Vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành những quy định của pháp luật về du lịch

Qua kết quả 02 năm triển khai Luật Du lịch số 09/2017/QH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Du lịch phát sinh nhiều vấn đề trong thực tiễn đối với công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh du lịch tại địa phương, cu thể:

1. Đối với lĩnh vực quản lý cơ sở lưu trú du lịch:

– Chưa có quy định về công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào sử dụng vào các điều kiện kinh doanh lưu trú theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 49 Luật Du lịch nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch;

– Tiêu chuẩn tối thiểu về nhân sự đối với các loại hình cơ sở lưu trú du lịch và yêu cầu nhân viên phục vụ ở các bộ phận trực tiếp phục vụ khách phải qua tập huấn nghiệp vụ liên quan để góp phần nâng cao nhận thức cũng như yêu cầu các chủ doanh nghiệp kinh doanh lưu trú du lịch quan tâm đến công tác đào tạo, tuyển dụng nhân sự.

– Chưa có Quy định hướng dẫn phương thức quản lý, vận hành, khai thác căn hộ du lịch thuộc tòa nhà cao tầng đa chức năng; Hướng dẫn về việc quản lý căn hộ chung cư có được sử dụng kinh doanh khách sạn hay không; hoạt động nhà khác, nhà nghỉ thuộc các bộ, ngành Trung ương đóng tại địa phương thực hiện việc đón khách du lịch nghiêm túc thực hiện các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Du lịch. Cần sớm ban hành cơ chế, quy định thống nhất công tác quản lý, vận hành căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel), nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê… (Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ).

– Hướng dẫn về chế độ sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất đối với các loại hình bất động sản du lịch: căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel)…(Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ) chưa được rõ ràng, cụ thể 

– Triển khai thực hiện điều kiện về an toàn thực phẩm tại các cơ sở lưu trú du lịch để có cơ sở hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh lưu trú du lịch theo quy định của Luật Du lịch.

– Công tác thẩm định với các cơ sở lưu trú du lịch nộp hồ sơ thẩm định hạng sao nhưng tại thời điểm thẩm định thực tế không đạt hạng sao theo quy định, trong văn bản thông báo kết quả thẩm định của Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch kính đề nghị bổ sung nội dung yêu cầu doanh nghiệp không được quảng cáo mạo nhận hạng sao khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước công nhận hạng theo quy định.

– Tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có điều chỉnh lại loại hạng biệt thự du lịch trong TCVN phù hợp với Luật Du lịch năm 2017 và xem xét, tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành thủ tục hành chính công nhận nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê.

2. Đối với lĩnh vực quản lý Lữ hành

Quy định tại Khoản 9, Điều 3 của Luật Du lịch quy định Kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch. Trên thực tế hiện nay, các doanh nghiệp sau khi được TCDL cấp Giấy phép kinh doanh Lữ hành quốc tế thì hoạt động kinh doanh một số lĩnh vực như: Bán phòng cho khách du lịch online; Dịch vụ cho thuê xe; Bán vé dịch vụ tham quan; thực hiện thủ tục Visa,… nhưng không tham gia đón, phục vụ khách du lịch theo chương trình du lịch. Như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này có cần phải có Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế hay không?

Bên cạnh đó, theo thông tư 26/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014 của Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch về chế độ báo cáo thống kê thì chỉ có doanh nghiệp lữ hành và vận chuyển khách du lịch; còn các trường hợp bán phòng khách sạn, bán vé dịch vụ tham quan không biết phải thực hiện việc báo cáo như thế nào, có thực hiện báo cáo hay không?

Theo quy định tại Điểm h, Khoản 1, Điều 37 Luật Du lịch quy định về nghĩa vụ doanh nghiệp lữ hành thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, kế toán, lưu giữ hồ sơ theo quy định của pháp luật nhưng lại không quy định rõ thành phần hồ sơ để thực hiện lưu trữ, hình thức lưu trữ bằng văn bản hay trên bằng máy tính…vấn đề này gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, xử lý theo quy định của Luật Du lịch. Đặc biệt là làm cơ sở xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm d, khoản 7, Điều 7 Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21/5/2019 (mức xử phạt từ 20-30 triệu).

Về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa:

– Đề xuất xem xét chấp nhận chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa. Vì theo Điều 30 Khoản 3 của Luật Du lịch “doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa…” nhưng chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế lại không được chấp nhận trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa gây bức xúc đối với doanh nghiệp.

– Về trình độ nghiệp vụ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành: Thực tế có rất nhiều sinh viên đã tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, có đào tạo về chuyên ngành du lịch, lữ hành nhưng tên ngành ghi trên văn bằng (Du lịch học; Quản trị kinh doanh Lữ hành và Hướng dẫn du lịch; Văn hóa du lịch; Việt Nam học; Quản trị kinh doanh du lịch; Kinh tế du lịch…) có sai lệch so với Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị lữ hành; Điều hành tour du lịch; Marketing du lịch; Du lịch; Du lịch lữ hành; Quản lý và kinh doanh du lịch) gây bức xúc đối với doanh nghiệp, vì các doanh nghiệp phải đi học hoặc thi chứng chỉ người điều hành (nội địa hoặc quốc tế) thì mới đáp ứng được điều kiện cấp Giấy phép Lữ hành.

Điều kiện kinh doanh Khu, điểm du lịch:

– Theo quy định taị điểm a, khoản 2, Điều 27 Luật Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc tổ chức quản lý khu du lịch nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch cấp tỉnh đến cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi có khu du lịch. Tuy nhiên, trường hợp cá nhân quản lý khu du lịch nộp hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch cấp tỉnh vẫn chưa được quy định tại khu du lịch.

– Tại khoản 2, Điều 29 Luật Du lịch 2017 quy định: Chính phủ quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh. Tuy nhiên đến nay, Chính phủ vẫn chưa ban hành Quy định quản lý mô hình quản lý khu du lịch quốc gia để địa phương làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh nhằm thống nhất chủ trương, chính sách, mô hình quản lý từ trung ương đến địa phương.

– Hợp đồng Lữ hành Theo quy định tại khoản 3, Điều 39 Luật Du lịch, hợp đồng lữ hành phải có các nội dung sau đây: Mô tả rõ ràng, số lượng, chất lượng, giá dịch vụ, thời gian, cách thức cung cấp dịch vụ trong chương trình du lịch; Giá hợp đồng và phương thức thanh toán; Điều khoản loại trừ trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng; – Điều kiện và trách nhiệm tài chính liên quan đến việc thay đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng; Điều khoản về bảo hiểm cho khách du lịch.

Tuy nhiên, qua kiểm tra một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vu lữ hành, hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và đối tác là hợp đồng nguyên tắc có đầy đủ các nội dung theo quy định trên. Thời hạn hợp đồng từ 6 tháng, 1 năm hoặc 2 năm…Như vậy, hợp đồng này có được xem là phù hợp với các hợp đồng trong chương trình tour mà các doanh nghiệp tham gia đón khách hay không.

Căn cứ Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19/6/2017; Khoản 2, Điều 13 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch: “Văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công nhận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội”. Theo hướng dẫn của Tổng cục Du lịch tại công văn số 1552/TCDL-LH ngày 02/11/2018 thông báo ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo về các tổ chức nước ngoài, cơ sở giáo dục hoặc trung tâm tại Việt Nam được ủy quyền tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ và website chính thức của các Tổ chức cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, Tổng cục Du lịch chưa hướng dẫn cụ thể việc công nhận chứng chỉ ngoại ngữ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp. Hiện nay, Cục Quản lý chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thực hiện công nhận các văn bằng: Bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ và Bằng tiến sĩ, không công nhận chứng chỉ ngoại ngữ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp. Do đó, Sở Du lịch Khánh Hòa gặp khó khăn trong công tác xác minh một số chứng chỉ ngoại ngữ do cơ sở nước ngoài cấp, địa điểm thi ở nước ngoài (bắt buộc phải có tài khoản, mật khẩu đăng nhập mới kiểm tra được kết quả thi, cụ thể như chứng chỉ tiếng Nhật JLPT). 2.7. Khó khăn trong quá trình tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính: Tại Khoản 1, Điều 60 Luật Du lịch quy định về hồ sơ đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, nội địa phải có Bản sao chứng thực các văn bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn. Đối với các trường hợp bị mất Bằng tốt nghiệp, khi về Trường chỉ được cấp lại Giấy xác nhận quá trình học tập và tốt nghiệp tại Trường vì không còn phôi Bằng cũ. Vì vậy, không đúng thành phần hồ sơ để được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.Tại Khoản 2, Điều 62 Luật du lịch quy định về thành phần hồ sơ cấp đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch phải có thẻ hướng dẫn viên du lịch đã được cấp. Trên thực tế nhiều trường hợp hướng dẫn viên bị mất thẻ chỉ cung cấp được bản photo thẻ hoặc giấy xác nhận của địa phương về trường hợp mất thẻ nhưng không đúng thành phần hồ sơ theo quy định.

Về kinh doanh các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch:

– Tại Điều 8 Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch khi có một hoặc một số hoạt động: + Bay dù lượn, khinh khí cầu; nhảy dù; đu dây mạo hiểm hành trình trên cao + Đi xe đạp, mô tô, ô tô địa hình trên núi, trên đồi cát; đi trên dây; leo núi, vách đá; đu dây vượt thác + Lặn dưới nước; chèo thuyền vượt ghềnh thác; đi mô tô nước; lướt ván; ca nô kéo dù bay. +Thám hiểm hang động, rừng, núi.

Tuy nhiên, theo Quyết định số 1994/QĐ-BVHTTDL ngày 05/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực thể dục, thể thao thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Sở Văn hóa và Thể thao cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thể thao đối với môn Dù lượn và Diều bay; Mô tô nước trên biển; Lặn biển thể thao giải trí; Leo núi thể thao. Hiện nay, theo quy định tại Thông tư số 4/2019/TT-BVHTTDL ngày 17/7/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có hiệu lực từ ngày 01/9/2019, ban hành Danh mục hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện, Danh mục hoạt động thể thao mạo hiểm bao gồm: Dù lượn, Diều bay, Leo núi thể thao, Lặn biển thể thao giải trí; Mô tô nước trên biển; Ô tô thể thao địa hình; Mô tô thể thao; Xe đạp thể thao.

Các sản phẩm Ô tô thể thao địa hình; Mô tô thể thao; Xe đạp thể thao chưa có quy định, hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật khác, chưa có trong danh mục thủ tục hành chính do Sở Văn hóa và Thể thao cấp phép. Đối với các hoạt động còn lại chưa xác định được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đủ điều kiện hoạt động kinh doanh gây khó khăn trong việc triển khai, hướng dẫn đến các doanh nghiệp.

– Tại Khoản 3, Điều 9 Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định biện pháp bảo đảm an toàn khi kinh doanh các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch: “Bố trí, sử dụng huấn luyện viên, kỹ thuật viên, hướng dẫn viên có chuyên môn phù hợp”. Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về chuyên môn, quy chuẩn phù hợp là như thế nào đối với huấn luyện, kỹ thuật, hướng dẫn viên cho từng sản phẩm du lịch mạo hiểm

– Quy định về Bảo hiểm du lịch mạo hiểm: Hiện nay, chưa có quy định bắt buộc tổ chức/cá nhân kinh doanh các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch phải mua bảo hiểm cho khách. Theo quy định Luật du lịch, các doanh nghiệp lữ hành có nghĩa vụ mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch, trừ trường hợp khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch; Tuy nhiên, đây chỉ là hình thức mua bảo hiểm du lịch thông thường, chỉ đền bù cho những trường hợp chung khi đi du lịch bị tai nạn, bệnh tật, thiên tai…, loại trừ những trò du lịch mạo hiểm.

3. Về công tác thanh tra, kiểm tra

Hiện nay, thực tế áp dụng Điều 39 của Luật Du lịch 2017 quy định về Hợp đồng lữ hành, hiện các doanh nghiệp lữ hành quốc tế thực hiện ký hợp đồng với các Doanh nghiệp ở nước ngoài để cung cấp một hoặt một số dịch vụ riêng lẻ như: Khách sạn, vận chuyển, nhà hàng…, không thực hiện hợp đồng trọn gói và theo đó cũng không có chương trình du lịch. Cách làm như vậy có đúng quy định không? Trường hợp nào không bắt buộc phải có “Hợp đồng lữ hành”? Trường hợp nào không bắt buộc phải có “Chương trình du lịch”? Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn cách hiểu và áp dụng thực hiện đối với một số thuật ngữ ghi tại Điều 39 của Luật Du lịch; Cụ thể là: – Khoản 1, Điều 39 quy định Hợp đồng lữ hành là sự thỏa thuận việc thực hiện chương trình du lịch giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với doanh nghiêp, khách du lịch hoặc đại diện của khách du lịch. Quy định “Doanh nghiệp” và “đại diện của khách du lịch” được hiểu như thế nào? Nếu đối tượng này là doanh nghiệp ở nước ngoài, việc chấp hành quy định về Hợp đồng lữ hành sẽ phải thực hiện như thế nào? – Quy định “Chương trình du lịch” được định nghĩa rõ trong Điều 3 của Luật Du lịch 2017. Tuy nhiên, hiện nay thực tiễn phát sinh chương trình du lịch “Free & Easy” hoặc có chương trình du lịch nhưng doanh nghiệp chỉ thực hiện một số khâu dịch vụ, còn lại (khách sạn, vé tham quan, nhà hàng…) công ty nước ngoài vào trực tiếp ký hợp đồng doanh nghiệp khác thực hiện. Hình thức như vậy có đúng quy định của pháp luật không? Cách xử lý sai phạm (nếu có) sẽ như thế nào?

Tại Mục c, Khoản 2, Điều 37 của Luật Du lịch quy định, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có quyền “Hỗ trợ khách du lịch làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, hải quan”. Hiện nay, một doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế thực hiện ký kết hợp đồng dịch vụ với các công ty du lịch ở nước ngoài thực hiện thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh. Từ việc này phát sinh các vấn đề phức tạp như: không quản lý, thậm chí là không xác định được các doanh nghiệp tổ chức dịch vụ phục vụ khách sau khi nhập cảnh, kéo theo đó là khó khăn trong đảm bảo an toàn, an ninh cho khách du lịch. Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn việc áp dụng thực hiện quy định này, nhất là việc xác định chủ thể nào (là công ty lữ hành quốc tế độc lập hay phải là công ty lữ hành quốc tế đã ký hợp đồng lữ hành) được phép hỗ trợ khách làm thủ tục nhập cảnh.

4. Lĩnh vực giải quyết các thủ tục hành chính về du lịch:

Qua rà soát, Sở Du lịch Khánh Hòa nhận thấy các quy định tại:
Điều 10 của Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý các biện pháp bảo đảm, an toàn cho khách du lịch đối với những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng sức khỏe của khách du lịch;
Điều 29 của Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định về kiểm tra, giám sát điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỷ thuật và dịch vụ của cơ sở lưu trú du lịch.

Đảm bảo các theo Quy định tại khoản 2, Điều 1 Nghị định số 92/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính quy định một thủ tục hành chính chỉ hoàn thành khi đáp ứng đầy đủ các bộ phận tạo thành cơ bản sau đây: Tên thủ tục hành chính; Trình tự thực hiện; Cách thức thực hiện; Thành phần, số lượng hồ sơ; Thời hạn giải quyết; Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính. Những đến này chưa có công bố chính thức các thủ tục nói trên theo quy định

B.T