Web site Bản tin Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch tỉnh Hải Dương

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận rõ người phụ nữ luôn phải chịu nhiều thiệt thòi, bất công trong gia đình và xã hội. Thực tế, trong hầu hết các gia đình Việt Nam trước đây, phụ nữ thường bị coi khinh, bị ngược đãi.

Một trong những khó khăn làm ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội là tình trạng bạo lực gia đình, nhất là bạo lực đối với phụ nữ. Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Hồ Chí Minh cũng nhận rõ người phụ nữ luôn phải chịu nhiều thiệt thòi, bất công trong gia đình và xã hội. Thực tế, trong hầu hết các gia đình Việt Nam trước đây, phụ nữ thường bị coi khinh, bị ngược đãi. 

 

 

Bác Hồ với các đại biểu phụ nữ dân tộc ít người tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3-1961

 

 

Vì vậy, khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp và Hiến pháp đầu tiên (1946) của nước ta quy định: “nam nữ bình đẳng”. Mặc dù pháp luật đã quy định rõ, nhưng do tàn tích của lịch sử để lại nên trong nhiều gia đình, phụ nữ vẫn chưa được bình đẳng hoàn toàn với nam giới, họ vẫn là nạn nhân của bạo lực gia đình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều ví dụ cụ thể: “Ở Lương Yên (Hà Nội) trong 196 gia đình thì có 26 người chồng thường đánh mắng vợ, có người đánh vợ bị thương… Ở xã Quảng Lưu (Thanh Hoá) có người nhét tro vào miệng vợ và đánh vợ què tay, có người cạo trọc đầu và lột hết quần áo vợ, rồi giong vợ đi bêu khắp thôn xóm…”. Thấu hiểu nỗi khổ của người phụ nữ dưới chế độ cũ bị ràng buộc khắt khe với những tập tục lạc hậu, đã làm cho người phụ nữ dốt nát, cùng cực, tối tăm, bị coi thường và không có vị trí trong xã hội, phải phụ thuộc vào người chồng và bị cột chặt vào gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Dưới chế độ phong kiến và thực dân, phụ nữ bị áp bức tàn tệ. Ngoài xã hội, phụ nữ bị xem khinh như nô lệ. Trong gia đình thì họ bị kìm hãm trong xiềng xích “tam tòng”. Vì vậy, cần phải giải phóng phụ nữ thoát khỏi những xiềng xích trói buộc đó, đó chính là nội dung cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ thì xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ được một nửa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng muốn thực hiện bình đẳng nam, nữ; phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ trước hết phải giải phóng phụ nữ ra khỏi sự trói buộc của tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, ra khỏi sự bất công ngay trong gia đình của họ. Người lên án mạnh mẽ quan điểm “đàn bà phải quanh quẩn trong bếp”. Chính những quan niệm kiểu đó đã dẫn đến việc giá trị người phụ nữ bị hạ thấp trong gia đình và xã hội.

Người đặc biệt lên án mạnh mẽ các hiện tượng phân biệt đối xử với phụ nữ như: khinh rẻ, coi thường, đánh đập, chửi mắng, hành hạ phụ nữ, ép duyên con gái, đối xử tàn tệ với con dâu… Người viết: “Khinh rẻ phụ nữ và dã man nhất là thói đánh vợ. Trong nhân dân và đảng viên vẫn còn thói xấu này. Thậm chí, có cán bộ và đảng viên đánh vợ bị thương nặng khi vợ mới ở cữ. Mẹ chồng và em chồng không ngăn lại còn thượng đấm tay, hạ đá chân”. Người cho đó là một điều đáng xấu hổ, “như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên nhắc nhở các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể phải làm tốt công tác vận động phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền, chống bạo lực gia đình bởi bạo lực gia đình chính là yếu tố cản trở sự phát triển xã hội. Chính vì vậy, Người đã chủ trương giải phóng phụ nữ khỏi những bất công, tạo điều kiện cho họ thực hiện quyền bình đẳng của mình, trước hết là trong gia đình. Điều đó đã tạo động lực cho chị em phụ nữ, thôi thúc họ hăng hái tham gia đóng góp tích cực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Kế thừa, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ trong thời kỳ mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ và phòng, chống bạo lực trong gia đình đối với phụ nữ. Hiện nay, Nhà nước đã ban hành Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, chính là thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng xã hội Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, văn minh.

Theo Báo Hải Dương