Vùng đất Nam Định từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX –

Vùng đất Nam Định từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX

 

Trong bối cảnh rối ren, loạn lạc ấy đại diện cho tập đoàn phong kiến vùng ven biển Đông Bắc là Mạc Đăng Dung đã giành được ngôi vua, thiết lập một vương triều mới vào năm 1527. Tuy có ban hành được một số chính sách tích cực, nhưng nhà Mạc vẫn không đưa được đất nước ra khỏi tình trạng hỗn loạn.

 

TỪ THẾ KỶ XVI ĐẾN THẾ KỶ XVIII

 

Những biến động chính trị

Sau thời kỳ phát triển toàn thịnh của Nhà nước quân chủ trung ương tập quyền dưới thời Lê Thánh Tông, đến đầu thế kỷ XVI, triều Lê sơ bước vào thời kỳ suy yếu, khủng hoảng. Các ông vua Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông rồi đến Cung Hoàng đều là những người hèn yếu, lười biếng, ham mê hưởng lạc, nhưng lại tham lam, tàn bạo. Tại địa phương, những cuộc nổi dậy chống triều đình nổ ra khắp nơi.

Trong bối cảnh rối ren, loạn lạc ấy đại diện cho tập đoàn phong kiến vùng ven biển Đông Bắc là Mạc Đăng Dung đã giành được ngôi vua, thiết lập một vương triều mới vào năm 1527. Tuy có ban hành được một số chính sách tích cực, nhưng nhà Mạc vẫn không đưa được đất nước ra khỏi tình trạng hỗn loạn.

Năm 1553, Nguyễn Kim đưa Lê Duy Ninh là cháu xa đời Lê Thánh Tông lên làm vua ở đất Ai Lao, sau đưa về Thanh Hóa khôi phục nhà Lê hình thành nên cục diện mà sử gọi là Nam – Bắc triều kéo dài từ 1533 đến 1592.

Vua Lê có Nguyễn Kim sau đó là họ Trịnh phò tá chiếm giữ vùng đất từ Thanh Hóa trở vào gọi là Nam triều. Sau khi Nam triều về cơ bản đã giành được thắng lợi trước họ Mạc thì mâu thuẫn giữa hai tập đoàn Trịnh – Nguyễn trở nên gay gắt tới mức làm bùng nổ cuộc xung đột vũ trang mới, kéo dài từ 1627 đến 1672. Kết cục của cuộc chiến tranh này là sự chia cắt đất nước thành hai miền. Mãi tới năm 1786, với sự kiện quân Tây Sơn tiến công ra Bắc, ranh giới sông Linh Giang (sông Gianh) mới bị xóa bỏ, tạo tiền đề cho sự thống nhất đất nước.

Nằm trong vùng cửa sông, có vị trí chiến lược quan trọng, lại có đồng bằng trù phú, đông người nhiều của, đã từng có kho lương thực và vũ khí rất lớn ở Vị Hoàng, Nam Định đã chứng kiến rất nhiều trận chiến lớn ác liệt giữa Nam – Bắc triều, Trịnh – Tây Sơn. Các trận chiến diễn ra ở vùng đất này chủ yếu là thủy chiến.

Trong chiến thắng vang dội giải phóng đất nước của quân Tây Sơn mùa xuân năm 1789 có phần đóng góp xứng đáng của nhân dân Sơn Nam Hạ nói chung, Nam Định nói riêng thể hiện qua văn bia ở các đình, đền trong vùng và đặc biệt là lễ hội ăn Tết “Mùng cùng” tại làng Lương Kiệt.

Chuyển biến trong đời sống kinh tế – xã hội.

Trong các thế kỉ XVI – XVIII, nhân dân vùng đất Nam Định vẫn sống chủ yếu nhờ vào nông nghiệp. Trong tình hình chính trị biến động rối ren, để duy trì và bảo vệ cuộc sống của mình, người nông dân Sơn Nam phải tự mình lo mở rộng các công trình thủy lợi, bảo vệ đê điều và tăng cường khai hoang mở rộng diện tích canh tác. Một ví dụ điển hình không chỉ riêng cho Nam Định mà cho cả vùng đồng bằng ven biển Bắc Bộ là sự mở rộng phạm vi làng của xã Quần Anh huyện Hải Hậu vào các thế kỷ XVI – XVIII.

Nhờ đồng đất màu mỡ phù sa, người nông dân cần cù sáng tạo nên vùng đồng bằng Sơn Nam, trong đó có Nam Định, vào thế kỉ XVIII là nơi khá trù phú so với các nơi khác.

Về kinh tế thủ công nghiệp, nhiều nghề vốn đã có ở Nam Định từ sớm như dệt vải ở Thiên Bản, nghề làm đồ mộc ở La Xuyên, rèn Vân Tràng, nghề đóng thuyền ở Giao Thủy, nghề dệt chiếu, nghề làm gạch ngói đặc biệt là nghề làm muối ở dải bờ biển phủ Thiên Trường, Nghĩa Hưng… đến thế kỷ XVI đã có bước phát triển vượt bậc. Bên cạnh những ngành nghề truyền thống, có một số nghề mới được nhập vào. Chẳng hạn nghề đan lát tại làng Vĩnh huyện Ý Yên cuối thế kỷ XVII.

Nhìn chung, các nghề thủ công đã bắt đầu có xu hướng hình thành các làng nghề. Ngoài các làng nghề chuyên chế biến thủy, hải sản, làm mắm và nấu rượu…, vào đầu thế kỷ XVIII đã xuất hiện loại hình làng chuyên buôn bán, trong đó Báo Đáp là một điển hình. Tuy nhiên, các làng thủ công và làng buôn vẫn chưa hoàn toàn tách rời khỏi nông nghiệp.

Vào thế kỷ XVII – XVIII, ở Nam Định đã có một mạng lưới chợ khá dày đặc, nổi lên giữa một mạng lưới chợ và thị trường địa phương rộng lớn ấy là một số đô thị đang hình thành và phát triển. Ở hai xã Tức Mặc và Năng Tĩnh, thuộc huyện Mỹ Lộc đã xuất hiện và phát triển một khu thương mại đó là chợ Vị Hoàng. Tại đây cũng hình thành một số dãy phố chính như phố Vị Hoàng, phố Đông Mặc, phố chợ Kim Lũ. Phía giáp bờ sông Đào, nơi bến Đò Quan có phố Nứa, phố Hàng Thóc, phố Bến Ngự. Vào sâu, về phía tây có phố Hàng Đồng, Hàng Tiện, Hàng Sắt…Có thể nói, Vị Hoàng bước đầu trở thành một khu đô thị mà phần thị đang có xu hướng phát triển hòa nhịp với một loạt đô thị ven sông biển vào thế kỷ XVII – XVIII ở Bắc Bộ.

Chuyển biến trong đời sống văn hóa.

Theo thống kê, trong khoảng thời gian dưới triều Mạc và Lê – Trịnh, đất Nam Định đã có 26 người đỗ đại khoa (tiến sĩ trở lên). Trong đó nhiều nhất là huyện Nam Trực (11 người), tiếp đó là huyện Ý Yên (4 người) rồi đến huyện Nghĩa Hưng (3 người).

Trong số 3 vị trạng nguyên người Nam Định, có một vị đỗ đạt và làm quan dưới triều Mạc. Đó là Trạng nguyên Trần Văn Bảo (1524 – 1586). Ông quê ở làng Cổ Chử, huyện Giao Thủy (nay thuộc xã Hồng Quang huyện Nam Trực. Ông đỗ năm Canh Tuất (1550), khi 27 tuổi, được phong tước hầu, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lại, đã từng được cử đi sứ nhà Minh.

Ở vùng đất Sơn Nam nói chung, Nam Định nói riêng, trong vòng hơn hai thế kỷ, Phật giáo phát triển khá mạnh. Tín đồ đạo Phật ngày càng đông đảo, nhiều ngôi chùa cũ được tu bổ, nhiều ngôi chùa mới được xây dựng. Các ngôi chùa lớn như: chùa Keo, chùa Lương, chùa Chính… đều được trùng tu hoặc xây dựng mới vào khoảng thế kỷ XVII.

Ngoài Phật giáo, vào thời kỳ này Đạo giáo và các tín ngưỡng dân gian cũng phát triển, trong đó nổi bật nhất là tục thờ mẫu Liễu Hạnh. Phủ Giầy và tục thờ mẫu Liễu Hạnh là một nét đặc sắc trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Một trong những nét hoàn toàn mới trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân vùng đồng bằng ven biển Nam Định ở các thế kỷ XVI – XVIII là sự du nhập đạo Thiên Chúa do người châu Âu truyền bá được coi là đầu tiên ở miền Bắc nước ta.

Như vậy có thể thấy bức tranh sinh hoạt văn hóa, tư tưởng, tín ngưỡng ở vùng đất Nam Định trong các thế kỷ XVI – XVIII khá phong phú, đa chiều và cũng không kém phần phức tạp.

NỬA ĐẦU THẾ KỶ XIX (Dưới triều Nguyễn).

Tổ chức hành chính.

  Năm 1802, cuộc chiến tranh giữa nhà Tây Sơn và các thế lực tàn dư của chế độ chúa Nguyễn ở Đàng trong cơ bản kết thúc với việc Nguyễn Ánh chiếm thành Thăng Long. Một vương triều mới được thành lập – triều Nguyễn (1802 – 1945). Dưới thời Nguyễn, bộ máy hành chính không ngừng được kiện toàn từ trung ương cho đến địa phương, đặc biệt là sau những cải cách lớn dưới triều vua Minh Mệnh (1820 – 1840).

Tình hình kinh tế.

Cuối thế kỷ XVIII, với những biến động dữ dội, nền kinh tế Việt Nam bị tàn phá nghiêm trọng. Nhà Nguyễn lên cầm quyền ý thức rất rõ điều này và thông qua các chính sách được ban hành trong suốt nửa thế kỷ đã thể hiện rõ ý định nhanh chóng khôi phục và phát triển nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nền kinh tế Việt Nam dưới thời Nguyễn phát triển rất chậm chạp, rồi mau chóng đi đến chỗ sa sút, khủng hoảng.

Nhìn chung, công cuộc khai hoang, phục hoá dưới thời Nguyễn, đặc biệt là khai phá các vùng đất mới, được nhà nước rất chú ý, coi đó là một giải pháp quan trọng nhằm ổn định tình hình kinh tế – xã hội. Trong lịch sử khẩn hoang vùng đất Nam Định có hai đợt được tiến hành với quy mô lớn và đạt kết quả hơn cả: lần thứ nhất dưới thời Lê Thánh Tông cuối thế kỷ XV và lần thứ hai vào thời Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX. Đó là một thành tựu đáng ghi nhận. Thành tựu này có phần đóng góp không nhỏ của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ.

Các ngành thủ công và làng nghề truyền thống xuất hiện từ các giai đoạn lịch sử trước đây tiếp tục phát triển trong thế kỷ XIX. Ngoài những làng nghề thủ công nổi tiếng như rèn Vân Tràng, chạm gỗ La Xuyên… thì sách Đại Nam nhất thống chí chép về các làng dệt có tiếng như Vân Cát, huyện Thiên Bản (nay là huyện Vụ Bản), Tương Đông, Vũ Lao, Hành Thiện, Hà An, huyện Giao Thuỷ (nay là hai huyện Xuân Trường và Giao Thuỷ), trong đó nổi tiếng nhất là Vân Cát. Các làng như Quần Anh (nay thuộc Hải Hậu), Trà Lũ, Đại An, Thụ Ích, An Thịnh, Lạc Hải (nay thuộc hai huyện Xuân Trường và Giao Thuỷ) có nghề dệt chiếu. Làng Hào Kiệt, huyện Thiên Bản (nay là Vụ Bản) có nghề nấu rượu ngon nổi tiếng. Mắm rươi ngon có ở làng Quần Liêu, huyện Đại An (nay là huyện Nghĩa Hưng), làng Dũng Quyết, Lạc Chính, Dưỡng Hối, huyện Ý Yên, các làng Bồng Tiên, Hành Thiện, Dũng Nhuệ, Hội Khê, Trà Hải, huyện Giao Thuỷ…

Trong lĩnh vực thương nghiệp, hệ thống chợ làng mở rộng tạo thành một mạng lưới rộng khắp. Nổi tiếng nhất là chợ Vị Hoàng (thuộc xã Vị Hoàng), còn có tên là chợ Vị Xuyên thuộc tổng Đông Mặc, nay là thành phố Nam Định. Các làng chuyên nghề buôn đã xuất hiện từ hàng trăm năm trước vẫn tiếp tục duy trì ở thế kỷ XIX. Đầu thế kỷ XIX, khu vực trung tâm thành phố Nam Định ngày nay đã trở thành một nơi phố xá đông đúc, buôn bán tấp nập.

Tình hình xã hội và khởi nghĩa nông dân.

 

 

Có một thực tế lịch sử dễ nhận thấy là xã hội Nam Định dưới thời Nguyễn luôn trong tình trạng không ổn định.

Dưới thời Nguyễn, các cuộc nổi dậy chống lại triều đình diễn ra liên tục, trên khắp các địa bàn. Trên thực tế không phải tất cả các cuộc nổi dậy đều là các phong trào đấu tranh xã hội hay khởi nghĩa nông dân. Tuy nhiên, trong số đó, hoạt động bao trùm vẫn là các cuộc khởi nghĩa nông dân đích thực. Cuộc khởi nghĩa lớn nhất ở vùng Sơn Nam Hạ cũng là một trong số các phong trào nông dân tiêu biểu nhất dưới triều Nguyễn là cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành.

Cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành cũng như toàn bộ phong trào nông dân khởi nghĩa dưới thời Nguyễn trước sau đều bị đàn áp. Mặc dù thất bại, các cuộc nổi dậy, trong đó khởi nghĩa Phan Bá Vành là một trường hợp tiêu biểu, một lần nữa khẳng định tinh thần quật khởi và năng lực to lớn của nông dân Việt Nam.