũng trên 3 ngàn người.
Theo nhiều tài liệu, ngoài những bản ra đời vào giữa thế kỷ 20, truyện Kiều có tất cả 5 bản chữ Nôm khác nhau. Và trong 5 bản chữ Nôm xưa cổ đó, tuyệt nhiên không có bản nào được gọi bản gốc do chính Nguyễn Du đề bút hết! Bản gần với bản gốc nhất chính là bản đã được Phạm Quý Thích, một người bạn thân của Nguyễn Du, sửa chữa và tuyệt tích giang hồ từ nhiều, nhiều năm.
Chữ quốc ngữ, ngày nay thường gọi Việt ngữ hay tiếng Việt, đầu tiên được các giáo sĩ người Âu Châu, nhất là Bồ Đào Nha, đặt ra để ký âm tiếng Nôm bằng các mẫu tự La Tinh (tức alphabet hay A, B, C). Mục đích chính ban đầu là để truyền giáo, giảng đạo. Nó xuất hiện từ lúc nước Nam còn ở thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Quyển tự điển quốc ngữ đầu tiên, do giáo sĩ thuộc dòng Tên Alexandre de Rhodes soạn, được ra đời vào năm 1651 – chính là quyển tự điển AnNam-Bồ-LaTinh. Sau đó chữ quốc ngữ được nhiều giáo sĩ và học giả uyên bác tiếp tục phát triển [3], và chuỗi trình quốc ngữ thay thế chữ Nôm được xem như hoàn tất vào khoảng năm 1865 khi tờ Gia Định Báo xuất hiện ở Nam Kỳ. Huỳnh Ái Tông qua website của Đời Tỵ Nạn [3] đã cho một sơ lược về lịch sử thành lập chữ quốc ngữ.
Những điểm đặc trưng sau đây của chữ quốc ngữ chúng ta cần biết đến trước khi phân tích về “nét ngài nở nang”:
(i)Tuy mang tiếng ký âm tiếng Nôm nhưng chữ quốc ngữ có rất nhiều phát âm hoàn toàn không giống phát âm ngày xưa của chữ Nôm. Thí dụ:
-Vua: trước thời quốc ngữ hoàn chỉnh, đọc Bua (hay byua) – y như tiếng Mường.
-Vương (như Vương Thúy Kiều) = đọc là Uuan, tức Wang, y hệt như pinyin tiếng quan thoại ngày nay. (Xem [3]).
(ii)Chữ Việt ngày nay đã đánh mất khá nhiều các từ Nôm và Hán Việt cổ. Xem chương sách về “Chuyện Ỷ Lan và Nôm Lục Bát của Trương Thị Ngọc Trong soạn năm 1759” trong quyển “Hồ Xuân Hương – thiên tình sử” của GS. Hoàng Xuân Hãn [2] ta thấy hầu như bất cứ đoạn nào cũng có những từ Nôm và Hán Việt tối cổ, ngày nay người Việt rất khó nhận ra. Thí dụ:
-loi thoi= lẻ loi – bua= vua
-bừng tưng= tờ mờ sáng – khắn khắn= kiên trì
Một vài điểm quan trọng khác:
(i)Có rất nhiều bản truyện Kiều viết bằng quốc ngữ. Nhưng đa số dùng từ rất tân, rất hiện đại, so với truyện thơ lục bát chữ Nôm của Trương Phu Nhân [2], dùng nhiều từ cổ, ra đời trước Kiều chừng 30 năm.
(ii)Hiện nay, chưa có một cuộc nghiên cứu nào sâu rộng về biến đổi phát âm từ Nôm qua quốc ngữ, nhất là đối với truyện Kiều.
(iii)Có tất cả chừng 5 bản Kiều bằng chữ quốc ngữ thường được kể đến trong các sách tài liệu về truyện Kiều
Do ở tính chất truyền khẩu và chép lại hàng ngàn lần, không bản Kiều nào giống bản Kiều nào. Các từ dùng đều rất tân, và chải chuốt. Nhưng các bản này có rất nhiều từ khác hẳn nhau và nhiều đoạn khác biệt với nhau. Do đó, có thể thấy truyện Kiều trong bản chữ Nôm lẫn quốc ngữ đã bị sửa chữa thay đổi rất nhiều. Và thay đổi sau khi chữ quốc ngữ đã thay thế chữ Nôm. Nhắc lại, chữ quốc ngữ biến chuyển rất nhiều trong khoảng 1750-1850, truyện Kiều phát triển mạnh mẽ, in ấn rầm rầm trong khoảng 1850-1950.
2.Ngài chính là phát âm cổ xưa của Người
Bây giờ chúng ta hãy thử chứng minh bằng nhiều cách khác nhau rằng NGÀI chính là cách phát âm tiếng Nôm cho NGƯỜI dùng để chỉ người ta, như trong câu: “Trăm năm trong cõi người ta”.
Kiểm chứng này rất thiết yếu trong thẩm định việc Phạm Duy thay đổi “ngài” ra “người” có cơ sở lí luận nào hay không. Bởi nếu “ngài” chính là lối phát âm Nôm cho một từ nào đó dùng để chỉ “người”, “Trăm năm trong cõi người ta” đã được tác giả Kiều viết mang theo phát âm: “Trăm năm trong cõi ngài ta”. Và “ngài” trong “nét ngài nở nang” bởi mang phát âm “ngài” nên cũng rất có thể, qua cảnh đồng âm dị nghĩa, đã được tác giả Kiều mang hàm ý “người”. Và những soạn giả Nôm lẫn quốc ngữ “hậu bối” đã ghi lại … sai. Đáng nhẽ phải ghi “nét người nở nang” nhưng lại ghi “nét ngài nở nang” do ở lầm lẫn biến chuyển qua lại giữa “ngài” và “người”, và trong tình huống của đồng âm dị nghĩa.
(i)Kiểm chứng qua lối đánh vần trong chữ Nôm
Theo Tự Điển chữ Nôm [4] và tất cả bản Nôm của Kiều:
·“Người” như trong “trăm năm trong cõi người ta” được viết= Nhân + ½ Ngại, tức đọc NGÀI, có cách viết y như “Ngài” để chỉ những người có chức, có địa vị.
· “Ngài” trong “nét ngài” chỉ con tằm, chỉ lông mày (nga-mi) được viết theo = Trùng+1/2 Ngại. Trùng để “hội ý” chỉ côn trùng. Phân nửa chữ Ngại để hài thanh âm cho NGÀI.
Như vậy Ngài và Người có cách phát âm giống y như nhau theo cách viết chữ Nôm.
(ii)Kiểm chứng qua tiếng Mường và ngôn ngữ của các dân tộc ít người
Tự điển tiếng Mường [5] có ghi:
Ngài= ngài. Tôi xin chào ngài= tôi xin chào ngài
Ngài= người ta. Con pẫu con ngài= Con nhà người ta
Ngài= nhộng (ong). Con ngài nì rang băng điênh ăn lẳm= Nhộng ong này rang măng chua thì ngon lắm. Ta thấy rõ tiếng Mường hãy chưa thu nhập “Người” và vẫn giữ “Ngài” để chỉ “người”. Người Mường là ai? Đại khái họ là bà con họ hàng rất, rất gần với Việt tộc ở đồng bằng Bắc Việt từ thời Văn Lang xa xưa. Có nhiều giả thuyết lại nói họ chính là những bộ tộc Lạc Việt thuần tuý. Có lẽ không thấy thoải mái sống dưới ách đô hộ của Tàu, trong vài thế kỷ sau Công Nguyên, người Mường di dân vào những miền sơn cước và sống biệt lập với người Kinh mãi cho đến thế kỷ hai mươi. Ngôn ngữ của họ trong thời cổ đại y hệt như ngôn ngữ của người Kinh. Theo một thống kê vào năm 1946 của bà Jeanne Cuisinier (tác giả quyển: Les Mường – Géographie humaine et sociologie) vào thời đó dân số người Mường có độ 300000, sống tập trung tại các khu vực Hoà Bình, Phú Thọ, Sơn Tây và Thanh Nghệ Tĩnh. Cũng cần để ý Nhóm Việt-Mường bao gồm 4 sắc tộc – Kinh (chiếm 90% dân số), Mường, Thổ, và Chứt – là nhóm lớn nhất trong 54 nhóm sắc tộc và 8 nhóm ngôn ngữ tại Việt Nam.
Cho dù rằng tiếng Mường có thay đổi ít nhiều, nhưng từ dùng để chỉ “người” của tiếng Mường chỉ có 1: NGÀI – dùng luôn cho 2 nghĩa, ngài cho người, và ngài như trong “thưa Ngài”.
Thế ngôn ngữ của các dân tộc ít người khác thì sao? Từ thiết yếu để chỉ NGƯỜI của các ngôn ngữ đó là gì? Theo ghi chú [6], từ “Người” được đọc:
-tiếng Nguồn: ngàj – tiếng Sách: ngàj
-tiếng Mày: ngàj – tiếng Rục: ngàj
– tiếng Xơ Đăng: mơngê – tiếng Kơ Tua: moi ngàj
-tiếng Ba Na: ngaj (mơ-ngaj) – tiếng Hrê: ma ngaj
-tiếng Gié Triêng: ma ngaj – tiếng Việt: người, ngài
(iii)Biến chuyển từ âm A sang ƯƠ qua tác động của quốc ngữ
Biến chuyển từ Ngài sang Người thật ra chỉ là 1 trong hàng chục biến chuyển khác từ nguyên âm A sang nhị âm ƯƠ – trong lúc chữ Nôm rút vào bóng tối và nhường chỗ cho quốc ngữ. Đó là biến chuyển:
Lên đàng => lên đường / tlàng học => tràng học => trường học
Nàng => nường / Nhà Thang => nhà Thương / Yang gui Fei => Yương quí Phi
Trang (họ) => Trương (họ) {viết tiếng Tàu y như nhau}
NGÀI biến sang NGƯỜI hoàn toàn nằm trong quy lệ này
Kiểm chứng: Lật một quyển tự điển chữ Nôm ta thấy lối đánh vần của các âm ngày nay đọc ƯƠ (thí dụ: Mười – 10) luôn luôn dựa trên âm A (thí dụ: mÀi= 10), và không có âm ƯƠ để tạo âm cốt yếu, hỗ trợ cho phát âm ƯƠ. Thí dụ:
-Ươn (cá ươn)= tử + An (viết theo chữ Nôm) => ươn xưa đọc: An
-Mường= Nhân + MAng = Di + mAng => Mường xưa đọc Màng
-Mười (10)= Mại + Thập (Hán tự chỉ 10) => Mười = Mài
– Nườm= Thủy + nAm / Nượp= Khẩu +nẠp => nườm nượp= nàm nạp
-Tươi= Nhục + tAi / tưới (tưới cây)= thủy + tái. Tươi đọc Tai / tưới đọc tái
Biến chuyển từ A sang ƯƠ cũng được nhà nghiên cứu Nguyễn Tài Cẩn [7] đề cập đến – nhưng không minh chứng bằng đánh vần kiểu chữ Nôm như ở đây.
Do đó “ngÀi” biến sang “ngƯỜi” cũng chỉ một trường hợp trong vòng biến chuyển âm A sang ƯƠ, lúc Nôm bắt đầu thoái vị, nhường chỗ cho quốc ngữ mà thôi.
3. Nét Người nở nang?
3.1Nét NGÀI
Đa số các bằng hữu ở diễn đàn mitchong, đóng góp nhiều trong thảo luận về “nét người” này đều giữ vững lập trường “nét ngài”. Chị ND Ngôn nhũ danh Mai Chi {mc} từ California, trích lược giải thích của Nguyễn Xuân Nghĩa về nét ngài như sau.
Theo các điển tích Trung Hoa, nét đẹp của Thúy Vân được tả trên 2 lãnh vực, thẩm mỹ và tướng pháp. “Trang trọng”: Trang nói về tính tình lộ ra cử chỉ, trọng tả về tầm vóc thân hình. Khuôn trăng đầy đặn: Khuôn mặt tròn, bầu bĩnh. Nét ngài nở nang: Đôi lông mày dài, cong cong cân xứng với khuôn mặt tròn. Mày ngài: dịch từ tiếng Tàu: Nga Mi. Con ngài là loài bướm vừa chui ra khỏi cái kén, đầu có 2 râu nhỏ, dài và cong. Người ta hay ví lông mày dài có nét bán nguyệt, với râu con ngài nên thường gọi Nga-Mi. Mai Chi phát biểu một quán tính khó thay đổi, bởi xưa nay chỉ nghe tả NGÀI ở trong phần giới thiệu nhân vật Thúy Kiều và Thúy Vân, nên thích “nét ngài” hơn.
Nhà thơ Bùi Tiến Hoàng từ Canada, góp ý dựa trên bản quốc ngữ của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim [8]: Theo tướng thư, diện như mãn nguyệt, my nhược ngọa tàm. Mặt như mặt trăng tròn mà lông my như con tằm nằm ngang. Howard Nguyen từ Sydney, cho rằng nét ngài hợp lý hơn bởi người xưa thường thán phục vẻ đẹp thiên về cảm xúc lãng mạn hơn là những cảm hứng xếch-xi. Người ta thường nhìn người phụ nữ ở khuôn mặt hơn là thân thể.
TQ Dương từ Tân Tây Lan, với chuyên khoa ngôn ngữ học, cho một i-meo dài: Nếu dùng “nét người nở nang” người ta sẽ có thể hỏi tại sao một văn hào đạo mạo như Nguyễn Du lại có thể mô tả nét đẹp phụ nữ một cách quá lộ liễu trắng trợn như vậy. Thế nhưng, trên phương diện ngôn ngữ học, bất cứ một từ nào cũng có những phụ từ mang tính tương thanh hưởng ý (collocations). Thí dụ: người ta nói strong wind and heavy rain (gió mạnh và mưa nặng hạt) chứ không ai nói, heavy wind and strong rain (gió nặng và mưa mạnh). Trong tiếng Việt, lông mày dù giống hình con ngài thường đi đôi với “bán nguyệt” hoặc “thanh tú” hay “rậm rạp”. Chứ ít khi: “lông mày nở nang”.
Senior TQ Dương viết tiếp: Theo quyển “Thúy Kiều Truyện Thường Chú” của Chiêm Vân Thị và Trúc Viên Mạnh Liêu, nét ngài xuất phát từ “ngọa tàm”. Trên khuôn mặt người ta, ngọa tàm nằm ngay dưới “khoé mắt”. Quyển Sách Tướng Kinh có viết: Phụ nhân ngọa tàm vi nhược phong mãn, bất thâm hãm, vượng phu ích tử” nghĩa là: Một ngài đàn bà có ngoạ tàm phát triển đầy đặn và trong sáng sẽ đem lại phú quý cho chồng và phúc lộc cho con cái. Thành ra có thể tác giả Kiều khi dùng ngài trong nét ngài nở nang có thể mang hàm ý ngoạ tàm tức nét tướng phía dưới đôi mắt. Thế có thể tác giả Kiều biến đổi “tàm” ra “ngài” để phù hợp âm điệu (niêm luật) với “khác vời” ở vế phía trước hay chăng? Chắc là không. Nhưng tra cứu một quyển tự điển Hán Việt sẽ cho thấy, tàm tiếng Hán chính là con tằm, con ngài ở tiếng Nôm. Và do đó, TQ Dương kết luận, nét ngài trong vế đó mang nghĩa ngọa tàm, giống như con ngài nằm dưới khoé mắt. Chỉ có nét ngọa tàm nở nang mới đem lại phú quý, phúc lộc cho chồng con. Nét ngài, chứ không phải nét người.
NĐ Nam {mc} từ Canada đưa ra hai bản khác:
Một của Quán Vân Đường: Khuôn lưng đầy đặn, nét ngài nở nang
Một của Duy Minh Thị: Tư phong đầy đặn, nét ngài nở nang
Và cho rằng nếu theo hai bản này, NGÀI mang nghĩa NGƯỜI có thể được chấp nhận dễ dàng bởi nó đối xứng với “Khuôn lưng” và “Tư phong”.
Thế nhưng NĐ Nam tìm ra một đoạn khác cũng dùng nét ngài, lúc Tú Bà chỉ cho Kiều những ngón nghề để câu khách:
Chơi cho liễu chán, hoa chê,
Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời.
Khi khoé hạnh, khi nét NGÀI,
Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa.
Và cho rằng “nét ngài” ở đây chắc chắn đề cập đến lông mày phía trên khoé hạnh, tức khoé mắt.
Senior Lê Quý từ Melbourne, góp ý với suy luận của Phạm Duy qua việc ngắm tượng Dương Quí Phi ở Trung quốc: Trong tiếng Việt, “nở nang” đi đôi với thân thể con người, xưa nay không bao giờ mang nghĩa “đẹp”. “Nở nang” muốn tả “đẹp” phải được ghép vào những bộ phận nào khác của cơ thể con người. Thêm vào đó, bởi vế trên tâng bốc vẻ đẹp thanh tao của Thúy Vân: “Vân xem trang trọng khác vời” nên vế dưới rất khó lòng “nét người nở nang” nhất là nếu nét người bị ghép vào những bộ phận khác, chứ không phải toàn diện thân thể con người. Anh Quý bàn thêm: Mô tả nét người nở nang có thể rất thiếu tự nhiên bởi ngày xưa ở giai cấp trung liu, người phụ nữ thường ăn mặc quần áo xiêm y hơi rộng, chứ không bó chặt như ngày nay. Nếu vậy, các thi sĩ rất khó biết thân hình các cô, và do đó khó lòng mô tả đến nét người, đến thân thể . . . nở nang.
PQ Tuấn cho ý kiến: Cho dù Thúy Vân có lông mày phát triển… nở nang như Margot Hemingway hay thân hình đẹp, có da có thịt, như Marilyn Monroe, ta cũng khó lòng biết được thật sự ý định của Nguyễn Du. Thật ra, trong toàn bộ 38 vế vào đề của truyện Kiều, chẳng có câu nào đáng chúng ta phân tích tỉ mỉ cả, bởi mục đích chính của những vế đó là giới thiệu tổng quát các nhân vật và những góc nhìn nghệ sĩ và triết lý của tác giả cho toàn câu chuyện. Và thật ra chỉ đến vế thứ 39 ta mới thấy chất thơ bắt đầu lai láng: Ngày xuân con én đưa thoi.
Bây giờ chúng ta hãy quan sát những quan điểm hỗ trợ Phạm Duy qua “nét người nở nang”. Nhưng trước hết, xin hãy lược qua, trong khuôn khổ hạn hẹp của bài này, nét đẹp phụ nữ theo những quan niệm xưa cổ.
3.2 Phụ nữ đẹp theo người xưa
Bác sĩ Hồ Đắc Duy từ Việt Nam, cũng thấy hứng khởi trong việc tham gia góp ý vào cuộc thảo luận “ngài” với “người” – dựa trên một số bài viết có trên mạng riêng [9].
Trước hết xin tóm tắt vài điểm liên hệ đến lông mày, dựa trên tài liệu của Bs Duy:
(i) Theo trích dẫn từ một hai trang trong quyển sách về tướng học phụ nữ của Vũ Tài Lục [10], do bs HĐ Duy rà và gửi sang Sydney qua email:
Những người con mắt lá răm
Đôi mày lá liễu đáng trăm quan tiền
(ii) Cũng theo ghi chú [10], sách Liễu Trang có chép:
“Đàn bà lông mày không dài quá mắt thì nghèo, mày như muốn chùm xuống mắt thì khốn cùng, mày lúc nào cũng chau lại: cô độc, mày thô là ngu”.
Một sách tướng số khác [10] cho biết 5 cách xem tướng về lông mày:
(a) nhiều tóc mà mày thưa; (b) quyền (gò má) cao mà mày nhạt;
(b) tóc dày cứng mà thiếu lông mày; (d) mặt lớn mà vô mi;
(e) mũi cao mà vô mi
đều là những tướng dễ bị đẩy vào hoàn cảnh cô độc.
(iii)Theo trích dẫn từ một quyển tướng số [10]:
“Đàn bà sang quí ở à sang quí ở mi, vai, lưng và mắt, đường con cái ở bụng, vú và rốn. Mặt vuông gọi là hổ diện tất phạm vào sát tinh làm sao có thể vào cung để làm quí nhân. Người đàn bà hình thể như con phượng mới thực là đại quí, phương thì mạt tròn dài, mi như cánh cung, mắt nhỏ thuôn dài, nhiếu tú khí, cổ tròn dài, vai lưng bằng phẳng đầy đặn. Chân quí ở chổ đó, nếu không được làm vương phi thì cũng là phu nhân”.
Qua các trích dẫn này ta nhận thấy:
-Lông mày, xuất phát từ tướng số, đã từng là một đặc điểm “ắt có” trong việc thẩm định và mô tả nét đẹp và phú quý của người nữ.
-Ở Trung hoa cũng như ở nước Nam, lúc mô tả vẻ đẹp phụ nữ, nhất là vào thời xưa, luôn luôn ta thấy người ta đề cập đến MI, tiếng Hán mang nghĩa lông mày. Nga-my theo tự điển Đào Duy Anh: “Râu con ngài (một thứ sâu hình như con bướm mà to hơn, râu nó nhỏ và dài như tơ) – Nghĩa bóng: Lông mày con gái đẹp như râu con ngài. Nga-my nguyệt: Mặt trăng non hình như râu con ngài.”
-Ngày nay, mặc dù có những đặc điểm khác trong phương cách nhận chân sắc đẹp phụ nữ, lông mày vẫn giữ vai trò quan trọng. Bằng chứng có nhiều bà nhiều cô vẫn đi thẩm mỹ viện để được kẻ hoặc xâm lông mày cho được rõ và đậm. Trong tiếng Việt thuần Nôm, “mặt” thường đi đôi với “mày”: mặt mày nở nang / nở mặt nở mày (mang nghĩa: hãnh diện, tươi vui).Trong Kiều: “Nở nang mày mặt mẹ cha”.
3.3 Nét Người
Trở lại với “nét người nở nang” của maestro Phạm Duy. Những luận cứ thiên về Phạm Duy thường nhận ra có cái gì hơi lấn cấn trong việc kèm “nét ngài” với “nở nang”.
Nét ngài, nếu hiểu theo nghĩa lông mày, nga-my, rất khó tự nó được mô tả bằng hình dung từ “nở nang”. Thường, như đã thấy trong truyện thơ của Trương phu nhân, hay rất nhiều chỗ trong thi văn Việt, lông mày được mô tả “cong”, hay “cong như lá liễu” mới đúng tông. “Nét ngài liễu cong” mới có vẻ đúng điệu.
NĐ Nam và Bs Duy có “trích ra” những vế dùng “ngài” trong Kiều:
Khi tả Từ Hải (vế 2167):
Râu hùm cằm én mày ngài,
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao.
Để ý nếu muốn tả lông mày, tác giả Kiều đã dùng rõ rệt “mày” và “mày có hình giống con ngài (mày ngài)” chứ hoàn toàn không trực tiếp dùng “ngài” thay cho “mày” như trong “nét ngài”. Một vài vế khác:
Vế 927: Bên thì mấy ả mày ngài
Vế 2273-74: Rỡ mình lạ vẻ cân đài
Vẫn còn hàm én mày ngài như xưa
Cũng đều chứng tỏ “ngài” vẫn thường được dùng như một “hình dung từ” mô tả lông mày hơn là một từ thay thế luôn cho “mày”. Tuy nhiên có một vế khác, cũng dùng “nét ngài” đơn độc không đi với “mày” như ở vế 20 “nét ngài nở nang”:
Vế 1213: Khi khoé hạnh, lúc nét ngài
Nếu hiểu “khoé hạnh” như khoé mắt (NĐ Nam) – nét ngài ở vế 1213 bắt buộc phải hiểu như “nét lông mày” mới đối xứng. Nhưng ở đây, không có “nở nang”.
NV Ưu nêu lên một khía cạnh khác, nhắm vào tính không xuôi tai, không đồng thuận giữa “nét ngài” với “nở nang”. Cũng giông giống với nhận xét của anh TQ Dương phía trên, nhận xét “nét ngài” chỉ một sự vật thuộc không gian 1-Chiều, thí dụ như sợi chỉ, một đường thẳng. Trong khi “nở nang” là một hình dung từ thường dùng để mô tả trạng thái nở nang của một sự vật thuộc không gian 3-Chiều, như chiếc bong bóng, chiếc thùng phi, hoặc … thân con người. Do đó “nét người nở nang” có vẻ hợp với môn… hình học không gian hơn! Ngoài ra, người Việt trong lúc nói chuyện thông thường về một bạn gái của con cháu trong nhà, ưa nói: “Con nhỏ đó có nét lắm”. Nét ở đây liên quan đến nét người nói chung chung, hay nét mặt đẹp. “Nét” có thể chỉ sự vật 1-Chiều đến 3-chiều. Nhưng “nét ngài” có lẽ bị giới hạn ở không gian 1-chiều mà thôi.
Anh NL Bình từ California, cũng thấy chuyện đem hình học không gian vào Kiều có chút ít cơ sở luận lý, và đề nghị nếu xem “nét ngài” như thuộc không gian hai chiều, thì “nét ngài nở nang” có chỗ đứng hay không. Và đề nghị xem tại sao không dùng những từ như “vóc dáng”, “dáng dấp” để đi chung với “nở nang”. Anh Bình và một vài thân hữu khác cũng đồng ý với nhận xét của Phạm Duy, nét đẹp người xưa, không đến nỗi xưa như Dương Quý Phi mà ngay ở thời Marilyn Monroe, thông thường không khắt khe chuyện thân thể không được thon thả. Có da có thịt cũng tốt thôi, nhưng đừng quá mập là được rồi. Đối với xã hội Á Đông xưa cũ, anh NL Bình góp ý, người đàn bà phải có da có thịt mới đẹp, bởi như vậy mới có sức khoẻ sinh con đẻ cái, tiếp nối dòng giống cho phu quân.
Tuy nhiên, những tản mạn về nét đẹp của người phụ nữ, tiếp tay cho Phạm Duy như trên vẫn không đánh thẳng được vào vấn đề mấu chốt:
Nét ngài nở nang / Nét người nở nang: Cả hai lối mô tả, đều có cái gì lấn cấn. Nhất là khi đi theo: Khuôn trăng đầy đặn. Mặc dù rằng ta chấp nhận Ngài có thể được viết trong một bản xưa cũ nào đó như Ngài mang nghĩa Người.
4.Mua vui cũng được một vài trống canh
Như đã trình bày phía trên, phân tích một đoạn hay một câu, một vế của truyện Kiều với nhiệm vụ lý giải rất khó đi đến sự thật. Bởi thật ra chỉ có một sự thật duy nhất: tất cả những bản Kiều người ta biết đến đều là những bản ghi lại theo trí nhớ của … truyền khẩu dân gian. Những bản-ghi-lại đó được thực hiện sau những năm tiếng nói và chữ viết của người nước Nam được biến chuyển thay đổi dữ dội [11]. Do đó, mục đích của bài này không bao giờ có một tham vọng nào khác hơn việc “mua vui cũng được một vài trống canh” hay mua vui cũng được một hai tách càfê espresso, mà thôi.
Trước khi đi đến việc cố gắng giải tỏa vấn đề xin tóm tắt những điểm khó khăn và các lấn cấn trong việc chấp nhận “nét ngài” hoặc “nét người”.
(i) Nếu chấp nhận “nét ngài”
–Nét ngài nở nang vẫn nghe hơi kỳ kỳ, lông mày làm sao nở nang được. Ngay đến khi giận dữ, trừ những người như Trương Phi, ít khi lông mày bị dựng ngược, nở nang được!
-So với những vế như: “Râu hùm hàm én mày ngài” ta thấy “ngài” đơn thuần một hình dung từ cho “lông mày”: Mày trông giống râu con ngài cong cong. “Ngài” viết chung với “mày”. Trong “Nét ngài nở nang”, ngài lại đứng solo, đứng chổng một mình. Có cái gì là lạ.
-Nhưng “nét ngài” là một lối viết rất quen thuộc và trong hầu hết các bản chữ Nôm NGÀI được viết với “con trùng” nguây nguẩy phía bên, chứng tỏ đó là “con tằm”, là con nhộng, chứ không phải NGƯỜI. Mặc dù hai âm Người và Ngài thật ra chỉ một (Ngài) trong thời chữ Nôm.
-Nét lông mày là một trong những mô tả chính khi đề cập đến sắc đẹp của người nữ thời xưa. Nên “khuôn trăng đầy đặn” sánh đôi với “nét ngài nở nang” / nét ngài= râu con ngài= nga-my, hoàn toàn hợp nghĩa hợp lý.
(ii) Nếu chấp nhận “nét người”
-Qua dẫn chứng phía trên, người An Nam ngày xưa phát âm “Ngài” khi muốn nói “Người” bởi trước thời quốc ngữ hoàn toàn thay thế chữ Nôm, từ “Người” theo âm đọc ngày nay, chưa xuất hiện. Do đó trong bản Kiều bất cứ từ nào viết theo quốc ngữ “Người” đều có thể đọc như “Ngài”, và những từ ngày nay viết “Ngài” đều có thể đã bị viết sai thành “ngài” với nghĩa con nhộng ong, nghĩa bóng “nga-mi” hay lông mày – trong khi ở nguyên bản có thể tác giả mang hàm ý Người.
-Nếu xem hai bản Nôm trứ danh:
Một của Quán Văn Đường (QVĐ): Khuôn lưng đầy đặn, nét ngài nở nang
Một của Duy Minh Thị (DMT): Tư phong đầy đặn, nét ngài nở nang
Cả hai đều được đánh giá cao: Bản QVĐ từng được xem ghi lại từ bản Phường, tức gần bản nguyên thủy của Nguyễn Du. Bản DMT đã được học giả Hoàng Xuân Hãn đánh giá gần bản gốc Nguyễn Du nhất.
Trong cả hai bản này “nét ngài” chắc hẳn phải được viết như “nét người” mới hợp lý. “Khuôn lưng” đi với “nét người”. Hoặc “Tư phong” cũng có thể dùng song song với “nét người” mà không bị chói tai, không bị tương phản ý tứ. (Tư-phong thật ra là chữ dùng để chỉ “dáng dấp” hay “vóc dáng” như thường dùng ngày nay). Do đó:
QVĐ: Khuôn lưng đầy đặn, nét người nở nang
DMT: Tư phong đầy đặn, nét người nở nang