Web site Bản tin Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch tỉnh Hải Dương
Vấn đề đặt ra, “Dị đoan” là gì mà ngay học giả trong và ngoài nước đều khẳng định là một trong những “thuộc tính” (ở đây là thuộc tính xấu) của dân ta.
Một lần, nhân đọc bài viết của một vị giáo sư về ý nghĩa bàn thờ gia tiên ngày tết, vị ấy cho rằng: nhìn ban thờ gia tiên trong ngày tết, bậc trí giả thấy đó là truyền thống dân tộc; còn kẻ tiểu nhân nhìn vào đó chỉ thấy mê tín dị đoan. Tôi chưa phải là bậc trí giả nhưng cũng tự nhận không phải là kẻ tiểu nhân nên chọn cách gọi “dị đoan” giật tít cho bài viết, cho “lành”.
Vấn đề đặt ra, “Dị đoan” là gì mà ngay học giả trong và ngoài nước đều khẳng định là một trong những “thuộc tính” (ở đây là thuộc tính xấu) của dân ta. Kể từ nhận xét của Lý Tiên Căn, một người Trung Quốc về người Giao Chỉ dưới thời Bắc thuộc: “Dân Giao Chỉ cũng có học, biết chữ, ưa thích những điều quái dị… ham chuộng việc quỷ thần, tính đồng Cốt”. Học giả nổi tiếng trong nước Trần Trọng Kim cũng nhận xét “người Việt tin ma quỷ, không nhiệt tín tôn giáo nào cả”; còn học giả Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính đã đề cập đến việc tin bậy, tin nhảm của dân ta trong hàng loạt thiên phóng sự đăng trên Đông Dương tạp chí và sách chuyên khảo Việt Nam phong tục. Vậy “dị đoan” chiết tự theo từ điển tiếng Việt là lòng tin vào những điều quái lạ, huyền hoặc, nhảm nhí. Song nếu dùng khái niệm “mê tín dị đoan” để phân biệt giữa bậc thức giả với kẻ “tiểu nhân” thì thấy “mê tín dị đoan” đâu chỉ là “đặc sản” gắn với đời sống người nông dân nơi thôn làng truyền thống. Đọc sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, bộ sử ký ghi lại lịch sử Việt Nam từ thời huyền thoại đến khi nhà Hậu Lê được thành lập thấy đầy dẫy những chuyện như đất tự nhiên nứt toạc, mặt trời lay động thành ra bốn góc, nước sông chảy ngược, sao chổi mọc trăm ngày, sao sa, mặt trời có hai quầng, sét đánh sạt nóc điện… Những hiện tượng ấy đặc biệt nhiều ở hai vương triều Lý – Trần sùng cả Phật – Nho – Lão (Tam giáo đồng nguyên) triều đình rất khoan nhượng với tín ngưỡng đa thần dân gian, văn hóa dân gian. Còn trong đời sống dân gian khi người dân mới biết thực hiện số đếm bằng các nút thắt dây thừng (Kỷ nhà Lý), cho đến đầu thế Kỷ XX, trong sách Việt Nam phong tục thấy biểu mục các hình thức thờ phượng khá phong phú, từ thờ thần ăn xin, thần chết nghẹn, thần ăn trộm, dâm thần đến một hệ thống các “linh vật” từ thần rắn, thần rết đến thần hổ (ông ba mươi), ba ba, thuồng luồng, thần sấm, sét, mây, mưa (tín ngưỡng thờ tứ pháp: pháp vân, pháp vũ, pháp lôi, pháp điện), thần cây đa, ma cây gạo rồi đến “ti tỉ” thứ thuật kiêng tránh trong các lĩnh vực: ăn, mặc, ở, đi lại.
Vậy là từ thời thuộc Hán, cho tới thế kỷ XV khi Ngô Sĩ Liên viết Đại Việt sử ký toàn thư, tiếp đến đầu thế kỷ XX, khi Phan Kế Bính viết sách chuyên khảo “Việt Nam phong tục” (năm 1915), mê tín dị đoan không chỉ được nhắc đến trong nhận định của các học giả, trong các sách nghiên cứu, chuyên khảo về phong tục tập quán mà còn góp mặt hình thành nên đời sống tín ngưỡng dân gian thờ đa thần đượm màu sắc Đông Nam Á tự hàng ngàn năm nay.
Ảnh minh họa
Song những điều được coi là quái dị, không có thật sao lại được người dân tin theo sâu bền đến thế. Dù có lúc mê tín dị đoan là đối tượng bị đả phá, bài trừ. Sách sử cũng ghi lại những vị vua sáng như Trần Nhân Tông đã đi khắp nước ra chỉ dụ cho các quan địa phương phá bỏ các đền thờ dâm thần. Còn trong đời sống dân gian, nhiều làng cũng đưa vào hương ước các điều khoản cấm dâm tự (thờ bậy bạ), phạt tiền những người nào mê tín vào những lời đồng cốt bói toán, phép phù thủy trị bệnh, trừ tà… Đến thời thuộc Pháp, những năm hai mươi của thế kỷ hai mươi, trong cuộc Cải lương hương chính, người Pháp, tự cho mình sứ mệnh “người đi khai hóa” cũng không hề đề cập việc bài trừ mê tín dị đoan. Thôn làng của cái thuộc địa nửa thực dân, nửa phong kiến vẫn chìm đắm trong mông muội, u tối (Với tầng lớp thống trị thì dân càng ngu càng dễ cai trị). Vấn đề mê tín dị đoan chỉ được đặt ra cùng “cuộc chiến” chống giặc đói, giặc dốt. Hai năm sau Cách mạng tháng Tám 1945, Hồ Chủ tịch đã đưa nội dung bài trừ mê tín dị đoan trong sách Đời sống mới (1947). Đến năm 1975, khái niệm “dị đoan” được đánh đồng với “mê tín” thành khái niệm hoàn chỉnh trong chỉ thị 214/CT-TW. Mê tín dị đoan được hệ thống dưới những dạng thức: xem bói, xem số, xem tướng, gọi hồn, lên đồng, xóc thẻ, yểm bùa, cúng ma, bắt tà trừ ma, đội bát nhang đốt vàng mã, dùng phép chữa bệnh v.v. Nhưng phải đến cuối những năm 80, thế kỷ XX, sau khi UBND các tỉnh ban hành các quy định về Tổ chức việc cưới, việc tang và bài trừ mê tín dị đoan thì việc bài trừ mê tín dị đoan mới trở nên quyết liệt. Ở Hải Hưng (hợp nhất giữa tỉnh Hải Dương và Hưng Yên) các đối tượng hành nghề mê tín dị đoan, bị tập trung trình diễn lại những thủ đoạn lừa bịp, bị bắt buộc viết cam kết không tiếp tục hành nghề. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ việc thực hiện cam kết của các đối tượng hành nghề mê tín dị đoan. Việc bài trừ mê tín dị đoan được xây dựng thành tiêu chí để công nhận gia đình văn hóa mới, xây dựng nếp sống văn minh. Nhưng mê tín đị đoan vốn đã trở thành niềm tin trong đời sống một cộng đồng người, những khi bị bài trừ, nó chỉ tạm lắng, khi có điều kiện thuận lợi lại bùng phát trở lại. Thực tế đất nước sau mở, cửa cùng với sự phục hưng các hình thức lễ hội dân gian và tiếp biến văn hóa Đông – Tây cùng chính sách mở về văn hóa, mê tín dị đoan có cơ hội phục hồi, phát triển với nhiều dạng thức đa dạng. Điều đáng lo là xã hội ngày càng tiến bộ, đời sống dân trí càng cao thì mê tín dị đoan lại có chiều hướng gia tăng; ngày nay lên đồng và tín ngưỡng tứ phủ được UNESCO coi là Di sản văn hóa cần được bảo vệ thì “Dư địa” mê tín dị đoan bên cạnh những hình thức cũ lại “mọc” thêm những hình thức mới như thuật xem phong thủy, xem bói lá trầu, bói chân giò, xem tử vi qua mạng cùng việc xuất hiện một số “tà đạo” đã được các cơ quan chức năng cảnh báo. Khác với trước, mê tín dị đoan chỉ tập trung ở những vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế thuần nông, ở những đối tượng có thu nhập thấp, trình độ dân trí thấp; thì nay mê tín dị đoan đang lan tỏa mạnh mẽ ở môi trường đô thị, ở tầng lớp trí thức có thu nhập cao. Thậm chí mê tín dị đoan xuất hiện trong công sở dưới hình thức lập bát hương cúng bái; chuyện cán bộ đảng viên có “căn” đồng, tham gia các giá hầu không ít. Người viết bài này đã được chứng kiến những giàn mâm lễ; cũng như những giàn đồ mã “khủng” của những vị chức sắc tai mặt trong những ngôi đền danh tiếng mùa lễ hội. Hoặc khá phổ biến con nhang, đệ tử các ông đồng, bà cốt là các “quan bà” nên khi tỉnh, thành phố mở các đợt bài trừ mê tín dị đoan, khi BCĐ hãy còn bàn kế hoạch triển khai thì các điện thờ, các điểm gọi gí và hành nghề mê tín dị đoan đã được thông báo trước, nhất loạt ngừng hoạt động, “lặn” mất tăm.
Vậy niềm tin dị đoan hay nay ta gọi “mê tín dị đoan”, một dạng thức tín ngưỡng dân gian có tuổi hàng ngàn năm vẫn tồn tại trong thời đại tin học và cuộc cách mạng công nghệ 4.0; và đang tác động đến một “bộ phận không nhỏ” các tầng lớp nhân dân. Tác hại của nó cũng không hề nhỏ: nhẹ thì gây hoang mang, bị lung lạc tư tưởng, niềm tin; nặng thì ảnh hưởng đến sức khỏe, sự nghiệp làm ăn, thậm chí dẫn đến chết người. Thực tế có không ít chuyện thương tâm bà giết cháu, cha giết con, chia lìa tình yêu đôi lứa… sau khi nghe thầy bói phán. Ngày nay có bao nhiêu cán bộ công chức, viên chức khẳng định chưa một lần đi coi bói, chưa từng xem bói qua mạng để rồi chuốc lấy lo lắng, hoang mang? Không ít tư tưởng “lạc quan” sau khi xem bói, được “thầy” phán tương lai tươi đẹp, giàu sang phú quý vì thế nảy sinh tư tưởng trông chờ thụ động. Cũng chính vì niềm tin dị đoan, tin vào những điều quái lạ, không có thật nên dân ta cũng không nhiệt tín tôn giáo nào cả. Dân ta vốn theo tín ngưỡng đa thần, xong không phải thần nào cũng thờ; thường dân ta chỉ đi lễ thắp hương những vị thần có thể mang lại lợi ích vật chất hay sự thành đạt trong sự nghiệp. Nên cũng dễ hiểu khi có nhiều người thấy sáng đi lễ chùa, chiều đã thấy xuất hiện ở một ngôi đền thiêng trên địa bàn, vài hôm sau đã lại thấy hiện diện ở một ngôi đình vì (nghe nói) vị thành hoàng ở đình đó rất thiêng, cầu được ước thấy. Cũng chính vì tín ngưỡng thực dụng đó mà nhiều người sẵn sàng “hối lộ” cả tượng phật (giắt tiền vào tay tượng), bỏ tiền vào những nơi cho là linh thiêng. Tôi đã từng chứng kiến nhiều người đi lễ đền thầy Chu Văn An – bậc Danh sư từng nổi tiếng với “thất trảm sớ” (sớ xin chém đầu bẩy tên nịnh thần hại dân, hại nước), họ thắp hương cầu Ngài phù hộ cho được giàu sang phú quý, thăng quan tiến chức; hoặc đến nơi cửa Khổng sân trình (Văn miếu Mao Điền) thắp hương cầu Đức Khổng Tử cho được phát tài phát lộc?!
Ảnh minh họa
Ngày nay, trong tiến trình toàn cầu hoá, tiếp biến văn hóa Đông – Tây tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đời sống xã hội trên nhiều phương diện trong đó có phong tục, tập quán truyền thống. Song trong lĩnh vực tín ngưỡng, những tập quán thờ phượng không còn phù hợp (mê tín dị đoan) rất chậm được đổi mới. Thử phân tích về hiện tượng trên, thấy có mấy nguyên nhân sau.
Về phía người dân. Dân ta, phần lớn không có thói quen tư biện, phân tích sự việc hiện tượng; thấy người ta làm, mình cũng bắt chước làm theo, lâu dần thành tục.
Về phương diện thông tin tuyên truyền. Dân ta vẫn theo hình thức “khẩu truyền”, rỉ tai nhau của thôn làng truyền thống vốn được cho là rất hiệu quả. Đôi khi hình thức tuyên truyền này lại đi trước những thông tin chính thống trong các đợt bài trừ mê tín dị đoan. Với cách tuyên truyền này mà các Đền, chùa, miếu mạo bỗng trở nên “thiêng”; các ông bà hành nghề mê tín dị đoan trở nên “linh nghiệm”; là cơ sở để các cá nhân, các điểm hành nghề mê tín dị đoan “sống khỏe”, phát triển bền vững.
Về góc độ quản lý nhà nước. Lâu nay, trên lĩnh vực sáng tác xuất bản, sách viết về phong tục tập quán, hay các sách chuyên khảo về phong tục vắng bóng, cũng thiếu hẳn những cây bút tên tuổi cỡ như Phan Kế Bính, Toan Ánh, Nguyễn Văn Vĩnh… Ngày nay sách viết về phong tục tập quán (nếu có) thì cũng èo uột so với tiểu thuyết diễm tình đang trở nên “hót” trên thị trường sách hiện nay. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực quản lý nhà nước đối với mê tín dị đoan, đôi khi chúng ta làm quá “tả” (đã có thời, cứ xanh đỏ tím vàng là mê tín). Kiểu chống mê tín dị đoan của chúng ta cũng na ná như các đợt phát động “tháng an toàn vệ sinh thực phẩm”, “tháng an toàn giao thông” để rồi sau đợt cao điểm bài trừ, khí thế tạm lắng, mê tín dị đoan lại phục hồi, phát triển.
Đối với tầng lớp trí thức luôn tự hào được trang bị tư duy triết học duy vật biến chứng, song trong đời sống ngày nay có rất nhiều hiện tượng tự nhiên rất khó giải thích chính xác; còn một số giải thích theo kiểu mê tín dị đoan nửa đúng nửa sai lại càng làm tăng thêm tính “bán tín bán nghi”, cộng với hoàn cảnh riêng của mỗi người, nên có lúc chúng ta vẫn tin vào lý luận hữu thần.
Vẫn biết khi một thói quen đã trở thành tục lệ, nhất là nhuốm màu tôn giáo thì không thể dùng biện pháp hành chính mà cấm đoán được. Song một dân tộc đã có trên ba thập kỷ đổi mới, phát triển, thì việc đổi mới những tập quán lạc hậu trong đó có tệ mê tín dị đoan cần phải được đặc biệt quan tâm. Vì mê tín dị đoan đem lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho dân tộc, ví như người dân bị lung lạc niềm tin, thiếu tinh thần nghị lực vượt khó, năng lực tự giải quyết thấp, tư duy phong bế, trì trệ, bảo thủ lạc hậu. Đó thực sự là rào cản rất lớn trong công cuộc đổi mới nhằm nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí.
Nguyễn Tiến Quang